Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

“Ngoại tình” càng nhiều càng tốt?

“Có hai mặt con rồi còn đi ngoại tình. Đúng là không biết nhục, không có liêm sỉ… Đó là người cha đã vứt bỏ gia đình để đi theo người phụ nữ khác. Tự hào quá cơ bản lĩnh đàn ông!… Cô ta xinh đẹp, học thức như thế mà lại đổ đốn, đi tòng teng với người đã có gia đình.” 
Đây chỉ là vài lời bình phẩm, nhiếc mắng “nhẹ nhàng” của thiên hạ “dành tặng” những người ngoại tình, vốn được coi là cái gai trong mắt người đời.

Ngoại tình theo cách hiểu của người thế gian:

Như suy nghĩ vốn đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi chúng ta, người lớn đã răn dạy chúng ta từ khi còn nhỏ và cũng một phần ảnh hưởng của phim ảnh thì ngoại tình là một việc làm sai trái. Đó là khi một người đã có gia đình nhưng lại quan hệ bất chính về mặt tình cảm với người khác. 

Đã có quá nhiều những bài báo, chương trình giao lưu với các chuyên gia về vấn đề “nóng” này trong xã hội. Chính vì sự định hướng từ truyền thông như vậy nên chúng ta luôn có một cái nhìn ác cảm về việc làm này. Dần dần, nó trở thành một định kiến, khó có thể thay đổi. Tuy nhiên, đây chỉ là góc nhìn đời thường. Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến việc “ngoại tình” theo quan điểm của Phật giáo.

“Ngoại tình” theo giáo lý nhà Phật:

Nếu tách nghĩa từng từ của hai chữ “ngoại tình” thì ngoại tức là ngoài, tình là tình cảm, tình yêu, tình thương, tình nghĩa. Như vậy, “ngoại tình” nghĩa là đem tình cảm của mình trang trải ra bên ngoài, không có giới hạn.

“Ngoại tình” với cách nhìn của người học Phật là khi chúng ta gạt bỏ đi cái tôi cá nhân, mở lòng và trang trải tình yêu thương tới tất cả mọi người, với muôn loài, từ thiên nhiên tới các con vật dù nhỏ bé nhất. Hay nói cách khác, “ngoại tình” lúc này là biểu hiện của một người sống với hạnh Bồ Tát, từ bi hỷ xả.  

Ngoại tình với người thế gian là cách để thỏa mãn những nhu cầu về tinh thần và đôi khi là thể xác. Một lý do muôn thủa mà người ngoại tình thường lôi ra để biện minh cho hành động của mình, đó là họ bị thiếu hụt về mặt tình cảm. Họ muốn tìm một người có thể lắng nghe cũng như thỏa lấp được khoảng trống trong trái tim. Với họ, ngoại tình là một việc làm đúng. Bởi lúc này, họ đang là chỗ dựa để “bảo vệ” cho một hoặc nhiều người khác. 

Nhưng đời không phải là ngôn tình, anh hùng bảo vệ nữ nhân chỉ có trong phim, trong truyện mà thôi. Sẵn sàng hi sinh bản thân, vứt bỏ đi cái tôi vị kỷ là việc làm rất khó. Nói thì hay chứ từ lời nói dẫn tới hành động thì không dễ dàng chút nào. Thuở mới yêu, mới thương mọi thứ đẹp như mơ… Nhưng khi thời gian qua đi, tình cảm cũng theo đó mà phai nhạt. Lúc đó, thử hỏi ta có sống vì người ta yêu thương nữa không? Hay lúc này trong ta chỉ có sự phán xét, tìm mọi cách để chỉ ra những khuyết điểm của đối phương và nhiếc móc.
Thế mới nói, ngoại tình với người thế gian tưởng như là hành động cao cả, khi họ hứa hẹn, thề non hẹn biển, quyết dành trọn tình yêu cho người bạn tri kỷ kia. Nhưng sự thật thì cái tôi và lòng tham của con người rất lớn. Ngã chấp không phải thứ có thể bỏ được nhanh chóng trong ngày một ngày hai.

