Ngàn năm mây bạc vẫn thong dong
Tâm thanh tịnh hay nhiễm ô cũng là pháp duyên sanh, do đó đối với cái thấy của bậc đã giải thoát hoàn toàn thì xem xét sanh tử với giải thoát không khác, Luân hồi với Niết bàn cũng chẳng sai biệt.
“Đối với sắc mà sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm giải thoát chân chánh, đó gọi là Tỳ kheo chứng đắc Niết bàn ngay trong hiện tại” [1].
Cuộc sống của con người là sự đối mặt với những tác động từ những yếu tố ngoại tại với những trạng thái tâm lý phức tạp đan xen lẫn nhau, mà mỗi người có một nhận thức khác nhau về bản chất của sự vật hiện tượng cũng như phương diện hành động. Khát vọng tái sanh về các cảnh giới thù thắng, an vui hoặc buông xuôi tất cả để mặc cho con tạo xoay vần, thả trôi mình theo những dục vọng cuồng say náo nhiệt. Hay là khuynh hướng thoát ly khỏi những bế tắc mà vị ngọt và sự nguy hiểm mà cuộc sống vật chất hiện đại đang bủa vây để tìm lại một chút bình yên, những chiêm nghiệm thanh tao thoát tục của một lối sống Thánh xuất thế? Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu quan điểm về tính hai mặt của một thực tại, cụ thể đó là phạm trù “Niết bàn” và “thế gian” theo tư tưởng của ngài Long Thọ (Nāgārjuna) thông qua tác phẩm Trung Luận (Madhyamikasūtra), qua đó định hướng nhận thức và hành động trong đời sống hiện tại.
1. Chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối
Thế giới mà chúng ta đang tồn tại, vận hành với các quy luật vận động theo các cặp phạm trù đối lập nhưng tương hỗ: Đẹp – xấu, sáng – tối, hiện hữu – không hiện hữu, sanh tử – Niết bàn,… Để hiểu được một khía cạnh tuyệt đối, không thể nào bỏ qua các tính chất tương đối. Bởi sự tuyệt đối còn được hiểu là sự phủ định của những thứ tương đối, nằm trong phạm vi khả năng nhận thức suy nghiệm của con người.
Trong Trung Luận, ngài Long Thọ đã khái quát thành hai phạm trù quan điểm tương đối và tuyệt đối, nằm trong học thuyết Tánh không, xây dựng trên Duyên khởi và Trung đạo. Ngài phân loại các phạm trù nhận thức trong Phật giáo thành hai đại bộ phận: Tục đế và Chơn đế: “Chư Phật y Nhị đế, vì chúng sanh thuyết pháp: Một là thế tục đế, hai là đệ nhất nghĩa đế” [2] (諸佛依二諦,為眾生說法:一以世俗諦,二第一義諦) [3]. Sở dĩ có sự khái quát này không phải là sự sáng tạo ngẫu nhiên của Long Thọ, mà những tư tưởng chủ đạo được Ngài khai thác trực tiếp từ nguồn kinh điển A-hàm cùng với Nikāya và bao gồm tư tưởng của các nhà Đại thừa thời bấy giờ.
Điển hình như kinh Poṭṭhapāda ghi nhận: “Này Poṭṭhapāda có những pháp được Ta tuyên thuyết trình bày một cách không dứt khoát. Này Poṭṭhapāda có những pháp được Ta tuyên thuyết, trình bày một cách dứt khoát” [4]. Trong Arahantasutta ghi nhận về một vị Tỳ kheo A-la-hán đã làm các điều phải làm, các lậu hoặc kiết sử đã đoạn tận: “Vị ấy khéo biết rõ, danh xưng ở thế gian, vì chỉ là danh xưng, vị ấy cũng danh xưng”.
Trong Tạp A-hàm, Đức Phật cũng đề cập đến vị A-la-hán: “Đã lìa nơi ngã mạn, Không còn tâm ngã mạn; Siêu việt tôi, của tôi, Ta nói là lậu tận. Đối tôi, của tôi kia, tâm trọn chẳng chấp trước; hiểu danh tự thế gian, bình đẳng giả danh nói” [6]; (已離於我慢,無復我慢心,超越我我所,我說為漏。於彼我我所,心已永不著,善解世名字,平等假名說) [7]. Vì thế, ngài Long Thọ trong Đại trí độ luận giải thích: “Đệ nhất nghĩa tất đàn nghĩa là tất cả pháp tánh, tất cả ngôn ngữ luận nghị, tất cả những gì gọi là pháp hay phi pháp, mỗi một phạm trù như vậy đều có thể bị phân tích, xây dựng hay phá vỡ. Tuy nhiên, đối với pháp chân thật được chư Phật, Bích Chi Phật, A-la-hán tuyên thuyết thực hành thì không thể tách rời, không thể phá tan” [8].
Như vậy, có thể thấy đệ nhất nghĩa tức là phạm trù mà các bậc Thánh đã chứng ngộ và vượt thoát khỏi mọi phạm vi luận nghị, ngôn ngữ của thế gian. Tuy nhiên vì để phù hợp với các đối tượng, căn cơ, trình độ khác nhau mà có sự chọn lựa phương tiện sử dụng giáo pháp cho thích ứng với tinh thần khế lý – khế cơ. Do đó, cũng trong Đại trí độ luận, Long Thọ đã khái quát thành “Tứ tất đàn”: Thế giới tất đàn (giáo pháp mang ý nghĩa tùy thuận mọi người với mục đích dẫn mọi người hướng về Phật pháp); Đối trị tất đàn (giáo pháp chỉ mang ý nghĩa ngăn chặn các việc làm sai lầm nào đó); Các các vị nhơn tất đàn (giáo pháp tùy theo căn cơ khác nhau của chúng sanh, giáo dục họ phát khởi tâm hướng thượng hướng thiện); Đệ nhất nghĩa tất đàn (giáo pháp với mục đích làm cho mọi người thấy rõ thật tướng của tất cả các pháp). Long Thọ lấy Tứ tất đàn này để hệ thống phân loại toàn bộ lời Phật dạy, không ngoài ý nghĩa tất cả Phật pháp “đều là thật, không trái ngược mâu thuẫn lẫn nhau” [9].
Đây cũng chính là tính Không hay Trung đạo mà ngài Long Thọ đề cập, chính nhờ sự phân chia này mà có lẽ đã đưa Long Thọ lên hàng học giả lỗi lạc. Bởi trước Long Thọ, các nhà bộ phái và Đại thừa kịch liệt kình chống nhau, một bên thiên nặng về thực tế, một bên nghiêng về chủ nghĩa siêu hình. Vì vậy, Long Thọ đã giải thích dựa trên bản chất tùy duyên bất biến màu nhiệm của Phật giáo và tiến hành hệ thống lại các tư tưởng Phật giáo, đó chính là Tánh không – Trung đạo – Duyên khởi.
Giáo pháp của Đức Phật mang tinh thần “Tùy duyên hóa độ”, tức tùy theo trình độ sai khác ở sự nhận thức của mỗi người mà có những bài pháp thích ứng với từng đối tượng. Đối với hàng cư sĩ tại gia, Đức Phật thường hay khuyên dạy họ thực hành Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện nghiệp, bố thí, cúng dường cho các Sa-môn Bà-la-môn với tài sản thâu hoạch hợp pháp. Ngoài ra, Đức Phật còn khuyến khích việc lao động sản xuất làm lợi cho mình làm lợi cho người, cho đến giáo hóa các hạng cùng đinh trong xã hội, người cùi, dân, quan, ngoại đạo, vua chúa,…
Bởi đơn giản một điều, Phật giáo muốn tồn tại và truyền bá giáo lý trong thế gian phải tùy thuận vào thế gian, để từ đó thuyết giảng pháp xuất thế gian. Điển hình như bài kinh 347 thuộc Tạp A-Hàm, khi du sĩ Tu Thâm (Susima) khi đến tham vấn các Tỳ kheo đạt được “tuệ giải thoát”, do không thông hiểu giáo lý căn bản và cũng chẳng hiểu về thiền định trong Phật giáo nên khởi lên các câu hỏi nghi vấn, ông đến gặp Phật và Đức Phật bảo rằng: “Không luận là ngươi biết hay không biết, mà trước hết phải tự biết pháp trụ, sau đến biết Niết bàn, như các thiện nam tử kia một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, tâm khéo giải thoát đã” [10].
