Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 01/06/2018, 11:46 AM

Mình sẽ làm gì có lợi cho đời?

Tối ngày 13/04/Mậu Tuất (27/05/2018), TT.Thích Chân Quang, Viện chủ Thiền tôn Phật Quang đã có thời pháp thoại ngắn dành cho 1600 em sinh viên đến từ các trường đại học, cùng hơn 1000 chúng thanh niên phật tử Phật Quang 3 miền tham gia công quả phục vụ trong dịp Đại lễ Phật Đản PL.2562 - DL.2018.

Mở đầu, Thượng tọa khẳng định, các em là niềm yêu thương của Thượng tọa, và cũng là niềm hi vọng của quý thầy, quý sư cô ở đây. Khi về chùa rồi các em có tình thân ái, có niềm vui với nhau, tuy nhiên yêu cầu của đạo lý thì cao hơn nhiều lắm. Đạo lý yêu cầu chúng ta không chỉ có tình thân, mà còn phải có lòng từ bi chan rải sâu sắc thật sự. Ai tu hành rồi cũng phải đạt được một tình thương rất đầm ấm, rất đậm sâu như thế.
 
Thượng tọa đặt vấn đề, thỉnh thoảng xem tin tức thấy những người ốm đau bệnh tật, cô độc, đói khổ, chúng ta thấy rất bùi ngùi thương xót, nhưng tại sao trên đời có những người quá nghèo khổ, quá cô đơn như vậy? Bởi vì họ thiếu phước. Và muốn thay đổi số phận của ai đó không phải là cho họ miếng ăn để sống lay lất qua ngày, bởi vì có cho bao nhiêu họ vẫn chưa hết tội, cái phước vẫn còn thiếu. Bản chất của người nghèo là thiếu phước. Cho nên chúng ta phải hướng dẫn, tạo điều kiện cho họ làm phước, giúp họ tự nâng cái phước của mình lên. 

Và:
“Trông người rồi ngẫm lại ta
Biết đâu chỗ đó là xa hay gần”

Thấy người khác như vậy, chúng ta cũng phải nhìn lại chính mình. Bởi cái tình cảnh, tai nạn, cái lỗi lầm của người khác ngày nào đó cũng sẽ là của mình, nếu ta không chuẩn bị, không cảnh giác, không tu dưỡng trước. 

Chúng ta chưa nói đến tu hành tâm linh cao siêu, chỉ nói đến cái căn bản của con người là phước. Việc tu tập thiền định, tìm về giác ngộ - đó là tầm rất cao mà những người có phước rồi thì tự nhiên tâm họ sẽ nhận thức, sẽ có lý tưởng về điều đó. Còn căn bản vẫn là nâng cái phước của mình từng ngày cho dày lên, để thoát cái cảnh khi đã trưởng thành, đã có trách nhiệm với người thân rồi mà không có phước, không làm ra tiền, đó là cái khổ tâm nhất. Vì vậy, trí tuệ căn bản của con người vẫn là làm sao tạo ra được phước cho chính mình.
 
Thượng tọa thường nói với những sinh viên về chùa công quả một câu vui vui nhưng thấm thía rằng: Về chùa rồi các em được quyền ăn nhiều hơn làm, được sống thoải mái, vì chùa là nhà. Nhưng khi bước chân ra cổng chùa rồi lập tức phải làm nhiều hơn ăn. Bởi cuộc đời bên ngoài khắc nghiệt, so đo tính toán từng chút, người ta phải xem mình làm được gì cho họ rồi mới cho mình lại thứ gì đó. Ví dụ, nếu xuất hiện trong một công ty mà mình không mang lại cái lợi cho công ty thì sẽ lập tức bị sa thải.  

Chỉ có một nơi để ta trở về mà không ai tính lỗ lãi với mình, đó là gia đình. Tuy nhiên cũng không phải luôn luôn như vậy. Như vừa rồi có trường hợp cha mẹ đã kiện đứa con ra tòa vì đứa con không chịu lao động đóng góp vào kinh tế gia đình. Trên thế giới người ta cay nghiệt đến như vậy. 

