Người học Phật có thể làm gì?
Người học Phật có thể là Phật tử có quy y giữ 5 giới cơ bản tức là người tin và thực hành theo giáo pháp của Đức Phật để cho cuộc sống của mình và của những người chung quanh mình được tốt lành hơn, hướng tới giải thoát khỏi đau khổ, sinh tử luân hồi.
Người học Phật cũng có thể không phải là Phật tử, không có quy y, ăn chay giữ giới gì cả, nhưng có biết qua một chút về giáo pháp của Phật, có đọc kinh sách Phật giáo (PG), còn phân vân, nửa tin nửa ngờ, nhưng dù sao cũng có biết qua một chút về thuyết nhân quả, Tứ Diệu Đế…
Ngày nay nếu chúng ta lên một mạng xã hội như facebook ở Việt Nam chẳng hạn thì thấy số người học Phật là rất nhiều, nó phản ánh một tỷ lệ khá lớn người VN theo PG. Người học Phật cũng gồm nhiều thành phần: tu sĩ tăng ni cũng có, rồi cư sĩ, Phật tử cũng rất nhiều, họ thường lấy biểu tượng avatar là hình Phật Thích Ca, Quán Thế Âm Bồ Tát để biểu lộ lòng tin vào Phật, Bồ Tát nên chúng ta thấy hình tượng Phật là rất nhiều.
Rồi họ đưa những bài viết của các vị danh tăng lên mạng để phổ biến giáo pháp, cổ xúy cho quan điểm mà họ tin là đúng và ủng hộ, có người thì tự viết bài nói lên nhận thức của mình về Phật pháp. Qua các bài viết này thì có thể nhận thấy trong ngũ thừa Phật giáo thì Nhân thừa chiếm số đông, hiểu biết nhân quả, làm lành lánh dữ, thực hiện sự nghiệp từ thiện… chiếm tuyệt đại đa số.
Lác đác cũng có một số bài thuộc về Trung thừa và Đại thừa. Còn Tối thượng thừa Tổ Sư Thiền giáo ngoại biệt truyền bất lập văn tự thì không thể lên mạng, bởi vì khi lên mạng phải dùng lời lẽ, sự hiểu biết của thế gian thì Tổ Sư Thiền dù muốn dù không phải chuyển sang Như Lai Thiền của Đại thừa PG mà thôi. Như vậy Tổ Sư Thiền là phương pháp thực hành, phương pháp trực tiếp không dùng văn tự thì không thể lên mạng, bởi vì mạng xã hội hay mạng internet là nơi chuyên dùng lời lẽ, hình ảnh, video của thế gian để phân tích mô tả, không phải đất dụng võ của Tổ Sư Thiền, nên Như Lai Thiền thường được sử dụng kết hợp với khoa học để làm rõ nghĩa của kinh điển.
Vậy người học Phật kể cả Phật tử và không phải Phật tử có thể làm gì ?
I/ Nên hiểu trung tâm tư tưởng của Phật giáo là tánh không
Đây là Đại thừa liễu nghĩa, tánh không được trình bày tập trung trong Bát Nhã Tâm Kinh với những câu ấn chứng vô cùng ấn tượng, nếu hiểu được ý chỉ của kinh này thì tâm hành giả ắt sẽ an bởi vì hiểu thế giới chỉ là ảo hóa:
iha śāriputra rūpaṃ śūnyatā śūnyataiva rūpaṃ, rūpān na pṛthak śūnyatā śūnyātāyā na pṛthag rūpaṃ yad rūpaṃ sā śūnyatā yā śūnyatā tad rūpaṃ. evameva vedanā-saṃjñā-saṃskāravijñānāni.
舍利子,色不異空、空不異色、色即是空、空即是色, 受想行識,亦復如是
XÁ LỢI TỬ! SẮC BẤT DỊ KHÔNG, KHÔNG BẤT DỊ SẮC, SẮC TỨC THỊ KHÔNG, KHÔNG TỨC THỊ SẮC, THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC, DIỆC PHỤC NHƯ THỊ
Vật chất không khác cái không, cái không không khác vật chất, vật chất tức là không, không tức là vật chất. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng tương tự như vậy.
Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nói chung là ngũ uẩn bao trùm toàn bộ pháp giới, cũng tức bản Tâm của tất cả mọi chúng sinh đều là tánh không. Ngay cả Tứ Diệu Đế là Khổ Tập Diệt Đạo cũng không có thật và cũng không bao giờ hết.
無無明、亦無無明盡、乃至無老死、亦無老死盡
VÔ VÔ MINH, DIỆC VÔ VÔ MINH TẬN, NÃI CHÍ VÔ LÃO TỬ, DIỆC VÔ LÃO TỬ TẬN
Không có vô minh, cũng không có già chết nên cũng không có hết vô minh, không có hết già chết.
無苦集滅道
VÔ KHỒ, TẬP, DIỆT, ĐẠO
Vì không có vô minh, không có già chết luân hồi sinh tử, nên cũng không có khổ, không có lý do hay nguyên nhân đau khổ, không có hết đau khổ, không có con đường giải thoát: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Như vậy chúng ta thấy rằng Phật giáo chỉ phá tất cả mọi chấp trước, từ vật chất cho tới tinh thần chứ không có kiến lập chân lý, không có tuyên bố một pháp nào là chân lý cả. Chính vì các chấp trước mê muội gây ra đau khổ cho chúng sinh, chẳng hạn ái dục, ham mê vật chất, tiền tài, sắc đẹp… đem lại đau khổ. Phá các chấp trước là nhằm giải thoát khỏi đau khổ. Trong các loại chấp trước thì chấp ngã và chấp pháp là hai phạm trù mà tất cả chúng sinh đều vướng phải và từ đó mà trầm luân trong đau khổ.
Tuy nhiên không phải vì bản chất tánh không, ảo, giả của các pháp mà Phật pháp phủ nhận cõi thế gian tương đối. Các cõi giới tương đối chính là công dụng của Tâm, nên cũng không có cái gì thật sự phải bỏ. Thiền sư Lai Quả, một người kiến tánh của thời cận hiện đại đã nói tới tuyệt hậu tái tô 絕後再甦 (chết đi sống lại) ý nói cái tâm chấp trước chết đi, hành giả sống lại với tâm giải thoát rộng mở không có gì phải bỏ. Duy Tín thiền sư ở Cát Châu là đệ tử đời thứ 15 của Lục Tổ Huệ Năng) lên giảng đường, nói: “Lão tăng 30 năm trước lúc chưa tham thiền, thấy núi là núi, thấy nước là nước. Về sau, khi đã vào cửa thiền, có chút tri thức, thấy núi không phải là núi, thấy nước không phải là nước. Nay đã tới chỗ nghỉ ngơi, thì giống như trước, thấy núi chỉ là núi, thấy nước chỉ là nước. Này mọi người, ba giai đoạn kiến giải đó là đồng hay khác ? Nếu có ai ngộ ra điều trắng đen gì, xin hãy đến gặp lão tăng.”
(Trích trong Ngũ Đăng Hội Nguyên đời Tống 宋代 (五燈會元)
Vậy cảnh giới thế gian, sông núi, sinh vật, nam nữ…đâu cần phải bỏ chỉ cần biết là không thật và không chấp trước.
Do đó chúng ta cũng không thể phủ nhận thế giới hiện tượng ảo, giả nhưng có đầy công dụng đối với mọi giác quan của con người chúng ta. Cái thế giới đó Phật pháp gọi là thế lưu bố tưởng, ngay cả các bậc thánh trí giác ngộ cũng có thế lưu bố tưởng giống như chúng sinh, chỉ khác là các ngài không chấp thật mà thôi.
Bát Nhã Tâm Kinh chỉ nói lên nhận thức sâu xa mà không giải thích cho nên rất ít người hiểu được, ngay cả nhiều tu sĩ PG hàng ngày đọc tụng nhưng cũng vẫn không hiểu, có những tu sĩ đã từng thú nhận với thầy Duy Lực như vậy: tụng thì tụng mà hiểu thì không hiểu
Vậy để hiểu hơn về tánh không chúng ta cần vận dụng tới kiến thức khoa học.
II/Tánh Không là gì?
Có những yếu tố khi nói về tánh không của Phật giáo, không thể bỏ qua, nếu không thì chỉ là lý luận suông dài dòng không đi vào thực chất của vấn đề. Vậy những yếu tố đó là gì? Đó là những nguyên lý nền tảng của PG trong đó cực kỳ quan trọng là hai nguyên lý:
1/ Nguyên lý Nhất thiết pháp vô tự tính (Tất cả các pháp đều không có tính chất, đặc trưng gì cả). Vậy nên hiểu nguyên lý này như thế nào ? Phải hiểu bằng khoa học mới rõ ràng và thuyết phục. Trong thế kỷ 20, có xảy ra cuộc tranh luận lớn giữa hai nhà khoa học hàng đầu thế giới là Niels Bohr và Albert Einstein.
Cốt lõi của cuộc tranh luận chính là về vấn đề này. Họ tranh luận về việc hạt photon (quang tử hay hạt ánh sáng) có sẵn đặc trưng hay không. Lập trường của Einstein là duy vật khách quan, ông cho rằng photon hay tất cả các hạt cơ bản khác của vật chất đều luôn luôn có sẵn đặc trưng, có nghĩa hạt cơ bản là khách quan, là có thật. Trái lại lập trường của Bohr là hạt photon hay các hạt cơ bản khác đều không có sẵn đặc trưng. Đặc trưng chỉ xuất hiện khi có người quan sát. Những đặc trưng đó là gì ? Là những đặc điểm như vị trí trong không gian (position), khối lượng (mass), điện tích (electric charge), số đo spin (spin measurements). Đây có thể coi là cuộc tranh luận về khoa học lớn nhất của thế kỷ 20. Cuộc tranh luận kéo dài từ năm 1935 cho đến khi cả hai đều qua đời (Einstein mất năm 1955, Bohr mất năm 1962) vẫn chưa ngã ngũ, chưa biết ai đúng ai sai. Einstein đã đưa ra một phát biểu nổi tiếng :
Suy nghĩ của Einstein cũng giống như của tuyệt đại đa số mọi người vì vậy ông nổi tiếng hơn Bohr rất nhiều và được xem là thiên tài khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20.
Thế nhưng đến năm 1982, nhân loại đã có đủ điều kiện để làm một cuộc thí nghiệm nổi tiếng về liên kết lượng tử (quantum entanglement) do Alain Aspect tiến hành tại Paris. Trong thí nghiệm này, ông đã dùng bất đẳng thức của John Bell để chứng minh một cách thuyết phục rằng hiện tượng liên kết lượng tử là có xảy ra thật. Một hạt photon có thể đồng thời xuất hiện ở hai hoặc nhiều vị trí khác nhau khiến chúng ta vọng tưởng là có khoảng cách không gian, từ đó cũng xuất hiện thời gian và số lượng. Không gian, thời gian và số lượng chỉ xuất hiện trong tâm niệm của con người chứ không phải là có thật.
Lập trường của Bohr đã được khoa học xác nhận là đúng và lập trường đó trùng khớp với Kinh Hoa Nghiêm: Nhất thiết pháp vô tự tính. Bohr đã phát biểu: “Isolated material particles are abstractions” (Hạt vật chất cơ bản cô lập thì trừu tượng- tức không phải vật thật).
Werner Heisenberg, người phát minh ra nguyên lý bất định, nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật… Nguyên tử không phải là vật).
Từ những nhận thức mới về khoa học này, chúng ta có thể nêu thêm một nguyên lý cơ bản khác của Phật giáo:
2/ Nguyên lý thay thế (Chúng sinh hay con người thay thế nhất niệm vô minh của mình vào cấu trúc ảo của nguyên tử, phân tử để thành thế giới).
Theo như phát biểu của Niels Bohr và Heisenberg thì các hạt cơ bản của vật chất chỉ là hạt ảo, chúng là trừu tượng, chúng không có bất cứ đặc điểm gì cả. Nguyên tử, phân tử đều không phải là vật có thật, chúng chỉ là cấu trúc ảo, con người thay thế vọng niệm của mình vào các cấu trúc ảo đó để chúng trở thành thế giới vật chất. Vì vậy PG nói Nhất thiết duy tâm tạo.
Về mặt khoa học thì Thí nghiệm Hai Khe Hở cho thấy rõ con người đã thay thế tâm niệm của mình vào vật như thế nào. Chúng ta cần biết rằng những hạt cơ bản của vật chất như photon hay electron đều có lưỡng tính sóng hạt. Đây là hai trạng thái đối nghịch nhau, khác hẳn nhau nhưng lại đồng thời tồn tại. Sóng là trạng thái tiềm ẩn, vô hình, không hiện hữu nhưng có tiềm năng hiện hữu theo như mô tả của Heisenberg. Còn hạt thì hữu hình và hiện hữu.
Trong thí nghiệm, người ta bắn từng hạt electron qua một tấm chắn có hai khe hở nhỏ, phía sau là màn hứng hiển thị kết quả. Nếu không có người quan sát thì màn hứng hiện ra nhiều vạch chứng tỏ electron là sóng, sóng đó giao thoa nên tạo ra nhiều vạch. Còn khi có người quan sát thì màn hứng chỉ hiện ra 2 vạch tương ứng với 2 khe hở chứng tỏ electron là hạt. Như vậy cái gì đã làm cho sóng biến thành hạt ? Chính là tâm niệm của người quan sát, chính nhất niệm vô minh của con người đã biến sóng vô hình thành hạt vật chất hữu hình. Đây chính là cơ chế biến tâm niệm thành vật chất.
Cơ học lượng tử là quy luật trong thế giới kỳ lạ của những electron, photon và các hạt cơ bản khác. Chúng biểu hiện không giống hạt mà giống như sóng tỏa đi khắp nơi.
