Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 31/08/2023, 07:37 AM

Mọi người thiền để được bình yên hạnh phúc

Chúng tôi hướng dẫn niệm Bồ tát Quán Thế Âm cũng y như niệm Phật Cầu vãng sanh, nhưng khác ở chỗ niệm Bồ tát để cầu cứu độ chúng sinh ngay nơi cõi đời này.

Phương pháp này thể hiện tình người trong cuộc sống, lòng yêu thương nhân loại để cùng nhau dìu dắt mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời, giúp cho nhiều người còn chìm đắm trong biển khổ sông mê thực tâm tỉnh giác, quay về nguồn cội của chính mình, tức tin tâm mình là Phật. Phật đã dạy trong bầu vũ trụ bao la này gồm có ba cõi sáu đường luân hồi, sống chết. Trong sáu nẻo luân hồi có ba đường trên là trời, A tu la, người; ba đường dưới là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật ở cõi người dưới cội cây Bồ đề tại đất nước Ấn Độ, trong Kinh Người còn thọ ký về sau khi thế giới Ta bà không còn ai biết Phật pháp thì đức Phật Di Lặc sẽ ra đời, cũng nơi cõi người, dưới cội cây Long Hoa.

Tại sao Phật không ra đời ở các cõi khác như cõi trời chẳng hạn? Vì người trời có quá nhiều phước báo nên tất cả đều hưởng lạc thú đầy đủ, không bị khổ não, bức bách nên rất khó tu. Thường con người khi khổ quá mới chịu tu, cụ thể như những người quá giàu có ở thế gian này, nếu có tu họ cũng chỉ làm phước, đóng góp nhiều cho xã hội mà thôi. Người A tu la cũng có phước báo hơn người, tương đương với cõi trời nhưng vì tâm sân hận quá mãnh liệt nên lúc nào cũng gây chiến với người trời, do đó cũng không tu được. Ba đường dưới cõi địa ngục quá khổ, súc sinh thì si mê, quỷ đói thì khát máu, sống theo nghiệp báo nên không đủ nhận thức sáng suốt để tu. Chỉ có cõi người mới tu được nhờ có suy nghĩ, nhận thức, biết suy xét, quán chiếu, tìm tòi, nếu đi theo chiều hướng thượng thì lợi ích cho người và vật; ngược lại, nếu ác thì cùng hung cực ác không có loài nào bằng. Chính vì lẽ đó nên loài người có đủ điều kiện tu hành vì có buồn vui lẫn lộn với các sự khổ như sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, yêu thương xa lìakhổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không như ý khổ, thân này thịnh hay suy đều khổ. Chính những cái khổ này làm cho con người có ý thức tu tâm sửa tánh, nếu không biết tu lại càng khổ nhiều hơn.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Người Phật tử tại gia do bộn bề công việc nên dính mắc vào gia đình, cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc bị áp lực ngoài xã hội nên phải biết ứng dụng Thiền trong mọi hoàn cảnh thì họa may mới có chút phần an lạc trong cuộc sống, nếu không sẽ chịu nhiều phiền muộn khổ đau. Thiền chỉ là bước đầu để cột tâm con khỉ ý thức của chính mình, xưa nay chúng ta quen chạy rong ruỗi đầu này đầu kia, muốn cho tâm an định thì phải chú tâm vào câu niệm Quán Thế Âm Bồ tát, chú tâm vào mọi oai nghi đi-đứng-nằm-ngồi, nhờ vậy mới từ từ đánh bật những vọng niệm lăng xăng khác. Thiền Chỉ lâu ngày thuần thục thì phát sinh định tĩnh, nhưng trụ vào đây mãi sẽ trở thành si định vì không có trí tuệ nên không đủ sức hóa giải phiềnvnão tham-sân-si. Do đó ta phải chuyển qua Thiền Quán để thấy rõ thực chất thân tâm và hoàn cảnh. Nhờ xem xét, quán chiếu, ta thấy thân này không thật có, do bốn chất đất-nước-gió-lửa hợp thành bởi tinh cha, huyết mẹ cùng với thần thức một chúng sinh. Nếu thân này thiệt thì trước sau như một không biến chuyển, đổi thay, bởi nó giả nên phải già-bệnh-chết. Rồi hằng ngày ta phải vay mượn các thức ăn uống để nuôi thân, mượn vô rồi phải trả ra, cứ như thế hết vay mượn lại trả ra, cho đến khi nào không còn vay mượn nữa thì mạng sống chấm dứt. Nhưng chết không phải là hết, chết chỉ là thay hình đổi dạng, nếutrong đời này ta không biết tu tâm sửa tánh để sống có nhân cách đạo đức và giúp đỡ người khác thì mình khó có cơ hội làm người trở lại khi mất thân này.

