Sống tỉnh thức trong từng phút giây
Thiền hành tức là mỗi bước chân phải đưa lại cho mình sự vững chãi, thảnh thơi và giúp cho mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Mỗi bước chân như vậy có thể nuôi dưỡng, trị liệu được cho mình.
Sau khi phỏng vấn rồi, tôi đưa vị phóng viên báo San Fransico ra ngoài bãi đậu xe và chỉ cho ông phương pháp thiền hành, nghĩa là đi trong chánh niệm. Thiền hành tức là đi như thế nào để mỗi bước chân giúp cho mình trở về với giây phút hiện tại. Mình có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút đó. Khuynh hướng của chúng ta là chạy về tương lai, tại vì chúng ta tin rằng hạnh phúc khó có được trong giây phút hiện tại. Do đó chúng ta hy sinh giây phút hiện tại để đi tìm hạnh phúc ở tương lai. Thái độ đó đã trở thành một tập khí, một thói quen cho nên chúng ta luôn luôn có khuynh hướng muốn xông xáo đi về tương lai và rất ít người trong chúng ta có khả năng an trú trong hiện tại để có thể tiếp xúc được với sự sống một cách sâu sắc.
Thiền hành tức là mỗi bước chân phải đưa lại cho mình sự vững chãi, thảnh thơi và giúp cho mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Mỗi bước chân như vậy có thể nuôi dưỡng, trị liệu được cho mình. Chúng ta có áp lực trong cơ thể cũng như trong tâm hồn và sự căng thẳng làm cho chúng ta không có hạnh phúc.
Ông phóng viên này thật giỏi, sau khi tiếp nhận năm phút những chỉ dẫn về thiền hành thì ông ta đã đi được những bước vững chãi, thảnh thơi. Tới nửa đường tôi đề nghị ông ngừng lại, rồi tôi nói: Này ông bạn, ông nhìn lên trời đi và ông thực tập nhìn trời cho thật sâu sắc. Thở vào tôi thấy trời xanh, thở ra tôi mỉm cười với trời xanh. Làm thế nào để mình đầu tư một trăm phần trăm tâm và thân của mình trong việc tiếp xúc với màu trời xanh. Mình phải tiếp xúc thật sâu sắc với màu trời xanh đó. Ông ta vui lòng đứng lại để thực tập, sau đó ông nói rằng: Thầy ơi, cả cuộc đời tôi chưa bao giờ tôi nhìn trời xanh như thế. Tôi chưa bao giờ nhận diện được sự có của mặt trời xanh một cách sâu sắc như thế.
Tôi còn nhớ một tác phẩm trong đó có câu chuyện về một anh chàng tử tù sắp bị tử hình. Vào ngày chót, anh chàng có một sự may mắn nào đó, một giây phút ý thức xảy ra cho anh. Anh nằm ngửa trong phòng giam, ngửng lên thấy có cái cửa tò vò thì anh ta đột nhiên tiếp xúc được với khung trời xanh nhỏ bé đó. Từ lúc đó, anh sống trong ý thức là cuộc đời hết sức mầu nhiệm và những giây phút còn lại của cuộc đời anh ta sống rất có ý thức. Đến khi có một ông cha gõ cửa vào để làm lễ rửa tội trước khi anh chịu án tử hình thì anh ta không muốn tiếp ông cha. Anh ta nghĩ thời gian còn sống của mình rất ít mà tiếp ông cha này thì mất thời giờ lắm và chưa chắc ông cha có được cái tuệ giác, cái ý thức mà mình đang có: Ý thức rằng mình đang có mặt và màu trời xanh đang có mặt cho mình.