Hoặc khi yêu ai, người ta cũng tính xem người kia có lợi cho mình không. Có những cuộc tình đã tan vỡ vì một người đã tìm được người mới, có lợi hơn cho họ. Cho nên, mặc dù tình cảm đến từ duyên nghiệp của đời trước, tuy nhiên cái hơn thua vẫn là bản chất của con người. Vì vậy nếu ai không mang được lợi ích cho cuộc đời, người đó sẽ bị cuộc đời đào thải. Đó là quy luật khắc nghiệt của nhân quả, và cũng là của tính thực lợi thực dụng của con người. 

Như thế, hễ xuất hiện trên cuộc đời này, lúc nào trong đầu chúng ta cũng có ý niệm phải làm gì đó có ích cho cuộc đời, bởi vì hai lý do: Thứ nhất là để cuộc đời đừng hắt hủi, đừng đào thải mình. Đây là ý đối phó. Thứ hai là để nâng cái phước của mình lên, để mình xuất hiện đàng hoàng, đĩnh đạc giữa thế gian này. Ý này thuộc về đạo đức.
 
Mà người tu cũng như vậy. Nhiều thầy tu có tư tưởng ẩn cư, bỏ qua trách nhiệm giáo hóa chúng sinh, cứ lặng lẽ sống qua ngày. Cuối cùng, khi phước hết rồi, cuộc đời cũng lặng lẽ gạt người đó qua một bên. Người đó dần rơi vào cảnh đói khổ, không ai quan tâm, không ai cúng dường, chỉ còn biết gạt nước mắt trong cô đơn. 

Hiểu được điều đó, chúng ta càng phải có bổn phận nâng cái phước của mình lên, để sự tồn tại của mình giữa cuộc đời này là sự tồn tại có giá trị, chứ không trở thành gánh nặng, thành sự khinh bỉ cho mọi người. 

Và để nâng phước lên thì hãy luôn tự vấn rằng: Mình sẽ làm gì có lợi cho đời? Ví dụ khi đi làm cũng đừng chăm chăm đi tìm đồng lương, mà hãy xem mình đóng góp được gì cho xã hội. Tư tưởng đó nâng ta trở thành người có giá trị giữa đời. Chứ đừng bao giờ định nghĩa giá trị của mình dựa vào đồng lương cao thấp. 

Từng ngày, từng giờ, từng cơ hội nhỏ; bất cứ việc gì có thể làm lợi cho mọi người, hay dù chỉ cho một người, mình cũng không từ chối. Nếu chúng ta kiên trì không bỏ qua những việc phước rất nhỏ thì trời Phật sẽ cho mình thêm cơ hội làm những cái phước lớn hơn dần, cho rất nhiều người.

Lúc nào cũng tự vấn xem mình đã làm gì có lợi cho đời - ý nghĩ đó chỉ có trong những người trí tuệ và đạo đức. Mà có “trí tuệ” và “đạo đức” thì được gọi là người có “lý tưởng sống”. Vì sao vậy, bởi vì không đạo đức thì không thể có lý tưởng mang lại giá trị nào đó rất lớn, rất thiêng liêng cho đời. Và không trí tuệ thì cũng không nhìn đến được những mục tiêu rất lâu xa, rất lớn lao, rất lý tưởng.
 
Cho nên trong việc nâng cái phước của mình lên, thì mãi mãi chúng ta phải ghi nhớ câu thần chú: “Mình sẽ làm gì có lợi cho đời?”. Ai bị câu hỏi này thôi thúc, đó là người có trí tuệ, có đạo đức, có lý tưởng sống. 

Sự dẫn dắt, phân tích khéo léo, hợp lý của Thượng tọa thật sự đã lay động, thuyết phục các em. Các em bắt đầu tin hiểu nhân quả, đã ý thức tự nâng cái phước của mình lên, mà bắt đầu từ những ngày công quả phục vụ tận tụy tại chùa như thế này. 

Qua bài pháp thoại này, các em hiểu được rằng: Chính phước mới là đôi cánh đưa mình bay cao, vượt qua mọi bão giông, thác ghềnh, mọi nghịch cảnh cay đắng, nâng mình trở thành một con người có giá trị giữa đời. Người ta rơi vào khổ cảnh vì thiếu phước, và được an lạc hạnh phúc vì phước đã đủ. Cái nhìn sâu sắc của đạo Phật soi sáng tận gốc rễ của mọi vấn đề là vậy. 

Tuệ Đăng

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm