Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Mối quan hệ giữa Hiển giáo và Mật giáo trong một số dịch phẩm của cố HT Thích Viên Thành (I)

Thực hành Mật giáo hay Hiển giáo đều có mục đích chung là xả ly khỏi luân hồi sinh tử. Trên thực tế, sự thực hành Mật giáo dựa trên Hiển giáo, hay các tư tưởng Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy. Chúng ta không nên coi Nguyên thủy, Đại thừa và Mật thừa là các thừa tách biệt nhau.

 Truy môn cảnh huấn - bản dịch của cố HT Thích Viên Thành

Năm 1992, Hòa thượng Thích Viên Thành (1951-2002) khi ấy là Thượng tọa Thích Viên Thành, do nhân duyên, được gia đình vị Đại sứ vương quốc Anh ở Ấn Độ và Bhutan mời tới viếng thăm đất nước Bhutan. Tại đây Hòa thượng đã được tham vấn, thọ nhận một số giáo pháp Mật thừa dòng Bhutan từ đức Pháp chủ Je Khenpo đời thứ 68. Nhờ quá trình tham học, nghiên cứu một số nghi quỹ Mật giáo trên nguồn Hán Tạng và đặc biệt dưới những luận giảng trực tiếp của đức Pháp chủ, Hòa thượng đã biên soạn một số nghi thức Tu Trì Mật giáo chủ yếu giành riêng cho một số tăng, ni, phật tử trong sơn môn Hương Tích.

Trong bài viết này, tác giả cố gắng trích dẫn một số nội dung trong hai bản dịch: Nghi thức Tu trì Lục độ Tara, Mật giáo, Thích Viên Thành biên soạn, Thành hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh, Phật lịch 2540 – 1996 và Du già nghi quỹ, Nguyệt Trí dịch tiếng Việt, Nam Hải Quan Âm Viện, Phật lịch 2541 – 1997, với mong muốn tìm hiểu về tư tưởng về mối quan hệ giữa Hiển giáo và Mật giáo trong hai dịch phẩm này. Nghi thức Tu Trì Lục Độ Tara và Du già Nghi quỹ rất phổ biến trong truyền thống Phật giáo Himalaya nói chung, Phật giáo Bhutan nói riêng. Đức Tara với 21 Tôn Độ Mẫu, được coi là một hóa thân của Bồ Tát Quan Âm, còn thực hành Du già là căn bản của mọi dòng tu Phật giáo Himalaya. Mật giáo dựa trên nền tảng của Phật giáo Đại thừa và Nguyên thủy.

Hòa thượng Thích Viên Thành (1951-2002)

Hòa thượng Thích Viên Thành (1951-2002)

Tổ Nguyệt Trí Kim Cương - Cố Viện chủ Hương Tích đời thứ 11 HT Thích Viên Thành

Tâm xả ly luân hồi thống khổ

Thực hành Mật giáo hay Hiển giáo đều có mục đích chung là xả ly khỏi luân hồi sinh tử. Trên thực tế, sự thực hành Mật giáo dựa trên Hiển giáo, hay các tư tưởng Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy. Chúng ta không nên coi Nguyên thủy, Đại thừa và Mật thừa là các thừa tách biệt nhau. Giáo pháp Mật thừa trên thực tế là một phương diện của Đại thừa Phật giáo. Có nhiều người cho rằng giáo pháp Mật thừa tách biệt với giáo pháp Đại thừa. Đây là một cách nhìn khá phổ biến của một số học giả và phật tử. Trên thực tế giáo pháp Đại thừa có hai phương diện Kinh thừa và Mật thừa.

Nếu chúng ta nỗ lực thực hành giáo pháp Mật thừa mà không khởi niệm với động cơ vượt thoát luân hồi khổ thì sẽ không bao giờ có thể trở thành nhân để xả ly toàn bộ luân hồi. Rất cần thiết phải có trí tuệ thấu hiểu bản chất toàn bộ dục giới, sắc giới và cả vô sắc giới đều là khổ đau. Trí tuệ hiểu biết như thế là nền tảng của mọi sự thực hành phật pháp. Nếu người thực hành nỗ lực thực hành Mật thừa mà không có Bồ đề tâm thì không bao giờ có thể tiến tới giải thoát, giác ngộ. Thậm chí có thể miên mật thiền quán, trì tụng chân ngôn, lễ lạy, thực hành ấn quyết hay bất kỳ các thực hành nào khác nhưng sẽ không thể đạt được giải thoát, giác ngộ. Về điểm này nghi thức Tu trì Lục Độ Tara viết rất rõ ràng: Trước khi thực hành nghi quỹ này, hành giả cần “Quán bốn vô lượng tâm: Biểu thị của lòng từ là tình thương, hiện diện trong mọi sinh linh. Tình thương đó như tình thương dành cho đứa con độc nhất những việc làm cho hạnh phúc và lợi ích của nó. Bi là lòng mong muốn cứu giúp người khác khỏi sự đau khổ và khỏi nhân đưa đến đau khổ. Bi là lòng mong muốn cứu độ chúng sinh đang bị thiêu đốt trong ngọn lửa lớn của khổ đau khỏi sáu nẻo luân hồi. Hỷ là niệm mong muốn cho mọi chúng sinh trong thế giới này được vào cảnh giới của Phật tính hân hoan hướng về những đức hạnh hiện diện trong cõi đời nay, những niềm vui của mọi người và năng lực tâm linh xuất hiện từ họ. Xả nhằm tạo an lạc, hạnh phúc cho mọi chúng sinh cả thiện lẫn ác, bằng cách xóa bỏ sự đối nghịch của bản ngã và lòng tham là những chướng ngại. Đó là lòng mong muốn tự mình làm điều tốt đẹp cho khắp cả chúng sinh mà không mong đến đền đáp.” (1)

Trên thực tế thực hành Mật giáo mà không khởi những ý niệm dù là nhỏ nhất để mong thoát khỏi luân hồi khổ thì pháp thực hành trên thực tế không phải là Pháp, pháp thực hành trở thành pháp bất thiện và là nhân đi tới các cõi thấp. Có nhiều luận giải về xả ly, có thể xả ly ở đời hiện tại, có truyền thống nhấn mạnh cả sự xả ly ở các đời kế tiếp nhau trong tương lai trong luân hồi. Nếu như không có tâm xả ly và từ bi tâm rộng lớn, sẽ có thể hiểu lầm pháp tu Mật thừa là chỉ chú trọng tới những lợi ích thế gian, cầu đảo, cầu tài, hay tìm thần thông như nhiều người lầm tưởng. Trang 14, nghi quỹ Tu Trì Lục Độ Tara có đoạn: “Chuyên tu pháp này có thể tránh được thiên tai, họa hoạn cho con người, cùng tất cả những tai hiểm về đất, nước, lửa, gió, không khí lại tránh được độc, đặc biệt công hiệu, không có hại được đến thân. Vì vậy rất nên tu pháp này.” (2)

Tap-chi-nghien-cuu-phat-hoc-So-thang-7.2020-Moi-lien-he-Hien-giao-va-Mat-giao-HT-Thich-Vien-Thanh-1

Tiểu sử Hòa thượng Thích Viên Thành - Sứ giả của Như Lai từ bi trí mẫn

Từ bi tâm rộng lớn

21 Lục độ Mẫu Tara, mỗi hóa thân đều có công hạnh và năng lực riêng. Nghi quỹ viết trì chú mỗi vị Lục độ có thể trừ được mỗi tai nạn khác nhau: “Cứu tai nạn Độ Mẫu Trì trừ được hết thảy tai hiểm về đất, nước, gió, lửa. Cứu địa tai Độ Mẫu trừ được địa chấn cùng núi lở, đất nứt, nhà cửa nghiêng sập. Cứu thủy nạn Độ Mẫu trừ được hết thảy tai hiểm về nước. Cứu hỏa tai Độ Mẫu trừ được hết thảy nạn lửa. Trừ phong tai Độ Mẫu trừ được tai nạn gió bão. Tăng phúc tuệ Độ Mẫu thành tựu của cải, quyền uy, trí tuệ và thần thông. Cứu thiên tai Độ Mẫu trừ được sấm sét, mưa đá, hạn hán, sóng lớn cùng hết thảy thiên tai. Cứu binh tai Độ Mẫu trừ được hết thảy đao thương, binh khí, đạn dược. Cứu ngục nạn Độ Mẫu trừ được tất cả nạn lao ngục và các hình phạt oan uổng. Tăng oai quyền Độ Mẫu giúp có oai quyền lớn, khiếm người khâm kính, như bộ thuộc không phục tùng thì làm cho phục. Lại như vợ chồng bất hòa, tu theo phép này thì làm cho thân ái, kính yêu suốt đời. Dược Vương Độ Mẫu trừ được bệnh truyền nhiễm, bệnh khổ ôn dịch. Trường thọ Độ Mẫu giúp kéo dài tuổi thọ, trừ hết thảy chết yểu mạng sống ngắn ngủi, cùng các hung tai. Bảo nguyên Độ Mẫu giúp được đầy đủ tài bảo, trừ được sự cùng khổ, cũng như sự bức bách về kinh tế…”(3)

