Tản mạn chuyện địa ngục và cô hồn
Hằng năm, cứ đến tháng 7 âm lịch, người Phật tử hoan hỷ cung kính nghinh đón Mùa Vu Lan đến, còn dân gian thì thường nhớ đến mà gọi là "Tháng cô hồn".
Tháng 7 âm lịch có phải là tháng cô hồn?
Tháng 7 âm lịch ở các chùa chiền tự viện thường thiết lễ "Trai đàn chẩn tế", "Trai đàn bạt độ" để cầu siêu cho bao vong linh, bao cô hồn vất vưởng lang thang chưa được siêu thoát, hoặc những lễ đàn "xá tội vong nhân" để giải bớt hoặc xóa bỏ nghiệp báo nặng nề của những vong linh cô hồn còn đang bị đọa đày dưới cõi diêm la địa ngục chờ ngày phán xét để đầu thai vào cõi khác trong lục đạo (nếu như thành tâm sám hối tội lỗi của mình tạo nên và hứa nguyện đoạn ác tu thiện)...
Tạm giải thích là vậy để khỏi gây tranh cãi, và để nói tiếp chuyện... Cô hồn. Như ta thấy, cô hồn chết vô hình, vong linh vô ảnh, ma quỷ chập chờn trong cái tưởng của người phàm mắt thịt,chứ chẳng ai chỉ cho thấy có bao nhiêu cô hồn chết, bao nhiêu vong linh đang phảng phất đu đưa về thọ hưởng những mâm lễ cúng thí thực, những bàn những chiếu những nong nia bày biện đầy đồ ăn thức uống, hay những đồ vàng mã thiết kế đẹp đẽ đắt tiền. Không thấy ai hết, không thấy gì hết, chỉ là cầu mong ước nguyện và cảm nhận là có thôi!
Tháng Bảy tiết Vu Lan, rơi lệ nghĩ về "Thập ân phụ mẫu"
Cái thấy được trước mắt, rõ nhất, rõ rành rành là...cô hồn sống. Cô hồn sống ùn ùn kéo về, tụ tập, lao nhao nhốn nháo trước những lễ đài chẩn tế, trước những mâm lễ cúng cô hồn đặt trước cửa những công ty, quán tiệm lớn, tư gia của đại gia... để tranh giành chụp giựt, đẩy xô đấm đá nhau để hốt gom món ngon vật lạ, nhiều khi chủ sám lễ chỉ vừa mới thắp nhang chưa kịp khấn vái là họ đã xúm vô "hè", trong chớp mắt không còn thấy món lễ cúng gì nữa ngoài... cái mâm, còn chừa cái mâm cái khay lại cũng còn là... may. Ở các lễ Trai đàn chẩn tế, bạt độ, cô hồn sống còn tranh giựt nhau từng đồng tiền xu, và giằng xé lá phướn đã được chú nguyện kinh chú chia nhau miếng to miếng nhỏ để về làm bùa đeo trên người, họ thường được gọi là "quỷ phá dàn/nhà chay"! Nói đến tháng 7 âm lịch, nói đến cô hồn, chúng ta sẽ không quên nhắc về hai "tôn tượng hình tướng" thường xuất hiện vào Mùa Vu Lan, đó là ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát và ngài Mục Kiền Liên.
Hiển hiện trong cùng thời gian, một thời điểm cúng kiếng lễ bái, hình tượng sắc tướng thiêng liêng của hai bậc Đại Nguyện và Đại Hiếu này thường dễ gây nhầm lẫn, vì hai ngài đều cầm tích trượng và khoác cà sa đỏ. Để phân biệt rõ và nhanh, dễ, ta chỉ cần nhìn xem:
- Nếu có đội Mão Tỳ Lô, hay Mão Thất Phật, tay trái cầm Như Ý Bảo Châu (ngọc báu Như Ý tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm) thì là ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát.
- Tôn Giả Mục Kiền Liên không đội mão mũ, tay phải cầm tích trượng, tay trái không cầm gì, hoặc cầm bình bát (đựng cơm) khi xuống cõi diêm phù để dâng lên cho Mẹ và cứu độ bao vong linh khác đang thọ khổ. Ngài Mục Kiền Liên là một trong hai vị đệ tử đứng đầu trong hàng chúng đệ tử của Phật Thích Ca. Ngài đã đắc chứng A La Hán, cùng với sự giải thoát và giác ngộ viên mãn, phẩm hiệu là “Thần thông đệ nhất”. Ngài đi vào kho tàng cổ tích dân gian Việt Nam với truyện "Mục Liên - Thanh Đề" mà chắc ai ai cũng đều nghe biết.