Chính vì vậy, ai biết tu Thiền sẽ sống một đời bình yên, hạnh phúc trong hiện tại và mai sau. Ai không biết tu Thiền khi phước hết họa đến sẽ trả quả xấu ác, lúc này dù có ăn năn hối hận cũng đã muộn. Phật dạy “giống như con rùa mù 100 năm mới trồi lên trong biển cả, để tìm được bọng cây chui vào rất khó”. Cũng vậy, nếu ngay trong hiện đời ta không biết gieo trồng phước báo thì khó có cơ hội được làm người trở lại. Người tại gia phải cố gắng gia công Thiền định trong bốn oai nghi cho đến khi nào tâm dứt hết các tạp niệm phải quấy, hơn thua, buồn thương, giận ghét mà lặng lẽ, thanh tịnh mới thật là an nhiên, tự tại. Có nhiều người nhất là độ tuổi học sinh, sinh viên nói “tu cái gì cũng bỏ hết” thành ra ngu ngốc, không biết gì hay sao? Thật ra không phải vậy, người tu bỏ những niệm lăng xăng tạp loạn để tập trung vào một việc thì sáng thêm chớ làm sao ngu được. Khi làm việc cũng vậy, nếu buông hết chuyện tạp, tập trung, chú tâm vào công việc thì kết quả sẽ tốt hơn. Khi ta càng buông lại càng nhớ, nhớ một cách tự nhiên, trong sáng nên mọi việc hiện ra rất rõ ràng, phân minh. Chúng ta thử nghiệm xét lại xem khi nào mình rối mà việc này, việc kia cứ dồn dập đến thì mình quên trước, quên sau, không có đầu đuôi gì hết. Khi ấy chúng ta chỉ cần ngồi Thiền, tập trung lại một chút sẽ nhớ rõ ràng trở lại, chính vì vậy nhiều người mới tập tu Thiền. Nhiều người nói không nhớ gì hết nhưng sao đến lúc ngồi Thiền lại nhớ nghĩ đủ chuyện trên đời. Lúc chưa Thiền ta không có thời gian định tâm nên việc này việc kia chồng chéo lên nhau nên mình không nhớ, khi ngồi Thiền tâm an tịnh nên ta nhớ biết rõ ràng đủ thứ chuyện. Xưa nay ta lãng quên không biết ứng dụng Thiền vào cuộc sống nên thấy khó tu, giờ đã tu nên khi ngồi lại thấy rõ ràng từng vọng niệm thương ghét phát sinh nhưng không dính mắc theo, chỉ nhìn chúng rõ ràng thì tự động chúng lặng xuống, ta khỏi cần phải xua đuổi hay đối trị gì hết.

Ngày xưa khi Đức Phật ngồi Thiền dưới cội bồ-đề và chứng được Túc Mạng Minh, Ngài nhớ lại vô sốkiếp trước đã làm gì, ở đâu như nhớ chuyện ngày hôm qua. Khi buông hết các tạp niệm lăng xăng ta tưởng như quên hết mọi việc nhưng trái lại càng Thiền càng nhớ rõ nhưng tâm không dính mắc, việc gì cần nhớ thì nhớ, không cần thì thôi. Hiểu như vậy ta mới thấy tâm mình là kho chứa đựng các thứ buồn thương, giận ghét, tốt xấu, phải quấy, hơn thua. Những thứ cần biết thì ta không biết, những thứ không cần biết ta lại tìm tòi để dính mắc vào đó nên sinh ra phiền muộn, khổ đau. Tóm lại, chúng ta nên nhớ việc gì đáng lo thì mình lo, việc gì không đáng lo thì đừng bận tâm đến. Người khéo tu Thiền trong mọi hoàn cảnh lúc nào cũng nhớ quay lại chính mình, nhận ra và sống được với Phật tính sáng suốt; ngoài ratất cả đều là vô thường hư ảo nên không cần chú tâm đến làm gì, như thế các tạp niệm lăng xăng từ từ không có chỗ bám víu sẽ tan hòa vào hư không. Đến đây thì,