Khi có người quan sát và đo đạc sóng sụp đổ thành hạt vật chất. Hiện tượng này khoa học gọi là Sự sụp đổ chức năng sóng (Collapse of the Wave Function)
Nguyên lý thay thế được tin học hiện đại ứng dụng rất lớn (đại dụng)
Năm 1996, Thầy Duy Lực đã đầu tư một phòng máy vi tính tại Bình Thủy TP Cần Thơ gồm bốn chiếc computer, trong đó 3 chiếc 486 và 1 chiếc 586. Thời điểm đó còn khá sớm, máy vi tính chưa phổ biến, ở Việt Nam cũng chưa có internet. Đến cuối năm 1997 VN mới bắt đầu có internet được truyền dẫn chung với đường dây điện thoại, tín hiệu internet được tách ra bằng một modem tốc độ rất thấp, chỉ có 56 Kilobit/giây. Hiệu ứng internet lúc đó chỉ có thể gởi email và đọc báo dạng text trên mạng, nhưng nó đánh dấu sự bắt đầu của một thời đại mới khi con người bắt đầu có thể liên lạc với phần còn lại của thế giới bằng một phương thức nhanh chóng.
Thầy Duy Lực không hề biết sử dụng computer hay lướt web, nhưng thầy cảm thấy giữa tin học cụ thể là chiếc computer và Phật pháp có một sự tương đồng, có mối quan hệ sâu xa, nên thầy đầu tư một phòng máy nhỏ tại quê nhà để giúp các em học sinh làm quen với tin học và từ đó có thể tạo cơ duyên với Phật pháp. Thầy chỉ nói vắn tắt là bộ vi xử lý của computer mô phỏng hoạt động của bộ não. Mà bộ não là cơ quan cốt yếu nhất của con người để nhận thức thế giới. Bộ não cũng như toàn thể con người, toàn thể chúng sinh, toàn thể thế giới và vũ trụ đều là do Tâm tạo (Nhất thiết duy tâm tạo 一切唯心造). Tâm là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật. Người tu hành cầu đạo giác ngộ theo Phật pháp là khám phá cái tâm đó. Chúng ta bắt đầu công việc khám phá cái tâm đó bằng phương tiện là khám phá cơ chế hoạt động của chiếc computer, từ đó khám phá ra cơ chế hoạt động của tâm, để hiểu một cách thật rõ ràng nhất thiết duy tâm tạo nghĩa là thế nào, làm cách nào mà tâm tạo ra được vật chất.
Môn tin học của nhà trường phổ thông dạy cho học sinh biết rằng thế giới ảo của tin học bản chất chỉ là dòng điện, tức là dòng chuyển động của electron trong mạch điện, chỉ có hai trạng thái thôi, trạng thái đóng mạch tức có dòng điện chạy qua được ký hiệu bằng số 1, trạng thái ngắt mạch tức không có dòng điện chạy qua, được ký hiệu bằng số 0.
Chỉ với hai cơ số này, người ta có thể diễn tả tất cả mọi con số, đó gọi là hệ thống số nhị phân (binary system). Rồi người ta sử dụng nguyên lý thay thế, thay tất cả mọi đặc điểm về chữ viết, số thập phân Ả Rập mà mọi người quen sử dụng, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, video, tất tần tật bằng các con số. Đó gọi là số hóa (digital) tức là thay thế mọi đặc điểm rất nhỏ của thế giới ảo bằng các con số điện tử. Rồi các bộ vi xử lý (processor) sẽ điều khiển, tương tác, xử lý các con số đó và hiển thị lên màn hình hoặc loa những đặc điểm đã được thay thế.
Chúng ta cảm thấy thật kỳ diệu, bởi vì những con số rối rắm vô hồn đã biến thành bài báo, bức thư, tin nhắn, hình ảnh, video, âm nhạc, tiếng nói. Kỳ diệu hơn nữa, tất cả những hiển thị đó là vô sở trụ (non locality) tức không có vị trí nhất định, nó ở khắp nơi trên thế giới, bất cứ nơi nào có internet và có thiết bị để tiếp nhận thì đều có thể hiển thị, tạo ra một sự thuận lợi cực lớn cho con người.
Nếu trước kia muốn gởi một bức thư viết trên giấy từ VN qua Mỹ, nhanh lắm cũng phải mất nửa tháng, thuận lợi nhất là thư được trả lời liền và gởi hồi âm liền thì mất thêm nửa tháng nữa mới tới được tay người gởi thư đầu tiên. Bình thường không gặp thuận lợi lắm thì phải hai tháng người gởi đầu tiên mới nhận được hồi âm. Ngày nay gởi thư điện tử thì chỉ trong giây lát đã có thể nhận được hồi âm. Các dịch vụ mới gọi là OTT (Over The Top) như Viber, Whatsapp, Zalo, có thể giúp gởi tin nhắn, hình ảnh, video, hay nói chuyện video, tức thời, nhanh chóng, vô cùng tiện lợi và rất ít tốn tiền. Dịch vụ đó thì hoàn toàn miễn phí, chúng ta chỉ phải tốn tiền cho thuê bao internet cố định hàng tháng, hoặc 3G, 4G, 5G để truy cập internet mà thôi.