Trong “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, chúng ta được biết về bốn tiền thân, với bốn đại nguyện của ngài Địa Tạng như sau:
- “Từ nay đến tận đời vị lai, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng nó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật quả!” (Tiền thân là một vị Trường Giả)
- “Tôi nguyện từ nay đến đời vị lai, những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát!” (tiền thân là một nữ nhân dòng dõi Bà La Môn)
- “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho họ đều được an vui chứng quả Bồ Ðề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật!”(tiền thân là một vị Vua từ bi thương dân yêu nước)
- “Từ nay về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục, tôi nguyện cứu vớt chúng sanh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh và ngạ quỉ... Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác!” (Tiền thân là một thiếu nữ tên Quang Mục)
Về sau này, hình tượng sắc tướng của cả hai bậc thần thông đạo hạnh cùng một "hạnh nguyện độ âm" này đều được biến hóa qua tranh-ảnh-tượng để tăng thêm sự uy nghiêm và vẻ mỹ thuật.
Hôm thiết lễ cầu siêu Chung Thất cho Mẹ tôi tại từ đường, một bào muội của tôi thỉnh về một tranh tượng mới lạ được thiết nơi bàn Địa Tạng Vương Bồ Tát để cúng thí thực.
Cha mẹ mất tụng kinh gì để cầu siêu?
Thoạt nhìn qua, tôi cứ tưởng là tranh tượng ngài Chuẩn Đề, vì có nhiều cánh tay vươn ra hai bên. Sau đó, nghe bào muội khẳng định là tranh tượng ngài Địa Tạng, vì bên dưới tranh có chạy hàng chữ "Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát" đã bị khung của tranh tượng che khuất, tôi mới dành 5 phút đứng trước bàn thờ mà chiêm bái, quan sát thật kỹ từng chi tiết, thì biết đúng thật là Bồ tát "U Minh Giáo Chủ": Tay trái chính nắm giữ Tích Trượng. Tay phải chính cầm ngọc Như Ý. Thêm 10 cánh tay chia đều hai bên. 10 cánh tay thêm chắc là tượng trưng cho 10 tùy khí của bồ tát khi đi qua 10 cửa ngục (Thập Điện Diêm La), đa số là cầm bảo châu, và đặc biệt là một cuốn sổ, có lẽ là "Sổ ghi chép Tội và Phước của vong linh cô hồn" do các vị Phán quan dâng lên "báo cáo".
Trong Đạo giáo, Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, Phán quan là một nhân vật quan trọng trong việc giúp Diêm Vương ra phán quyết linh hồn người chết. Nguồn tín ngưỡng dân khác còn kể rõ có "Tứ Đại Phán Quan" là bốn vị thuộc hạ của Tôn giả Mục-Kiền-Liên, ngài Mục Kiền Liên là phụ tá của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bốn vị phán quan có trách nhiệm nắm giữ Sổ Sinh Tử, cùng thẩm tra hồn phách người chết, chiếu ra từ Nguyệt Kính những cảnh tượng lúc còn sống của người chết, khiến họ nhận tội, tính toán thiện nghiệp và ác nghiệp của người chết...
Xưa nay, những biện sự về địa ngục, Diêm Vương, Thập Điện Diêm La... đều là mô phỏng hình ảnh quan nha và chốn tù ngục lao lung trên thế gian. Những tranh vẽ, chạm khắc trên gỗ trên đá... miêu tả cảnh phạt tội ở địa ngục tăm tối với máu chảy, đầu rơi, chão lửa trụ đồng, các hình phạt khiếp đảm ghê rợn... cốt không ngoài mục đích khuyến Thiện răn Ác, nhằm làm cho người đời thấy đó mà kiêng sợ e dè, lo mà tu tâm hướng thiện, tránh gieo điều ác dữ... Ở góc độ hoằng pháp, đó là các phương tiện của phương cách “dĩ huyễn độ chân”, mượn chuyện kỳ ảo mơ hồ để cứu giúp gia hộ, để cảm hóa nhân tâm trong đời sống thực diễn ra trước mắt.
Và, sau cùng, chúng ta nên cùng quay về với cốt tủy của chánh pháp: Đạo Phật chú trọng Độ Sinh chứ không chủ trương Độ Tử!
Ta hãy sống với kiếp người hiện tại, sống sao cho tốt, sống sao cho được an và được vui, chứ đừng mải mê lo nghĩ chết rồi hồn mình sẽ đi về đâu, trôi lăn vào cõi nào…?
Sống tốt đẹp, gieo những nhân Lành, tạo những nghiệp Thiện, tránh xa không làm những điều Ác, không phạm những tội Dữ... là ta đã đạt được An Vui hiện tiền rồi, ta được lợi lạc cho chính ta và cho mọi người, cho cộng đồng xã hội, thì còn băn khoăn chi chuyện về sau chết sẽ đi về đâu nữa?
Nam mô U Minh Giáo Chủ Bổn Tôn Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát!
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm