Năm Covid-19
Con virus này khiến cho người ta nhận ra, mình không lớn hơn một hạt bụi và không vững vàng to tát hơn một hơi thở. Chỉ một hơi thở ra rồi không thở vào nữa, là chúng ta đã lỡ mất một đời.
Những ngày này, người ta viết một đôi dòng chia sẻ về cuộc sống hàng ngày của mình và thường để ở dưới dòng chữ: “Năm Covid thứ 1”... Dòng chữ đùa vui nhưng cũng để nhắc nhớ vào khoảng thời gian này, chúng ta đã đang trải qua một biến cố lịch sử.
Khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra, bên cạnh những đổi thay và tốc độ phát triển về công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, v.v… người ta cũng phải đối mặt với việc dịch bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới do hệ lụy của toàn cầu hóa.
Chúng ta mải miết hướng đến những tòa nhà chọc trời, những công trình thế kỷ, những dự án chinh phục thiên nhiên. Chúng ta cũng bận rộn cùng những buổi họp và kế hoạch nối tiếp nhau. Chúng ta từng tin tưởng với kế hoạch chinh phục sao Hỏa, nhân bản con người…
Những người vợ dường như đã có quá nhiều lý do để lâu lắm không thong thả nấu một bữa cơm nhà cho cả gia đình quây quần ấm cúng. Những người chồng dường như cũng lâu lắm chẳng có thời gian quan sát con trẻ lớn lên. Lâu lắm, họ bận đến nỗi chẳng thể chơi cùng, ăn cùng, học cùng con cái.
Những đóng góp của GHPGVN trong phòng, chống dịch COVID-19
Vậy mà, vào năm Covid này, mọi thứ đã được định vị lại.
Khi các nước muốn thôn tính lẫn nhau, muốn bành trướng lợi ích và lãnh thổ của mình, gây hấn, chiến tranh, tranh chấp và bạo loạn xảy ra khắp mọi nơi tưởng như không thể giải quyết được thì năm Covid, mọi sự bạo động đã tạm thời được dừng lại.
Các dự án nối tiếp nhau, những mải miết theo guồng quay của cuộc sống tưởng như không cách nào dứt ra được thì vào năm Covid này, tất cả đều được nghỉ ngơi.
Và chúng ta nhận ra, nhà là nơi để trở về, quê hương là nơi an toàn, yên ấm, là nơi mình được chở che, an ổn!
Chúng ta có cơ hội để thôi lăng xăng, thôi mải miết tìm kiếm hạnh phúc và thành công ở phía bên ngoài. Nơi ấy có sự định vị vị trí của ta trong xã hội. Nơi ấy, có sự đánh giá, công nhận của các tổ chức, của các quốc gia và của những con người có vị thế, có tri thức, v.v..
Có năm Covid này, mỗi người đều đang có cơ hội để tìm kiếm sự bình an và hạnh phúc nội tại. Chúng ta có đủ thời giờ để thong thả ngồi yên. Tất cả lo toan có đủ thời giờ để lắng lại. Những giận hờn có cơ hội để được chữa lành và hòa giải.
Có một con virus nhỏ bé đã khiến cho người ta nhận ra rằng, công việc đã được ưu tiên quá nhiều. Trong khi, gia đình mới là những người luôn ở bên, luôn đồng hành, chăm lo và nâng đỡ. Những người làm cha mẹ có mặt bên các con của mình và quan sát chúng lớn lên. Trải nghiệm cuộc sống thực sự có mặt cho nhau, bên nhau ấy là những điều mà không thể nào chúng ta dùng tiền mua lại được.
Con virus này khiến cho người ta nhận ra, mình không lớn hơn một hạt bụi và không vững vàng to tát hơn một hơi thở. Chỉ một hơi thở ra rồi không thở vào nữa, là chúng ta đã lỡ mất một đời.
Cả thế giới trở về với nỗi sợ nguyên thủy nhất, đồng nghĩa với việc nhận chân được niềm ao ước nguyên thủy của mình: Đó là được sống bình an, bên nhau.
Thiên nhiên vốn sẵn có và đủ đầy. Thiên nhiên nếu thiếu con người, đất mẹ và muôn ngàn tạo vật vẫn sinh sôi tươi đẹp. Chúng ta có mặt từ Mẹ thiên nhiên. Chúng ta cũng là một trong những đứa con của Mẹ. Chúng ta đến và làm ra những công trình xây dựng, những động cơ, vũ khí, những phương tiện phục vụ cho cuộc sống tiện nghi cùng những nhu cầu không bao giờ dừng lại của mình. Chúng ta tự hào chinh phục thiên nhiên, khai thác cùng kiệt… Để rồi đến một ngày, chỉ một con virus bé nhỏ thôi buộc tất cả phải dừng lại để lắng xuống lòng tham, lắng xuống những lo nghĩ mong cầu. Con virus nhỏ bé này khiến chúng ta biết sợ.
Chúng ta chỉ là khách mời, không phải chủ nhân. Chúng ta không thể định đoạt hay chinh phục. Chúng ta phải co lại để phòng vệ một con virus nhỏ bé hơn cả một hạt bụi mà ta có thể nhìn thấy bằng mắt. Phải chăng không có gì đáng tự hào hay cao giọng? Đức Phật từng nói, thân này là tứ đại. Chúng ta không lớn hơn 1 hạt bụi. Phải chăng ta nên khiêm nhường và nhìn lại?
Thiên nhiên sẵn có dưỡng khí, sẵn cỏ cây, muông thú, sẵn gió, lửa, đất nước và nuôi ta như người mẹ. Nhưng nếu không biết yêu thương bảo vệ mẹ của mình, không biết cách chung sống hòa bình với muôn loài, chúng ta trước sau cũng sẽ bị loại thải.
Mấy hôm trước, những hàng cây hai bên đường sau mùa hoa gạo đã trổ lộc xanh ngăn ngắt đầy tươi mới. Mặc kệ con người hoang mang co cụm lại với những ám ảnh và chẳng dám lại gần nhau, những hàng cây vẫn reo trong gió. Cỏ hoa mướt mải trong mưa và rồi một chiều đầu hè, ánh nắng vẫn loang loang khắp những nẻo đường…
Dịch sẽ qua, dù có phải đánh đổi thế nào thì cũng nhất định sẽ qua. Nhưng mong là những sự đánh đổi ấy không vô nghĩa. Mỗi một mất mát, mỗi một khoảnh khắc yếu đuối và ra đi của bất kỳ ai trên thế giới này vì dịch bệnh, xin trở thành một lời nhắc nhở cho những kẻ may mắn an lành biết thương mình, thương cháu con, biết hiểu mình cần bình yên, cần mẹ thiên nhiên che chở và cần nương tựa nơi người.
Quê là để về. Nhà là để ở. Gia đình là để yêu thương và mẹ là để chăm lo, nương tựa và bản thân mình sống, là để bình an, hạnh phúc!
Có đủ thời giờ lắng lại, xin đừng để đại dịch đi qua và những mất mát trở thành vô nghĩa.
“Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim !”
(Trịnh Công Sơn)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Pháp tu soi gương
Kiến thức 15:52 05/11/2024Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Xem thêm