Thứ ba, 28/03/2023, 22:56 PM

Lòng vị tha trong kinh doanh

Inamori Kazuo, nguyên chủ tịch của JAL (Hàng Không Quốc gia Nhật Bản) là một doanh nhân có lòng vị tha.

16BB5334-EED8-41BE-BD40-BD89889BB1E2

Inamori Kazuo là Nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ Tịch Danh dự công ty Kyoto Ceramic (Công ty Kyocera ngày nay). Năm 1984, ông thành lập công ty Daini Denden (công ty KDDI ngày nay) và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từ năm 2001 ông trở thành Cố vấn Danh dự; đồng thời ông thành lập quỹ Inamori, sáng lập giải thưởng “Kyoto” để biểu dương những người có thành tích cống hiến cho sự phát triển, tiến bộ xã hội của nhân loại. Ông còn giữ chức hiệu trưởng trường tư thục quản lý “Seiwa juku” là nơi tụ hội các doanh nhân trẻ. Nguyên chủ tịch của JAL (Hàng Không Quốc gia Nhật Bản)

 

GỐC RỄ CỦA KINH DOANH LÀ LÒNG VỊ THA

Trong thế giới kinh doanh cá lớn nuốt cá bé tôi lại hay nói về lòng vị tha, lòng nhân ái, việc nghĩ đến người khác, nên đã có những lời phàn nàn: “Ông ấy toàn nói những điều hay ho, chắc là phải có cái gì ẩn dưới những mỹ từ ấy”. Nhưng tôi hoàn toàn không có ý đồ gì để phải dùng chữ nghĩa che đậy. Tôi chỉ muốn truyền đạt trung thực niềm tin của bản thân tôi đến với mọi người. Và tôi chỉ có một tâm niệm rằng, bản thân tôi sẽ thực sự làm được những điều đó.

Nhìn lại lịch sử xã hội, chúng ta cũng thấy rõ, chủ nghĩa tư bản phương Tây được hình thành từ cơ sở xã hội của đạo Tin Lành với nền tảng đạo đức nghiêm khắc. Theo Max Weber thì những người xây dựng xã hội tư bản đã chủ trương coi trọng các nguyên tắc đạo đức nghiêm khắc, tôn trọng lao động, lợi nhuận thu được trong các hoạt động kinh tế được dùng vào việc phát triển xã hội.

Theo lẽ đó, trong hoạt động kinh tế, việc tìm kiếm lợi nhuận phải bằng các phương pháp đúng đắn được mọi người chấp nhận và mục đích cuối cùng của lợi nhuận là giúp ích cho xã hội.

Nói cách khác, tinh thần vị tha, vì xã hội, vì con người, vì công ích hơn vì tư lợi… phải trở thành quy tắc đạo đức chung.

Đối với bản thân mình thì nghiêm khắc tự rèn luyện theo các quy tắc luân lý nghiêm khắc, còn đối với người ngoài thì vị tha. Điều này phải trở thành nghĩa vụ của mỗi công dân trong xã hội. Nếu được như vậy thì nền kinh tế tư bản sẽ phát triển nhanh chóng.

Ở Nhật Bản, nhà tư tưởng giữa thời Edo là Ishida Baigan cũng có chủ trương như vậy. Đây là thời kỳ hưng thịnh của tư bản thương nghiệp ở Nhật. Nhưng tập quán xã hội lúc đó lại coi thường các hoạt động buôn bán, coi hoạt động thương nghiệp là thấp kém và tầng lớp thương nhân bị đặt ở nấc thang thấp nhất trong xã hội.

Trong bối cảnh đó, Ishida Baigan đã khích lệ tầng lớp thương nhân – khi phần lớn họ bị xã hội dè bỉu – bằng tư tưởng: Việc buôn bán kiếm lời là hành vi chính đáng cũng giống như việc các võ sĩ tầng lớp Samurai hưởng bổng lộc.

Ông thuyết giảng quan điểm đạo đức trong thương nghiệp: Việc theo đuổi lợi nhuận không phải là việc xấu, không phải là tội ác. Nhưng phương thức tìm kiếm lợi nhuận phải là phương thức phù hợp với đạo làm người, không cho phép tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách.

Đồng thời, ông còn đưa ra quan điểm “lợi người, lợi mình”: “Một thương nhân chân chính là người luôn nghĩ đến việc mình có lợi và bạn hàng cũng phải có lợi”.

MỖI ĐÊM HÃY TỰ HỎI: ĐỘNG CƠ CỦA MÌNH TRONG VIỆC NÀY LÀ GÌ?

Lòng vị tha – trở thành động lực vượt qua khó khăn, dẫn đến thành công. Tôi đã trải nghiệm điều này khi tham gia vào lĩnh vực thông tin – viễn thông.

Thị trường thông tin – viễn thông hiện nay do một số công ty chia nhau đảm trách. Nhưng cho tới giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, công ty Denden Kosha của Nhà nước vẫn độc quyền kinh doanh lĩnh vực này. Để xóa bỏ độc quyền, nguyên lý cạnh tranh lành mạnh được đưa vào, việc tự do hóa ngành thông tin – viễn thông được quyết định nhằm hạ giá cước dịch vụ – vốn khá đắt so với mặt bằng giá cước trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, công ty điện tín – điện thoại Nhà nước Denden Kosha được cổ phần hóa và trở thành NTT ngày nay. Đồng thời, Nhà nước cũng cho phép các công ty khác được tham gia vào thị trường thông tin – viễn thông, nhưng lúc ấy chẳng có công ty nào dám tham gia vì sợ phải đối đầu với người khổng lồ vốn độc chiếm lĩnh vực này từ trước đến giờ.

Nếu cứ giữ nguyên tình trạng thì việc tự do hóa thị trường viễn thông cũng chỉ là hình thức, nguyên lý cạnh tranh lành mạnh không được áp dụng và người dân vẫn không được hưởng lợi ích từ việc giảm giá cước.

Không ai dám làm thì mình làm. Ý nghĩ đó xâm chiếm đầu óc tôi. Và tôi nghĩ Kyocera – từng vươn mình đứng dậy từ việc kinh doanh mạo hiểm – sẽ đương đầu với thử thách đó

Trở thành đối thủ của NTT chẳng khác nào tiến hành cuộc chiến không cân sức giữa chú kiến nhỏ bé và con voi khổng lồ. Hơn nữa, thông tin – viễn thông lại là lĩnh vực tôi hoàn toàn xa lạ, khác hẳn với lĩnh vực tôi đang làm. Nhưng nếu không hành động mà chỉ khoanh tay chờ đợi thì cái lợi đối với mọi người dân – giá cước giảm nhờ cạnh tranh – chẳng khác nào cái bánh vẽ.

Chỉ còn cách là đương đầu chấp nhận làm Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió.

Tuy vậy, tôi không đăng ký ngay, bởi vì khi đó, tôi tự nghiêm túc cật vấn: Mình có tư lợi gì trong việc này không?

Hằng đêm, tôi thao thức trước khi ngủ, lặp đi lặp lại việc tự hỏi tự trả lời: Mình có thực sự vì lợi ích của người dân không? Có xem lợi ích riêng của công ty và của mình trong việc này không? Hay chỉ là mình muốn chơi trội, muốn được lưu danh? Có điểm nào mờ ám, không trong sáng trong động cơ làm việc này không?

Nói cách khác, tôi tự cật vấn suốt: “Động cơ của mình có được thật sự hướng thiện không? Mình có thật sự không tư lợi không?”

Sáu tháng sau, khi đã biết chắc tuyệt nhiên không có một ý tưởng bất chính nào, tôi mới quyết định thành lập công ty DDI (hiện nay là KDDI).

Ngoài chúng tôi ra còn có hai công ty khác cũng đăng ký tham gia. Bị đánh giá bất lợi nhất lại là công ty DDI của tôi. Mà cũng phải thôi. Vì chúng tôi không một chút kinh nghiệm và kỹ năng nào về thông tin – viễn thông. Hệ thống hạ tầng như đường cáp thông tin, cột anten… cũng bắt đầu từ con số 0. Không những thế, chúng tôi còn gặp bất lợi nữa là mạng lưới cửa hàng đại lý cũng không nốt.

