Thứ, 19/02/2024, 08:08 AM

Ngũ giới trong đạo Phật

Ngũ giới là năm điều ngăn cấm có tính chất hướng dẫn mọi hoạt động đời sống của người tin theo đạo Phật. Nó là rào cản ngăn không cho ta lọt xuống dòng sông mê muội đau xót.

Sự vận hành theo quy luật hoặc chung hoặc riêng khác nhau của hiện tượng đời sống đều được diễn ra theo một quy tắc, luật lệ nhất định, trong ấy có những luật pháp tối sơ cho đời sống con người. Con người sống trên đời là sống với mọi người, với tha nhân, nên phải có luật pháp để ngăn cấm mọi hành động, việc làm gieo tai hoạ cho kẻ khác. Ở một góc độ nào đó thì luật pháp là cơ sở để tạo công bằng, hợp lý cho ai nấy trong cộng đồng nhân loại. Có sự công bằng đúng mức với hành động thiện hoặc ác thì xã hội mới có cơ hội tiến lên.

Nhu cầu thiết yếu của luật pháp trần gian là thế. Đối với việc chuyển hoá tâm hồn, làm mới lại đời sống, hướng đến chân trời an lạc, giải thoát, thì cũng phải có những luật tắc nhất định, gọi là giới luật. Đó là những hạn chế, cấm, ngăn không cho người hành động theo hướng làm tổn hại tự thân và tha nhân. Giới luật này có tính chất khắt khe như luật giao thông, nếu ai không tuân thủ, chắc chắn gây ra thảm khốc cho bao người và cho chính mình. Người tu tập cũng vậy, sau khi nhận lãnh tam quy thì đương nhiên phải tuân thủ ngũ giới làm nền tảng cho đời sống mới. Ngũ giới là bộ luật đơn giản nhất, nhưng là bộ luật căn bản sâu sắc nhất, mở đầu cho con đường lên thánh hạnh.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Đức Phật Thích Ca đã có lời di chúc trước khi ngài nhập Niết-bàn rằng: “Sau khi ta diệt độ, các ngươi phải tu hành, phải tôn kính giới luật làm thầy”.

Ngũ giới là năm điều ngăn cấm có tính chất hướng dẫn mọi hoạt động đời sống của người tin theo đạo Phật. Nó là rào cản ngăn không cho ta lọt xuống dòng sông mê muội đau xót. Chữ giới có nghĩa rất rộng là ngăn cấm, đừng làm, nhằm tự bó buộc lấy mình, phòng bị như đắp đê ngăn lụt lội, xây bờ đê cho chắc để giữ nước lại. Đó là những hình ảnh cụ thể để hiểu chữ giới. Khi ta đi qua cầu cao ngệu bắt ngang sông rộng, nước chảy xiết thao thao, nếu chiếc cầu ấy không có lan can, rào cản hai bên, chúng ta sẽ cảm thấy chóng mặt, không cất bước được vì hồi hộp lo âu. Trái lại, nếu có lan can, rào cản hai bên vững chắc, ta qua cầu rất bình yên. Giới luật cũng có giá trị và ý nghĩa như vậy.

Trong Kinh Di Giáo có nói, giới luật là chỗ an ổn số một cho tâm hồn, hành động của người tu tập giải thoát. Nghĩa là giới luật giúp ta phương tiện tối yếu để tu tập chấm dứt tái sanh từ vô số đời sống lầm than khổ luỵ. Trong đạo Phật có hai phương diện giải thoát lớn nhất, đó là Giới luật giải thoát và Trí tuệ giải thoát, nghĩa là ta ra khỏi vòng mê muội khổ đau bằng hai biện pháp là giữ giới và nhận thức với ánh sáng hiểu biết của bậc Thánh. Tu tập mà không đắp đê giới luật, nguồn nước tu tuệ sẽ bị thấm lọt qua khe hở chảy đi hết. Cho nên, trong kinh nói, từ buổi rạng đông Chánh pháp được lưu truyền là nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ, nghĩa là từ chỗ giữ chắc giới luật mà tâm hồn được yên tịnh lắng sâu. Từ chỗ thiền định lắng sâu mà trí sáng phát sanh lên. Từ đó nó củng cố, soi rọi thêm cho việc hành trì giới. Cứ thế, trong sự liên chuyển tác động lẫn nhau để hỗ trợ đạt tới cõi giải thoát thảnh thơi, năm giới là nền tảng chung nhất, lớn nhất, là mẫu số chung cho toàn bộ giới luật tại gia hay xuất gia. Năm điều răn ấy là:

