Nghề đồ tể, quả báo và hành trình cứu rỗi
Từ một người đồ tể phải chịu quả báo bệnh tật, nhờ ánh sáng Phật Pháp, Thanh không những tự cứu được mình, anh còn nhận ra con đường chân chính cho cuộc đời. Thế gian này vốn là một biển khổ, sống chết nối nhau kiếp này sang kiếp khác nếm hết khổ này đến khổ khác, mãi như vậy có ích gì?
Thanh bước vào chuồng, đưa mắt nhìn con heo đang đi đi lại lại vòng quanh chuồng, dáng vẻ thấp thỏm, sợ hãi. Cũng phải thôi. Chắc nó đã chứng kiến mấy con hôm trước còn trong chuồng, thoáng chốc bị anh lôi đi, rồi sau đó là những tiếng kêu xé màn đêm hãi hùng, và đoán được chuyện gì xảy ra.
Không quan tâm, sợ hay không cũng thế thôi, Thanh mở cửa chuồng, đưa tay tóm lấy đuôi heo kéo mạnh nó ra. Con này nặng, lại phản kháng dữ dội khiến Thanh hơi vất vả. Nhưng bằng kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, đó chỉ là chuyện nhỏ.
Thanh với tay lấy cái móc kim loại được thiết kế riêng, thọc một nhát vào họng nó. Con heo ré lên tiếng thất thanh, m.á.u bắt đầu chảy ra từ cổ họng, giãy giụa, đau đớn, bốn chân không yên, ghì chặt xuống nền đất không muốn đi, nhưng vẫn phải chấp nhận bị Thanh lôi xềnh xệch mà không làm gì được.
Thanh dùng sức giữ và đập vào đầu nó thật mạnh, nhanh tay lấy cái thau nhựa đã được chuẩn bị sẵn để bên cạnh, rồi dùng con d.a.o bầu nhọn hoắt rạch một đường sắc lẹm từ giữa họng đi xuống. Tiếp đến, anh thọc d.a.o vào tim nó nhưng không trúng.
Lúc này m.á.u của con heo tuy đã chảy lênh láng thành dòng ồ ạt nhưng nó vẫn chưa c.h.ế.t. Mặc dù m.á.u me đầm đìa, da thịt bị thọc chỗ này, xẻ chỗ kia, nó vẫn không đầu hàng số phận, lê lết một cách tuyệt vọng vòng vòng quanh lò mổ muốn trốn chạy. Nhưng biết chạy đi đâu? Trông dáng vẻ bi thảm như thây ma và đôi mắt lừ đừ của nó, đến một tay đồ tể lão luyện như Thanh cũng có chút rùng mình.
Chế biến món ăn tàn độc, quả báo rợn người
Rồi thì con heo cũng gục xuống. Chỉ một lát sau, đôi tay thuần thục của Thanh đã phanh thây, rã thịt, cạo lông sạch sẽ, lọc từng bộ phận riêng rẽ rồi rửa sạch, gói gọn vào từng chiếc túi nilon, thắt lại đưa ông chú đem ra chợ bán. Còn túi mật heo tươi, nghe người ta nói bổ dưỡng lắm, anh khéo cắt nó ra ăn tươi nuốt sống. Mà anh thật ra cũng chả biết nó có bổ thật không?
Tên đầy đủ cha mẹ đặt cho anh là Trần Ngọc Thanh, sinh năm 1971, ngụ tại đường 30/4, phường 12, thành phố Vũng Tàu. Năm 19 tuổi, ba đưa anh về ở bên nhà nội. Và cũng từ ngày đó, anh bắt đầu mổ heo thuê cho ông chú chuyên bán thịt ngoài chợ cho tới năm 31 tuổi.
Ròng rã suốt 12 năm trời, đêm nào Thanh cũng mổ trung bình 4 đến 5 con heo. Riêng dịp tết, do nhu cầu tăng đột biến, số lượng heo anh mổ vượt trội gấp rất nhiều lần. Tuy tiền công mổ thuê cũng chẳng được mấy, thế nhưng sau giờ làm, Thanh đi chơi suốt, chìm đắm vào bài bạc, bi-a, gái gú.
Nhiều khi tự bản thân anh cũng thấy đời mình chẳng đâu vào đâu, không có mục đích sống rõ ràng. Thực tình anh không ham thích gì công việc mổ heo, và cũng chẳng biết đó là nghề bất thiện. Anh làm chỉ đơn thuần vì đó là công việc kiếm miếng cơm manh áo, thế thôi, chứ anh chẳng lường được những hậu quả sau này mình sẽ phải gánh chịu.