Đức Phật đã dạy, trước hết phải biết pháp trụ, sau đến Niết bàn. Như thế nào là pháp trụ, kinh văn tiếp tục giải thích: “Phật bảo Tu-thâm: “…Có phải vì có sanh nên có già, chết; không phải lìa sanh mà có già, chết chăng?”…Có phải vì có vô minh nên có hành; không phải lìa vô minh mà có hành chăng?”…“Vì không sanh nên không già chết và không thể lìa cái diệt của sanh mà già chết diệt được”.…Vì không có vô minh nên không có hành và không thể lìa cái diệt của vô minh mà hành diệt được”.…“Người biết như vậy, thấy như vậy, có phải là ly dục và pháp ác bất thiện, cho đến tự thân tác chứng an trụ đầy đủ chăng?”…“Bạch Thế Tôn, không phải vậy”.… “Đó gọi là trước hết biết pháp trụ, sau đến biết Niết bàn, mà các thiện nam tử kia, một mình ở nơi thanh vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung, xa lìa ngã kiến, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát” [11].
Khi Tu Thâm thưa hỏi Đức Phật làm thế nào để biết được pháp trụ trí, làm thế nào để thấy được pháp trụ trì. Sau đó, Đức Phật đã giải thích về pháp trụ trí tức là trước tiên người đó phải biết rõ về những gì đang diễn ra trong thế giới hiện tại mà họ đang sinh sống. Đó là các pháp tùy thuận theo nhân – duyên – quả đối với tiến trình 12 nhân duyên (vô minh, hành, thức…), chúng tương hỗ nhau, cái này có cho nên cái kia có, cái này sanh cho nên cái kia sanh. Nhờ nền tảng của Trí Pháp trụ này, từ đó mới có thể nhập vào trí của Niết bàn (Tuệ giải thoát). Như vậy, tức là muốn giải thoát đến Niết bàn, thì ngay trong hiện tại này, chúng ta phải có sự quán sát và hành động, không thể có sự kiện một người thân, khẩu, ý không tu tập, làm các điều bất thiện lại có thể sanh vào các cõi thiện thú, thiên giới. Nhưng người thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, do nhân duyên ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cõi lành, cõi trời, cõi đời này, sự kiện này có thể xảy ra. [12]
2. Nhận thức và hành động
Trở lại với bài kệ trong Trung Luận: “涅槃與世間,無有少分別,世間與涅槃,亦無少分別” (Na saṃsārasya nirvāṇāt kiṃ cid asti viśeṣaṇam, Na nirvāṇasya saṃsārāt kiṃ cid asti viśeṣaṇaṃ) [13]. Câu kệ trên được dịch là: “Niết bàn với thế gian, không có chút phân biệt, thế gian với Niết bàn, cũng không chút phân biệt” [14]. Trong đó chữ “世間” nếu theo nguyên nghĩa trong bài kệ của nó là “saṃsāra” với ý nghĩa rộng hơn “thế gian”. Saṃsāra thường được hiểu là vòng luân hồi, một chu kỳ sinh tử bất tận hoặc một thế giới đời sống trần tục [15]. Còn đối với Niết bàn (nirvāṇa; nibbana) miêu tả một trạng thái vắng mặt tham, sân, si; trạng thái mát mẻ, an vui. Tại sao giữa hai phạm trù đối lập này lại được Long Thọ viết rằng chúng chẳng có chút phân biệt?
Bởi Phật pháp khác hẳn với các phương pháp hiểu biết thường tình của thế gian, vì Đạo Phật được xem là “đến để mà thấy” và “đến để tự mình chứng ngộ”, do đó không thể dùng các kiến giải thông thường của thế tục mà có thể thấu rõ bản chất của Niết bàn. Đức Phật xác nhận rằng: “Như Lai sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời và sống không bị đời ô nhiễm” [16]. Với tuệ giải thoát vô phân biệt, Đức Phật tuyên bố: “Cái gì người có trí ở đời chấp nhận là ‘không’ Ta cũng nói là ‘không’… cái gì người có trí ở đời chấp nhận là ‘có’ Ta cũng nói là ‘có’… người có trí ở đời chấp nhận sắc là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là ‘có’… ở trong đời, này các Tỳ kheo có thế pháp (lokadhamma). Thế pháp ấy Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng tri; sau khi hoàn toàn chứng ngộ, chứng tri, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ” [17].
Thế pháp ở đây nghĩa là năm thủ uẩn, tức nó liên hệ với con người thực tại đang hiện hữu; không chấp trước vào các khái niệm ngôn ngữ, nhìn vào bản chất thực tại của con người mà từ đó Đức Phật chứng ngộ Niết bàn. Cũng như những hoa sen sanh ra trong bùn nước nhơ và vươn lên khỏi nước bùn nhơ, nếu như không có bùn không có nước thì sẽ không có hoa sen; chính nhờ quá trình hấp thu và chuyển hóa vật chất lẫn nhau từ đó mới có sự sanh khởi muôn loài vạn vật, đó cũng chính là tính duyên khởi trung đạo, chẳng rời nhau mà cũng chẳng chống đối với nhau.
Trong Tương ưng Vô thỉ, Đức Phật dạy: “Vô thỉ là luân hồi (saṃsāra), này các Tỳ kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc” [18]. Vòng luân hồi (saṃsāra) là không có khởi điểm, tất cả những kiếp sống mà chúng sanh phải trải qua thật không thể tính điếm được, cũng như nước mắt mà con người đã khóc vì sự chia lìa trong quá khứ nhiều như nước biển trong bốn biển lớn,… tức là vòng luân hồi (saṃsāra) là chỗ mà các loài chúng sanh phải tới lui; cho đến khi nào thoát khỏi sự che đậy của vô minh và sự trói buộc của tham ái, thì mới được xem là thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử thế gian, tức đạt đến Niết bàn. Bởi vì: “Đồng nghĩa với Niết bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc”, “Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này các tỳ kheo được gọi là bất tử” và “Con đường Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định” [19]. Con đường Thánh tám ngành này tức là Trung đạo mà Như Lai đã tuyên bố lần đầu tiên trong bài kinh Chuyển Pháp Luân [20].
Trạng thái tâm thanh tịnh giải thoát, không bị ba độc chi phối được xem là Tánh không theo kinh Pháp ấn trong Tạp A-hàm [21]: “Nếu Tỳ kheo nào nói như vầy: ‘Tôi đối với tam muội Không chưa có sở đắc, mà khởi Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn.’ Chớ nên nói như vậy. Vì sao? Vì nếu đối với Không chưa đạt được, mà nói là Tôi đã đạt được Vô tướng,…thì việc này sẽ không xảy ra”.…“Nếu Tỳ kheo nào, ngồi dưới bóng cây, chỗ trống vắng, mà khéo quán sát sắc là vô thường, là pháp ma diệt, ly dục. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức…Đó gọi là Không”.
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn tận của tướng sắc, sự đoạn tận của tướng thinh, hương, vị, xúc, pháp. Đó gọi là vô tướng…
…quán sát sự đoạn trừ tướng tham, tướng sân nhuế, tướng ngu si. Đó gọi là Vô sở hữu…quán sát về ngã, ngã sở từ thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm, biết mà sanh ra…“Lại tư duy do nhân gì , duyên gì mà sanh thức; nhân kia, duyên kia của thức đều là vô thường…là hành của hữu vi, từ duyên khởi, là pháp tai hại, là pháp hoại diệt, là pháp ly dục, là pháp đoạn tri. Đó gọi là Thánh pháp ấn, tri kiến thanh tịnh” [22].
Qua đó, chúng ta thấy rằng “tam muội Không” nghĩa là sự quán sát về bản chất giả tạm, không thật có của tấm thân năm uẩn này (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), sự quán chiếu về năm uẩn như vậy từ đó không còn phát sanh những tư tưởng tham luyến, cố chấp sai lầm. Đây được gọi là “Chánh tam muội tư duy” tức thực hành Trung đạo (Bát thánh đạo), như vậy được gọi là Thánh Pháp ấn, tri kiến thanh tịnh.
3.Tịnh độ giữa nhân gian
Như vậy, chúng ta nhận thấy, Niết bàn có nghĩa là trạng thái vắng mặt các khổ đau, khi nào tham, sân, si được nhiếp phục, khi nào tham, sân, si được đoạn tận thì khi đó có sự hiện diện của Niết bàn ngay trong thế gian (luân hồi). Trung Luận ghi: “受諸因緣故,輪轉生死中;不受諸因緣,是名為涅槃 ” [23], nghĩa là: Khi có mặt của sự chấp thủ đối với các nhân duyên, thì vẫn còn sự lưu chuyển trong vòng sanh tử; nếu không còn chấp thủ đối với các nhân duyên nữa thì gọi là Niết bàn.