1. Tránh xa sát sanh,

2. Tránh xa sự trộm cắp,

3. Tránh xa sự tà dâm,

4. Tránh xa sự nói dối,

5. Tránh xa sự dể duôi, uống rượu và các chất say.

Năm giới luật này, căn cứ trên tâm từ bi, bình đẳng, trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui hạnh phúc cho xã hội.

1. Không được sát sanh:

Không được sát sanh, giết hại mạng sống, sự sống cụ thể là đời sống con người, đời sống của động vật. Chủ yếu quan trọng là đời sống con người, vì con người là linh thức cao hơn mọi động vật khác. Con người là động vật có khả năng cao nhất để tu tập giác ngộ, con người còn cao hơn chư thiên vì đời sống của chư thiên hiếm lắm mới có vị tu giác ngộ vì họ mãi lo hưởng vui, mai một ý chí. Trần thế khổ nhiều hơn vui, con người mới có ý chí, ý chí quyết định thành Phật. Thế nên, sự sát hại mạng người là tội nặng nhất, trong các sinh vật ở đời này.

Kế tiếp là cố tránh đi sự sát hại mạng sống của các loài động vật như gia cầm, gia súc, dã thú, cho đến những loài vật nhỏ nhất khác. Tất cả chúng đều là sự sống mang tính chất tiến hoá hơn các loài thực vật. Thế nên cắt đứt thân mạng của loài này để tô bồi thân mạng của loài kia là một hành động ác, không hợp với lẽ đạo. Hơn nữa, chúng ta ai cũng xem sinh mạng mình là quý, là một báu vật tuyệt vời, nếu bị hại, ai cũng chống trả quyết liệt để bảo vệ sinh mạng. Bản thân ta biết trân quý mạng sống mình như vậy, suy rộng ra các loài vật cũng biết quý trọng thân mạng của chúng. Vì vậy, Phật giáo cấm sát sanh để tôn trọng sự công bằng.

Đức Phật không đồng ý cho đệ tử của Ngài sát hại, đoạt mạng, bởi vì đem tâm sát hại sinh mạng là lòng độc ác lên đỉnh điểm, khiến tâm từ bi bị bóp chết, là tự giết lòng từ bi của mình. Thế nên Phật giáo cấm sát sanh để nuôi dưỡng lòng từ bi. Khi ta giết đoạt một thân mạng, sự oán giận không dập tắt được, kẻ bị giết ôm lòng oán hận kẻ giết. Cho nên, Phật giáo cấm sát sanh để tránh nhân quả báo ứng.

2. Không được trộm cắp

Con người sống trên đời này có hai sinh mạng là mạng sống tự bản thân với hô hấp đều đặn này và ngoại mạng là của cải vật chất tiền bạc, ruộng vườn, tài sản đủ thứ. Lấy những vật không thuộc quyền sở hữu của mình, không có sự ưng thuận của chủ nhân, hay cưỡng ép người khác ưng thuận bằng quyền hành là phạm giới. Những vật to lớn, quý giá như nhà cửa, tiền bạc, ruộng vườn… cho đến những vật hèn mọn như trái ớt, lá rau… người khác không cho phép mà mình chiếm đoạt đều là phạm trộm cướp. Lấy trộm của người khác là sát hại ngoại mạng của họ, làm cho họ điêu đứng khổ não. Người ta thường nói: “Tiền tài như huyết mạch”. Chúng ta không muốn ai lấy của mình, thì đối với người khác cũng vậy. Nếu lấy của người khác một cách trái đạo là trái lẽ công bằng, không thể tồn tại được....

