Nghi thức quy y Tam Bảo
Quy y Tam Bảo là nương tựa ở Phật, Pháp, Tăng; không những Phật, Pháp, Tăng ở ngoài và chính ở tự tâm ta nữa. Mỗi khi làm quấy, nói sai, lòng ta thấy hổ thẹn, lương tâm bị dày vò cắn rứt: cái biết khiển trách điều quấy, khen ngợi việc lành là tánh sáng suốt của ta, là Phật vậy.
> Hiểu thêm về Quy y Tam Bảo tại đây
Sau khi chúng ta đã hiểu rõ Sự và Lý quy y rồi, chúng ta cũng cần biết qua nghi thức của lễ quy y.
1. Trước tiên phải gội rứa thân tâm cho trong sạch
Quy y là buổi lễ quan trọng nhất trên đường tu tập của chúng ta. Nó là cuộc khởi hành để đi đến mục đích giải thoát, vì thế chúng ta không thể xem thường, cử hành một cách bừa bãi được.
Khi muốn quy y, chúng ta phải y phục chỉnh tề, sắm khay lễ thỉnh chư Tăng đến trai đường, đảnh lễ và cầu xin chư Tăng rủ lòng từ bi truyền trao quy giới cho mình.
Trước ngày hành lễ, thân tâm chúng ta phải được gội rửa trong sạch. Ta tắm rửa sạch sẽ ăn mặc chỉnh tề. Ðó là về Thân; còn về Tâm thì ta phải ba phen sám hối, cho ba nghiệp được thanh tịnh. Nhờ sự tẩy gội cả trong lẫn ngoài ấy, ta mới xứng đáng đón nhận pháp thanh tịnh cao quý của Tam bảo.
2. Phát nguyện
Ðến giờ quy y, chúng ta phải qùy xuống; theo lời hướng dẫn của chư Tăng, chí thành phát nguyện:
- Ðệ tử xin suốt đời quy y Phật.
- Ðệ tử xin suốt đời quy y Pháp.
- Ðệ tử xin suốt đời quy y Tăng.
Sau khi phát nguyện Tam quy rồi, người phát nguyện tin chắc rằng mình đã gieo hạt giống giải thoát, thế nào cũng sẽ gặt được kết quả tốt là thoát ly ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì thế người quy y liền nói tiếp ba lần:
- Ðệ tử quy y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục.
- Ðệ tử quy y Pháp rồi, khỏi đọa ngạ quỷ.
- Ðệ tử quy y Tăng rồi, khỏi đọa súc sanh.
Thế là trọn vẹn Tam quy và Tam kiết.
Ðể bảo tồn lý tưởng cao cả của mình và giữ vững đức tin trên đường Ðạo, người quy y tự nguyện một cách mạnh mẽ và thành khẩn:
- Ðệ tử quy y Phật, nguyện trọn đời không quy y thiên, thần, quỷ, vật.
- Ðệ tử quy y Pháp, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo, tà giáo.
- Ðệ tử quy y Tăng, nguyện trọn đời không quy y tổn hữu, ác đảng.
Như thế là lễ quy y đã hoàn tất. Người tín đồ chỉ còn việc làm theo đúng những lời mình đã phát nguyện và đã tuyên thệ trước Tam bảo.
Lợi ích của quy y Tam Bảo
1. Khỏi đi lạc đường đời vào nơi tăm tối
Như chúng ta đã thấy ở đoạn mở đầu bài này, chúng ta đang lặn hụp trong biển khổ, đang bơ vơ lạc lõng giữa đêm tối mênh mông. Trong hoàn cảnh bi thảm như thế, nếu không thấy được những phương tiện để đi đến, không có những bậc Thầy để dìu dắt đến, thì chúng ta sẽ quay cuồng mãi mãi trong biển sanh tử luân hồi. Cái đích sáng ấy là Ðức Phật, những phương tiện ấy là Pháp, và những bậc Thầy dìu dắt ấy là Tăng. Khi chúng ta đã biết có những sự quý báu như thế mà không nắm bắt lấy, thì chẳng khác gì người sắp chết đuối thấy cái bè gỗ trôi qua mà lại dại khờ xua đẩy nó ra.
Sự quy y chính là một cách bám víu vào cái bè Tam bảo mà Phật đã chế ra để cứu vớt những kẻ sắp chết duối trong biển đời là toàn thể chúng ta.
