Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên
Đi qua muôn kiếp vạn hình, quay cuồng trong bóng tối u minh, vượt biển mê lầm bước lên bờ giác - có lẽ người với người cũng chỉ cần mỉm cười và se sẽ trong lòng một câu kinh bình yên, nâng niu trao tặng cho nhau…
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Kinh Phật
Sớm nay, lúc lau dọn lại phòng ở, chợt ca khúc “Bình yên” từ chiếc radio bỏ túi của thầy Đại Ẩn vang lên, làm mình bâng khuâng đến lạ…
Giai điệu này của người nhạc sĩ tài hoa mang tên Quốc Bảo - tôi đã thích từ lâu, nghe đi nghe lại rất nhiều lần. Nhưng dường như trước đó nghe và thích chỉ bởi nó mang lại cảm giác bình yên, thư thái cho tâm hồn như một liều thuốc lúc cần. Còn giờ tôi giật mình nhận ra mỗi câu mỗi chữ là sự trải nghiệm và chắt lọc tinh tế mang đầy tinh thần của Như Lai.
Tôi nhớ ngay từ lúc còn ngồi trên ghế trường phổ thông, rồi vào đại học, dù chưa vướng bận nhiều nỗi toan tính của một người thực sự trưởng thành, đối diện với nhiều chiều của cuộc sống, dù tâm hồn mình và bạn bè đồng lứa vẫn còn trong veo như một giọt sương lành - mà cái ước mong, băn khoăn, muốn đi tìm bình yên đã nảy nở trong lòng.
Bước chân của hành trình “đi tìm bình yên” ấy dần rõ nét hơn khi tôi rời Học viện Báo chí & Tuyên truyền, bước vào nhịp sống nơi công sở. Tôi biết, bạn bè mình, và trăm vạn nghìn người ngoài kia cũng thế, dù tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp khác nhau - nhưng đều gặp nhau ở một mong muốn, một hành trình: tìm bình yên cho mình cho đến phút cuối cuộc đời.
Bình yên ở đâu mà phải đi tìm?
Tôi nhớ đã đọc trong kinh Hoa nghiêm một câu: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Câu kinh đó được cho là lời dạy của Đức Phật dành cho các môn đệ của mình, để mỗi người biết chủ động vận dụng các phương pháp tu tập linh hoạt mà chuyển đổi tâm thức theo hướng tích cực, tự tìm thấy bình an trước sự tác động và thay đổi của mọi thứ.
Và hẳn cũng chẳng phải vô cớ ông cha ta lại nghiệm ra rằng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”. Vạn vật xung quanh vẫn cứ chảy trôi, biến đổi, chuyển hóa theo lẽ vô thường, theo luật nhân quả của nó. Chỉ có lòng người biến động, khoác cho cuộc sống quanh mình những hình hài, sắc màu mà tâm tự khởi ra.
Tôi nhớ tới lời thầy từng dạy: “Tự do là ung dung trong ràng buộc. Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”. Phải chăng bình yên cũng thế - là sự an nghỉ của tâm ngay trong gió dập sóng cuồng?
Cũng tựa như ba bức tranh trong một buổi thiền trà thầy đã nói: Một vẽ chú hươu con đang gặm cỏ bên cạnh mẹ, một vẽ mặt hồ trong veo tĩnh lặng soi bóng rõ mây trời. Bức thứ ba vẽ cảnh một thác nước ầm ầm đổ xuống, bên trong thác nước có một mỏm đá nhô ra, trên mỏm đá có một cái cây khô, và trên cái cây khô ấy có một tổ chim, chim mẹ đang ung dung mớm mồi cho lũ chim non.
Bình yên mà mình đi có lẽ cũng là một hành trình gồm cả ba bức tranh ấy. Ở thời gian nào đó, ta đã thấy bình yên là những giây phút mình được thỏa mãn, được nâng niu, chăm sóc đầy đủ từ những người mình thương yêu. Khi không được thỏa mãn, không được chăm sóc, không được gần người thân thì mình thấy buồn bực, phiền não và thét gào mong ước bình yên.