Vì thế, đã là đệ tử của Phật, nên cố gắng nuôi dưỡng lòng từ bi. Kẻ ăn trộm, ăn cướp không phải là con người có giá trị tối thiểu, họ sống đời sống bấp bênh, lo sợ. Đó là một tội lỗi nhơ nhuốc đối với xã hội văn minh. Người Phật tử giữ giới không ăn trộm, ăn cướp là tự tạo niềm tin an ổn cho mình và cho xã hội. Chúng ta giữ giới không trộm cướp để tránh khỏi nghiệp báo oán thù. Trong xã hội có tổ chức, tôn trọng lẽ công bằng, tội trộm cướp bao giờ cũng bị trừng trị. Vậy nên để tạo sự công bằng, bình đẳng, nuôi dưỡng tâm từ bi và tránh quả báo thù hằn về sau, Đức Phật khuyên ta không nên trộm cướp.

3. Không được tà dâm:

Tà dâm ý muốn nói về sự dâm dục, phi lễ, phi pháp. Luật dạy người xuất gia phải dứt hẳn sự dâm dục, còn người tại gia thì không được tà dâm.

Khi vợ chồng cưới nhau đủ lễ gọi là chánh, ngoài ra sự lén lút, lang chạ làm việc phi pháp gọi là tà dâm. Khi đã có đôi có bạn rồi, tuyệt đối không phạm đến sự trinh bạch của kẻ khác. Phạm tội này dễ phát sinh biết bao nhiêu tội ác khác, gieo thảm hoạ cho bản thân, gia đình mình và gia đình người. Những kẻ ưa tánh lang chạ, họ làm nẩy sinh bao rắc rối, tâm hồn không trong sạch, không được người đời tôn kính. Giữ giới không tà dâm bảo vệ nhân cách, bảo vệ sự yên ấm trong gia đình. Tuân giữ giới này triệt để tạo nên đời sống an ổn về tinh thần cho mỗi cá nhân, không hoang phí tuổi đời ngắn ngủi vào đam mê nguy hại. Đức Phật dạy mọi người giữ giới không tà hạnh để tránh oán thù và quả báo xấu xa.

4. Không được nói dối, nói hai lưỡi, nói độc ác, nói thêu dệt

Lời nói là sản phẩm đặc biệt của loài người, lời nói có mục đích là trao đổi, cảm thông. Lời nói cũng là một vũ khí lợi hại không kém bất cứ loại vũ khí vật chất nào. Có khi bỏ mạng, tan nhà mất nước vì một lời nói, có khi an ổn lâu dài cũng vì một lời nói. Nói dối là nhằm chiếm đoạt quyền lợi vật chất, là nhằm đè nén kẻ khác để tâng bốc mình lên, là nhằm che đậy bản ngã, cũng như mọi ý đồ đen tối khác. Kẻ nói dối thường lo sợ không yên, không được ai tin cẩn. Nói dối quen thói càng đi sâu vào đường ma lối quỷ, trắc trở, bất chánh… Nói dối cũng gieo tai hoạ không lường nổi, tác hại đến nhiều đời nhiều kiếp.

Nói hai lưỡi là lời nói đâm thọc mục đích phá tan sự thật,việc không có tự dựng lên và ngược lại. Trước mặt khen sau lưng chê, vu khống đặt điều, bày mưu gian xảo, đó cũng là một tội trộm cướp bằng ngôn ngữ, gieo thảm hoạ đau khổ cho người.

Lời nói độc ác: Người ta thường sáng tạo kho chất nổ ngôn ngữ để mắng chửi thật phong phú, có cả trăm lối chửi rủa ông bà, cha mẹ, mồ mả dòng họ tổ tiên. Khi quyền lợi bị va chạm, kho thuốc ngôn ngữ nổ hết công suất để hả giận, để trả thù. Xã hội lại sáng tạo ra kẻ đi chửi mướn, chửi suốt ngày không mệt, chửi cho đến khi kẻ thù không chịu nổi mới thôi. Lời ăn tiếng nói lúc này phát triển đến ghê hồn, bằng vạn lời đay nghiến, bẩn thỉu, hèn hạ…cuộc chiến bằng binh khí miệng lưỡi này thật ác liệt, khủng khiếp.

Nói thêu dệt là chuyện ít mà phóng đại ra, con ếch nói bằng con voi. Thêm mắm, thêm muối, nói càn, nói bậy, vu oan giáng hoạ. Khi Cao Bá Nhạ bị triều Tự Đức bắt được giam trong lao (sau khi cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương dongười chú là Cao Bá Quát lãnh đạo thất bại, dòng họ Cao chịu hình phạt tru di tam tộc, Cao Bá Nhạ phải cải dạng đổi tên chạy trốn khắp nơi, tuy nhiên chỉ 8 năm sau ông bị bắt), ông có làm bàiTự tình khúc, trong đó có câu than rằng:

“Ghê cho kẻ mọc lông trong bụng,

Đặt nên điều nói bóng ngoài môi”.

Kẻ mọc lông trong bụng tức chỉ cho loài cầm thú nham hiểm.

Khẩu nghiệp gây tạo bởi bốn lối này, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ. Người tu nói thật tránh được các nghiệp về miệng, trái lại, còn nói lời nhu hoà từ ái, xây dựng, tiến lên chỗ sáng của tâm hồn. Là một người Phật tử chúng ta nên ăn nói có mẫu mực, thấy biết thế nào, nói thế ấy không điêu xảo dối trá. Trừ trường hợp vì lợi người, lợi vật, không nỡ nói đúng thật để người bị hại hoặc bị khổ đau. Đó là do lòng nhân, lòng từ bi cứu người cứu vật nên dẫu có nói sai sự thật cũng không phạm. Không nói dối là giữ được lòng tin của mọi người xung quanh, thể hiện được tâm từ bi, hơn thế nữa là tránh được nghiệp báo xấu hại về sau.

5. Không uống rượu:

Từ xưa tới giờ, rượu là chất kích thích làm mù tối tâm trí, ngấm vào máu, làm trí tuệ u tối, khờ khạo. Hiện nay, sự ăn nhậu đã trở thành một thảm trạng của xã hội. Tử vong vì rượu, bệnh tật nguy hiểm vì rượu nói khôn xiết. Người say sưa tự làm mất nhân cách con người cao quý. Tai hại của rượu đối với bản thân, gia đình thật là cụ thể, đắng cay. Vì khi say rượu tội lỗi nào họ cũng làm được, xấu xa gì họ cũng không sợ, mất hết lương tri.

Đạo Phật chủ trương giác ngộ, muốn được giác ngộ, trước phải điềm đạm tĩnh sáng, Phật tử vì giác ngộ, vì lợi ích cho mình, cho người quyết hẳn không uống rượu. Trừ trường hợp mắc bệnh y sĩ bảo phải dùng rượu hoà với thuốc mới lành thì có thể dùng rượu như vị thuốc. Phật tử được uống rượu thuốc đến khi lành bệnh thì chấm dứt, cần phải trình cho chư Tăng biết trước khi uống.

Người thực tập không sát sanh, không ăn trộm,không tà hạnh, không nói dối lừa gạt, và không uống rượu say sưa là người đang ươm hạt mầm từ bi, đạo đức, trí tuệ cho tự thân, gieo hạt giống thiện lành cho đời này và đời sau. Trái lại, chỉ cần người mê muội phạm một tội sẽ dẫn đến phạm thêm nhiều tội khác. Bởi ăn trộm, lừa đảo, tà hạnh nên phải nói dối che đậy chuyện xấu của mình. Bởi say sưa rượu chè, cờ bạc, khiến cho đạo nghĩa trăm năm đứt đoạn….

Phật tử thực hành năm giới cấm là tạo dựng cho mình và mọi người xung quanh một đời sống có ý nghĩa. Người biết giữ gìn năm giới tự kiến tạo nhân cách đạo đức an lành cho bản thân. Không sát sanh, bản thân ta không bị giết, không bị tù tội, cũng không có thù hận về nợ máu với nhau. Thế là chúng ta không sống trong kinh hoàng, sợ hãi do thù hằn gây nên. Không trộm cắp bản thân ta không mắc tù tội về trộm cướp. Thong thả đi bất cứ đâu cũng không lo bị người nghi ngờ theo dõi. Không tà dâm bản thân ta không phải lao thân khổ sở bàn tán mọi điều, mọi người đều tín nhiệm và tin cậy ta. Tự mình an ổn, gia đình cũng an ổn. Không nói dối, ta không phải hối hận, lời nói tạo được niềm tin với mọi người. Người hay nói dối sẽ bị xã hội đánh giá thấp, hành động hay lời nói của người ấy không được ai tán trợ. Không uống rượu, chính bản thân ta không sợ điên cuồng mất trí, một chén thuốc độc ta uống vào chết ngay trong thân hình hiện tại, chứ rượu uống vào mất trí tuệ và phải chết đi sống lại vô số kiếp. Không uống rượu còn tránh được cơ thể bệnh hoạn, suy yếu. Bản thân ta được bình tĩnh, sáng suốt, đối với mọi người đều được quý kính. Đó là lợi ích bản thân trong hiện tại. Còn nói đến kiếpsau, nếu không sát sanh sẽ được thân mạnh khoẻ sống lâu, không trộm cướp được tài sản sung túc, không tà dâm thân thể đẹp đẽ trang nghiêm, không nói dối sẽ được lợi khẩu, nói năng khôn ngoan mọi người yêu mến, không uống rượu được trí tuệ sáng suốt.

Năm giới là nguyên tắc sống của một người có lương tri. Dù phân nửa người trong xã hội biết giữ gìn năm giới thì xã hội cũng có thể an lạc hơn. Năm giới này được xem là tiêu chuẩn để thẩm định giá trị đạo đức của mỗi người. Không xã hội nào, không người nào chối bỏ năm giới ấy mà có thể tạo dựng xã hội, nhân cách tốt đẹp được.

Người tu Phật muốn thanh tịnh hoá thân tâm phải sáng suốt thấy rõ sự nguy hại của năm phạm vi bất thiện kia. Kế đến, người tu Phật phải có ý chí lìa bỏ và phát nguyện trước ngôi Tam Bảo tinh tấn đi trên con đường thiện lành dưới ánh sáng soi đường của chư Phật, Pháp, Tăng.

Năm giới là nền tảng tu tập cho mọi thứ bậc tu học Phật. Bài học làm người có tư cách phát sinh từ năm giới, ta phải học mãi, giữ mãi suốt đời. Năm giới trong đạo Phật được thực hiện song song với ba đức Bi, Trí, Dũng để tự mình và mọi người đều có an lạc, lợi ích. Giới luật dẫn dắt tâm mình theo đời sống Thánh hạnh mà năm giới là nền tảng cốt yếu. Kinh Pháp Cú có ghi rằng:

“Thế gian ai phạm đạo người,

Sát sanh, trộm cắp, nói cười điêu ngoa.

Tửu sắc say đắm la cà,

Hành vi như thế đúng là tự gây.

Ngay trong hiện tại đời này,

Thiện căn tự bỏ, tạo vay khổ sầu”.

Người mang danh Phật tử phải đặt giới làm nền tảng và kiên quyết thực hành để nhân cách đạo đức chói sáng. Việc tu tập cần phải quay về thực tập nơi tự thân mới là điều quan trọng và thiết yếu hơn cả.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?

Kiến thức 09:00 25/12/2024

Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.

Luân hồi trong thần chú Lăng Nghiêm: Năng lực thần chú

Kiến thức 08:46 25/12/2024

Thần chú Thủ Lăng Nghiêm còn gọi là Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra hay Bạch Tán Cái tức chỉ cho cái thể dụng rộng lớn của bản lai tự tánh. Bạch là trí tuệ. Tán cái là lòng từ bao la rộng lớn.

Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?

Kiến thức 20:26 24/12/2024

Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử. 

Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)

Kiến thức 10:00 24/12/2024

Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.

Xem thêm