Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 25/01/2024, 14:03 PM

Người cư sĩ phải hộ pháp như thế nào?

Đạo Phật từ khi ra đời đến nay đã hơn 25 thế kỷ, tuy trải qua bao cuộc thăng trầm, biến cố, nhưng vẫn tồn tại và phát triển, đó là nhờ hai chúng đệ tử Phật: Xuất gia và tại gia.

Chúng xuất gia là các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni... giữ vai trò chính trong công việc kế thừa và truyền bá Phật pháp, còn Cư sĩ tại gia, tức Ưu bà tắc, Ưu bà di hay còn gọi là Cận sự nam, Cận sự nữ giữ vai trò hộ trì Phật pháp, hỗ trợ chúng xuất gia tu hành đúng như chánh pháp, góp phần quan trọng chính yếu cho sự thịnh suy của đạo Phật.

Trong nhiều bài kinh, đức Phật đã từng tuyên bố sự thịnh suy của Tam bảo ở thế gian này đều do chính bên trong các hàng đệ tử của Phật quyết định, không có ai bên ngoài có thể hủy diệt, phá hoại; chỉ có chính những con sâu bọ, vi trùng sinh ra từ thân con sư tử mới có thể giết chết con sư tử (Sư tử trùng thực sư tử nhục). Do đó, để tránh khỏi tình trạng ấy, người cư sĩ ngoài việc bản thân tu học ra, còn cần phải biết cách hộ pháp đúng, giúp cho các vị được mệnh danh là Sứ giả của Như Lai, bậc được tôn kính trong mọi người (Chúng trung tôn) vững tiến, đúng hướng, an định trong công cuộc phụng sự chúng sanh, đem lại hạnh phúc cho nhân loại và đưa đạo Phật trí tuệ, từ bi tỏa sáng muôn nơi. Muốn được như vậy người cư sĩ cần phải hộ pháp theo những tiêu chuẩn sau:

mot-so-phap-mon-tu-hoc-cua-nguoi-cu-si-trong-kinh-tang-chi-bo-004350

Tôn kính Tam bảo, chứ không phải tôn sùng Tam bảo:

Tam bảo là Phật-Pháp-Tăng là ba thứ quý báu, dù hiểu về mặt Sự hay Lý thì cũng là những thứ quý báu nhất trên đời:

Về sự:

Khi Phật còn tại thế:

- Phật: Chỉ đức Phật cách đây hơn 2.500 năm, đã từ bỏ đời sống hoàng tộc sung sướng khoái lạc, xuất gia tìm Chân lý, đoạn trừ rốt ráo phiền não và đã giác ngộ con đường giải thoát khổ đau cho mình và mọi người.

- Pháp: Những lời Phật dạy, hay đệ tử Phật đã chứng quả A la hán... nói ở dạng truyền khẩu, khoảng 300 năm sau mới kết tập viết ra thành Tam tạng.

- Tăng: Nói chung là những đệ tử Phật xuất gia từ trước đến nay.

Sau Phật tịch diệt đến nay:

- Phật: Chỉ cho các hình, tượng Phật bằng đủ các loại vật liệu: Giấy, gỗ, đồng, đá, xi măng, ngọc quý v.v...

- Pháp: Chỉ cho Tam tạng: Kinh-Luật-Luận chứa đựng những lời dạy của Phật và các hàng Thánh tăng đệ tử Phật đã nói.

- Tăng: Chỉ chung các hàng đệ tử Phật xuất gia.

Về lý:

- Phật: Chỉ cho bản tánh sáng suốt ngay nơi tự tâm của mỗi con người vốn có, bình đẳng ai ai cũng có chứ không phải chỉ có ai làm lễ Quy y có chứng điệp... mới có Phật này.

- Pháp: Chỉ cho Chân lý của cuộc đời này, là Sự thật không thể chối cãi, nó không những nằm trong kinh điển Phật, mà còn nằm trong tất cả các pháp thế gian. Chân lý ấy là cuộc đời này là khổ, vô thường, vô ngã; là nguyên nhân đưa đến khổ, là con đường diệt trừ khổ, là hạnh phúc đạt được khi diệt trừ được khổ.

