Ngôi chùa cổ có hồng nhung cho trái quanh năm
Không chỉ lưu giữ những pho tượng có nguồn gốc kỳ lạ, chùa Bốn Mặt còn mang vẻ đẹp hiếm có bởi hàng trăm cây hồng nhung trăm tuổi cho trái quanh năm.
Sự xuất hiện "kỳ lạ" của những pho tượng
Chùa Bốn Mặt (xã Phú Tân, H.Châu Thành, Sóc Trăng) là một trong những ngôi chùa được xếp hạng di sản văn hóa - lịch sử của tỉnh. Trước ngôi chính điện, bảng lưu niệm ghi rõ: "Quá khứ qua đi, ở sóc Ba Rai, vùng đất chiến thắng tất cả các kẻ thù, mới có hiện tượng lạ xuất hiện, tượng Phật bằng đá kim cương bảy màu nổi lên ở nơi này vào 1537 - Phật lịch 2081 mới đặt tên là chùa Prés On Prés Buôl Prés Phék". Trải qua gần 500 năm, người dân địa phương vẫn tin rằng đây là vùng đất linh thiêng. Từng thế hệ tiếp nối lưu truyền tích cổ, để không một ai quên gốc gác ngôi chùa.
Dẫn chúng tôi tham quan chùa, Thượng tọa Thạch Bonl, trụ trì chùa Bốn Mặt, cho biết trong lịch sử, chùa đã trải qua 3 lần đại trùng tu. Hiện chùa có diện tích gần 8 ha, với quần thể kiến trúc gồm chánh điện, sala, tháp để cốt, lò hỏa táng, khu nhà ở của các sư, nhà tiếp khách. Mặc dù trải qua nhiều lần biến đổi, chùa vẫn còn bảo tồn ngôi chính điện làm từ rơm, cát và đất sét. Khi dùng tay gõ vào, âm thanh phát ra khác xa với những bức tường bằng bê tông.
Trước đây, khu vực xây chùa là một vùng đất cao. Trong một lần khai khẩn đất hoang làm ruộng, người dân phát hiện một tượng Phật làm bằng đá kim cương nguyên khối nổi lên. Tượng có 4 mặt quay về 4 hướng, mỗi hướng có 5 vị Phật trong những vị trí tọa thiền khác nhau. Chiều cao tượng gần 5 m, kích thước nhỏ dần khi lên cao, phần đỉnh làm từ vật liệu như vàng. "Điều kỳ lạ là bức tượng được chế tác hoa văn sắc nét mà rất khó có bàn tay con người nào có thể chạm khắc được vào thời điểm ấy. Vượt khỏi khả năng suy luận nên người dân Khmer cho rằng là điềm lành được ban phước. Vì vậy, họ đã đồng lòng xây dựng chùa và rước tượng Phật vào thờ tự", Thượng tọa Thạch Bonl kể.
Vào ngày 11.7.2020, người dân sóc Ba Rai lại được chứng thực sự xuất hiện kỳ lạ của một bức tượng khác, cũng tựa như câu chuyện đã xảy ra hàng trăm năm trước. Thượng tọa Thạch Bonl kể: "Hôm đó mưa rất to. Một bé gái tắm mưa gần khu vực lò thiêu, đang chơi đùa trong vũng sình thì chạm phải một phần của bức tượng. Sau đó, cha mẹ cháu bé tìm cách đưa tượng lên, rửa sạch rồi nhờ 6 người khiêng đến chùa, vì khá nặng. Khoảng 12 giờ trưa 17.7.2020, lại có một bé trai vô tình tìm thấy một phần cánh tay của bức tượng. Đến nay, người dân đã 7 lần phát hiện thêm các bộ phận khác, đem đến chùa nối lại hoàn chỉnh. Hiện chỉ còn thiếu một phần bàn tay bên trái".
Đây là bức tượng điêu khắc thần Vishnu, có niên đại hàng ngàn năm. Hiện bức tượng được bảo vệ trong lồng kính, đặt ở khu vực trai đường để phật tử và du khách có thể tham quan, chiêm bái.
Hạt giống hồng nhung của chùa trở thành cây sinh kếTrồng nhiều cây xanh trong khuôn viên là điểm chung của các ngôi chùa Khmer ở miền Tây. Song, khác với đa số chùa chọn trồng cây sao, cây dầu… chùa Bốn Mặt mang nét đẹp lạ khi có khoảng 500 cây hồng nhung. Trong đó, rất nhiều cây đã hơn 100 năm tuổi.
Theo Thượng tọa Thạch Bonl, chùa đã qua nhiều đời sư trụ trì nên không rõ cây hồng nhung được trồng chính xác khi nào, chỉ biết những cây đầu tiên mang từ Campuchia về. Khi ông về chùa đã thấy 2 cây thân phát triển cao to, lá sum suê. Thời điểm đó, cây hồng nhung còn khá lạ và hiếm nên có người đòi mua lại mỗi cây 50 triệu đồng nhưng nhà chùa không bán.
Cây hồng nhung chắc khỏe. Ngoài giá trị tạo bóng mát, cây còn cho trái quanh năm, màu hồng đỏ đẹp mắt. "Thấy cây hồng nhung tạo cảnh đẹp quanh khuôn viên chùa, các sư đã nhân giống từ hột 2 cây mẹ. Phần lớn cây đã hơn 30 năm tuổi, còn đất trống là các sư trồng thêm. Những năm gần đây, người dân trong phum sóc và các tỉnh, thành khác đến chùa xin hột về làm giống rất nhiều", Thượng tọa Thạch Bonl chia sẻ.
Bà Thạch Thị Hiền (53 tuổi, người dân địa phương) cho biết đồng bào Khmer trong sóc Ba Rai tin rằng xin giống hồng nhung từ chùa sẽ mang lại nhiều may mắn, phước lành. Người trồng vài cây làm kiểng cho đẹp nhà cửa, người xem như là cây sinh kế. Nhờ trồng hồng nhung mà nhiều người có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn. Ngày nay, giá trị loại cây này khá cao, địa phương thành lập hẳn tổ hợp tác, nhân giống từ hạt với quy mô lớn. Do cây có nguồn gốc từ chùa Bốn Mặt nên được nhiều người tìm đến hỏi mua.
Tản bộ bên những hàng cây hồng nhung nơi đất Phật, anh Nguyễn Trọng Nghĩa (24 tuổi, du khách đến từ Hậu Giang) cho biết anh có cảm giác như đang trải nghiệm bối cảnh vườn đào tiên chốn thiên đình đã được xem ở trong phim.
Điều ấn tượng khác là chùa có 5 cửa, là trung tâm của sóc Ba Rai. Người dân muốn đi đâu cũng đều phải vào chùa nên không khí không bao giờ trầm lặng. "Chùa không cấm việc bẻ trái hồng nhung ăn nên các cháu nhỏ hay lui tới, kiểm tra độ chín để lấy lộc chùa rất vui. Với ngôi chùa, tôi sẽ rất khó quên về kiến trúc, càng khó quên hơn không gian thiên nhiên và sự gần gũi giữa đạo và đời", anh Nghĩa tâm sự.
Nguồn: Báo Thanh Niên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chùa Đại Lộc - ngôi chùa Nam tông đầu tiên trên đất Phật
Chùa Việt 15:18 19/11/2024Chùa Đại Lộc tọa lạc tại số 13/46 M-5 Khajuhi, Sarnath, Varanasi – 221007, U.P. (India) - nơi có tháp Chuyển Pháp Luân, là một trong Tứ Động Tâm của Phật giáo tại đất Phật Ấn Độ, Nepal.
Ngôi chùa được phong sắc tứ duy nhất tại Gia Lai
Chùa Việt 09:00 19/11/2024Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Ngôi chùa 900 tuổi đẹp nhất của Hà Nội xưa
Chùa Việt 16:47 18/11/2024Chùa Chiêu Thiền, hay còn gọi là chùa Láng, dù đã 900 tuổi vẫn đứng uy nghiêm giữa lòng Hà Nội với một vẻ đẹp lưu giữ nhiều thăng trầm của thời gian.
Vãng cảnh chùa Hang ở An Giang
Chùa Việt 08:50 18/11/2024Chùa Phước Điền (còn gọi là chùa Hang) tọa lạc trên triền núi Sam (TP. Châu Đốc), với kiến trúc độc đáo, cùng khung cảnh xanh mát, đây là một điểm đến ấn tượng tại thành phố vùng biên.
Xem thêm