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Đây là bài kệ của vua Trần Nhân Tông khi còn làm Thái Thượng Hoàng. Ở giữa cuộc đời này mà ta luôn sống làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân và còn đóng góp lợi ích cho xã hội. Sống và làm việc như vậy mà không bị dính nhiễm bụi trần nên thân tâm an ổn, nhẹ nhàng. Người đã thể nhậpchân lý không còn lo toan, bận bịu một thứ gì. Việc gì cần làm thì làm, làm trong vui vẻ, an nhiên; cho nên đói thì ăn mà không thèm khát, khi mệt thì đi ngủ một giấc ngon lành như Lục tổ nói, “duỗi thẳng hai chân ngủ”. Ngay nơi thân này mình đã sống với ông Phật của chính mình nên đâu cần tìm cầu, tìm kiếm nơi khác, khỏi phải lăng xăng chạy tìm Phật pháp ở phương nào. Ý nghĩa câu kệ cuối cùng rất quan trọng, khi làm việc, tiếp xúc, đối duyên chạm cảnh thì tâm hằng biết mà không tính toán so đo, do đó bình an, tự tạinên không cần phải hỏi tới Thiền. Tâm không vướng mắc với trần cảnh, thấy tức là biết mà không dính vào hình ảnh sự vật, như vậy không phải Thiền là gì? Còn đi tìm kiếm, còn hỏi Thiền là dư rồi, tới đó trong nhà đã có báu nên thôi tìm kiếm, đối cảnh đã vô tâm nên không phải hỏi Thiền.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Như vậy, quyền cao chức trọng, địa vị danh vọng, nhà lầu xe hơi, tiền bạc dư dã, vợ đẹp con xinh, những thứ này người thế gian ai cũng ước ao mong muốn; nhưng vị vua Thiền sư Trần Nhân Tông tuy có đầy đủ mà dám bỏ hết để lên núi tu hành và thành tựu đạo pháp. Gương sáng của Phật hoàng Trần Nhân Tônglà ông vua thiền sư đã biết áp dụng Thiền khi làm Thái thượng hoàng, đã truyền mãi đến bây giờ hơn 700 năm, chúng ta may mắn là người dân đất Việt nên được thừa hưởng trực tiếp tinh ba của ngài nhờ biết Thiền trong cuộc sống. Vua Trần Nhân Tông đã biết áp dụng “Thiền” trong cuộc sống, nên khi xuất gia lên núi Yên Tử tu hành chỉ trong thời gian ngắn đã sáng đạo. Thiền sư xuống núi khuyên dạy mọi người giữ năm giới, tu mười điều thiện và phá bỏ những tập tục mê tín có tính cách làm tổn hại nhân loại. Nhờ vậy Phật giáo đời Trần là một nét son vàng chiếu sáng khắp toàn thể nhân gian nước Việt, phát triển tinh thầnlàm chủ bản thân nhờ biết “thiền” trong gia đình và cuộc sống.

