Năm tỉnh thức
Có một thứ luôn không thể thiếu, đặt gần đầu giường, nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh nằm ngủ là chiếc đồng hồ để bàn loại rẻ tiền.
Thăm nơi ở của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Một trong những may mắn của đời tôi là được đặt chân đến hầu hết những nơi ở của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại nhiều nước trên thế giới. Lần gần đây nhất, năm 2019, tôi đến "Cốc ngồi yên" của Thầy ở Làng Mai, Pháp.
Đó là căn nhà gỗ đơn sơ rộng chừng 30 mét vuông, nằm khép mình trong cánh rừng yên tĩnh vùng tây nam nước Pháp. Phía trước, thiên nhiên bao la rộng lớn, xa xa là những dãy núi xanh mờ.
Giống như chủ nhân của nó, "Cốc ngồi yên" giản dị đến mức thanh bần. Một chiếc giường đơn nhỏ bé. Cuối giường là chiếc móc treo mấy bộ quần áo nâu. Một bàn gỗ nhỏ, trên bày mực Tàu, bút lông - nơi Thiền sư đọc, viết sách, dịch Kinh, viết thư pháp. Một chiếc bàn thấp hơn bày biện mấy bộ đồ trà để ông thưởng trà, tiếp khách.
Trên tường gỗ là mấy giá đựng đầy sách, vài bức ảnh Thiền sư chụp chung với các học trò và thư pháp do chính tay ông viết. Tiện nghi duy nhất của thời hiện đại là chiếc bếp điện và chiếc tủ lạnh nhỏ, dùng cho một người. Các đồ vật trong nhà đều rất rẻ tiền.
Tôi luôn nhớ hình ảnh chiếc đồng hồ để bàn vô cùng giản dị và cũ kỹ. Nó hình tròn, vỏ bằng gỗ màu nâu, loại nhỏ hơn miệng bát ăn cơm. Điều đặc biệt, Thiền sư dùng đồng hồ này không chỉ để xem giờ, báo thức mà để thở. Nương vào tiếng tích - tắc đều đặn của nó để thở cho đều, cho nhẹ. Đó là lý do tại sao ông trở thành một trong những bậc thầy nổi tiếng nhất thế giới về thở chánh niệm.
Đó cũng là lý do tại sao cuối năm 2014, khi bị tai biến nặng, chìm trong hôn mê suốt 6 tháng mà hơi thở của Thiền sư vẫn đều, nhẹ, không cần đến sự trợ giúp của máy móc khiến tất cả các y bác sĩ người Pháp đều kinh ngạc.
Hôm nay là ngày thứ hai của năm. Một năm đặc biệt của nhân loại đã qua và có thể một năm đặc biệt không kém đang tới.
Khi thế giới chưa hết nỗi lo bệnh dịch, tôi càng "thấy" tầm quan trọng của việc thở. Không phải thở như bản năng chúng ta được sinh ra, mà là thở có ý thức, thở sâu và chậm rãi, với sự "biết" về chính mình. Thở để làm mới từng tế bào cơ thể. Thở để thân khỏe, tâm an. Nhờ thế, ta mới có đủ sự bình tĩnh, vững chãi, sâu sắc để đối diện, chuyển hóa mọi khó khăn, sóng gió.
Sống là phải biết ơn và báo ơn
Năm 2020, Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách và đạt được thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, được Thế giới đánh giá cao. Trên bản đồ tăng trưởng toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong số ít đốm sáng. Với tăng trưởng trên 2,9%, tạp chí The Economist xếp Việt Nam vào nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Nhìn về 2021, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19 là cơ hội lớn để Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sức cầu nội địa và xuất khẩu.
Dù trên nền tảng ổn định, song theo Tổng cục Thống kê, 62,2% doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh. Số thành lập mới giảm 2,3% trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng gần 14%. Trung bình mỗi tháng, có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số người mất việc hoặc thay đổi công việc vì thế cũng vẫn không nhỏ.
Trong khó khăn, nhiều người đã tìm đến các đình, chùa để lễ bái, cầu nguyện, than vãn hay trông chờ vào yếu tố bên ngoài. Đó chưa phải cách đúng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng: "chúng ta có thể thành công trong vài thập niên tới nếu chúng ta biết sống tỉnh thức, trở về với hải đảo tự thân".
Thường khi năm mới đến, ai cũng mong muốn nó tốt hơn năm cũ. Làm thế nào để có một năm tỉnh thức, để có năng lượng cho nỗ lực không ngừng và thành công hơn?
Muốn vậy, ta phải tự làm mới mình, "năm mới ta cũng mới". Mới trong cách đi, cách làm, cách nói năng, cách suy nghĩ. Làm thế nào để mỗi ngày sống là một ngày hiệu quả và vui? Nếu con người chứa chất quá nhiều căng thẳng, tham vọng, tính toán so đo, thân không an thì tâm làm sao "tỉnh" được? Và điều quan trọng nữa, mình chỉ "mới" và đẹp khi trở thành chính mình mà không cần phải giống, phải trở thành ai khác.
Tôi cho rằng không chỉ với mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Cả doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia cũng cần làm mới mình để sống tỉnh thức, để đương đầu với những khó khăn và bất định. Ý thức sâu sắc mỗi lời nói, việc làm của mình, cùng nhau chế tác tình thương, hạnh phúc cho mình và cho người. Đó chính là sống tỉnh thức, cũng chính là một cách để đón nhận 12 tháng đang đến.
Nguồn: VnExpress
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy nhẹ nhàng với bản thân, hãy tin rằng bạn xứng đáng
Sống an vui 17:30 22/12/2024Bóng tối lớn nhất không phải là những gì ta đối diện bên ngoài, mà là cách ta nhìn nhận chính mình trong tấm gương của cuộc đời. Nó không đến từ thế giới xung quanh, mà từ những lời tự trách, những suy nghĩ tiêu cực, và những nghi ngờ sâu kín mà ta nuôi dưỡng trong tâm trí.
Uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày có lợi ra sao?
Sống an vui 16:03 22/12/2024Nước táo đỏ và kỷ tử là thức uống tốt cho sức khoẻ được nhiều người yêu thích, dưới đây là 4 lợi ích của việc uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày.
Chuyển hóa năng lượng tắc nghẽn bằng trọn vẹn nhận biết
Sống an vui 07:45 22/12/2024Để chuyển hóa năng lượng, ta không cần phải làm điều gì quá lớn lao, ta chỉ cần thường xuyên trở về với sự nhận biết và an trú trong nó. Điều này có thể giống như một quá trình đơn giản, nhưng lại là chìa khóa để mở ra những thay đổi lớn lao.
Thân bệnh, tâm không bệnh
Sống an vui 07:40 22/12/2024Một khi thân bệnh mà tâm không bệnh, thì dù thân bệnh nặng cũng không vì vậy mà khổ...
Xem thêm