Sau hơn chục năm trong nghề, bệnh tật bất ngờ ập đến. Trong cơ thể Thanh xuất hiện rất nhiều khối u to, nổi hẳn lên ở dưới cánh tay và bụng, trông lồi lồi lõm lõm nhìn rất ghê. Sờ bằng tay cũng đếm sơ sơ gần 50 khối u, thật đáng sợ. Những khối u đó ngày đêm đau nhức, khiến cơ thể Thanh bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên, vô cùng mệt mỏi.
Chẳng những thế, anh mắc chứng đau đầu, đau một cách dữ dội như muốn nổ tung.
– Chắc anh c.h.ế.t mất em ơi. – Thanh vừa ôm đầu, hai mắt nhắm nghiền, hai hàm răng xít lại, vừa rên rỉ nói với vợ.
Trong cơn đau đớn cùng cực, Thanh bất giác nghĩ đến dáng vẻ của những con heo đã bị anh tàn sát, rồi nghĩ đến tình cảnh hiện tại của bản thân cũng thê thảm không kém. Đôi tay Thanh đã gieo rắc không biết bao nhiêu đau đớn cho dòng tộc loài heo. Anh nợ chúng không biết bao nhiêu m.á.u, không biết bao nhiêu mạng. Nỗi đau chúng đã phải chịu đựng, giờ đây chính anh cũng đang bắt đầu từ từ nếm trải, nào có khác gì.
Đằng nào cũng ốm bệnh, lại chẳng tha thiết gì với nghề đồ tể. Bất chấp sự khó khăn về kinh tế sẽ phải đối mặt, Thanh quyết định từ bỏ công việc này, chuyển sang làm lái xe từ năm 2002, chấm dứt chuỗi ngày tháng sát sinh không ghê tay. Vừa đi làm tranh thủ kiếm thêm vài đồng, vừa tìm cách chữa bệnh, hoàn cảnh này thật không dễ dàng gì với một người đang ốm yếu.
Thanh bắt đầu tìm đến các bệnh viện. Đầu tiên, anh tới bệnh viện ở Bà Rịa, nhưng các bác sỹ nói không thể trị được những khối u này. Thanh lại mò mẫm khăn gói lên bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhận được câu trả lời không khác.
Nếu phẫu thuật cắt bỏ các khối u, sợ rằng nó sẽ phát tán khắp nơi trong cơ thể, đến lúc đó càng nguy hiểm hơn nhiều. Rồi Thanh lại tìm qua bệnh viện Nhiệt Đới và phát hiện thêm căn bệnh viêm Gan siêu vi B, khiến anh càng thêm suy sụp. Thanh bi quan, thở dài nói với vợ.
– Em à, cơ thể anh đau đớn, mệt mỏi, đi đâu người ta cũng nói không chữa được. Đời anh vậy là xong rồi.
– Tây y không chữa được, thì mình vái tứ phương. Đến nước này rồi, ở đâu có cách thì mình thử. Anh đừng bỏ cuộc. – Vợ anh động viên.
Thanh cố gắng gượng, xốc lại tinh thần, tìm xuống Trà Vinh cắt thuốc nam, đồng thời chịu khó tẩm bổ thân thể bằng đủ loại thịt thà cá mú, gà, bò, heo v.v… Món gì anh cũng ăn, với hy vọng cơ thể được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nhất có thể.
Ngày này qua tháng khác, xác thuốc sau khi sắc xong đổ ra vườn nhà đã chất thành đống, mà bệnh tình vẫn không có chuyển biến. Thanh nghĩ rằng cuộc đời mình đến đây có lẽ đã sắp tàn. Anh hoang mang, sợ hãi nghĩ về cái c.h.ế.t ngày một gần hơn.
Vào một buổi sáng đẹp trời, cô Liên Thành mà anh quen biết mở quán cơm chay, dù mệt mỏi đau đớn, Thanh vẫn cố gắng tới ủng hộ cô ngày khai trương. Vừa ăn Thanh vừa nghe văng vẳng tiếng giảng Pháp của thầy Thích Giác Nhàn trên tivi do quán bật. Từ trước đến nay, Thanh đâu có để ý tới Phật Pháp, vậy mà không hiểu sao hôm nay nghe thầy giảng anh cảm thấy rất hay. Thầy khuyên người ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, tránh dữ làm lành. Từng câu từng lời làm tâm trí anh rung động.
Thanh nghĩ:
“Bảo sao ngày trước mình uống thuốc nam mãi mà sức khỏe chẳng có tiến triển gì. Tẩm bổ bằng m.á.u thịt chúng sinh mà đòi bản thân khỏe mạnh thì cũng vô lý thật.”
Trong nội tâm anh đột nhiên có một sự chuyển biến mạnh mẽ, thôi thúc anh cần phải thay đổi. Nghĩ là làm ngay. Thanh về nhà bắt đầu tập ăn chay một tháng 4 ngày rồi từ từ tăng dần lên. Thầy dạy gì anh đều làm cả. Anh đi phóng sinh, lạy Phật, niệm Phật, tụng kinh Vô Lượng Thọ, … chỉ mong sao khỏi bệnh là anh mừng lắm rồi.