Chỉ cần mọi người chúng ta noi theo gương hạnh của người xưa qua sự hướng dẫn của chư Tăng ni trong thời hiện tại. Chúng ta có đầy đủ lòng kính trọng Tam bảo và tin tâm mình là Phật mà cố gắng kiên trì, bền bỉ, dù không thành tựu trọn vẹn trong kiếp này, ta vẫn là người tốt trong hiện tại và mai sau vì đã ta có chất Thiền trong người. Cứ như thế, ta sẽ hành Bồ tát đạo dưới nhiều hình thức khi thì làm thủ tướng, nữ hoàng, người nam, người nữ để tuỳ duyên hoá độ chúng sinh theo tinh thần của Bồ tát Quán Thế Âm đang đi vào đời để cùng chia vui sớt khổ. Muốn được thành tựu viên mãn ta phải dùng cây cung Thiền định và lưỡi kiếm trí tuệ để quét sạch mọi ma mị trong tâm, cho đến khi nào thanh tịnh, sáng suốt, lặng lẽ mà hằng chiếu soi muôn sự vật. Cảnh là cảnh, vật là vật, ta là ta cùng hoà hợp nhịp nhàng với nhau bằng tình người trong cuộc sống với trái tim yêu thương và hiểu biết. Mỗi hành giả tu Thiền nên lấy bài kệ của Thiền sư Huyền Giác để nghiệm xét chính mình:

Tỉnh tỉnh lặng lặng phải,

Vô ký lặng lặng sai,

Lặng lặng tỉnh tỉnh phải,

Loạn tưởng tỉnh tỉnh sai.

“Tỉnh tỉnh lặng lặng phải” là sao? “Tỉnh tỉnh” có nghĩa là chúng ta thường biết rõ ràng, “lặng lặng” có nghĩa là không vọng niệm lăng xăng, cho nên “tỉnh tỉnh lặng lặng” là thành tựu viên mãn. Phật đã sống được như vậy trọn vẹn nên không có gì làm cho Ngài dao động, suốt 49 năm giáo hóa bị người mắng chửi, vu oan giá họa bằng mọi thủ đoạn nhưng Phật vẫn an nhiên, tự tại mà chứng minh sự trong sáng của mình. “Vô ký lặng lặng sai” là sao? Ở đây ý nói người tu Thiền nhờ chú tâm vào một chỗ nên tâm an định nhưng không có trí tuệ, do đó rơi vào hôn trầm, không biết gì. “Lặng lặng tỉnh tỉnh phải” cũng giống như đã nói, còn “loạn tưởng tỉnh tỉnh sai” ý nói chúng ta sử dụng Thiền quán nhiều mà phát sinh trí tuệ, nhưng có trí tuệ mà cứ nhớ hoài Thiện pháp, không buông xả được nên khi đó chúng là vọng niệm lăng xăng, tức loạn tưởng. Chỉ có “tỉnh tỉnh lặng lặng” là đúng, coi như thành tựu Phật đạo mà bình thản, an nhiên, tự tại. Chút duyên lành có được ngày hôm nay nhờ ân giáo dưỡng của Hòa Thượng tôn sư Trúc Lâm Phụng Hoàng và sự chỉ dạy trực tiếp của Hòa Thượng trụ trì Tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu. Chúng con nguyện khắc cốt khi tâm, cố gắng tu hành cho đến khi nào viên mãn mới thôi. Công ơn của thầy Tổ bao la, rộng lớn không gì có thể sánh bằng, dù thành Phật vô số kiếp cũng chưa chắc trả hết công lao này. Khi sống được với hương vị của Thiền, mỗi hành giả sẽ dần hồi gột rửa các tập khí, thói quen xấu ác cótính cách hại người hại vật, cho đến khi nào hết sạch vọng niệm thì thành tựu Phật đạo viên mãn.

Mọi người đều có tánh biết sáng suốt của mình, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, không thêm một niệm nào để phân tích sự vật tốt hay xấu, đúng hay sai; mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Cái thấy biết này nói theo tổ Huệ Khả ở Trung Hoa là “thường biết rõ ràng”, nói không thể đến. Chỗ đó thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe; như cái hay thấy nương nơi mắt thấyrõ ràng không lầm lẫn, cảnh vật có thể đổi thay trăm ngàn thứ nhưng cái hay thấy không bao giờ thay đổi. Cái hay thấy lúc nào cũng hiện tiền, mở mắt thấy sáng, nhắm mắt thấy tối. Thấy tối, thấy sáng là do sự nhắm mở của con mắt chớ không liên can gì đến cái thấy; như người có mắt sáng đi vào phòng tối thì vẫn thấy tối đen; như bóng đèn điện gắn bóng vào thì điện cháy, mở bóng ra thì điện tắt, có cháy có tắt là do bóng đèn chớ điện đâu bao giờ bị mất. Như vậy, cái hay thấy thì thường hằng, cảnh vật thì khi có khi không, thấy tức là tâm thấy, vì có thấy tức là có biết, biết tức là tâm thấy. Vậy rõ ràng mỗi người chúng ta cũng đều biết, thấy tức biết mình có Phật tánh, chỉ tại vì ta không chịu thừa nhận đó thôi.