- Tăng: Chỉ cho bản tính thanh tịnh hòa hợp đoàn kết với mọi người, bất kể giai cấp, trình độ, chính trị, tôn giáo... Tính thống nhất vẹn toàn là biểu hiện Tăng trong chính mỗi cá thể đều muốn hướng tới.

Như vậy, về Lý hay Sự thì Tam bảo đối với người cư sĩ nói riêng và mọi người nói chung đều nên đáng tôn kính.

Thế thì tại sao tôn kính mà không phải tôn sùng? Tôn sùng tức là tôn kính và sùng bái đến mức thần tượng hóa, cho đối tượng mà mình lạy lục như một vị Thần có thể ban phước giáng họa, một vị giáo chủ đầy quyền năng với những lời ban bố lạnh lùng: Theo ta thì được, nghịch ta thì mất... mang đầy tính hù dọa, bắt buộc van xin. Sự tôn sùng này dẫn đến mê tín, cuồng tín hoàn toàn trái ngược với giáo lý đạo Phật là đạo Vô ngã, Duyên khởi, không chấp nhận số mệnh của mình do bất cứ đấng sáng tạo, thần linh, hay thế lực nào quyết định, và nhất là trái hẳn với ý Phật. Trong những lần dạy bảo đệ tử, Phật vẫn ví mình như người chỉ đường mà thôi, đi theo hay không là do chính mỗi người, “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, cũng có khi xưng là thầy nhưng ví như ông thầy thuốc chữa bệnh, chẩn đoán bệnh và cho thuốc, uống hay không, tin hay không là do chính bệnh nhân; chưa kể có lúc Ngài còn nói các ngươi đừng vội tin những lời ta nói, mà hãy tự trải nghiệm, xác minh là đúng rồi hãy tin, cho đến ngài còn là vị thầy tu tuy tuổi đã là bậc trưởng thượng tôn túc, vẫn khiêm hạ, quên mình la lết khắp nơi, gặp bất cứ ai cũng chắp tay cúi lạy: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều là Phật cả”... và còn rất nhiều...  chúng ta có thể thấy trong Kinh điển. Những công hạnh của ngài thật vĩ đại uy nghiêm, nhưng chưa bao giờ cho mình là một đấng sáng tạo hay giáo chủ đầy uy lực, để mọi người tôn sùng cả!

Cũng vậy, đối với Pháp, người cư sĩ luôn có thái độ tôn kính chứ không phải tôn sùng cho rằng pháp của Phật là siêu việt nhất, hơn hết. Bởi tôn sùng pháp của mình là nhất nên phát sinh tư tưởng độc tôn, chê bai các pháp khác của các học thuyết thế gian... Từ đó sinh ra tà kiến, mâu thuẫn, đố kỵ nguy hại đến tiền đồ Phật pháp. Ngoài ra, người cư sĩ phải biết trạch pháp, dựa trên nền tảng ba pháp ấn: Vô thường, Vô ngã, Niết bàn giải thoát, tránh ủng hộ pháp tà ngụy giả danh Phật giáo... dẫn đến nội bộ Phật tử chia rẽ nhau, mất đoàn kết.

Đối với Tăng, là những con người bằng xương bằng thịt thật, đang trong thời gian tu hành tiến đến giải thoát, người cư sĩ phải tôn kính, lấy đó làm gương cho mình nương theo, không tôn sùng các vị như thánh nhân, thần tượng... rồi một mai các vị không được toàn bích như thế thì sinh tâm thất vọng, chê bai, thậm chí đánh mất niềm tin vào Tam bảo mà mình đã tốn công vun trồng hun đúc từ lâu, đi đến cải đạo... Bởi các vị cũng còn là phàm Tăng, chưa phải Thánh Tăng, dĩ nhiên không tránh khỏi những lỗi lầm, và nghiệp dĩ của cái thân ngũ uẩn. Nếu các vị có sai phạm thì sự nặng nhẹ dựa trên giới luật của Phật mà phân xử, người cư sĩ chúng ta phải bình tĩnh góp ý xây dựng trực tiếp hoặc gián tiếp lên các vị Tôn túc có thẩm quyền, chớ nên hành động, phản ứng bộc phát thiếu cân nhắc, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.

Ngoài ra, không những không thần tượng một vị Tăng nào, mà người cư sĩ cũng không nên phân biệt các vị Tăng tu theo các hệ phái khác nhau. Đối với một vị Tăng tu theo Phật giáo Nam tông, hoặc Bắc tông, hoặc Khất sĩ v.v... đều tôn kính như nhau và ủng hộ việc làm của tất cả không phân biệt, miễn sao đó là việc đem đến lợi ích chính đáng cho mọi người.

Cận sự, chứ không phải thân cận:

Người cư sĩ còn được gọi là người cận sự, là gần gũi phụng sự Phật pháp chứ không phải gần gũi chư Tăng, xem chư Tăng như là bà con, bạn bè... khiến cho các vị phải bận bịu, dao động, ảnh hưởng đến tiến trình tu hành, và uy tín đối với quần chúng. Một vị Tăng theo đúng như tinh thần của Phật dạy trong kinh Di Giáo, thì đúng là không có thì giờ lo việc ngoài, chỉ luôn luôn sống trong chánh niệm.

Thật ra, thời nay không ít các cư sĩ bỏ hết thời gian đến chùa làm việc công quả, hầu hạ chư Tăng. Điều này rất quý với những ai lo việc nhà đã xong, muốn gieo trồng công đức, kết duyên lành với chốn già lam, tạo phước báu cho mai sau; nhưng để trốn tránh việc nhà, bỏ bê việc phụng dưỡng gia đình (cha mẹ, vợ chồng, con cái...) thì điều đó không đúng, ngược lại chẳng thấy phước báu an lạc đâu mà còn phiền não tăng thêm...

Phải hiểu cận sự ở đây là gần gũi những công việc cho Phật pháp, chung cho tập thể Tăng đoàn... từ những công việc chùa nhỏ nhặt, ghê nhớp như cọ rửa nhà vệ sinh chung, phụ dọn nhà bếp, nấu ăn, quét sân, lau chùi chánh điện, thay hoa, tưới cây v.v... cho đến những công việc to lớn hơn cần những đóng góp về tri thức thế gian, vật chất, tiền bạc để xây dựng chùa, in kinh, hay các việc từ thiện xã hội... tùy khả năng của mỗi người đóng góp, công đức đều bằng nhau; chứ không phải là gần gũi một vị Tăng nào để phụng sự. Lịch sử Phật giáo Việt Nam trước đây đã từng có các bậc cư sĩ tiền bối hộ pháp mẫu mực như ngài Thiều Chửu, Tâm Minh Lê Đình Thám, Chánh Trí Mai Thọ Truyền v.v... đã cận sự phụng sự Phật pháp chấn hưng Phật giáo. Vả lại, chắc chắn người cư sĩ khi gần gũi mãi một vị tăng sẽ phát sinh nhiều tình cảm buồn vui ghét giận hờn... chấp thủ cho rằng thầy tôi... như thế, như thế...rồi phân biệt thầy kia, thầy nọ... và ngược lại, vị Tăng kia cũng khó tránh khỏi phiền não nhất định. Đề cuối cùng người cư sĩ phải thốt lên “Đi chùa càng thấy phiền não hơn?!”.

Cung dưỡng chứ không phải cung ứng:

Cúng dường thật ra là nghĩa cung dưỡng, tức cung cấp nuôi dưỡng các Tăng để các vị an tâm tu hành, truyền bá chính pháp, giúp đời giải thoát bớt những khổ đau về tinh thần, cũng như thể xác, chứ không phải cung ứng theo nhu cầu đòi hỏi của đối tượng. Ngay khi Phật chưa thành đạo, ngài đã nhận sự cung dưỡng bát cháo sữa của nàng mục nữ Sujata, vượt qua được cơn đói lã do thực hành khổ hạnh. Đó là sự cúng dường Phật đầu tiên của người cư sĩ. Đến khi cuối đời nhận bát cháo nấm của ông Cunda (Thuần đà), là sự cúng dường Phật cuối cùng của người cư sĩ.

Hạnh tu của người Tăng sĩ, vốn là hạnh “ăn xin” (khất sĩ). Trên xin giáo pháp của chư Phật để nuôi dưỡng thiện tâm, dưới xin chúng sanh vật thực để nuôi dưỡng cái thân tứ đại. Thân tứ đại có khỏe, thì tâm mới an, mới có thể tu hành đắc đạo. Người cư sĩ hộ pháp cung cấp cho các vị tu hành bốn thứ: quần áo, ăn uống, đồ dùng ngủ nghỉ, thuốc men, cũng tức là gieo nhân bố thí, tạo duyên với những người có đạo hạnh, Thánh hiền giúp đời sau này. Công đức ấy rất lớn.

Ngày xưa, một vị Tăng tu hết sức đơn giản: đi chân đất, đầu trần khất thực, tối kiếm gốc cây mà ngủ, ăn một bữa không chọn lựa, xin gì ăn nấy, gặp chỗ sống bằng nông nghiệp thì có thể ngày nào cũng phải ăn rau củ, gặp xứ sống bằng nghề chăn nuôi, chài lưới thì ăn thịt cá suốt. Chính vì vậy, Phật mới chế ra Tam tịnh nhục là không thấy, không nghe, không nghi, bất đắc dĩ phải ăn thịt cá thì phương tiện như thế. Trong thời đại hiện nay, nhất là ở các nước phương Đông theo Phật giáo Bắc truyền, Tăng sĩ không đi khất thực, có trụ xứ tịnh thất, chùa, tu viện ở v.v... thì cũng có quá nhiều nhu cầu hết sức thực tế. Ngoài bốn thứ vừa nêu trên, các vị cần phải có tiền tiêu cá nhân, không thể mỗi thứ mỗi chút xin xỏ, có phương tiện xe cộ đi lại học hành, máy tính, điện thoại di động, quần áo không thể chỉ ba y (bộ) là đủ, chỗ ăn ở v.v... tất cả đều là những nhu cầu chính đáng tối thiểu. Người cư sĩ với trách nhiệm hộ pháp phải có bổn phận cung cấp cho các vị Tăng về lượng cũng như chất một cách vừa đủ, nhưng không nên cung ứng theo đòi hỏi của các vị. Hoặc vì thương, mà tạo điều kiện đầy đủ cho các vị sử dụng tiêu xài vật dụng quá xa xỉ, hiện đại, dư giả, đối với các bậc tu hành đã thấm mùi tương chao thì không thành vấn đề, nhưng đối các vị Tăng trẻ thì dễ bị tha hóa trước cám dỗ vật chất. Dù gì, người cư sĩ cũng nên cung dưỡng chư Tăng trong tinh thần cốt lõi của đạo Phật là trung đạo, là đúng nhất, sẽ tránh được mọi dị nghị cho rằng đạo Phật nói thiểu dục tri túc mà làm thì ngược lại.

Lợi hành chứ không phải lợi dụng:

Lợi hành là một trong Bốn Nhiếp pháp của hàng Bồ tát xuất gia, tại gia (Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự) đây là hạnh dấn thân đưa đạo vào đời của các vị Tăng, nhất là trong thời đại hiện nay. Người Tăng sĩ thời nay không thể ngồi yên nhập thất tu hành, xa lánh thế gian mà phải hòa nhập trong dòng đời, không những với tư cách là người lãnh đạo tinh thần, mà còn tham gia điều hành kinh tế. Họ có thể tạo tài chính độc lập cho bản thân tu học, cho trụ xứ sinh sống, phục vụ nhu cầu tâm linh cho mọi người, chí ít cũng giảm gánh nặng lo lắng cho hàng cư sĩ, đồng thời giải quyết số tầng lớp lao động, đóng góp tích cực cho xã hội, quốc gia. Như những cơ sở sản xuất tương chao, cơ sở may pháp phục, nhà hàng chay, nông trại trồng cây, nhà in, phòng phát hành kinh sách, tổ chức du lịch hành hương v.v... trên tinh thần: Tạo lợi nhuận để phụng sự chúng sanh, tức cúng dường Như lai. Các vị Tăng không thể ứng thân biến hóa thành nhiều để thực thi, nào là việc tu học, sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa, nào là việc quản lý kinh doanh, tăng gia sản xuất v.v... người cư sĩ lúc này phải đóng vai trò cộng tác bằng tâm lực, tài lực, kinh nghiệm thế gian... tích cực hỗ trợ lợi hành chứ không nên lợi dụng mượn đạo tạo đời.

Hiện nay, có một số những tổ chức kinh doanh nhỏ hoặc lớn lợi dụng mối quan hệ với chư Tăng Ni Phật giáo mập mờ đánh lận con đen, nghe tên hiệu cứ tưởng của Phật giáo, hóa ra chỉ là lợi dụng, chưa kể những buổi đấu giá từ thiện... hoành tráng cố mời các vị Tăng làm bình phong để họ trục lợi, tô bóng thương hiệu. Người cư sĩ hộ pháp cũng phải nên sáng suốt cảnh giác đề phòng bị lợi dụng. Nếu không thì hộ pháp chẳng thấy, mà còn tiếp tay bọn xấu phá hoại đạo pháp.

Tóm lại, còn rất nhiều những tiêu chuẩn, những điều nêu trên chưa phải là tất cả, nhưng có lẽ cũng là cần thiết cho người cư sĩ thời nay hộ pháp. Chúng ta không thể đổ hết trách nhiệm thịnh suy đạo pháp lên các vị Tăng, mà phải cùng các vị chung vai góp sức. Chất liệu thì đã có, đó là cả kho tàng Phật pháp minh triết, các Tăng sĩ như những kiến trúc sư, cư sĩ như người thợ thi công. Người kiến trúc sư vẽ giỏi, sáng tạo mà dàn thợ thi công dở, vụng về; hoặc kiến trúc sư vẽ sai, thiếu đạo đức, thợ thi công hay, phát hiện làm ngơ, không báo động chỉnh sửa kịp thời, để cuối cùng tòa nhà rạn nứt, sụp đổ, rồi đổ thừa trách nhiệm cho ai?!

Điều này đáng phải nên suy ngẫm!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Cho em lựa chọn một con đường...

Góc nhìn Phật tử 18:30 10/05/2024

Tôi đã từng nói với em con đường tu rất đẹp và dĩ nhiên, nó đẹp bởi tâm hồn người xuất sĩ rộng mênh mông như trời cao, nhẹ nhàng như mây trắng và phẳng lặng như hồ trong.

Hội luận: Sinh nhật (6)

Góc nhìn Phật tử 10:45 10/05/2024

Bé Ti kêu: “Ông nội chở về chỗ Đại học Thủ Dầu Một ăn cơm chay ông nội”. Và hai ông cháu có bữa tiệc sinh nhật là bữa cơm chay.

Sự gắn bó với Tanha (Ái dục) là nguồn gốc của đau khổ và bất hạnh

Góc nhìn Phật tử 13:50 09/05/2024

Ái dục, hay còn gọi là Tanha trong ngôn ngữ Phạn, là một khái niệm quan trọng trong đạo Phật, đề cập đến sự thèm khát và khao khát của con người.

Nghĩa tình bạn đạo

Góc nhìn Phật tử 09:00 09/05/2024

Ông Xuân Sang cầm ba túi quà được bọc trong bao ny lông màu đen bước vào nhà tôi với một nụ cười chúm chím như mọi lần, nụ cười mang thương hiệu Xuân Sang khó có thể lẫn vào ai được. Thấy cô y sĩ đang chuyền nước cho tôi, ông đưa mắt nhìn tôi như muốn hỏi tình hình sức khoẻ.

Xem thêm