Do đó Niết bàn được hiểu là tiến trình đoạn giảm, đoạn trừ những nguyên nhân nào dẫn đến sự tái sanh trong vòng luân hồi; cũng như một đống lửa lớn đang cháy, nếu nó không được tiếp thêm các điều kiện để duy trì sự cháy (nhiên liệu, oxy,…) thì đám lửa đang cháy đó sẽ đi đến tàn lụi, mà không thể nào chỉ ra rằng ngọn lửa đó đã đi về đâu. Tương tự như vậy, chúng ta không thể diễn tả Niết bàn một cách chính xác nhất, nhưng thông qua việc làm chủ các trạng thái tâm lý tiêu cực, lắng đọng các phiền não nhiễm ô đang có mặt, tiến hành điều chỉnh và làm chủ những trạng thái tiêu cực này.
Cần phải có Pháp Trụ trí để nhìn nhận được sự vận hành của các pháp nhân duyên, thì mới chứng được trí tuệ Niết bàn. Đối với những người không tìm hiểu tận tường về “Tánh không” mà lại cho rằng “nhất thiết pháp giai không” điều này có thể dẫn đến những hệ lụy lệch lạc về tư tưởng và phương hướng hành động. Nói đến Tánh không tức là nói đến bản chất của các pháp vốn là duyên sanh do đó chúng không thật có, mà chỉ là giả có. Bát-nhã tâm kinh, cũng khẳng định rằng: Nếu như bồ tát khi thực hành sâu vào trong trí tuệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, soi rọi thấy năm uẩn điều là không thật có, tức vượt thoát mọi khổ ách. Từ góc độ tánh không mà đi sâu vào bản chất của quy luật, thì tánh không này cũng phải được chứng ngộ trong sự thể nhập. Trí hiểu rõ về Tánh không, không phải là phủ nhận tất cả, cho đó là trống rỗng; trái lại cần phải nhìn vào sự hiện hữu của nó và xem xét thấy rằng chúng tuy có nhưng bản chất của chúng là không thật có.
Theo quan điểm thực hành của Đạo Phật, muốn thoát khỏi thế gian hay vòng luân hồi, chúng ta phải thực hành những hành vi đúng đắn, mà không phải là “không làm gì cả”. Để được giải thoát khỏi sanh tử, trước hết người ta phải có những nhận thức đúng dựa trên căn bổn thiện và bất thiện, như tín tâm, trì giới, học pháp, bố thí, thiền định, tựu trung đó chính là “không tham, không sân, không si”, mà không phải là sự thụ động rơi vào chủ nghĩa hư vô. Vì vậy, cho dù trên phương diện lý thuyết hay thực hành, thì đây là một quá trình tất yếu để đạt được Niết bàn hay “Tánh không” từ chính ngay trong sự tồn tại của mỗi cá nhân.
4. Kết luận
Thế gian (luân hồi) với Niết bàn, tuy về mặt ngữ nghĩa mặc dù có sự khác biệt, tuy nhiên bản chất của Luân hồi và Niết bàn điều nằm trong quy luật Duyên khởi, mỗi một cá nhân sẽ tự quyết định cho sự luân hồi hay Niết bàn của mình thông qua sự nỗ lực thực hành đoạn trừ ba độc tham, sân, si. Niết bàn chính là đích đến khi đã đoạn trừ tham, sân, si: “Đối với sắc mà sanh tâm yểm ly, ly dục, diệc tận, không khởi lên các lậu, tâm giải thoát chân chánh, đó gọi là Tỳ kheo chứng đắc Niết bàn ngay trong hiện tại. (tương tự với thọ, tưởng, hành, thức)” [24].
Đức Phật tuyên bố: “Chính ở trong thân thể dài một tầm, có tưởng, có thức này, Ta tuyên bố thế giới, nguyên nhân của thế giới, sự đoạn diệt thế giới và con đường đưa đến sự đoạn diệt của thế giới” [25]. Điều này ngụ ý rằng, sự giải thoát giác ngộ là một tiến trình thanh lọc tự thân thoát ra khỏi ba độc, thông qua quá trình tư duy thiền quán và thực hành các công hạnh ba-la-mật ngay tại thế gian này, bằng chính cơ thể với sức lực và trí tuệ của chính chúng ta. Do vậy, giải thoát hay luân hồi nằm ở ý chí tự do hành động của mọi người mà không phải là sản phẩm từ một đấng tuyệt đối chúa tể nào cả.