Có chú Sa di đến tham vấn Thiền sư để tìm ra chân lý sống của chính mình. Một hôm Thiền sư gọi chú lại bảo, “ta nghe Thăng Long rất náo loạn, ngươi có biết chăng?” “Kính bạch thầy, nước con an ổn.” “Vậy ngươi do xem Kinh được hay do thưa hỏi được?” “Con chẳng do xem Kinh được, cũng chẳng do thưa hỏi được.” Thiền sư nói, “tại sao nhiều người chẳng xem Kinh, chẳng thưa hỏi mà họ chẳng được?” “Tại vì họ chẳng chịu thừa nhận đó thôi!” Thiền sư nói, “ông biết, ta cũng biết, hãy khéo gìn giữ và bảo trì!” Bây giờ chúng ta đã thấy chưa? Nếu thấy thì hãy ráng gìn giữ và bảo trì, còn nếu chưa thấy thì phải cố gắngnghiên tầm học hỏi, tu tập cho giỏi để nhận lại cái biết sáng suốt của chính mình. Nếu nhận được thì chúng ta sẽ đi thẳng đến một bầu trời trong sáng mà các thứ tối tăm khác không thể nào che lấp được. Chúng tôi lúc nào cũng thầm cầu nguyện cho tất cả mọi người đi trọn con đường sáng để chúng ta được sống yêu thương và hiểu biết, dấn thân và phục vụ, bao dung và tha thứ, độ lượng và cảm thông, lấy niềm vui của tất cả chúng sinh làm niềm vui chính mình.

Bây giờ tất cả mọi người hãy lắng lòng trong sạch để cùng chúng tôi nhận lại hòn ngọc vô giá mà ta đã lãng quên từ lâu nay. Chân thành thay! Chân thành thay! Chú Sa di đến học đạo tìm cầu chân lý chưa kịp thưa hỏi đã bị ông thầy tung ra cái bẫy để thử nghiệm người đệ tử có bị miệng lưỡi của Hòa Thượng lừa hay không. “Ta nghe Thăng Long rất náo loạn, ngươi có biết chăng?”, chú Sa di này quả đúng là người có tỉnh giác nên không bị Thiền sư lừa. “Dạ thưa thầy, nước con an ổn”. Chúng ta nghe chú Sa di trả lời như vậy có thấy lạ kỳ không? Ngày xưa kinh đô của nước Việt Nam là Thăng Long, mà đã là kinh đô thì cuộc sống nơi đây phải ồn ào, náo nhiệt, người đến người đi rất đông đúc, phồn vinh. Vậy mà chú vẫn sáng suốt trả lời, “nước con an ổn”. Chúng ta nghe có điếc tai không? Ông thầy hỏi một đường, đệ tử trả lờimột nẻo, sao kỳ lạ quá? Thiền sư mới thầm nghĩ thì ra chú đã vào đến cổng nhà Thiền, nhưng vào cổng chưa phải là xong. Thiền sư sợ đệ tử lọt vào chỗ hiểu biết rồi sinh kiến giải mà trong nhà Thiền thường gọi là Khẩu Đầu Thiền (Thiền trên miệng lưỡi), chỉ bắt chước nói lại lời của người xưa mà mình thực sự không phải chứng đạo hay tự thấy. Tới đây Thiền sư bồi thêm một câu, nếu chú Sa di ấy không phải là người chứng thiệt thì sẽ ôm câu này mà nghi vấn cả đời, “ngươi do xem Kinh được hay do thưa hỏi được?” Chú đệ tử liền nói như đinh đóng cột, “con chẳng do xem Kinh được, cũng chẳng do thưa hỏi được”. Thiền sư lúc này mới thầm khen trong lòng chú đệ tử đã vào đến nhà Thiền. Không ngờ chú Sa diquá lợi hại, câu thứ nhất chú trả lời in tuồng như loài sư tử còn ở trong hang nhưng đã biết gióng lên tiếng gióng loài sư tử, làm cho muôn loài thú khiếp sợ. Câu thứ hai chú trả lời để khẳng định mình đang sống với cái tính biết sáng suốt, thanh tịnh hằng tri, hằng giác. Nhưng để kiểm chứng đệ tử của mình đã thật sống với bản tâm chân thật hay chưa nên Thiền sư đã bồi thêm câu, “tại sao nhiều người chẳng do xem Kinh, cũng chẳng do thưa hỏi mà họ chẳng được?” Vì đã thật sống với bản tâm chân thật rồi nên chú Sa di đã xác định lại, “vì họ chẳng chịu thừa nhận đó thôi!” Tới đây Thiền sư mới xác nhận, “ông như thế, ta cũng như thế, hãy khéo gìn giữ và bảo trì!” Cho nên,