Ở một thời gian nào đó, ta ngộ tưởng bình yên là những gì khoác lên mình một sự tĩnh lặng, không ồn ào như mặt hồ trong. Để khi những cơn sóng ngầm bất chợt cuộn lên, mình mới ngỡ ngàng, rồi đau khổ, hoang mang, và lại hối hả gọi tìm bình yên.
Chỉ đến khi có nhân duyên gặp thầy, tôi mới cảm nhận được bình yên là sự tĩnh lặng từ thẳm sâu tâm hồn và ý niệm trong mỗi người - như chim mẹ kia ung dung mớm mồi cho đàn con nơi vực thẳm thác lũ. Khi tâm rỗng lặng và sáng trong, “không sinh, không hữu, không tác, không thành” - tự đó đã là một cõi Niết-bàn cho mình nương trú, mỉm cười.
Bình yên là…
Bình yên không phải là trời yên biển lặng, mà là đi giữa sóng gió nhưng vẫn đủ trầm tĩnh sáng suốt để tìm thấy bình an. Không có sự bình an trong cuộc đời mà chỉ có sự bình an trong tâm hồn người biết sống. Tâm bình thế giới bình. Khi tâm an vui, thì bình yên cũng theo đó mà nương vươn, như những tua bám của bầu của gấc tỏa lan, trổ mầm.
Như cách nhạc sĩ Quốc Bảo thấy được lời chào từ một bông hoa, thấy vầng trăng trên cao xa đang tỏa sáng, thấy sóng dịu hiền ôm ấp bờ nâng niu... Khi yên bình, ta nhận ra những gì tồn tại với sự chân thật nhất của nó. Và khi ấy là ta đang sống thực sự, chứ không còn chỉ là sự tồn tại của thân xác.
“Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên để trăng cao
Bình yên để sóng nâng niu bờ
Bình yên không ngờ
Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên”.
Trong bình yên, tự thân ta sẽ có cái nhìn tương tức với muôn loài vạn vật quanh mình: Trong ta có vật, có người; trong vật trong người ắt đã có ta.
Trong tôi có sự tươi mát, thơm lành của một bông hoa, có những yêu thương ngọt lành như dịu hiền vầng trăng, biết vỗ về động viên, ôm ấp những thứ quanh mình bằng yêu thương như cách con sóng biết nhẹ ru khe khẽ vào bờ nâng niu…
“Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa
Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau”.
Tôi có mặt trong bố và mẹ của mình. Bố mẹ đang hiện diện trong tôi. Thầy cũng có ở trong ta khi mình là sự tiếp nối của thầy từ những trí huệ thầy đã khai ngộ, truyền trao. Rồi bạn bè tôi gặp, thân thương, và cả vạn người xa lạ ngoài kia nữa. Trong ta có họ, trong họ có mình - bởi hình hài này, trí tuệ này ngày hôm nay ta có được cũng là sự tạo tác, đắp xây của chúng sinh vạn loài.
Cứ tự nhiên như thế, ta ra đời. Cứ tự nhiên như thế, ta có mặt trong nhau. Cứ như thế ta lớn lên khôn lên cùng nhau. Và bởi như thế, nên chúng ta cần biết cách mang bình yên đến trao tặng cho nhau, cùng quên hết khó khăn chia lìa:
“Như một câu hát ứa ra từ tim
Tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên
Để quên hết khó khăn chia lìa…”.
Đi qua muôn kiếp vạn hình, quay cuồng trong bóng tối u minh, vượt biển mê lầm bước lên bờ giác - có lẽ người với người cũng chỉ cần mỉm cười và se sẽ trong lòng một câu kinh bình yên, nâng niu trao tặng cho nhau…
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
“Đây là lời thật lòng của tôi, người từng ở trong bùn lầy và đã ra khỏi bùn lầy”
Phật giáo và người trẻ 13:45 08/11/2024Người ta có thể phạm rất nhiều lỗi trong đời, nhưng ngàn vạn lần không nên phạm tội tà dâm! Cổ nhân nói: “Vạn ác, dâm đứng đầu!” Nhưng mãi đến hôm nay tôi mới nhận ra uy lực của câu nói này.
Xem thêm