Mười hai loại cô hồn là những loại nào?
Hỏi: Xin cho biết đại lược về 12 loại cô hồn trong khoa nghi Chẩn tế cô hồn của Phật giáo.
Đáp:
Chẩn tế cô hồn là một biện sự khoa nghi, trong đó chư Tăng thừa oai lực Tam bảo khai thị cho các vong hồn giác ngộ Chánh pháp mà được siêu độ đồng thời ban phát cho họ đầy đủ thực phẩm, vật dụng để không còn thiếu thốn, đói lạnh. Mười hai loại cô hồn được triệu thỉnh bao hàm tất cả mọi người thuộc đủ các tầng lớp, thành phần trong xã hội.
Loại cô hồn đầu tiên là “Tiền vương hậu bá chi lưu”, những vị vua các triều đại chết do chính biến, soán chủ thay ngôi. Đang trong cảnh thái bình thì bỗng chốc chiến hạm kéo đến, binh mã dấy lên và thế là cơ nghiệp nát tan, oán hận ngút ngàn. Để cho, “Đỗ quyên kêu trót tàn canh/Máu hờn nhuộm mãi trên cành đào hoa” (Khoa chẩn tế cô hồn nghĩa, bản diễn Nôm của HT.Thích Trí Hải [1876-1950, thường gọi HT.Bích Liên], chùa Bích Liên, Bình Định).
Thứ hai là loại cô hồn “Anh hùng tướng soái chi lưu”. Những tướng lĩnh anh hùng cái thế, lừng lẫy một thời, xông pha trận mạc nhưng rồi tử trận, máu nhuộm sa trường, thây phơi đồng nội. Và ngậm ngùi, “Ngựa nhà chiến tướng vắng không/Hoa lùa cỏ nội mấy vùng buồn thiu” .
Loại cô hồn thứ ba là “Văn thần tể phụ chi lưu”. Các quan chức hành chánh huyện phủ, học hành đỗ đạt nhưng phụng mệnh phải nhậm chức xa nhà, chết nơi quê người đất khách. “Chiến chinh biển loạn sông nghiêng/Mờ mờ hồn bướm ly miền dương quan”.
Cô hồn có tính linh theo người nghe kinh

Thứ tư là loại cô hồn “Văn nhơn cử tử chi lưu”, tức hàng sĩ tử sinh viên học sinh. Dẫu học hành nhiều, đêm ngày đèn sách nhưng khi công chưa thành, danh chưa toại đã nữa chừng yểu mạng. Thương thay, “Lụa hồng bảy thước đề tên/Đất vàng một cụm lấp nền văn chương” .
Loại cô hồn thứ năm là “Truy y Thích tử chi lưu”. Một số vị Tăng sĩ, tuy ban đầu có chí xuất trần nhưng không đạt được mục đích của đời sống xuất gia. Chỉ đàm luận suông triết lý nhà Phật mà ít dụng công thực hành, không buông xả lại còn bám víu nên chẳng được siêu thoát. Họ dật dờ, quanh quẩn chốn chùa chiền “Cửa kinh trăng thảm lạnh lùng/Nhà thiền leo lét đèn chong canh dài”.
Thứ sáu là loại cô hồn “Huyền môn đạo sĩ chi lưu”. Những người luyện linh đơn, tiên đoán cát hung, thiên văn địa lý, đoán mệnh cho người mà mệnh mình mờ mịt nên khi chết vẫn bị đọa lạc. Thương cho, “Lò đơn lẫm quán lạnh sương/Tiêu đàn gió thảm thổi tàn hạnh hoa” .
Loại cô hồn thứ bảy là “Tha hương khách lữ chi lưu”. Các thương gia xuôi ngược buôn bán rồi bỏ mạng trên đường kinh thương. Biết bao bất trắc trên đường thủy, đường bộ. Để rồi, “Vía theo mây Bắc sề sề/Hồn theo ngọn nước xuôi về biển Đông”.
Thứ tám là loại cô hồn “Trận vong binh tốt chi lưu”, tức những binh sĩ tử nạn trong chiến tranh. Trong vòng binh lửa, bom đạn tơi bời, mạng người như cỏ rác, máu chảy đầu rơi, xương tan thịt nát. Chỉ còn, “Cát vàng văng vẳng tiếng ma/Mờ mờ xương trắng ai mà thấu cho”.
Loại cô hồn thứ chín là “Huyết hồ sản nạn chi lưu”. Những sản phụ và con chết trong khi vượt cạn. Sanh nở là thời khắc đau đớn và nguy hiểm, một số trường hợp gặp nạn dẫn đến tử vong. Thương cho, “Nhành hoa nở trận mưa tuôn/Đương khi trăng tỏ gặp cuồng mây xâm”.
Thứ mười là loại cô hồn “Sân ngoan bội nghịch chi lưu” tức những người bị báo chướng sanh nơi biên địa, đui điếc câm ngọng, chết vì tai nạn lao động, ghen tuông hay bị đầu độc. Bởi kiếp trước họ không tu hành, khinh khi Tam bảo, ngỗ nghịch đối với cha mẹ, tạo nhiều tội nghịch nên nay phải trả quả báo. Thương thay, “Đêm trường thăm thẳm bóng ma/Cửa mù thiu thỉu như trời thu đông”.
Loại cô hồn thứ mười một là “Quần thoa phụ nữ chi lưu”. Những cung phi mỹ nữ, hàng khuê các giai nhân, các mệnh phụ phu nhân gặp lúc thất thế lâm vào khốn cùng, chết thảm. Chạnh lòng, “Phong lưu ngày trước đâu rồi/Xương khô lạnh lẽo trên chồi cỏ cây” .
Cuối cùng thứ mười hai là loại cô hồn “Thương vong hoạnh tử chi lưu”, tức những hành khất, các tử tội, những kẻ chết do tai nạn nước, lửa, bị thú dữ ăn thịt và những người chết bất đắc kỳ tử do vô số tai nạn khác như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn giao thông v.v… Thần hồn phiêu bạt trong “Mưa chiều khói lạnh nước reo/Lá thu gió thổi dập dìu như bay”.
Tóm lại, mười hai loại cô hồn đã kể ở trên thực chất chỉ là sự phân chia mang tính khái quát, đại diện cho các thành phần xã hội. Về chi tiết, trong mỗi loại cô hồn có vô vàn cá biệt, tùy theo nghiệp dĩ của mỗi người. Nói chung, những loại cô hồn này chịu nhiều khổ đau, vất vưởng và luôn bị đói khát hành hạ. Vì vậy, với từ tâm và tuệ giác, chư Phật - Tổ chế định Khoa nghi Chẩn tế nhằm cứu độ chư âm linh cô hồn, nguyện cầu âm siêu dương thái.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Làm sao để định tâm khi tụng kinh, trì chú và niệm Phật?
Hỏi - Đáp
Vấn: Con là một Phật tử mới bước chân vào cửa Phật. Buổi tối con hay niệm Phật và tụng kinh Phổ Môn hoặc không thì trì chú đại bi. Thật sự con cũng rất cố gắng để được nhất tâm nhưng tâm con lúc nào cũng loạn động không ngừng nghĩ, đủ thứ sân si phiền não nổi lên.

Từ trong nội tâm phát nguyện làm một người tốt mới là chân sám hối
Hỏi - Đáp
Cách sám hối như thế nào vậy? Trước đây, đối với vấn đề này tôi đã từng thỉnh giáo qua với đại sư Chương Gia là phải lạy mấy bộ kinh sám hối phải không? Hay cầu xin Phật Bồ-tát tha thứ? Đại sư Chương Gia lắc đầu, nói: “Không phải như vậy!”.

Lần thứ hai Ma Vương tìm cách phá hoại Bồ Tát Sĩ Đạt Ta ra sao?
Hỏi - Đáp
Hỏi: Lần thứ hai Ma Vương đã tìm cách phá hoại Bồ Tát Sĩ Đạt Ta ra sao?

Bản kinh ngắn, dễ hiểu dành cho Phật tử tụng kinh cầu an đầu năm
Hỏi - Đáp
Hỏi: Tôi muốn tụng kinh cầu an đầu năm tại tư gia để cầu nguyện gia đạo an lành. Tuy nhiên vì không có nhiều thời gian cũng như không rành rẽ các pháp thức kinh kệ nên tôi chỉ muốn tụng đọc bình thường những bản kinh ngắn, dễ hiểu, dễ thực hành.
Xem thêm