Anh ta tự nói rằng: Ông cha đó không có ý thức về sự sống như mình đang có, ý thức đó đang ở trong mình. Ông cha này sống như một người chết. Khi sống mà không ý thức rằng mình đang có mặt để có thể tiếp xúc sâu sắc được với sự sống thì mình sống như là những xác chết. Nhìn chung quanh, mình thấy bao nhiêu người đang mang cái tử thi của họ đi vòng quanh, họ không thực sự sống, tại vì họ không có khả năng có mặt thực sự trong giây phút hiện tại cho nên họ không thực sự sống. Thực tập là làm thế nào mình tỉnh dậy để thực sự sống và tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm. Đạo Phật nói đến sự tỉnh thức, tại vì chữ Bud có nghĩa là tỉnh thức. Buddha là người tỉnh thức, người ý thức được rằng mình đang có mặt cho nên mình có khả năng tiếp xúc với tất cả những mầu nhiệm của sự sống cũng đang có mặt.
Thở vào tôi ý thức sự sống trong tôi và chung quanh tôi,
Thở ra tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.
Tiếng chuông là phương tiện giúp mình trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc được với sự sống mầu nhiệm. Con đường tâm linh giúp cho mình sống tỉnh thức trong từng phút từng giây. Nếu quý vị hỏi thầy Nhất Hạnh dạy cái gì bên Mỹ, bên Âu châu mà người ta theo nhiều như vậy thì tôi xin trả lời rất đơn giản: Tôi chỉ bày cho người ta phương pháp sống như thế nào để có thể sống sâu sắc được trong từng giây phút của đời sống hiện tại, để sau này họ sẽ không hối tiếc.
Chắc quý vị còn nhớ hôm Thúy Kiều bẻ rào sang thăm Kim Trọng, nhân dịp gia đình đi ăn giổ ở quê ngoại, Thúy Kiều lấy cớ nhức đầu hay đau bụng gì đó ở nhà. Chủ đích của cô ta là để có dịp sang thăm người yêu. Sang đó ở gần một ngày, chiều xuống rồi, thấy nếu mình ở thêm thì bất tiện cho nên nàng mới về. Đến nhà, thấy gia đình vẫn chưa về, cô mới tiếc nên lại đi qua một lần nữa. Khi Thúy Kiều trở lại thì Kim Trọng đang ngồi ngủ gục trên án thư:
Sinh vừa tựa án thiu thiu.
Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê.
Tiếng chân của Thúy Kiều trên sỏi làm cho anh chàng thức dậy, trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê đó, Kim Trọng mới hỏi: Này em, em có thật là em đó không hay đây là hình ảnh trong giấc mơ?
Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần, còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng. Anh chàng không biết đó là sự thực hay là giấc mơ. Kiều mới trả lời như thế này:
Nàng rằng quảng vắng đêm trường, Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa. Bây giờ rõ mặt đôi ta, biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.
Câu đó thật xuất thần. Anh có mặt đây, em có mặt đây, nếu mình không nhận rõ mặt nhau, biết được sự có mặt đích thực của nhau trong giờ phút này thì sau này tất cả đều trở thành một giấc chiêm bao.
Bây giờ rõ mặt đôi ta, biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.
Sống với người đó mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm nhưng có khi nào mình có những giây phút ngồi xuống để nhìn người đó cho thật rõ hay không? Hay là mình sống vội vàng, nói với nhau những câu vội vàng để rồi mình đi theo những dự án, những lo lắng, những sở thích của mình mà chưa thật sự sống với người đó một giây phút nào gọi là sâu sắc hết.
Đôi ta ở đây có thể là mình với bạn bè của mình hay là mình với cha của mình. Có thể mình bận rộn quá, mình chưa bao giờ nhìn ngắm cha của mình để có thể thấy được, có thể cảm nhận sự có mặt đích thực của ông trong đời sống của mình. Cho đến khi ông mất rồi thì mình mới cảm thấy hối tiếc và mình khóc. Chúng ta khóc không phải chỉ vì đau thương mà chúng ta khóc vì chúng ta giận chúng ta: Trong khi thân phụ, thân mẫu hay người yêu còn sống mà chúng ta đã quá bận rộn, chúng ta không có thì giờ để sống một cách sâu sắc với người đó. Bây giờ đây thì quá muộn rồi! Cái khóc có thể để biểu lộ sự hối hận của chúng ta, chứ không phải chỉ là đau thương thôi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm