Năm phương pháp chế ngự phiền não
Cuộc sống bộn bề, nhiều lo toan làm cho con người cảm thấy mệt mỏi. Mệt mỏi hơn khi phải sống chung với những người, những điều… mình không ưa thích. Trong môi trường sống như vậy, người biết tu tập sẽ có cách làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Khi có người làm cho mình phiền giận, nếu biết tu tập, mình sẽ có cách diệt trừ hoặc kiềm chế cơn giận, không để cho giận dữ nổi lên và không nuôi dưỡng sự hờn giận trong lòng. Dưới đây là năm phương pháp diệt trừ phiền giận do Tôn giả Xá-lợi-phất hướng dẫn, được nói trong Trung A-hàm (kinh Thủy dụ, số 25).
Trước hết, nếu sống hay làm việc trong môi trường mà có những người có thân hành không thanh tịnh, không dễ thương; họ luôn có những hành động, những cử chỉ làm cho mình tổn thương, làm cho mình bực bội, nhưng lời nói của họ vẫn còn thanh tịnh, vẫn còn dễ thương thì mình đừng nhìn vào thân hành của người đó mà chỉ chú ý đến lời nói.
Ví như một vị Tỳ-kheo tu tập khổ hạnh, thọ trì y phấn tảo, vị ấy thấy tấm vải vất bên đường, dù dơ bẩn nhưng sau khi quán sát thấy còn lành lặn, còn dùng được thì nhặt lấy đem về giặt sạch để may y mà dùng. Với một tấm vải còn lành lặn, còn dùng được, nhưng dơ bẩn, và mình chỉ nhìn vào chỗ dơ bẩn đó thôi rồi vất đi thì thật là uổng phí và thiếu trí tuệ!
Cũng vậy, với một con người có lời nói dễ thương nhưng hành động không dễ thương, nếu mình là người biết tu tập, mình không nên chỉ nhìn vào hành động của người ấy mà hãy để ý đến lời nói dễ thương của họ, sống với những đức tính dễ thương của họ. Thực hành như vậy mình sẽ trừ được sự phiền giận.
Ngược lại, nếu một người có lời nói không thanh tịnh, không dễ thương, hay nói những lời cay nghiệt, những lời xóc xỉa, mỉa mai, thô lỗ, cộc cằn… nhưng lại có thân hành thanh tịnh, có nhiều việc làm dễ thương, hay giúp đỡ người khác… thì mình đừng nhìn vào lời nói của người đó mà chỉ chú ý đến thân hành, chú ý đến việc làm của người ấy.
Ví như, cách thôn xóm không xa, có hồ nước rất trong và mát, nhưng bị rêu cỏ phủ kín mặt hồ. Có người bị nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, bị nóng nực bức bách đi đến. Người ấy đến bên hồ, cởi áo để trên bờ rồi nhảy xuống hồ, dùng hai tay vớt rêu ra, tắm rửa thỏa thích, trừ bỏ nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi.
Cũng vậy, giả sử có người mà lời nói không dễ thương, nhưng có nhiều hành động dễ thương, nếu mình là người biết tu tập thì chớ quan tâm đến lời nói của người ấy, mà chỉ chú ý đến hành động dễ thương của người ấy thôi. Người biết tu tập như vậy sẽ diệt trừ hết phiền giận. Trong trường hợp phải sống chung với những người mà việc làm và lời nói đều không dễ thương, nhưng tâm ý còn có chút thanh tịnh, tâm ý còn dễ thương thì chớ nên nghĩ đến việc làm và lời nói không thanh tịnh mà chỉ nghĩ đến tâm còn có chút thanh tịnh của người ấy.
Kinh ghi: “Này chư Hiền, giả sử có người mà hành động của thân không dễ thương, lời nói cũng không dễ thương, nhưng tâm ý còn có chút dễ thương; nếu mình là người có trí, có tu tập, sống chung với người ấy mà sinh lòng phiền giận thì phải diệt trừ phiền giận bằng cách nào? Này chư Hiền, ví như ở ngã tư đường có vũng nước sạch trong dấu chân trâu, có người bị nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi, bị gió nóng bức bách đi đến.
Người ấy nghĩ thế này: ‘Mặc dù nước trong dấu chân trâu ở ngã tư đường này quá ít, nếu ta dùng tay hoặc lấy lá cây múc thì nước sẽ bị khuấy đục, nên không thể trừ bỏ sự nóng bức, phiền muộn, đói khát và sự mệt mỏi cho ta. Vậy ta nên quỳ mọp xuống, hai tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước’. Người ấy liền quỳ mọp xuống, hai tay và đầu gối áp sát mặt đất, dùng miệng uống nước. Nhờ vậy mà người ấy liền trừ được sự nóng bức, phiền muộn, đói khát, mệt mỏi.
Cũng vậy, này chư Hiền! Giả sử có người mà việc làm của thân không thanh tịnh, lời nói cũng không thanh tịnh, nhưng tâm ý còn có chút thanh tịnh thì chớ quan tâm đến việc làm không thanh tịnh của thân, chớ quan tâm đến lời nói không thanh tịnh của người đó, mà chỉ chú ý đến tâm ý còn có chút thanh tịnh của người đó thôi. Này chư Hiền, nếu là người trí, người biết tu tập thì nên diệt trừ phiền giận bằng cách như vậy”.
