"Ngũ uẩn giai không" là gì?
Đời sống của mỗi con người hay mỗi ngũ uẩn kéo dài bao lâu, không ai xác định được. Có người sống 70, 80 năm, có người sống trường thọ 100 tuổi hoặc hơn, nhưng cũng có lắm người qua đời khi tuổi còn thanh xuân.
Tuy không biết được bao giờ con người chết đi, nhưng chắc chắn không có người nào sống mãi trên thế gian này!
Đọc kinh, chúng ta nhớ lời Phật dạy: “Các hành đều vô thường” hay “tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, vô ngã”. Ngũ uẩn hay con người cũng là pháp hữu vi do nhiều điều kiện hợp lại mà thành, nên Ngũ uẩn cũng vô ngã.
Vậy Vô ngã là gì? Vô ngã đồng nghĩa với vô chủ, là những pháp không vững chắc, không trường tồn, vĩnh cửu, bất biến. Khác với Vô ngã, Ngã là chủ tể, là vững bền mãi với thời gian, là thường hằng. Rất tiếc Ngũ uẩn không thường hằng nên Ngũ uẩn vô ngã!
Tư duy lời Phật dạy, chúng ta thấy những điều Ngài thuyết giảng vô cùng chính xác. Tất cả mọi vậttrên đời đều do nhiều nhân nhiều duyên hợp lại mà thành. Khi duyên tan rả thì vạn vật cũng từ duyên mà biến mất. Ngũ uẩn do Sắc và Tâm hợp lại mà thành. Sắc không tự nhiên có, mà nó kết hợp bởi Tứ Đại.
Quan sát thân con người, chúng ta thấy rằng thịt, da, xương cốt có tính rắn chắc là Địa Đại. Máu, nước tiểu, mồ hôi, nước mắt, nước bọt, có tính lỏng ướt là Thủy Đại. Nhiệt độ ấm nóng của cơ thể là Hỏa Đại. Hơi thở hô hấp là Phong Đại. Con người được sinh tồn là do Tứ Đại hợp thành. Khi Tứ Đại trong thân phân tán, sinh mệnh con người liền chấm dứt. Do đó vạn vật thế gian hay thân thể chúng sinh hữu tình đều là giả tướng của Tứ Đại hòa hợp mà thành chứ không có một thực thể nhất định nào khác. Tâm thì do Thọ, Tưởng, Hành, Thức hợp lại mà thành. Tất cả các yếu tố thành lập nên Ngũ uẩn không có yếu tố nào bền vững, không yếu tố nào thực sự là chủ, nên tất cả đều vô ngã.
Trở lại câu kinh: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba-la-mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Khi Bồ Tát thực hành trí tuệ cao siêu tới bờ bên kia (bờ giác ngộ), soi thấy ngũ uẩn đều không, nên vượt qua tất cả mọi khổ ách.
Ở đây chúng ta hiểu rằng với trí huệ Bát nhã, Bồ tát đã nhận ra Tánh Không của Ngũ uẩn, tức không có một thực thể cố định nào hết từ Ngũ uẩn. Không có thực thể cố định thì “Ngũ uẩn có” chỉ là “giả có” chứ không phải “thật có”.
“Giả có” mà mình cho là “thật có” thì đó là mình mê lầm. Nhưng “giả có” mà nói “Không có”, thì không đúng với sự thật trước mắt.
Vì vậy không thể khẳng định là Không, cũng không thể khẳng định là Có. Thuyết pháp về “Chữ không trong bài kinh Bát Nhã”, Đại lão Thiền Sư Trúc Lâm dạy rằng: “Muôn sự, muôn vật trước mắt chúng ta đều là cái tướng duyên hợp”. Nói “Giả Có”, vì Có mà tạm bợ, chứ không phải là thiệt. Kể cả tấm thân của ta là ngũ uẩn đây cũng thế!”
Tất cả mọi thứ trên đời này trong đó có Ngũ uẩn đều Vô ngã, đều Không, nên Bồ tát chẳng dính mắc với bất cứ những gì xảy ra trên Ngũ uẩn. Cho nên, có ai đó nặng lời xúc phạm đến mình, mình xem như chẳng có gì. Tại sao? Tại vì mình đã ngộ ra rằng thân ngũ uẩn không thật và lời nói khen chê của ai đó cũng không thật. Chẳng qua chỉ tạm bợ hư dối! Bản thân hư giả, người đối diện hư giả, lời nói hư giả, cái khổ sở hay hạnh phúc nếu có cũng là hư giả.
Mọi thứ đều không thật, thì còn cái gì làm cho mình phiền não khổ đau? Chính vì nhận ra “ngũ uẩngiai không” mà Bồ tát vượt qua tất cả mọi khổ ách là như thế!
Trong kinh có kể lại câu chuyện tôn giả Bàhiya Dãruciriya thỉnh cầu đức Phật dạy cho pháp được hạnh phúc lâu dài (pháp thoát khổ). Và đã được đức Phật thuyết ngắn gọn như sau:
“Này ông Bãhiya! Ông cần phải học tập như sau: Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là thức tri.
“Như vậy, này Bãhiya! Nếu trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri sẽ chỉ là thức tri! ”- thì không có ông ở trong ấy, ông không là chỗ ấy. Do vậy, này Bãhiya! Ông không là đời này, ông không là đời sau, ông không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau”.
Đoạn kinh trên, chúng ta có thể hiểu đức Phật dạy Bãhiya pháp tu định Tâm. Khi giác quan tiếp xúc ngoại cảnh, trong cái thấy, chỉ là cái thấy. Đây là cái thấy đầu tiên, trong sáng của mắt, tức thấy như thực. Trong cái nghe, chỉ là cái nghe, tức nghe như thực. Thọ, Tưởng và Thức cũng thế! Cái thấy biết đầu tiên khi giác quan tiếp xúc đối tượng là cái thấy biết hoàn toàn khách quan, trong sáng, không có sự can thiệp của Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn nghĩa là ngũ uẩn yên lặng tức năm uẩn đều không (ngũ uẩn giai không), nên không có tôn giả Bàhiya ở trong ấy, nghĩa tôn giả không còn chấp thủ ngũ uẩn là ta, của ta, tự ngã của ta nên thoát khỏi lậu hoặc.
Tóm lại “Ngũ uẩn giai không” trong lời dạy này của đức Phật, là khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, tâm hành giả biết nhưng không phản ứng thích thú hay chán ghét, tâm không nói thầm về đối tượng, thì Tánh biết có mặt. Tánh biết là cái biết rõ ràng lặng lẽ, trong sáng, khách quan, là cái lóe sáng đầu tiên của Tánh giác. Lúc bấy giờ toàn bộ ngũ uẩn yên lặng, không có cái Ta, cái của Ta hay Tự ngã của Ta trong đó, hành giả thoát khỏi mọi lậu hoặc, khổ đau. Ngũ uẩn yên lặng là “ngũ uẩn giai không” còn như tâm dao động là có mặt “ngũ uẩn sanh diệt”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Pháp tu soi gương
Kiến thức 15:52 05/11/2024Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Xem thêm