Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 13/05/2024, 09:20 AM

Nghe tiếng chuông chùa nhớ về những câu ca dao xưa

Chuông chùa lững lờ chốn hương thôn, chuông chùa buông xuống từ trên núi cao, chuông chùa trầm mình trong cuộc sống phồn hoa đô thị. Dù ở đâu, mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, người ta đều cảm thấy lòng mình thanh thoát, nhẹ nhàng, muốn hướng thiện.

Tiếng chuông đã trở thành đặc trưng không thể thiếu được trong các ngôi chùa. Tiếng chuông chùa ngân nga, văng vẳng trong không gian không chỉ làm vơi đi bao phiền muộn, khổ đau của con người mà còn làm cho tâm hồn thư thái, thanh thản, nhẹ nhàng. Tiếng chuông chùa là âm thanh có tác dụng cảnh tỉnh, tức là nó mang tính gợi mở, tính nhắc nhở cho tâm hồn con người, đồng thời trong tiếng chuông chùa chứa đựng nhiều giác vị của thiền.

Trong cuộc sống con người, tiếng chuông chùa còn đi vào ca dao, thi ca một cách nhẹ nhàng sâu lắng, bình dị mà thiêng liêng.

Trong cuộc sống con người, tiếng chuông chùa còn đi vào ca dao, thi ca một cách nhẹ nhàng sâu lắng, bình dị mà thiêng liêng.

Khi nghe tiếng chuông, người ta thường ngừng mọi nói năng và suy nghĩ, theo dõi từng hơi thở và nhiếp niệm theo tiếng chuông, thầm đọc bài kệ nghe chuông:

“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”.

Cũng từ nghìn xưa tiếng chuông chùa luôn tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm sống động, nhất là giữa lúc sương mù lan tỏa, dưới ánh trăng ngà, con người cảm nhận một cách trọn vẹn hơi thở của nhịp đập con tim. Một tiếng chuông chùa vang vọng, dẫn con người vào chốn tĩnh tâm. Đó cũng là mái che ân tình cho muôn nẻo đời người trong bao nhiêu biến cải của nhân tình thế thái. Tiếng chuông chùa mênh mang đã thu vén được nhân tình. An nhiên và Tự tại.

Trong cuộc sống con người, tiếng chuông chùa còn đi vào ca dao, thi ca một cách nhẹ nhàng sâu lắng, bình dị mà thiêng liêng. Ở kinh đô Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay hầu như ai cũng thuộc bài ca dao:

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.

Mịt mù khói tỏa ngàn sương,

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Bài ca dao nói về cảnh đẹp Hồ Tây ở kinh đô Thăng Long được lưu truyền rộng rãi và trở thành lời ru quen thuộc. Hồ Tây xưa có tên là hồ Lãng Bạc (cái bến có sóng lớn), hay còn gọi là hồ Dâm Đàm (hồ sương mù) vì thường vào lúc sáng sớm hay chiều tối, sương mù phủ dày trên mặt nước. Gọi Hồ Tây hay Tây Hồ vì hồ ở phía tây kinh thành Thăng Long.

Xung quanh hồ có những địa danh nổi tiếng của đất Thăng Long như chùa Trấn Vũ, huyện lỵ Thọ Xương, làng Yên Thái chuyên nghề làm giấy (vỏ cây dó được ngâm mềm, giã nhuyễn ra rọi cán mỏng thành giấy)…

Qua bài ca dao, bắt đầu từ gió đưa cành trúc la đà, rồi đến các âm thanh hòa quyện với nhau: tiếng chuông ngân nga của chùa Trấn Vũ, tiếng gà gáy rộn rã báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Tiếng chuông chùa vang vọng giữa thinh không gợi cảm giác bình yên.

Tiếp đến là màn sương dày đặc bao phủ mặt hồ, nhịp chày giã cây dó để làm giấy dồn dập của người dân Yên Thái, cùng với mặt trời dần dần lên xua sương mù, tỏa ánh sáng xuống mặt nước Hồ Tây như một mặt gương khổng lồ long lanh, ngời sáng! Bằng vài nét chấm phá, bài ca dao đã miêu tả cảnh Hồ Tây như một bức tranh thủy mặc phương Đông. Với thủ pháp nghệ thuật phong phú, độc đáo, tiết tấu hài hòa, bài ca dao là một viên ngọc quý trong kho tàng văn học của dân tộc ta.

Ở cố đô Huế cũng có câu:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

Tiêu điều mặt nước sông Hương

Héo khô đỉnh Ngự tan thương cổ thành.

Tiếng chuông chùa ở đây có âm điệu buồn bã ngân lên chia sẻ cùng núi sông trong hoàn cảnh tang thương, suy sụp của đất nước, quê hương thuở còn lầm than, nô lệ.

Lại có câu khác:

Thương thời thương, chẳng thương thời chớ

Làm chi cho lỡ dở thêm buồn

Bên chùa Thiên Mụ đã gióng tiếng chuông

Gà thượng thôn đã gáy, tiếng chim nguồn đã kêu!

Cố đô Huế còn có chùa Diệu Đế. Chùa ở giữa cầu Gia Hội phía đông nam và cầu Đông Ba phía đông kinh thành:

Đông Ba, Gia Hội hai cầu

Có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông.