Nhưng nếu sống chung với một người mà việc làm của thân, lời nói của miệng và tâm ý của họ đều không thanh tịnh, không còn chút gì dễ thương hết thì phải làm sao? Thì phải nghĩ rằng người đó đang sống trong đau khổ, khi mạng chung nhất định bị đọa lạc vào những nơi xấu ác. Nghĩ như vậy rồi mình nên khởi lòng thương xót, khởi niệm từ mẫn với người đó chứ không nên giận hờn.
Kinh ghi: “Này chư Hiền, giả sử có người mà việc làm của thân không thanh tịnh, lời nói và tâm ý cũng không thanh tịnh; nếu mình là người có trí, là người biết tu tập thì phải diệt trừ phiền giận bằng cách nào? Này chư Hiền, như có người lữ hành đang đi trên con đường dài xa thẳm, nửa đường lại mắc bệnh, rất mệt mỏi, khốn đốn, vì xung quanh cô quạnh lại không có bạn bè, thôn xóm phía sau càng lúc càng xa, mà thôn xóm phía trước lại chưa đến.
Nếu có người đi đến và đứng bên cạnh, thấy người lữ hành này đang đi trên con đường dài xa thẳm, nửa đường lại mắc bệnh, rất mệt mỏi, khốn đốn, vì xung quanh cô quạnh lại không có không bạn bè, thôn xóm phía sau càng lúc càng xa mà thôn xóm phía trước lại chưa đến.
Người bệnh ấy nếu được người này giúp đỡ thì từ nơi đồng không mông quạnh sẽ dần dần đưa về thôn ấp, rồi cho uống thuốc hay, bồi bổ bằng đồ ăn thức uống thơm ngon và được chăm sóc kỹ lưỡng thì chắc chắn bệnh của người ấy sẽ được thuyên giảm. Đó là do vì người kia có lòng thương xót, có từ tâm với người bệnh này.
Cũng vậy, này chư Hiền, giả sử có người mà việc làm của thân không thanh tịnh, lời nói và tâm ý cũng không thanh tịnh, nếu mình là người có trí, có tu tập nhìn thấy thì nên suy nghĩ như vầy: ‘Hiền giả này việc làm không thanh tịnh, lời nói và tâm ý cũng không thanh tịnh, đừng để cho hiền giả này vì việc làm của thân không thanh tịnh, lời nói và tâm ý cũng không thanh tịnh mà sau khi chết đi bị rơi vào đường xấu, sinh vào địa ngục.
Nếu hiền giả này gặp bậc thiện tri thức, thì sẽ lìa bỏ hành động không thanh tịnh của thân, tu sửa để thân hành động thanh tịnh; từ bỏ lời nói không thanh tịnh, tu sửa để lời nói thanh tịnh; từ bỏ tâm ý không thanh tịnh, tu sửa để tâm ý trở nên thanh tịnh. Nhờ vậy, nên mọi hành động từ thân, từ lời nói và từ tâm ý của hiền giả này trở nên thanh tịnh, sau khi qua đời chắc chắn sanh đến cõi lành, cho đến sanh lên cõi trời’. Đó là do bậc thiện tri thức kia có lòng thương xót, có tâm từ với hiền giả này”.
Như vậy, trong trường hợp mình phải sống chung với những người toàn những điều bất thiện; việc làm, lời nói và tâm ý không có gì thiện lành, hoặc mình sống trong một xã hội còn nhiều bất công thối nát, nếu là người có trí, mình sẽ làm gì?
Ở đây, với tư cách là người học Phật, là người có tu tập, mình phải phát khởi tâm từ, thương xót cứu giúp những người ấy, đừng để họ phải bị chết và đọa vào ác xứ; phải thương lấy cuộc đời, phát tâmđem Chánh pháp để dựng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đườngcho những người lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể nhìn thấy, chứ không phải khởi tâm giận người, hận đời.
Còn nếu một người có thân hành, khẩu hành, ý hành thanh tịnh thì không có lý do gì để mình giận hờn người ấy. Người ấy như hồ nước đã trong lại ngọt, đáy sâu bằng phẳng… tha hồ cho mình tắm mát. Đó là bậc thiện tri thức, hãy thân cận gần gũi để được học hỏi.
Cuộc sống chắc hẳn còn nhiều điều làm cho chúng ta phiền giận, nhưng tựu trung, qua năm phương pháp diệt trừ phiền giận mà Tôn giả Xá-lợi-phất hướng dẫn được nêu trên, chúng ta rút ra bài học thiết thực ấy là hãy nhìn vào mặt tích cực của con người và xã hội. Nhân vô thập toàn, con người không ai là toàn mỹ, trong đó có mình, cho nên hãy chọn lấy những điều tốt đẹp nhất để sống với, sống cùng thì chắc chắn sẽ loại trừ được muộn phiền, có được an vui.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm