Thứ, 30/10/2023, 11:22 AM

Ngôi cổ tự chứa nhiều tác phẩm điêu khắc thời Trần

Chùa Thái Lạc được xây dựng tại thôn Quang Trung, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngôi chùa hiện lưu trữ nhiều bức chạm gỗ cổ mà các nhà nghiên cứu cho rằng, có niên đại từ thời Trần (1225 - 1400).

Mảng chạm tinh xảo thời Trần chùa Thái Lạc. Ảnh: Bé Văn Điển

Mảng chạm tinh xảo thời Trần chùa Thái Lạc. Ảnh: Bé Văn Điển

Kiến trúc cổ xưa

Ngoài thờ Phật, chùa còn là nơi thờ bà Pháp Vân, một trong tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), vì thế chùa còn có tên chữ là Pháp Vân Tự. Trong tín ngưỡng thờ tứ pháp, bà Pháp Vân được gọi là chị cả, do vậy dân gian thường gọi đây là chùa bà Cả. Chùa Thái Lạc được xây dựng từ khá sớm, trải qua những thăng trầm của lịch sử ngôi chùa đã được trùng tu lại nhiều lần. Qua các bia ký và thư tịch cổ có ghi nhận việc trùng tu chùa vào các năm 1630, 1636, 1690, 1691 và năm 1703.

Bài liên quan

Toàn bộ kiến trúc chùa Thái Lạc được bố trí kiểu “Nội Công ngoại quốc”. Toà tiền đường gồm 7 gian được làm lại theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Các bộ vì được kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng. Tại gian bên trái tiền đường treo quả chuông có niên đại Minh Mệnh vạn vạn niên (1820). Gian trung tâm toà tiền đường treo bức đại tự “Từ phong viễn bá” (sự uy nghi của ngôi chùa như luồng gió lành bao trùm cả một vùng rộng lớn). Đại tự có niên đại Khải Định Kỷ Mùi niên (1919).

Toà thượng điện được xây dựng gồm 3 gian, là công trình bảo lưu được các giá trị kiến trúc nghệ thuật thời Trần. Theo các nhà nghiên cứu thì đây chính là kiến trúc của ngôi chùa thuở sơ khai. Trên các cốn, đố của các vì kèo và trên các cột đấu tòa thượng điện có mảng chạm khắc gỗ lớn. Đề tài chủ yếu là cảnh đàn hát, các tiên nữ dâng hoa, các hình rồng uốn lượn chầu ngọc, vườn hoa và các hình phỗng đang uốn mình đội bệ sen đều mang phong cách nghệ thuật thời Trần, rất độc đáo.

Truyền thuyết về Bà Pháp Vân

Về sự tích Tứ pháp đã được ghi chép trong rất nhiều sách: Chính sử, dã sử và các truyền thuyết dân gian. Những sách như: Lĩnh nam trích quái, Cổ Châu phật bản hạnh, Pháp Vân thánh liệt... đều cho rằng: Vào đầu công nguyên, các tăng sĩ Ấn Độ là người đầu tiên truyền đạo Phật vào vùng Dâu, mà người có công đầu là Khâu Đà La. Lúc đó ở làng Mãn Xá (phía Tây Nam làng Dâu) ông bà Tu Định có người con gái là Man Nương. Do rất phục phép màu của sư Khâu Đà La nên ông bà Tu Định cho con gái theo thầy học đạo. Đến năm 12 tuổi, Man Nương đã được thầy truyền cho nhiều Phật Pháp. Một đêm, khi Khâu Đà La đi vắng, Man Nương ở nhà nằm giữa khuê phòng, ngủ thiếp đi. Nhà sư Khâu Đà La lúc trở về chùa, vì thấy Man Nương đang nằm chắn lối đành phải bước qua, từ đó Man Nương có thai.

Qua 14 tháng mang thai, đêm ngày 8 tháng 4, Man Nương sinh hạ một người con gái. Nàng liền đem đứa bé trao cho Khâu Đà La. Khâu Đà La bèn mang đứa bé ấy đến bên gốc cây Dung Thụ rồi đọc kệ, cây bỗng mở rộng thân mình, ôm đứa bé vào lòng. Sau đấy Khâu Đà La trao cho Man Nương cây tích trượng và dặn cách cắm cây tích trượng ấy xuống đất để lấy nước chống hạn.