Vợ Thanh mở một quán nước nhỏ ở bến xe Hoa Mai, Bà Rịa, nên sau Thanh chuyển sang chạy xe ôm ở bến xe đó. Anh chăm chỉ niệm Phật, vừa chạy xe chở khách, miệng vừa lâm râm niệm Phật cả ngày. Dù cơ thể yếu ớt, Thanh kiên trì lạy Phật 120 lạy mỗi ngày vào buổi sáng sớm. Hôm nào bận quá mới giảm xuống 90 hoặc 60 lạy là thấp nhất. Ban đầu lạy Phật rất khó khăn và đau mỏi, nhưng chỉ mất khoảng thời gian đầu, sau càng lạy anh lại càng khỏe hơn.
-Em ơi, nghe thầy Thích Giác Nhàn giảng hay quá, thôi anh phát nguyện ăn chay trường. – Thanh nói với vợ một cách quả quyết.
Thấy ý chí và sự tinh tấn của chồng, vợ anh dù chẳng biết thế nào nhưng vẫn đồng tình ủng hộ, quyết định ăn chay và đi phóng sinh theo chồng để anh có động lực chữa bệnh.
Kì diệu thay, bệnh tật cũng dần thuyên giảm theo thời gian, sức khỏe của Thanh dần tốt lên mà không cần uống thuốc hay can thiệp điều trị. Sau 2 năm tu tập miệt mài, một hôm Thanh qua bệnh viện Nhiệt Đới khám lại thì được bác sĩ cho biết: con siêu vi B đã nằm im không phát tác. Mấy chục cái u ở tay và bụng cũng tiêu nhỏ lại và biến mất dần. Sự đau đớn cũng giảm đi đáng kể đến 80%. Đặc biệt căn bệnh nhức đầu bay biến từ lúc nào chẳng hay.
Thanh từ viện trở về nhà, trong lòng khấp khởi hạnh phúc, khoe với vợ, với mọi người trong gia đình. Phật Pháp đã giúp gia đình Thanh có một cuộc sống mới. Vợ anh khi trước còn bán tín bán nghi, thì nay niềm tin Phật Pháp trong cô đã trở nên vững chãi. Nhân quả không hề sai chạy, làm việc ác sẽ phải chịu quả báo ác. Nếu Thanh không kịp thời sám hối thay đổi như vậy, thì nỗi thống khổ anh phải chịu đựng sẽ còn khủng khiếp hơn bội phần ở những kiếp sống sau.
Từ một người đồ tể giết heo phải chịu quả báo bệnh tật, nhờ ánh sáng Phật Pháp, Thanh không những tự cứu được mình, anh còn nhận ra con đường chân chính cho cuộc đời. Thế gian này vốn là một biển khổ, sống chết nối nhau kiếp này sang kiếp khác nếm hết khổ này đến khổ khác, mãi như vậy có ích gì?
Qua lời Phật dạy, Thanh đã nhìn thấu, nên anh nguyện từ nay cho đến hết kiếp, một lòng tu hành nguyện vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà để được giải thoát, mãi mãi an vui. Phật Pháp không chỉ cứu chữa cho thân bệnh, mà còn cứu rỗi linh hồn của Thanh, kiếp này cũng như muôn kiếp về sau.
Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Trần Ngọc Thanh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Ăn chay hồi hướng cho cha mẹ được khỏi bệnh
Tư liệu 12:20 28/10/2024Thái Phúc là một nông dân sống Trong thị trấn Tân Trang, Đài Bắc, Đài Loan. Cha của anh tên là Thái Qua Tử, bị bệnh hen suyễn đã lâu, mỗi khi đến mùa đông, tiết trời se lạnh, bệnh cũ bắt đầu hành hạ, nhiều khi dường như đứt hơi.
Hành thiện sâu dày thoát nạn động đất
Tư liệu 10:50 28/10/2024Sau khi được cứu sống ông Tường mới biết toàn bộ tòa nhà nơi mình sinh sống đều bị vùi lấp trong đống gạch ngói, duy chỉ có một góc phòng khách của ông có khe hở, còn những gian phòng khác trong nhà ông đều bị san thành bình địa giống như cả tòa nhà.
Ba cách thuyết minh Bát Chánh đạo
Tư liệu 23:50 26/10/2024Trong Kinh tạng Nikaya, khi Đức Phật nói trực tiếp về Bát Chánh đạo, thì lộ trình theo thứ tự là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, hay nói gọn lộ trình đó là Tuệ - Giới - Định.
Xem thêm