Có chăng, đó chỉ là cảm giác “chán cơm thèm phở” mà thôi. Người đời thường có mới nới cũ mà quên mất rằng “mới thì mẻ”, dễ nứt vỡ còn “cũ thì kĩ”, bền hơn, tốt hơn. Dù cho nếu xét về mã chắc chắn không thể bóng bẩy, hào nhoáng, lung linh, “ngon” như đồ mới được.
Hiện nay, có người mới có chút tình cảm tốt đẹp với người khác đã nảy ra ý nghĩ chiếm đoạt. Thậm chí là dùng quyền lực, uy tín, đồng tiền mình có để chiếm đoạt người mà anh ta/cô ta cho là xinh đẹp/phong độ. Đó là điều rất đáng buồn, nó báo động sự suy thoái trong đạo đức và lối sống. Sự chiếm hữu là suy nghĩ phổ biến của con người. Khi có một món đồ nào đẹp thì chúng ta sẽ nảy sinh ham muốn giữ chặt lấy món đồ đó bên mình. Khi có một người ta đem lòng quý mến hoặc có cảm tình với ta thì chúng ta thường không muốn chia sẻ họ cho người khác, muốn người đó chỉ thuộc về duy nhất ta mà thôi.

Bởi vậy, nếu hiểu theo quan điểm của Phật giáo, ngoại tình không còn là tình yêu đôi lứa, là tình cảm thuộc về cá nhân. Ở đây, “ngoại tình” là khi ta biết vứt bỏ đi ngã chấp, vứt bỏ cái tôi vị kỉ, vứt bỏ những bon chen, được thua của thế gian, vứt đi tất cả tham sân si mạn của một con người. 

Kinh Bồ Tát niệm Phật tam muội có viết:

“Từ tâm quán chúng sanh
Như mẫu niệm nhứt tử
Vu thù bất truy ác
Cánh sanh lân mẫn tâm”

Nghĩa là dùng tâm từ quán sát chúng sanh như người mẹ nghĩ nhớ đến con, đối với việc kẻ thù không sanh khởi tâm ác. Ngược lại phải sanh tâm thương xót họ.

Chúng ta có thể dễ dàng thương mến một người đáng yêu, ngoan hiền. Nhưng để mở tâm lượng, tình thương với người đã phỉ báng hay hại ta thì khó vô cùng. Cũng giống như việc ngoại tình của thế gian, khi ta yêu thương một người phụ nữ hay người đàn ông khác thì hiển nhiên tình thương với người vợ, người chồng hiện tại của ta sẽ giảm dần. Và đôi khi là biến mất, không còn vương vấn chút tình cảm nào nữa. Đó là chưa nói tới trường hợp có nhiều gia đình vợ/chồng còn tìm cách hãm hại người bạn đời đã đồng hành qua biết bao thăng trầm, gắn bó với họ hơn chục năm trời để đến với niềm vui mới.

Lúc này, thứ chi phối họ chẳng phải là sự ích kỷ, nhỏ nhen hay sao? Cho nên mới nói, ngoại tình theo đời thường mãi mãi chỉ đem tới quả khổ đau. Còn “ngoại tình” trên tinh thần Phật giáo sẽ luôn mang lại nhân an lành và hạnh phúc.

Người trải lòng mình với tất cả chúng sanh không bao giờ phân biệt kẻ oán người thân, lúc nào cũng đến với họ bằng tâm từ bi, tâm thương yêu chân thành và tâm thông cảm. Theo quan điểm của Nho gia: “Điều mình muốn tồn tại thì mình cũng làm cho người khác được tồn tại. Điều mình muốn đạt được thì cũng làm cho kẻ khác đạt được.”

Luận ngữ dạy rằng: “Bậc quân tử phải lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của muôn dân” (đồng như tinh thần tiên ưu hậu lạc theo Mạnh Tử). Nghĩa là nên đến với chúng sanh bằng tinh thần: “thương người như thương mình”, “quên mình để cứu người”, “vô tư phụng hiến”… Tinh thần này tất nhiên sẽ tương phản với lập trường sống của kẻ phàm phu cũng như cách sống ngoại tình của người đời: “người sống không vì mình thì tru diệt”, “tổn người lợi mình”…

“Ngoại tình” với người tu học, đó là tinh thần Bồ Tát chí cao vô thượng, quên mình vì người. Vì Phật giáo cho rằng nhơn sanh thống khổ nên trách nhiệm của người giác ngộ là “độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là khiến cho mọi người luôn hạnh phúc, an lạc.
Nếu bạn đang “ngoại tình” đúng như tinh thần của Phật giáo là hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích mọi loài thì bạn hãy tiếp tục và phát huy hơn nữa. Đây là một cử chỉ tốt lành, là biểu trưng cho sự nghiệp cứu tế chúng sanh. Và tôi hi vọng bạn sẽ không bao giờ nản lòng và hãy “ngoại tình” càng nhiều càng tốt!

Còn nếu bạn đang ngoại tình theo kiểu người thế gian thì tốt hơn cả là bạn nên dừng lại và tự phản tỉnh chính bản thân mình. Bởi nó chính là nhân của khổ đau, nhân của luân hồi. Nếu cứ tiếp diễn thì bạn sẽ đi vào ngõ cụt, bao quanh bởi bóng tối vô minh, của dục lạc và ái tình. Nơi đó sẽ không bao giờ được soi rọi bởi ánh sáng ấm áp của trí tuệ, từ bi và giác ngộ. Đau khổ lắm thay! 

Chúng ta hãy mau mau tỉnh thức, đừng vì những niềm vui tạm bợ, huyễn mộng của thế gian mà lạc lối, đánh mất đi tánh Phật trong ta. 

“Chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ
Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành”.

Con xin nguyện cầu mười phương Chư Phật khai sáng cho tất cả chúng sinh đang trong cơn mê lầm có thể tìm về được nẻo giác.

Nguyễn Linh Chi
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Tám đặc điểm hiếm có trong giáo pháp Như Lai

Phật giáo thường thức 20:26 14/04/2024

“Có tám pháp hiếm có khiến các Tỳ-kheo vui thích ở trong đó. Sao gọi là tám? Trong pháp của Ta đầy đủ giới luật, không có hành phóng dật. Đó gọi là pháp hiếm có thứ nhất, các Tỳ-kheo thấy rồi vui thích ở trong đó, như biển cả kia rất sâu và rộng.

Việc kết nối thiên nhiên giúp trị trầm cảm như thế nào?

Phật giáo thường thức 13:03 14/04/2024

Câu hỏi: Việc kết nối thiên nhiên giúp trị trầm cảm như thế nào? Nó sẽ giúp gì trong quá trình trị liệu tâm lý?

Thấu lý duyên khởi, vượt thoát khổ sầu

Phật giáo thường thức 10:15 14/04/2024

Phật pháp rộng lớn uyên áo thâm sâu vô cùng không phải ai cũng có thể hiểu đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, không ít người hiểu Phật pháp một cách nửa vời, ít đạt hiệu quả chuyển hóa khổ đau trong đời sống hiện thực.

Tương quan giữa cho và nhận

Phật giáo thường thức 08:50 14/04/2024

Cho người thực ra đó là cho mình là một nhận thức quen thuộc của những người con Phật. Vì thế, ngoài tấm lòng từ bi bao dung, độ lượng đối với tha nhân, người Phật tử thực hành bố thí với mục đích nhằm vun bồi phước báo cho chính mình.

Xem thêm