 Cái biết ai cũng có

 Ngay nơi thân mọi người

 Chỉ vì ta không nhận

 Nên đành chịu khổ đau.

 Khi mê thì Phật độ

 Khi biết thì tự độ

 Đó là lý nhiệm mầu

 Của tất cả chư Phật.

Tại vì chúng ta không chịu thừa nhận nên suốt đời sống trong đau khổ lầm mê, thôi thì chỗ này chúng tôi cũng không giúp gì được cho ai mà chính mọi hành giả phải tự nhận lấy. Nhận được thì chúng ta sẽ sống một đời thánh thiện, đạo đức, luôn vì lợi ích tha nhân, lấy niềm vui nhân loại làm niềm vui chính mình. Phật tánh sáng suốt mà chúng tôi đang nói với tất cả mọi người là “Phật tại tâm”, Phật không có trong núi rừng, chẳng phải tìm cầu bên ngoài mà ngay nơi chính mình nhận ra.

Bây giờ chúng ta hãy nghe chuyện vị vua Thiền sư Trần Thái Tông, ông Tổ của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã lên núi xin Quốc sư Trúc Lâm làm Phật. Quốc sư ân cần nắm tay vua bảo, “trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta, nếu tâm lắng lặng thường biết rõ ràng thì đó chính là tâm Phật. Bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không cần phải khổ nhọc tìm cầu bên ngoài”. Ngay nơi đây mọi hành giả tu Thiền sẽ nhận lại cái sẵn có nơi mình, cái đó rỗng rang, sáng suốt, nhiệm mầu, nói không thể đến. Trong nhà Phật có nhiều danh từ để chỉ ra cái biết sáng suốt của mình. Để nói lên sự bình đẳng của một chúng sinh Phật đã từng xác quyết, “ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Phật là danh từ chung, ai cũng có quyền sống với cái biết sáng suốt của mình nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý, hay còn gọi là “Phật tánh”. Ngày xưa Bồ tát Sĩ Đạt Ta phải bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ và quyền uy thế lực và phải mất 11 năm lao công nhọc sức mới tìm ra chân lý sống cho con người. Chúng ta bây giờ đâu cần khổ nhọc tìm cầu vì Phật đã chỉ dạy tường tận, rõ ràng, chúng ta cứ y như thế mà gìn giữ, hành trì. Giữ tròn năm giới, thường quán niệm về Phật và biết tu Thiền trong mọi hoàn cảnh thì chúng ta sẽ là bậc hiền Thánh trong hiện tại và mai sau, luôn làm lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Giữ tròn năm giới, tôn trọng, bảo vệ sự sống của muôn loài và thường xuyên tưởng nhớ Phật là một nhân cách cao đẹp, là mẫu người đạo đức xứng đáng làm bậc hiền thánh trong hiện tại và mai sau. Không giết hại là đem lại bình an cho tất cả chúng sinh, không sợ oán ghét, thù hằn vay trả, lại còn hay phóng sinhgiúp người, cứu vật là tinh thần Bồ tát trong thời hiện đại. Sở dĩ thế giới loài người lúc nào cũng xảy ra chiến tranh, binh đao, con người sống tàn nhẫn và độc ác với nhau là do nhân giết hại mà ra. Rồi thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất làm tổn hại biết bao con người và tài sản cũng từ sự phá hủymôi trường thiên nhiên.