Bởi, “Do tâm nhiễm ô, này các Tỳ kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, này các tỳ kheo, chúng sanh thanh tịnh” [26]. Tâm thanh tịnh hay nhiễm ô cũng là pháp duyên sanh, do đó đối với cái thấy của bậc đã giải thoát hoàn toàn thì xem xét sanh tử với giải thoát không khác, Luân hồi với Niết bàn cũng chẳng sai biệt. Vì các pháp đó vốn dĩ không phải là hý luận pháp, không thể thấu rõ do suy lường phân biệt; chỉ có thể tự thân mỗi người đi đến để thấy đến chứng nghiệm, thông qua quá trình rèn luyện trên nền tảng đạo đức (Giới), Thiền định và Trí tuệ một cách tinh tấn tròn đầy mới có thể thấu rõ thật tướng của vạn pháp.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
[1] Tạp A-Hàm I, Tiểu Tạng kinh, tr.58
[2] Ấn Thuận, Lược Giảng Luận Trung Quán, tr.8
[3] CBETA 2021.Q4, T30, no. 1564, p. 32c16-17
[4] Trường Bộ, TTTĐPGVN, tr.151
[5] Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, tr.19
[6] Tạp A-Hàm III, Tiểu Tạng kinh, tr.1841
[7] CBETA 2021.Q4, T02, no.99, p.154c7-10
[8] Dẫn theo: Ấn Thuận, LSTTPGÂĐ, tr.239
[9] Xem thêm: Ấn Thuận, LSTTPGÂĐ, tr.238
[10] CBETA 2021.Q4, T02, no. 99, p.97b11-14; Tạp A-Hàm I, Tiểu Tạng kinh, tr. 629
[11] CBETA 2021.Q4, T02, no. 99, p. 97b15-c4; Tạp A-Hàm I, Tiểu Tạng kinh, tr.629-630
[12] Tăng Chi Bộ, TTTĐPGVN, tr.32
[13] CBETA 2021.Q4, T30, no.1564, p.36a4-5
[14] Ấn Thuận, LGLTQ, tr.32
[15] Nguồn: https://www.wisdomlib.org/definition/samsara
[16] Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, tr.617
[17] Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, tr.617
[18] Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, tr.421
[19] Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, tr.1001
[20] Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, tr.1296
[21] CBETA 2021.Q4, T02, no.99, p.20a25
[22] Tạp A-Hàm I, Tiểu Tạng Kinh, tr.149-150
[23] CBETA 2022.Q1, T30, no. 1564, p.35b9-11
[24] Tạp A-Hàm I, Tiểu Tạng kinh, tr.58
[25] Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, tr.81
[26] Tương Ưng Bộ, TTTĐPGVN, tr.625.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phật pháp cho tôi một cuộc sống mới
Sống an vui 21:05 03/11/2024Khi bước chân vào hành trình khám phá Phật pháp, tôi không ngờ rằng những giáo lý ấy lại có thể mang đến cho mình một cuộc sống mới, một sự chuyển biến từ sâu trong tâm hồn. Con đường tu tập không chỉ giúp tôi vượt qua những bão giông của cuộc đời mà còn mở ra những cánh cửa bình an.
Bình an không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài
Sống an vui 07:45 03/11/2024Bình an không phải là một mục tiêu xa xôi mà chúng ta phải đuổi theo. Nó không phải là điều kiện hoặc mục tiêu bên ngoài mà chúng ta phải đạt được. Thay vào đó, bình an là một trạng thái tinh thần mà chúng ta có thể kích thích và nuôi dưỡng từ bên trong.
Mỗi tần số năng lượng đều có vẻ đẹp riêng
Sống an vui 13:00 02/11/2024Mỗi người trong chúng ta, dù sống giữa một thế giới chung, lại sở hữu một tần số năng lượng riêng biệt, tạo nên sự khác biệt không ai giống ai.
Hãy để chính đời sống ta trở thành lời hùng biện đánh tan những thị phi
Sống an vui 07:45 02/11/2024Thị phi là điều mà mỗi chúng ta sẽ có ít nhất vài lần đối diện trong cuộc đời, vì lẽ đơn giản sống ở đời chúng ta phải tiếp xúc với những người xung quanh. Trong lúc tiếp xúc thì không tránh khỏi những va chạm, ghen tỵ, và sự đố kỵ… từ người khác.
Xem thêm