Nếu không có tâm xả ly, từ bi tâm rộng lớn, không biết mở rộng lòng mình người thực hành và nghiên cứu có thể hiểu sai lời giáo pháp khi cho đây là pháp của thế gian. Nhưng trên thực tế, nếu chúng ta nhìn vào nỗi khổ đau của bản thân mình và nhìn rộng ra khắp thế giới, chúng ta sẽ thấy có vô số những khổ đau đang diễn ra trên thế giới ngay lúc này. Có vô số chúng sinh đang bị đau ốm hay gặp chướng ngại trong công việc kinh doanh, gia đình hay vô số khổ đau khác của cảnh giới luân hồi, chúng sinh phải chịu khổ đau từ vô thủy kiếp tới nay.

Có vô số chúng sinh tại địa ngục, ngạ quỷ, động vật, người, bán thiên, trời và chúng sinh ở cõi trung gian. Họ cũng đang phải chịu những thống khổ cùng cực từ vô thủy kiếp nhưng họ là vô lượng và phải chịu những khổ đau không cùng. Bởi vậy người thực hành pháp cần học hạnh nguyện Bồ tát, mở rộng lòng mình dần tới vô cùng để dung chứa, giúp đỡ tất thảy mọi chúng sinh. Từ bi tâm vô lượng được nuôi dưỡng và phát khởi bởi sự thiền quán về nỗi khổ của vô số chúng sinh, và đó là nhân của Bồ đề tâm. Làm lợi ích cho chúng sinh bởi chúng sinh là những viên ngọc quý, bởi vì họ giúp ta nuôi dưỡng từ bi tâm, chúng ta trở nên những viên ngọc quý cho mọi chúng sinh. Nếu quá đói khát, chúng sinh cũng khó có thể nghe và thấu hiểu giáo pháp, nếu thọ mạng ngắn ngủi, chúng sinh cũng khó có thể tích lũy công đức và trí tuệ dài lâu.

Bởi vậy, người thực hành cần tu tập và thành tựu nhanh chóng để có thể nuôi dưỡng những năng lực như chư Phật, chư Bồ tát, như đức Lục Độ Tara có thể giúp chúng sinh thoát khỏi vô số nỗi khổ luân hồi, đưa họ tới bến bờ giải thoát nhanh nhất có thể. Đó là động cơ thực hành Mật pháp. Nếu người thực hành không có năng lực quan sát và trí tuệ thiện xảo để giúp đỡ cho từng loại chúng sinh với những nỗi khổ đau riêng thì rõ ràng năng lực của chúng ta vẫn còn vô cùng hạn hẹp. Hai mươi mốt Lục Độ Mẫu với những tâm nguyện và năng lực cứu độ riêng biểu trưng cho dòng tâm từ bi rộng lớn bao chứa được nỗi khổ của vô số chúng sinh, biểu trưng cho năng lực và trí tuệ quan sát của chư Phật, chư Bồ tát hướng tới những nỗi khổ của chúng sinh ở sáu cõi.

Tap-chi-nghien-cuu-phat-hoc-So-thang-7.2020-Moi-lien-he-Hien-giao-va-Mat-giao-HT-Thich-Vien-Thanh-2

Truyện Phật bà chùa Hương thành kính dâng cố Hòa thượng Thích Viên Thành

Nghi quỹ Du già giải thích vấn đề này như sau: Chân ngôn tự quán có nghĩa “…4.Tùy theo mong cầu khác nhau của chúng sinh mà gia hộ không đồng. Tại sao như thế. Bản nguyện của chư Phật ví như thần dược còn tùy thuộc vào bệnh tình mà uống mới khỏi.

5. Với ý nghĩa từ bi. Tại sao như thế. Vì hành giả phải tu Từ bi tâm mới chứng được pháp này.

6. Hình tượng của chư Phật tùy theo tâm của chúng sinh mà ứng hiện…” (4)

Bởi vậy, ngay từ khởi đầu và trong suốt thời thiền, hành giả luôn khởi dòng tâm niệm: “Con xin giải thoát vô số chúng sinh mẹ ra khỏi bể khổ luân hồi và đưa họ tới sự giác ngộ hoàn toàn. Bởi vậy chính con phải nỗ lực tu tập để đạt tới trạng thái giống như đức Lục Độ Tara”.