Cho nên, để bảo vệ sự sống chung của cõi Ta Bà mọi người không nên giết hại, lại còn trải rộng lòng từ đến tất cả chúng sinh. Không gian tham, trộm cướp là đem lại sự an tâm cho con người, không sợ bị chiếm đoạt của cải, lại hay bố thí cúng dường, giúp đỡ chia sẻ khi thấy người bất hạnh. Gian tham, trộm cướp là nhân dẫn đến nghèo cùng, khốn khổ vô số kiếp, vì vậy Bồ tát cần nối vòng tay lớn để giúp đỡ chúng sinh trong cơn hoạn nạn. Không tà dâm là bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình và người, đem lại sự yên tâm cho nhân loại, không sợ bị mất mát, thiệt thòi, lại hay khuyên người chung thủy, bảo vệ hạnh phúc gia đình nên không có sự nghi ngờ, ghen tuông của vợ hoặc chồng. Không nói dối để hại người hại vật, lại hay nói lời thật để giúp người vững niềm tin trong cuộc sống. Nhân nói dối sẽ làm người mất tin tưởng nên nói người không nghe. Do vậy Bồ tát phải học hạnh lắng nghe và nói lời hòa nhã, êm dịu để đem niềm vui đến mọi người. Không uống rượu và dùng các chất độc hại như xì ke, ma túy vì nó là những thứ làm chính mình khổ đau, lại còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Nó là nhân dẫn đến bệnh hoạn, si mê, trong hiện tại và mai sau sẽ chịu quả nghèo cùng, dốt nát, tối tăm, bị bệnh tâm thần vô số kiếp. Người cư sĩ tại gia nếu gìn giữ được như vậy và thường xuyên quán tưởng về Phật, biết tu Thiền trong mọi hoàn cảnh thì sẽ là viên ngọc quý cho đời và luôn sống an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Mỗi hành giả tu Thiền hãy nên nhớ bài kệ này mà cùng nhau động viên, tự răn nhắc chính mình, tin tâm mình là Phật để chúng ta có đầy đủ niềm tin, đầy đủ dũng lực vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời để được sống yêu thương với trái tim hiểu biết bằng tình người trong cuộc sống.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Truyện ngắn: bài kinh cứu khổ

Tư liệu 11:17 09/05/2024

Cô gái trẻ quỳ bên bàn thờ Phật một hồi lâu và khóc trong cơn đau khổ cùng cực. Bỗng trên hư không vang lên câu hỏi: Tại sao con khóc? Cô gái nhìn lên đức Phật và nói:

Cả dãy phố cháy rụi chỉ trừ hai quán cơm chay

Tư liệu 16:30 08/05/2024

Sau trận hỏa hoạn, có một người phụ nữ sống gần đó đến hỏi bà chủ quán chay: Nhà bà thờ thần thánh gì mà được điều không thể nghĩ bàn này?

Chuyện ly kỳ về chú chó nghe Kinh

Tư liệu 09:45 07/05/2024

Tôi niệm Phật với nó một lúc, sau đó tôi vào nhà hỏi chú Tư về chuyện con chó. Chú bảo ba ngày nữa sẽ thịt nó để liên hoan, tôi nói sơ qua với chú về nhân quả tội phước, nhưng chú không chịu tin.

Hoài niệm Hòa thượng Thích Trí Thủ

Tư liệu 08:37 06/05/2024

Một buổi chiều xuân năm 1958, tôi lên núi Trại Thủy Nha Trang, thăm chùa Hải Đức. Tôi không vào chùa, tôi đi dạo chung quanh chùa nhìn tứ-vọng-cảnh, rồi ra sân xem những chậu hường, lấy giống từ Đà Lạt.

Xem thêm