Con người còn kỳ vọng một ngày kia có thể gởi cố thể vật chất như cái bánh, ly cà phê, ly bia, đồ vật, hay chính bản thân con người, qua mạng một cách cực kỳ nhanh chóng giống như các vật ảo điện tử hiện nay, đó gọi là viễn tải lượng tử (Quantum Teleportation), kỳ vọng đó được thể hiện qua video sau:
Thế giới vật chất không hề có thật, nhưng con người cố chấp cho là có thật nên PG nói đó là thái độ chấp thật. Sự chấp thật này có nguồn gốc lâu đời, đó là một tập khí (thói quen) trải qua nhiều đời nhiều kiếp và PG gọi là Thế lưu bố tưởng (tức là tưởng tượng đã lưu hành phổ biến trên thế gian).
Chính vì nó lưu hành phổ biến, ai cũng thấy giống nhau, chẳng hạn thấy con ngựa, con trâu, nam nữ…mọi người đều thấy giống nhau nên nó mang tính khách quan, một sự khách quan giả tạo như thật đến nỗi bậc thiên tài như Einstein vẫn còn lầm lẫn. Phật giáo coi cuộc sống thế gian chỉ là nằm mơ giữa ban ngày hay còn gọi là mở mắt chiêm bao.
Lý thuyết khoa học và thực nghiệm về tánh không
Vậy cái gì có thể giúp chúng ta nhận biết vật chất khách quan chỉ là giả tưởng ? Ngoài lý thuyết khoa học mà Alain Aspect đã chứng tỏ tại Paris năm 1982 dẫn tới những kết luận vô cùng quan trọng làm sụp đổ lâu đài khoa học mà con người đã xây dựng hàng ngàn năm nay:
1/ Vật không có thật (non realism)
2/Không gian và thời gian không có thật (non locality). Khái niệm này trong PG có thuật ngữ vô sở trụ để diễn tả
3/ Số lượng không có thật (non quantity)
Về vấn đề số lượng không có thật chúng ta cần biết thêm về thí nghiệm liên kết lượng tử của Maria Chekhova của Đại học Moscow năm 2012. Bà đã thực hiện được việc cho một photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau và chúng vẫn liên kết với nhau (entangled). Ý nghĩa của thí nghiệm này rất quan trọng, nó cho thấy toàn thể vũ trụ chỉ là một thôi (一即一切 一切即一 Một là tất cả Tất cả là một) Đó cũng là ý nghĩa của thuyết Big Bang, từ một hạt cực vi, một vụ nổ đã tạo ra vũ trụ vạn vật.
Ngoài lý thuyết khoa học của cơ học lượng tử (quantum mechanics) nói trên, những nhà đặc dị công năng hiện đại còn biểu diễn thực nghiệm cho chúng ta thấy sự không có thật của vật chất :
Năm 1982 tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh, Trương Bảo Thắng đã biểu diễn lấy một quả táo ra khỏi cái thùng sắt mà nắp đã bị hàn kín, chỉ bằng tâm niệm, trước nhiều nhà khoa học và lãnh đạo của TQ. Trước thực tế không thể chối cãi, họ đã cho phép quyển sách Trương Bảo Thắng được xuất bản chính thức tại TQ. Tôi đã mua quyển sách này tại Bắc Kinh và đã dịch ra tiếng Việt. Thật kỳ lạ, một nước cộng sản tôn thờ chủ nghĩa duy vật lại cho phép một quyển sách duy tâm được xuất bản chính thức. Sự kiện có nhiều nhà đặc dị công năng xuất hiện cùng lúc như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý, Nghiêm Tân và nhiều người khác nữa, chắc chắn đã có ảnh hưởng đến suy nghĩ của lãnh đạo TQ, bằng chứng là Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (1897-1986) và Phó thủ tướng Trần Vĩnh Quý (1915-1986) từng được Trương Bảo Thắng giúp chữa bệnh nặng bằng đặc dị công năng cho đến khi họ qua đời.
Năm 1989 tại thành phố Châu Hải tỉnh Quảng Đông, trước sự chứng kiến của các vị lãnh đạo TQ : Phó Chủ tịch nước Vương Chấn, Phó Thủ tướng Dư Thu Lý, Thị trưởng Châu Hải Lương Quảng Đại, Hầu Hi Quý đã biểu diễn dùng tâm niệm dời nguyên cả cái bàn tiệc mà chúng ta thấy trong hình đến với mọi người.
Sau đó năm 1994 Nhà nước TQ đã cho phép quyển sách Đông Phương Kỳ Nhân Hầu Hi Quý được xuất bản chính thức, phát hành sang tận VN, tôi đã mua được quyển sách ấy tại TP HCM và đã dịch ra tiếng Việt cho mọi người xem.
Tóm lại, tánh không mà PG đề cập là ngũ uẩn giai không, Sắc (vật chất), Thọ (cảm giác), Tưởng (tưởng tượng), Hành (chuyển động), Thức (phân biệt) đều là không, nghĩa là không có thật, không có thực chất. Trong đó quan trọng nhất, đáng chú ý nhất là vật chất không có thật. Vật chất chỉ là cấu trúc ảo không có bất cứ đặc điểm đặc trưng hay nghĩa lý gì cả. Tất cả mọi đặc điểm hay nghĩa lý đều chỉ là sự gán ghép của tâm thức con người vào cấu trúc ảo không có thật mà thôi. Đó chính là ý nghĩa tánh không của PG, nó có nghĩa là toàn thể vũ trụ vạn vật đều chỉ là tưởng tượng của tâm thức, nó không có thực chất.
Chính tâm niệm của của chúng sinh tạo ra vũ trụ đó nên PG mới có câu Nhất thiết duy tâm tạo. Mỗi người có một vũ trụ riêng không hoàn toàn trùng khớp với vũ trụ của người khác, tuy rằng nó cũng có rất nhiều điểm giống nhau do cộng nghiệp, do thế lưu bố tưởng là những nhận thức giống nhau đã hình thành qua nhiều đời nhiều kiếp. Nhưng mỗi người lại có biệt nghiệp, nó tạo ra hoàn cảnh và tâm lý riêng của mỗi người không ai giống ai.
Tóm lại các nhà Phật học nên biết về cuộc tranh luận thế kỷ giữa Niels Bohr và Albert Einstein, ngoài ra cũng cần biết về Thí nghiệm Hai Khe Hở thì mới hiểu rõ tánh không của Phật pháp, hiểu rõ cơ chế làm thế nào Tâm lại tạo ra được cảnh giới vật chất. Ngoài ra cũng nên biết về thí nghiệm của Maria Chekhova có ý nghĩa rất sâu xa và quan trọng.
Còn các nhà khoa học thì nên hiểu sâu Phật pháp, hiểu những nguyên lý như Nhất thiết pháp vô tự tính, Nhất thiết duy tâm tạo thì sẽ tránh được những sai lầm hết sức cơ bản mà Einstein đã mắc phải. Họ cần phải hiểu một câu trong kinh Kim Cang: Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Ý nghĩa nội hàm của câu đó là không gian, thời gian, số lượng, cả vũ trụ vạn vật đều không có thật.
Ứng dụng tánh không trong thực tế
Ngày nay tánh không không phải chỉ là lý thuyết xa vời mà đã có ứng dụng đại trà trong thực tế. Vậy ứng dụng đó là gì ? Đó chính là chiếc smartphone mà hầu hết mọi người đều có. Những người không có, đó là vì họ từ chối sử dụng một phương tiện hiện đại phần nào ứng dụng được tánh không. Bà mẹ tôi năm nay đã 92 tuổi có một chiếc smartphone riêng và biết nhắn tin, nhận ảnh và video của các con, cháu, chắt ở nước ngoài, dễ dàng liên lạc với bọn họ bởi vì khoảng cách không gian xa xôi đã hoàn toàn bị triệt tiêu trên không gian mạng, đó chính là một ứng dụng tánh không trong thực tế.
Trong thời gian tôi đi ra nước ngoài khá lâu, gần nửa năm, bà xã tôi vẫn có thể nhắn tin, gọi điện, trao đổi hình ảnh, thậm chí tình tự qua mạng internet, do đó về mặt tâm lý chúng tôi không còn cảm thấy có khoảng cách không gian cách biệt con người với nhau mà trước đây vài chục năm thôi, có những nhà văn từng diễn tả nỗi đau khổ đó. Chẳng hạn nhà văn Vũ Bằng diễn tả nỗi đau khổ đó qua tác phẩm Thương Nhớ Mười Hai.
“Đêm xanh biêng biếc, tuy chưa có mưa dây, nhưng nhìn lên thấy rõ từng cánh sếu bay. Về khuya, trời vẫn rét một cách tình tứ nên thơ: mặc dầu vẫn phải đắp chăn bông, nhưng ban ngày không cần phải mặc áo ấm như hồi cuối chạp.
Người vợ bắt đầu thu hết những nệm thêu trải ở sập chân quỳ và gối gấm trên ghế trắc “mua tự bên Tàu về” để đem ra phơi dưới nắng xuân, trên một cái chiếu mầu khô nỏ. Mi môn, quần màn, với quần áo tết của vợ chồng và các con sẽ được phơi như thế chừng ba nắng để rồi đem cất vào trong tủ có trải sẵn rễ “hương bài” để cho quần áo thơm ngát và khỏi “nhậy”.