Tầm quan trọng của Trí tuệ Tính Không với Mật giáo

Thực hành Mật giáo không có trí tuệ tính không thì cũng không bao giờ có thể trở thành pháp đối trị cắt đứt cội rễ của luân hồi, tận trừ vô minh si ám. Sự thực hành thiếu hiểu biết về vô ngã, bản chất như huyễn và tính không thì chỉ làm tăng trưởng vô minh và ngã mạn. Trí tuệ tính không là những nền tảng cần phải được biết, nuôi dưỡng và gìn giữ.

Bởi vì chúng sinh vô minh luôn nhìn và coi mọi thứ tồn tại như chúng đang trình hiện trước mình. Sự si mê này để lại dấu ấn trong dòng tâm và tiếp tục phóng chiếu lên các đối tượng bên ngoài. Cái tôi, hành động, các đối tượng, sắc màu, âm thanh, mùi vị, con đường, bầu trời, thức ăn, đồ uống, danh tiếng, địa vị, học thức…tất cả chúng ta nghĩ rằng chúng tồn tại thực sự. Nhưng trên thực tế chúng chỉ là sự phóng chiếu của tâm hư ngụy của chúng ta, nhưng chúng ta không có lấy một mảy may ý niệm chúng tới từ đâu. Chúng ta coi chúng là tồn tại thực sự. Trên thực tế không có gì tồn tại như vậy, sự vật và bản thân cái tôi không tồn tại như nó đang trình hiện trước ta. Vạn pháp là tính không. Giống như một giấc mơ hay sự huyễn ảo vậy. Để cắt đứt cội rễ của khổ đau, si mê và tự do khỏi bể khổ luân hồi, không có gì quan trọng hơn chứng ngộ tính không.

Nghi Thức Tu trì Lục Độ Tara viết: “Sau khi quán thấy sự Thanh Tịnh của tất cả các pháp, hành giả tham thiền về tính không của chúng. Toàn thể vũ trụ, động hay bất động, không gì khác hơn là sự thể hiện của tính không bất nhị. Khi tâm không còn mọi thứ trong tưởng, ngã pháp đều tiêu vong. Tính không nhất như này được chứng nhập bằng chân ngôn.”(5)

“Đức Tara Bản tôn thân toàn lục sắc, dung mạo hiền từ, ngồi bán già trên nhật nguyệt luân của hoa sen này có tám cánh, mầu trắng hơi hồng, chân phải để xiên, chân trái co lại, mỗi tay đều cầm một cành hoa ba lạp, đầu đội mũ bán có năm đức Phật, thân trên, áo bay lất phất như cờ hiệu, thân dưới quấn ngoài một tấm y rộng, bên trong quần hẹp. Quanh cổ đeo ba vòng châu. Vòng thứ nhất ở trên ngực, vòng thứ hai đến tim, vòng thứ ba đến rốn, vòng đeo tay, vòng cổ tay, vòng khuỷu tay, chuông nhỏ đeo cổ chân, các đồ trang sức đều trang nghiêm. Còn hai mươi tôn độ mẫu, tư thế ngồi trên tòa cùng y phục và trang sức cũng giống như Lục Độ Mẫu, chỉ khác màu sắc Bản tôn xưa gọi là Đà La Quán Tự Tại Bồ tát.”(6)

Tap-chi-nghien-cuu-phat-hoc-So-thang-7.2020-Moi-lien-he-Hien-giao-va-Mat-giao-HT-Thich-Vien-Thanh-3

Pháp tu Quan Âm, phương pháp bí truyền của Mật Tông Tây Tạng

Nếu không có tâm xả ly, Bồ đề tâm và trí tuệ tính không, sẽ không thể hiểu được bản chất sự tu tập và các sắc tướng của Lục Độ Mẫu Bản tôn. Trên thực tế, các trang hoàng của ngài biểu trưng cho từ bi tâm, Lục Độ Ba La Mật và trí tuệ. Y áo tua lụa biểu trưng cho phương tiện thiện xảo, thân sắc lục biểu trưng cho năng lực làm an bình các phiền não của chúng sinh, mũ biểu trưng cho 5 loại trí tuệ trong Phật giáo…

Không thể thực hành Mật thừa một cách chân xác nếu thiếu trí tuệ tính Không được luận giải đầy đủ trong giáo pháp Hiển giáo. Về luận điểm này, nghi quỹ Lục Độ Tu Trì Lục Độ Tara viết: “Hành giả sùng mộ quán tưởng trong tâm mình, Phật mẫu Tara, ngài xuất sinh từ chữ chủng tử TAM màu vàng, trụ trên vòng tròn mặt trăng thanh tịnh… Sau đó Phật mẫu phóng ánh sáng thắp sáng cả tam giới… rửa sạch sự đau khổ khốn cùng của tất cả chúng sinh trong đó bằng những trận mưa trân bảo và những tia sáng này chiếu đến họ ánh sáng của tính Không. Sau khi ban lợi ích cho chúng sinh trong khắp pháp giới, hành giả sùng bái quán tưởng thân tướng của Phật Mẫu Tara. Ngài đồng nhất với toàn thể vũ trụ. Thiền định xong, hành giả sùng mộ thấy toàn thể pháp giới vũ trụ tức là thân tướng của đức Phật Mẫu Tara và chứng nghiệm một cách thường trực sự đồng nhất với Phật Mẫu Tara.” (7)

Trong tất cả các nghi thức thực hành Mật thừa, khi thiền quán tự thân trong thân tướng đức Bản tôn, nếu một lần nữa người thực hành cho rằng các sắc tướng, trạng thái đó là tồn tại thực sự thì sự thực hành trở thành không đúng pháp. Trí tuệ Tính không phải được duy trì liên tục và ở trong thời điểm này, người thực hành thấy ra tính không thật có của tất cả các sắc tướng mà mình vừa thiền quán. Nếu bạn có trí tuệ về thân tướng linh thiêng và tràn đầy năng lực của đức Lục Độ Tara hiện khởi trước mình như là một đối tượng tồn tại chắc thật và mãi mãi như vậy, thì tri kiến đó trở nên sai lầm. Sắc thân của Lục Độ Tara thực tế cũng là như huyễn. Giống như một người nhận ra giấc mơ chỉ là giấc mơ mà thôi. Mặc dù nó hiện khởi và diễn ra nhưng chúng ta biết nó là không thật có. Như vậy trong thiền quán của Mật thừa cần biết định tâm vào sắc tướng của vị Bản tôn nhưng đồng thời cũng biết luôn duy trì trí tuệ Tính không. Đây là hai phương diện đồng thời trong một niệm và là nét đặc sắc của phương pháp Mật thừa. Trong khi giáo pháp Hiển giáo thì phương tiện và trí tuệ được thực hành tách biệt trong những dòng tâm riêng biệt thì ở đây phương tiện và trí tuệ cùng đồng thời hiện khởi trong một dòng tâm bất nhị, Cách thực hành này được cho là thành tựu cả hai phương diện sắc thân và pháp thân của Bản tôn, trong trường hợp nghi quỹ này là sắc thân và pháp thân của đức Lục Độ Tara.

Như vậy ba phẩm chất trên con đường thực hành: tâm xả ly luân hồi, Bồ đề tâm và trí tuệ tính không, là điều kiện cần thiết để thấu hiểu và thực hành các giáo pháp Mật thừa.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1. Nghi thức Tu trì Lục độ Tara, Mật giáo, Thích Viên Thành biên soạn, Thành hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh, Phật lịch 2540 – 1996, tr.50

2. Sđd, tr.24.

3. Sđd, tr.43.

4. Du già nghi quỹ, Nguyệt Trí dịch tiếng Việt, Nam Hải Quan Âm Viện, Phật lịch 2541 – 1997, tr.39-40.

5. Nghi thức Tu trì Lục độ Tara, Mật giáo, Thích Viên Thành biên soạn, Thành hội Phật giáo Tp.Hồ Chí Minh, Phật lịch 2540 – 1996, tr.61

6. Sđd, tr.30

7. Sđd, tr.64

Còn tiếp…

Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2020

> Xem thêm video: "Hoa sen và thuyết luân hồi của Phật giáo":

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Nghiên cứu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

"Ta bà thế giới" là gì?

Nghiên cứu 09:43 20/04/2024

Trong dân gian có cụm từ "đi ta bà thế giới", thường được hiểu là đi khắp nơi, song nhiều người không hiểu "ta bà" là gì.  

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Nghiên cứu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Nghiên cứu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Xem thêm