SẴN SÀNG CHỊU THIỆT NẾU ĐIỀU ĐÓ LÀ VÌ CON NGƯỜI, VÌ XÃ HỘI

Nhưng bất chấp tình thế phức tạp khó khăn, kể từ lúc khai trương, DDI luôn đạt doanh số cao nhất và liên tục dẫn đầu trong số các công ty tham gia lĩnh vực này.

Vào thời đó cũng như bây giờ, người ta cứ hỏi tôi vì sao tôi làm được như vậy. Tôi chỉ có một câu trả lời duy nhất: Đó là do động cơ trong sáng, không mảy may tư lợi, một lòng một dạ vì lợi ích của người dân.

Mỗi khi có dịp, tôi lại kêu gọi nhân viên: “Vì người dân, hãy làm sao để giá cước điện thoại đường dài rẻ hơn”; “Cuộc đời chỉ có một lần, hãy sống sao cho có ý nghĩa”; “Hiện nay, chúng ta đang được trao cơ hội to lớn trăm năm chỉ có một lần. Chúng ta hãy bày tỏ lòng cảm tạ và tận dụng cơ hội đó”.

Vì thế, toàn thể cán bộ và nhân viên DDI đều đồng lòng: Vì lợi ích của người dân, không vì lợi ích của riêng công ty mình, hăng say làm việc với ước mong thành công trong lĩnh vực mới. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của các đại lý, và trên cơ sở đó có được đông đảo khách hàng.

Một thời gian sau, kể từ khi DDI đi vào hoạt động, tôi đã tạo điều kiện để toàn thể nhân viên công ty mua được cổ phần theo giá ưu đãi. Khi DDI tiếp tục phát triển và đến một lúc nào đó sẽ tham gia vào thị trường chứng khoán, với những cổ phần ưu đãi này, tôi đã đền đáp sự nỗ lực quên mình của nhân viên và thể hiện lòng cảm kích của tôi đối với họ.

Mặt khác, là người sáng lập, tôi nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất nhưng trên thực tế, tôi lại không có một cổ phần nào cả. Bởi vì tôi nghĩ, dứt khoát không được tư lợi khi quyết định thành lập DDI. Nếu như lúc đó tôi có trong tay dù chỉ một cổ phần thì cũng đã không thể bác bỏ được những lời chỉ trích: Ông ta cũng chỉ vì tiền thôi, chứ có vì lợi ích của người dân như ông ta nói đâu. Chưa kể sự phát triển sau này của DDI chắc chắn sẽ bị chệch hướng.

Khi bước vào lĩnh vực điện thoại di động, tôi đã trải qua kinh nghiệm tương tự.

Ngay từ lúc thành lập DDI, tôi đã tin tưởng về triển vọng to lớn của thị trường điện thoại di động. Việc phổ cập điện thoại di động sẽ mang lại lợi ích lớn lao trong cuộc sống của con người. Nhưng khi tôi tham gia vào thị trường này thì cũng lại phát sinh một vấn đề phức tạp.

Ngoài DDI, còn có một công ty nữa đăng ký. Trong khi Bộ Bưu chính ra quy chế: vì liên quan tới số lượng sóng nên Bộ quy định mỗi khu vực thị trường chỉ chấp thuận cho một công ty mới tham gia được phép kinh doanh, ngoại trừ NTT. Quy định này cũng đồng thời với việc DDI và công ty kia phải chia sẻ thị trường.

Cả hai công ty đều muốn giành thị trường thủ đô và khu vực vành đai vì doanh số tại đây chắc chắn sẽ lớn do mật độ dân số cao. Việc thương lượng căng thẳng không bên nào chịu bên nào. Cuối cùng, tôi đưa ra phương án rút thăm. Công ty nào rút trúng thì được hưởng. Nhưng đề xuất này lúc đó đã bị Bộ Bưu chính từ chối, vì không thể dùng cách bốc thăm để quyết định một vấn đề quan trọng như vậy.

Nhưng nếu cứ tiếp tục giằng co thì không giải quyết được vấn đề. Nếu không có bên nào chịu nhường thì e rằng công cuộc phát triển thông tin điện thoại di động sẽ không thể bắt đầu ở Nhật Bản.

Nghĩ vậy, tôi quyết định nhường cho đối thủ phần thị trường màu mỡ nhất: Vành đai Thái Bình Dương, bao gồm thủ đô Tokyo và các thành phố lớn của Nhật Bản. Chúng tôi nhận phần xương xẩu còn lại.

Tại buổi họp Hội đồng Quản trị, mọi thành viên đều ngao ngán trước quyết định của tôi chấp nhận điều kiện bất lợi cho công ty.

“Phần ngon ăn thì biếu cho đối phương. Phần khó nhằn thì giành về mình. Thật chẳng hiểu ra làm sao.”

Tôi đưa ra lập luận: Có câu ngạn ngữ “Tưởng thiệt hóa ra là lợi, tưởng thua hóa ra là thắng” và thuyết phục mọi người chấp nhận quyết định đồng lòng xắn tay áo vào làm việc biến khó khăn thành thuận lợi. Cuối cùng thì hệ thống điện thoại di động cũng bắt đầu được triển khai.

Và thật không ngờ, doanh số của chúng tôi ngày một tăng, làm đảo lộn mọi dự đoán. Và các bạn cũng biết, hiện nay sản phẩm điện thoại di động au của chúng tôi cùng docomo NTT đang tranh chấp quyết liệt ngôi vị đầu bảng.

Thành công của DDI và au là kết quả của tư duy vị tha, vì xã hội, vì con người, cộng thêm sự giúp đỡ của Trời Phật. Nó minh chứng rõ ràng: Sẽ thành công nếu động cơ của chúng ta trong sáng.

Tôi nghĩ vậy.

HÃY CỐNG HIẾN CHO XÃ HỘI

Triết lý kinh doanh của Kyocera là “Mang lại lợi ích cho toàn thể cán bộ công nhân viên trên cả hai mặt vật chất và tinh thần, đồng thời cống hiến cho sự tiến bộ của xã hội”.

Mục đích kinh doanh của công ty dĩ nhiên là đem lại cuộc sống cho những người làm việc tại công ty, nhưng nếu chỉ có vậy thì việc kinh doanh mới chỉ dừng lại ở sự ích kỷ, tức là chỉ tính toán đến lợi ích của mình. Là một tổ chức hoạt động vì lợi ích công cộng, công ty phải có nghĩa vụ đóng góp cho sự phát triển của xã hội, sự phát triển của nhân loại.

Kyocera đã thực hiện được cả công đoạn sau trong triết lý kinh doanh của mình: Chính “công đoạn sau” đã thể hiện triết lý kinh doanh: Từ chỗ kinh doanh vì lợi ích cục bộ chuyển sang việc kinh doanh với tinh thần vị tha.

Tôi đã lưu tâm đến phương thức kinh doanh này ngay từ khi công ty mới được thành lập. Mấy năm sau, lúc mà nền móng của công ty đã vững chắc, sau khi trao tiền thưởng cuối năm đến tận tay từng nhân viên, tôi đã đề xuất là mỗi người nên trích ra một phần tiền thưởng lập quỹ từ thiện, đóng góp cho xã hội. Đồng thời, công ty cũng trích ra một khoản tương đương với sự đóng góp của toàn thể cán bộ công nhân viên, gộp chung lại thành quỹ dành cho người nghèo trong dịp Tết.

Mọi người đều tán thành, ai cũng đóng góp một phần tiền thưởng vào quỹ.

Quỹ này là bước đầu tiên của sự nghiệp từ thiện mà Kyocera thực hiện. Tinh thần đó vẫn tồn tại đến tận ngày nay.

Có thể nói, ngay từ buổi đầu thành lập, công ty Kyocera đã “thực tế hóa” tinh thần vị tha: Sử dụng một phần kết quả lao động, được kết tinh từ mồ hôi nước mắt của mình để dành cho người khác, dành cho xã hội.

Bản thân tôi cũng vậy. Xuất phát từ tâm niệm “Hành vi cao quý nhất của con người là những hành động vì xã hội, vì loài người”, tôi đã lập ra giải thưởng Kyoto vào năm 1985. Tôi trích 200 tỷ Yên từ nguồn cổ phiếu và tiền mặt tôi có, thành lập Quỹ Inamori và bắt đầu bằng việc lựa chọn và trao giải thưởng cho các nhà khoa học đạt được thành tựu nghiên cứu xuất sắc, các cá nhân có những cống hiến to lớn cho xã hội trên lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ tiên tiến, khoa học cơ bản, văn hóa – nghệ thuật.

Hiện nay, trong các giải thưởng quốc tế trên thế giới thì giải thưởng Kyoto do tôi đề xướng là giải thưởng được đánh giá cao không kém giải Nobel.

Tài sản của tôi tăng lên đến không ngờ – kết quả của quá trình phát triển công ty Kyocera – có được là nhờ công sức và sự chi viện của biết bao người. Vì thế, tôi tự nhủ: Mình không được phép giữ riêng tài sản đó. Tài sản có được từ xã hội hoặc tạm giữ cho xã hội hoặc phải được trả lại cho xã hội. Chính trên tinh thần ấy, tôi lập ra Quỹ Inamori và giải thưởng Kyoto.

Như vậy, giải thưởng Kyoto là sự đền đáp cho xã hội đồng thời cũng là thể hiện thực tế tinh thần vị tha – triết học và nhân sinh quan của tôi.

Cũng từ sự đánh giá của quốc tế về hoạt động từ thiện, đóng góp cho xã hội của tôi, năm 2003 tôi đã được nhận “Giải thưởng lòng bác ái Andrew Carnegie2” do Hiệp hội Carnegie trao tặng. Những người nhận được giải thưởng này trong quá khứ đều là các nhà từ thiện nổi tiếng thế giới như Bill Gates, George Soros, Ted Turner. Tôi vô cùng vinh dự vì là người đầu tiên ở Nhật Bản nhận được giải thưởng này.

Dưới đây, tôi xin được trích một đoạn trong bài phát biểu của tôi tại buổi lễ trao giải.

“Suốt cuộc đời tôi, cho đến nay, tôi chỉ biết làm việc. Tôi đã lập ra hai công ty Kyocera và KDDI. Thật may mắn, cả hai công ty đều phát triển hơn những gì tôi dự đoán và tôi đã có được tài sản to lớn đến không ngờ. Nhưng, tôi đồng cảm sâu sắc với lời di chúc của ông Andrew Carnegie: “Tài sản cá nhân phải được sử dụng vì lợi ích xã hội”. Bản thân tôi cũng suy nghĩ như vậy từ trước: “Của cải trời cho phải được sử dụng vì sự phát triển của cộng đồng, vì sự phát triển của con người”. Và tự tay tôi thực hiện các hoạt động từ thiện vì mục tiêu xã hội.

Tôi đã từng nói: Phải có “đạo tâm” khi tạo ra tài sản thì cũng phải có “đạo tâm” khi phân phát tài sản”. Và tôi cho rằng, việc sử dụng đồng tiền còn khó khăn hơn việc kiếm tiền. Đồng tiền có được nhờ những nỗ lực cùng với lòng vị tha thì cũng phải sử dụng nó trên tinh thần vị tha.

Theo phương châm đó, tôi đã và đang cống hiến cho xã hội, dù ít ỏi, bằng việc phân phát đúng đắn tài sản riêng của mình.”

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hãy thử nhìn “vết thương” của mình như một người thầy

Sống an vui 17:51 23/12/2024

Mỗi vết thương đều có một bài học, nếu bạn chịu mở lòng để đón nhận. Hãy tự hỏi: “Điều này dạy mình điều gì về bản thân, về cuộc đời, hoặc về cách mình yêu thương người khác?”

Làm sao thực tập ngồi trong im lặng?

Sống an vui 13:00 23/12/2024

Tôi bận việc từ sáng đến tối, không có cơ hội ngồi yên một mình? Làm sao mà tôi có cơ hội thực tập ngồi trong im lặng?

Uống nước đậu đen rang thường xuyên có tốt?

Sống an vui 10:19 23/12/2024

Nước đậu đen rang là thức uống được nhiều người yêu thích, vậy uống nước đậu đen rang thường xuyên có ảnh hưởng gì không?

Cách ngủ của Thần y Hoa Đà dành cho người phải thức khuya làm việc mà vẫn khỏe

Sống an vui 08:27 23/12/2024

Thức khuya là chuyện rất bình thường trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhưng thường xuyên ngủ trễ sẽ ảnh hưởng rất xấu đến cơ thể. Tuy nhiên, bạn sẽ không cần phải lo lắng về điều này nếu biết bí quyết ngủ của Thần y Hoa Đà.

Xem thêm