Tượng Pháp Vân chùa Thái Lạc. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Tượng Pháp Vân chùa Thái Lạc. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Man Nương trở về quê, nàng giúp dân chống hạn rất ứng nghiệm. Đến năm Giáp Tý, trong một đêm mưa bão, cây Dung Thụ kia bị đổ, rồi theo sông Dâu trôi đến trước cửa thành Luy Lâu thì dừng lại. Khi ấy, Thái thú Sỹ Nhiếp đang đến trong thành, đã cho quân lính ra kéo cây vào, nhưng không được, đến khi Man Nương tung dải yếm ra, thì cây trôi theo vào ngay, như câu ca dao vẫn lưu truyền:

“Man Nương khấn nguyện một lời

Dải yếm buộc lấy động dời cây cao”

Bài liên quan

Sỹ Nhiếp liền sai người cắt cây Dung Thụ tạc thành các tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Đến khi làm lễ rước các Phật lên tòa thì chỉ rước được ba tượng Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, còn tượng Pháp Vân thì bao người khiêng vẫn chẳng chuyển dời, hỏi ra mới biết, khi thợ mộc cắt khúc cây để tạc tượng này có gặp phải viên đá, họ bèn vứt xuống sông Dâu. Mà rất kỳ lạ, khi viên đá bị ném xuống sông, thì thấy “Hào quang sáng khắp giữa dòng ghê thay”. Sỹ Nhiếp liền sai người quen nghề chài lưới mò tìm viên đá, nhưng không thấy. Phải đến khi Man Nương tới, thì viên đá mới “nhảy lên” lòng nàng. Sĩ Nhiếp liền "phong" viên đá thiêng này là “Thạch phật bụt quan” (dân gian thì gọi là Phật Thạch quang) và cho rước vào chùa Dâu, đặt thờ ngày rước phật Pháp Vân.

Sự tích Tứ pháp tổng Thái Lạc còn được kể rằng: Cành Lớn cây Dung Thụ cũng được chia làm 4 đoạn. Một buổi sáng, người tổng Thái Lạc (nay là Lạc Hồng) mua được 3 đoạn khiêng về, chờ buổi chiều mua đoạn còn lại, buổi trưa mọi người thử đòn, nào ngờ cả đòn khiêng và khúc gỗ vụt bay theo đoàn người đi trước. Thấy vậy, người dân Luy Lâu đuổi theo đòi lại. Nhưng đoàn người đuổi đến đâu thì trời sầm sập mưa đến đấy. Vì vậy, sau này trong lễ hội rước kiệu bà Pháp Lôi luôn phải chạy.

Dân Thái Lạc đã thuê ông Đào Khảm và Đào Lượng tạc bốn đoạn cành dâu thành bốn pho tượng mẫu Tứ Pháp nhỏ. Ban ngày hai ông tạc tượng ở chùa Thái Lạc, còn ban đêm về ngủ tại chùa Ôn Xá thuộc xã Đình Dù. Vì vậy sau này khi có lễ hội, sau khi rước bốn bà công đồng, bao giờ 3 bà chị cũng về ngự tại chùa Ôn Xá hai đêm một ngày.

Đến thời Mạc, dựa vào bốn pho tượng mẫu, dân làng mới dùng gỗ mít tạc thành bốn pho tượng Tứ Pháp như ngày nay. Tượng Pháp Vân được tạc theo nguyên tắc tạo tác của tượng phật. Khuôn mặt tượng vừa đề cao trí tuệ, vừa biểu hiện tính từ bi, ý thức muốn cứu độ chúng sinh của nhà Phật. Tượng có màu mận chín, là màu chứa đựng nguồn nước no đủ, vừa chứa sức sống hội tụ thành sức mạnh thần linh. Thân hình tượng bộc lộ những phần ngực, bụng và lưng như sự bộc lộ hồn nhiên của bầu trời và vũ trụ.

Hiện nay, trong di tích còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý và lễ hội dân gian truyền thống gắn với việc cầu mưa. Lễ hội cầu mưa gắn liền với ước vọng của cư dân nông nghiệp cầu mong cho sự phồn thực no đủ, cho xã hội thịnh vượng phồn vinh, cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật.

Chùa Thái Lạc là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Hưng Yên. Ngày 24.12.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2018 cho chùa Thái Lạc.  

Nguồn: Báo Lao Động

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bảo vật quốc gia chuông chùa Thiên Mụ

Chùa Việt 09:28 19/12/2024

Chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huế mà còn là một công trình kiến trúc và văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc.

Độc đáo ngôi chùa cổ ở TP. HCM được trang trí bằng 30 tấn mảnh sành, sứ

Chùa Việt 09:37 18/12/2024

Mất khoảng 20.000 ngày công để gắn hơn 30 tấn mảnh sành, sứ phế liệu lên toàn bộ công trình, chùa An Phú sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam, trở thành ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất TPHCM.

Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM

Chùa Việt 10:02 09/12/2024

Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.

Chiêm ngưỡng nhiều cảnh “độc, lạ” ở chùa Linh Sơn

Chùa Việt 09:37 07/12/2024

Nằm trên gò cao bên triền núi Ba Thê, chùa Linh Sơn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo trong quần thể di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Từ lâu, nơi đây được xem là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng khắp vùng. Tham quan ngôi chùa trăm năm tuổi, chúng ta sẽ cảm nhận vẻ đẹp an yên, thanh tịnh ở đây.

Xem thêm