Có người nói rằng, mỗi người dân xứ Huế đều có riêng trong tâm thức mình một mái chùa, một tiếng chuông ngân… Chuông chùa lững lờ chốn hương thôn, chuông chùa buông xuống từ trên núi cao, chuông chùa trầm mình trong cuộc sống phồn hoa đô thị. Dù ở đâu, mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, người ta đều cảm thấy lòng mình thanh thoát, nhẹ nhàng, muốn hướng thiện, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, bình an…

Ở thành phố Đà Nẵng có chùa Non Nước ở trên núi Non Nước. Tuy chùa không lớn lắm nhưng ở vị trí đặc biệt với cảnh trí thiên nhiên rất đẹp, nên thơ, chùa trở thành một danh lam cổ tự bậc nhất ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng và cả miền Nam Trung Bộ:

Em đứng nơi cửa sông Hàn

Ngó sang bãi Tiên Sa

Ngũ Hành Sơn ở trên

Mũi Sơn Trà ngoài khơi

Nghe chuông chùa Non Nước

Em nhớ mấy lời thề ước

Anh làm sao cho duyên nợ được vuông tròn

Kẻo lòng người xứ Quảng mỏi mòn đợi trông.

Trở ra Bắc, ngược lên Lạng Sơn, không ai là không biết đến câu ca dao:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…

Về Hải Dương, tại chân núi Phao Sơn, thị trấn Phả Lại, huyện Chí Lính, có chùa Phả Lại vươn cao, soi mình trên sông nước. Ở đây gần chỗ hợp lưu của sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam làm thành sông Thái Bình. Sơn thủy hữu tình đã tô điểm cho cảnh chùa vẻ đẹp mơ màng qua câu ca dao:

Xa đưa văng vẳng tiếng chuông

Kìa chùa Phả Lại chập chùng bên sông.

Hội chùa Ngo ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội rất tập nập, đông vui, là một nơi hấp dẫn, đặc biệt là các đôi trai gái:

Nhất vui là hội chùa Thầy

Vui thì vui vậy chẳng tày hội Ngo

Chùa Ngo khánh đá chuông đồng

Muốn chơi thì trả của chồng mà chơi!

Còn ở Đường Lâm, Sơn Tây có chùa Viễn là ngôi chùa cổ với bảo vật nổi tiếng:

Nước giếng đồng chưa hâm đã nóng

Chuông chùa Viễn chưa gióng đã kêu!

Ca dao ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và ẩm thực của chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nọi) với non nước hữu tình, đặc sản rau sắng nổi tiếng xa gần. Qua đó bộc lộ tình yêu và niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương, xứ sở:

Ai đi trẩy hội chùa Hương

Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm

Mớ rau sắng, quả mơ non

Mơ chua, sắng ngọt, biết còn thương chăng?

Hà Nội còn có chùa Cầu Đông:

Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa

Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương.

Chùa Khánh Long ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ở đây có ngọn núi Nưa tức Na Sơn cao nhất so với các núi khác. Phong cảnh đẹp, bên ngoài có bốn dòng suối giao lưu như những chiếc vòi bạch tuộc. Trên đỉnh núi có hang động lập thành chùa, gọi là Khánh Long tự:

Huyện Nông cao nhất rừng Na

Tối linh vạn cổ nhất chùa Khánh Long

Lại thêm khánh đá chuông đồng

Long Quân tại tả, hữu ông Thổ thần

Phật đà phù hộ cho dân…

Chùa có mặt ở khắp các vùng quê với những tiếng chuông âm vang mà giản dị. Chuông là một pháp khí không thể thiếu được trong lễ nghi Phật giáo. Chuông còn xem là hiệu lệnh của chùa chiền. Chuông được thỉnh vào sáng sớm, nó phá tan màn đêm đánh thức người ta dậy. Chuông ngân lên vào lúc hoàng hôn sẽ biến đổi màn đêm, khai thông những thành phần tăm tối. Ca dao có câu:

Lắng nghe chuông gọi trên chùa,

Hỡi ai mê ngủ hãy chừa dục tham.

Và:

Chuông rơi từng tiếng gọi về,

Lòng trần từng hạt bụi mê rụng rời

Bài học đạo đức Phật giáo về trừ độc, tham.. đã được ca dao nói lên một cách nhẹ nhàng, có vần điệu, dễ thẩm thấu với người tiếp nhận:

Những ai bước tới cửa thiền,

Nhớ lời Phật dạy trong miền nhân gian.

Chừa dâm, chừa độc, chừa tham,

Trừ ba nết ấy mới làm ăn nên.

Những ai xa quê thường nhớ về lũy tre làng, ngôi chùa cổ, hàng cau xanh, hội đêm Rằm lung linh:

Em đi nhớ lũy tre làng

Nhớ ngôi chùa cổ, nhớ hàng cau xanh

Đêm Rằm trảy hội cùng anh

Mải vui quên tỏ cùng anh đôi lời.

Tiếng chuông chùa thi vị và đầy sức cảm hóa làm nảy sinh ra biết bao cảm hứng về âm nhạc, thơ văn, chan chứa chất liệu của tinh thần Phật giáo cùng với tình yêu quê hương, đất nước. Tiếng chuông chùa có một năng lực hồi sinh rất lớn. Vì sự màu nhiệm đó nên từ xưa đến nay đã có biết bao người phát nguyện đúc chuông, từ vua, quan, chính khách cho đến muôn dân. Ca dao có câu:

Xây chùa, tô tượng, đúc chuông

Trong ba việc ấy thập phương nên làm.

Ca dao xưa nói về tiếng chuông chùa còn nhiều, không thể dẫn hết được. Cùng với ca dao, tiếng chuông chùa luôn in sâu trong tâm khảm của mỗi người và còn ngân nga vang xa, vang mãi….

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tuổi nào cho em

Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024

Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.

Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân

Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024

Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.

Để Sư nấu

Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024

Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.

Nói xấu người

Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024

Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.

Xem thêm