2. Khi đã phát nguyện quy y, mình dễ giữ đúng lời đã hứa, vì có sự chứng minh của Chư Phật và Chúng Tăng
Có người nói: "Tôi tôn sùng Ðức Phật, vì biết Ngài là một đấng sáng suốt hoàn toàn; Tôi trọng Pháp vì biết Pháp Phật có đủ năng lực đưa người đến giải thoát; tôi kính Tăng vì biết đấy là những vị đại diện cho đức Phật. Biết như thế cũng đủ, cần gì phải làm lễ phát nguyện quy y?"
Nói như thế là chưa hiểu giá trị về phương diện tâm lý của lời hứa, lời thề trước mặt người khác. Khi chúng ta đã hứa với ai một điều gì, mà nuốt lời hứa, thì tâm hồn chuíng ta bức rức, hối hận không an. Ðã hứa tất có bổn phận làm trọn lời hứa, nếu thất lời hứa, tất ta sẽ tự khinh ta. Nhất là khi lời hứa, lời nguyện ấy lại cử hành trong một khung cảnh trang nghiêm trước điện Phật, trên có sự chứng tri của Chư Phật, dưới có sự chứng tri của chư Tăng, chung quanh có sự hộ niệm của những thân bằng quyến thuộc; phát nguyện trong khung cảnh ấy, tất nhiên chúng ta khó lòng mà trái lời nguyện hay xao lãng được.
Vậy đã biết Tam bảo là quý, tất nhiên ta phải quy y Tam Bảo và cử hành lễ quy y một cách trang nghiêm mới được.
Khuyên tín đồ nên quy y cả sự lẫn lý và tinh tiến trong sự quy y
Chúng ta đã thấy, là Phật tử thì phải quy y. Quy y phải đủ Sự và Lý. Không nên hoàn toàn ỷ lại bên ngoài mà xao lãng bên trong. Cũng không nên hoàn toàn tự tôn tự trọng riêng mình mà khinh thị bên ngoài. Muốn quy y thì trước tiên phải long trọng làm lễ quy y để đánh dấu bước đi đầu tiên của mình trên đường giải thoát. Lễ ấy như là lễ tiễn đưa một người ra đi nhận một nhiêm vụ mới. Nhưng một khi đã đặt chân lên đường, thì người ấy phải dong ruổi, quyết tiến mau cho đến đích, chứ không phải chần chờ, quay đi lộn lại một chỗ, hay rẽ qua một ngả khác. Ðã phát nguyện quy y mà không theo dấu chân của Ðức Phật đã để lại, không soi vào gương sáng của Ðức Phật đã nêu cao, không theo giáo pháp mà rèn luyện tâm tánh; không giữ giới luật, không vâng lời nhắc nhở của chư Tăng, như thế là tự lừa dối mình và lừa dối người khác, và cái tai hại lại càng lớn lao hơn cả không quy y.
Trái lại, nếu chúng ta quy y và thực hành đúng như lời đã phát nguyện thì con đường giải thoát dù xa, cũng sẽ có ngày thấy đích.
Xin hãy luôn luôn ghi nhớ lời nói cuối cùng của Ðức Phật:
- "Hãy tinh tấn lên để giải thoát!".
Trích "Phật học phổ thông"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Yêu thương hơn, hạnh phúc hơn bằng phương pháp “Quán từ bi”
Kiến thức 12:00 31/10/2024Thực hành phép "Quán Từ Bi", một pháp môn rất vi diệu trong Phật Pháp, được Đức Phật hết sức tán thán, ca ngợi về cả công đức thù thắng, lớn lao, cũng như ý nghĩa quan trọng trong việc tu hành viên mãn đức hạnh.
Hạnh nguyện và năng lực gia trì của đức Phật Dược Sư
Kiến thức 11:10 31/10/2024Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm vía đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chúng tôi xin nói về mười hai hạnh nguyện của Ngài. Đức Phật Dược Sư còn có tên là Đại Y Vương Phật, Ngài là vị giáo chủ cõi Tịnh Lưu Ly ở phương Đông.
Cảnh cùng khốn
Kiến thức 09:39 31/10/2024Người khéo học đạo thì trước trị trong để dẹp ngoài, đừng tham ngoài để hại trong. Cho nên giáo hóa chúng sanh, cốt yếu ở tâm thanh tịnh. Muốn chánh được người, cố nhiên phải chánh mình trước.
Lục độ: Sáu pháp vượt bờ
Kiến thức 09:00 31/10/2024Một trong những hành pháp tiêu biểu của Đại thừa là Lục độ. Tư tưởng lục độ Bồ tát ảnh hưởng vô cùng lớn đến mọi mặt của đời sống Phật giáo Việt Nam gần 2000 năm nay.
Xem thêm