Vì sao phiền não tức bồ đề?
Câu này bàng bạc trong các kinh Ðại thừa. Phiền não là si mê bực bội đau khổ, Bồ-đề là giác ngộ yên tĩnh an vui. Hai thứ bản chất trái ngược nhau, tại sao lại nói cái này tức cái kia?
Bởi phiền não bản chất không cố định, khi biết chuyển hoặc biết xả liền thành Bồ-đề.
Cái động không ngoài cái tịnh, dừng động tức là tịnh.
Cái sáng không ngoài cái tối, hết tối tức là sáng.
Chúng ta cứ quen chạy tìm cái giác ở ngoài cái mê, tìm an vui ngoài đau khổ. Sự thật không phải thế, hết mê tức là giác, dứt khổ tức là vui.
Thiền sư Tư Nghiệp người Trung Hoa, khi chưa xuất gia làm nghề hàng thịt. Một hôm mổ heo, bỗng dưng ông thức tỉnh, bỏ nghề đi xuất gia.
Khi xuất gia, ông làm bài kệ:
"Tạc nhật dạ-xoa tâm
Kim triêu Bồ-tát diện
Bồ-tát dữ Dạ-xoa
Bất cách nhất điều tuyến."
Dịch:
"Hôm qua tâm dạ-xoa,
Ngày nay mặt Bồ-tát
Bồ-tát cùng Dạ-xoa
Không cách một sợi chỉ."
Biết dừng phiền não tức Bồ-đề, không phải nhọc nhằn tìm kiếm đâu xa. Bồ-đề đã sẵn có nơi mình, do phiền não dấy khởi phủ che nên Bồ-đề bị ẩn khuất. Một khi phiền não lắng xuống thì Bồ-đề hiện tiền. Chúng ta ôm đầy một bụng phiền não chạy tìm Bồ-đề, dù chạy cùng ngàn sông muôn núi tìm vẫn không thấy Bồ-đề.
Chỉ khéo ngồi yên lại cho phiền não lắng xuống thì Bồ-đề hiện tiền.
Như khi trời đổ mưa to, nước mưa từ hư không mưa xuống là trong sạch, song rơi đến mặt đất lôi cuốn bụi bặm bùn đất chảy xuống ao hồ, thấy toàn nước đục.
Có người cần nước trong xài, ra ao hồ nhìn thấy toàn nước đục không biết làm sao.
Gặp người thông minh bảo: nước đục tức là nước trong, anh ta ngẩn ngơ không hiểu, ông này bảo: Anh cứ gánh về đổ vào lu, lấy ít phèn quậy nhiều vòng cho nước cuồn lộn lên, rồi để yên vài tiếng đồng hồ, cặn bụi lắng xuống nước sẽ trong.
Anh chàng kia làm đúng như người thông minh dạy, kết quả anh được nước trong.
Bởi vì nước mưa nguyên là trong, do bụi đất cuốn theo và hòa tan trong nước nên trở thành đục.
Kẻ khờ thấy nước đục khác với nước trong, tưởng chừng như nước trong ngoài nước đục mà có, nên khi cần nước trong thấy nước đục là thất vọng, không biết phải tìm nước trong ở đâu.
Người trí biết nước mưa vẫn trong, do bụi đất hòa lẫn nên đục, chỉ cần lóng bụi đất trở thành nước trong.
Vì thế, khi thấy nước đục, họ vẫn quả quyết nói “nước đục tức là nước trong”.
Chữ tức ở đây để chỉ nước trong không cố định trong, do duyên hợp thành đục; nước đục không cố định đục, do duyên lóng thành trong.
Nước đục không ngoài nước trong mà có; nước trong không thể bỏ nước đục mà tìm.
Bồ-đề và phiền não cũng thế, phiền não không cố định phiền não, do duyên hợp thành phiền não, Bồ-đề không cố định Bồ-đề, do duyên lóng sạch thành Bồ-đề.
Bồ-đề không ngoài phiền não mà có, phiền não không ngoài Bồ-đề mà sanh.
Bỏ phiền não chạy tìm Bồ-đề như người lưới cá trên không, bẫy chim đáy biển, rốt cuộc chỉ phí công vô ích.
Nước đục lóng thành nước trong, trẻ con thấy mới được nước trong, người lớn biết nước trước nguyên trong, nay lóng trở lại trạng thái cũ, có gì là “được”.
Nếu trước nước vốn đục, nay lóng mấy cũng không trở thành trong.
Cũng vậy, nếu tất cả chúng sanh không có sẵn tánh giác, dù có tu hành đến đâu cũng không thể giác được.
Chư Phật, Bồ-tát trước cũng là chúng sanh, các Ngài tu hành đã giác ngộ được, tất cả chúng ta nếu biết tu hành chắc chắn sẽ giác ngộ như các Ngài.
Vì thế, chư Phật thấy rõ tất cả chúng sanh đều có tánh giác, vì vô minh phiền não che đậy trở thành mê, một khi khéo tu lóng sạch vô minh phiền não liền trở lại giác.
Từ mê sang giác, chúng sanh tưởng là mới được, nên thấy có chứng có đắc.
Chư Phật biết rõ chỉ trở lại tánh giác sẵn có, nên nói vô chứng vô đắc.
Vô chứng vô đắc không có nghĩa là không ngơ, mà không còn mê, hằng sống lại tánh giác của mình.
Cái đã sẵn có, trở lại với nó có gì thêm bớt mà nói chứng đắc.
Tuy không chứng đắc mà hằng giác chẳng mê, làm sao nói không ngơ được?
Biết trong nước đục vốn là nước trong, nước đục khéo lóng sẽ thành nước trong, đó là cái thấy của người thông minh.
Ðức Phật cũng thế, Ngài thấy tất cả chúng sanh đều sẵn có tánh giác, dù đang mê tánh giác cũng không mất, nên nói “ta thấy tất cả chúng sanh đã thành Phật”.
Lại có khi Ngài nói “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”.
Bởi chúng ta đã sẵn tánh giác, một khi thức tỉnh huân tu tánh giác sẽ hiển hiện, việc này không có gì là lạ.
Câu Phật nói trước có vẻ khó hiểu, đã thành Phật tại sao chúng sanh vẫn mê muội loạn cuồng.
Bởi vì Phật cũng là một chúng sanh như chúng ta, Ngài khéo lóng vô minh phiền não chìm lặng trở thành giác ngộ.
Nếu không có tánh giác sẵn, dù Ngài tu đến muôn a-tăng-kỳ cũng không ngộ, nói gì ba a-tăng-kỳ.
Thấy chúng sanh sẵn có tánh giác, nói “đã thành Phật” thì có lỗi gì?
Có sẵn tánh giác mà cứ quên, mải tạo nghiệp đi trong sanh tử luân hồi, càng luân hồi càng tạo nghiệp, nghiệp mê chồng chất nên thành mê muội loạn cuồng.
Một phen thức tỉnh, dừng bước luân hồi, nghiệp mê băng hoại, mới tin “ta là Phật sẽ thành”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Học Phật giản đơn
Kiến thức 08:00 22/11/2024Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Xem thêm