Ấy đấy, thương người đàn bà Bắc như thế đấy. Sạch cứ như lau như ly, cẩn thận từng ly từng tí. Và càng thương hơn nữa là khi ta thấy người đàn bà chậm rãi vuốt ve từng cái tà áo, lồng nhỏ nhẹ từng cái khuyết vào cái khuy rồi xếp vuông vức áo nọ lên quần kia, như thể sợ động mạnh thì quần áo sẽ không còn vẹn tuyết trinh, vì nhầu nếp lụa.”
Người đàn bà mà ông mô tả chính là người vợ thân thương của ông tên là Nguyễn Thị Quỳ mà ông đã bỏ lại Miền Bắc khi vào Nam hoạt động và không có cách nào liên lạc được. Ông đã vào Nam từ năm 1954 và đến 1960 ông bắt đầu viết quyển Thương Nhớ Mười Hai đến năm 1971 mới xong, nhưng bà Quỳ đã qua đời vào năm 1967 nên tâm sự của ông trở thành nỗi tuyệt vọng vì không bao giờ còn gặp lại người vợ yêu.
Vậy nếu Vũ Bằng sống trong thời hiện đại có smartphone thì sẽ tránh được nỗi đau khổ dằng dặc mà nhà văn Triệu Xuân đã nhận xét “Vũ Bằng yêu Hà Nội, yêu đất nước quê hương khi mà ông đang sống ở Sài Gòn, cách Hà Nội chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi ngàn trùng. Nỗi nhớ niềm yêu ấy là tuyệt vọng! Hơn thế nữa, bà Nguyễn Thị Quỳ, vợ hiền của ông, người đã góp phần quyết định làm nên một Vũ Bằng nhà văn, nhà báo, là nguồn cảm hứng văn chương của ông…”
Khoảng cách không gian bị triệt tiêu, liên lạc dễ dàng với người vợ ở Miền Bắc là điều mà Vũ Bằng nằm mơ cũng không thấy, nhưng smartphone hiện nay đã thực hiện được, khiến cho tôi khi ra nước ngoài thời gian dài, vẫn liên lạc được với vợ con ở trong nước một cách dễ dàng.
III/ Người học Phật có thể làm gì?
Ngoài việc hiểu ý nghĩa tánh không của Bát Nhã Tâm Kinh, hiểu lý thuyết tánh không của khoa học để có thể sống một cách an tâm vững chắc, ngoài ra người học Phật còn có thể làm gì nữa ? Ứng dụng được tánh không trong cuộc sống thực tế hàng ngày qua smartphone cũng chưa phải là hết. Có lẽ không phải là việc đọc tụng Kinh Bát Nhã hay lặp đi lặp lại các bài kệ của một số thiền sư ngộ đạo thời xưa. Hành giả có thể tham thoại đầu đế đi tới chỗ vô thủy vô minh, tới đầu sào trăm thước rồi bước thêm bước nữa để tuyệt hậu tái tô 絕後再甦 (chết đi sống lại). Chết đi là cái tâm chấp trước tưởng, sống lại là cái tâm giác ngộ có thể sống với thế lưu bố tưởng nhưng không có chấp trước trưởng. Chẳng hạn có thể nào một cuộc tình chỉ có vui vẻ mà không có đau khổ dằng dặc?
Những người sành văn học Pháp, yêu mến nhà thơ Lamartine, có lẽ đã biết qua cuộc tình của ông với nàng Julie Charles, hai người cùng nằm bệnh viện ở Aix-les-Bains một thành phố thuộc vùng núi Savoie của Pháp, nơi có suối nước khoáng để chữa bệnh vào tháng 10-1816. Rồi họ yêu nhau bất chấp là nàng đã có chồng, họ cùng nhau ngoạn cảnh trên hồ Bourget gần đó. Nhưng không may sau đó không lâu nàng qua đời vì bệnh lao, Lamartine đau khổ làm ra bài thơ Le Lac (Cái Hồ) để mô tả mối tình tuyệt vọng đó. Người học Phật tự hỏi có thể nào Lamartine vẫn làm ra được bài thơ Le Lac đầy cảm hứng với người tình mà trong lòng không quá đau khổ? Hiểu tánh không của Phật pháp thì chắc chắn là làm được.
Cuộc sống hàng ngày của con người chúng ta là cảnh giới nhận thức của bộ não do nhất niệm vô minh tưởng tượng ra. Nhưng chúng ta đừng có cho rằng vô minh là tà kiến, phải diệt trừ vô minh. Kinh Bát Nhã đã nói rằng không có vô minh cũng không có hết vô minh (VÔ VÔ MINH, DIỆC VÔ VÔ MINH TẬN) chúng ta phải nhận ra rằng vô minh là ảo giả, không có thật và cũng không bao giờ hết. Như vậy Phật pháp chỉ là thuốc giả để trị bệnh giả, bệnh giả trị được rồi thì thuốc giả phải bỏ. Tuyệt hậu tái tô tức là trị xong bệnh giả, vậy hành giả phải làm gì tiếp? Hoặc chưa trị xong bệnh giả thì người học Phật cũng phải làm cái gì đó trong cuộc đời.
Tùy theo tâm nguyện của mỗi người, hành giả có thể theo đuổi sự nghiệp từ thiện cứu giúp những người khốn khó. Bà xã tôi cũng vì theo đuổi sự nghiệp từ thiện này mà lao vào làm ăn để có tiền giúp người, rồi thua lỗ tán gia bại sản, tôi phải ba lần bán nhà để trả nợ cho bà ấy. Nhưng tôi cũng chấp nhận và cuối cùng cũng vượt qua khổ nạn đó, không sao cả, tâm vẫn bình an vì hiểu tánh không.
Có người theo đuổi sự nghiệp văn học hoặc nghệ thuật, trở thành nhà văn, nhà thơ hoặc ca sĩ nhạc sĩ đem lại cuộc sống tinh thần phong phú nhiều màu sắc cho con người. Cũng tốt thôi, tôi có hàng trăm video để giới thiệu văn nhân thi sĩ thời xưa và một số ca nhạc sĩ tài hoa trên thế giới từ thập niên 1950 trở lại đây, tôi giới thiệu họ trên Youtube và trên Facebook.
Có người theo đuổi cuộc sống đạo hạnh, xuất gia làm tăng ni. Khi làm tăng ni thì họ phải giữ rất nhiều giới luật để làm mẫu mực cho tăng đoàn, cho người đời noi theo, tôi rất bái phục họ. Và họ phải am hiểu đạo pháp để hoằng dương chánh pháp. Cha tôi cũng là một người như vậy. Tôi thì không xuất gia nhưng cũng tham gia vào việc hoằng pháp với blog Duy Lực Thiền.
Để tránh sai lầm, tôi phải kết hợp thật chặt chẽ giữa kinh điển và khoa học. Tôi tin rằng kinh điển Phật pháp có khả năng hướng dẫn cho khoa học vì Đức Phật có trí tuệ Bát nhã vượt xa hiểu biết nông cạn của bộ não. Còn khoa học thì cũng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về kinh điển. Chẳng hạn cuộc thí nghiệm về liên kết lượng tử giúp rất nhiều trong việc hiểu rõ tánh không của Phật pháp, chẳng những hiểu mà con người còn ứng dụng được tánh không trong thực tế để tạo ra những thiết bị tuyệt vời như computer, laptop, tablet, smartphone, mạng internet, mạng 3G, 4G, 5G …
Có người theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh để làm giàu cho xã hội, giúp cho cuộc sống vật chất và tinh thần của con người thêm đầy đủ tiện nghi. Tôi cũng rất bái phục họ. Họ đã nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy computer thật kỳ diệu mà hàng ngày tôi sử dụng rất nhiều. Họ chế tạo ra mạng internet thật thần kỳ làm triệt tiêu khoảng cách không gian trên địa cầu, hiển thị tánh không của Phật pháp.
Rồi họ chế tạo chiếc điện thoại thông minh có thể làm được vô số việc. Ngoài ra họ xây dựng đường sá cầu cống, rất nhiều công ty xí nghiệp hãng xưởng, chế tạo xe, tàu, máy bay, các công trình kiến trúc, nhà ở cho người dân… Họ xây dựng nên những thành phố văn minh hiện đại nơi con người có thể sống thoải mái với nhiều tiện nghi.
Tôi nghĩ rằng người học Phật vẫn có thể tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng quả địa cầu thành nơi sinh sống tốt đẹp cho con người đồng thời với việc tu tập giác ngộ, tự giác giác tha.
Nói tóm lại người học Phật có thể tham gia phần lớn các hoạt động của xã hội loài người, góp phần làm cho cuộc sống của con người được thoải mái và an tâm. Nhưng người học Phật cũng sẽ không tham gia một số hoạt động tiêu cực của xã hội loài người, chẳng hạn không làm gì lợi mình hại người, hại cho môi trường thiên nhiên và nhân văn, tránh làm một số việc làm mang tính chất ác nghiệp như chăn nuôi giết thịt, đánh bắt thủy hải sản, sản xuất vũ khí, chất độc hóa học…
Nói chung là tránh sát sinh hại vật, tránh việc lợi mình hại người, hại môi trường. Còn thì phần lớn hoạt động sản xuất, lưu thông, xây dựng, nghiên cứu, chế tạo, văn hóa nghệ thuật…người học Phật đều có thể tham gia. Nhất là việc chế tạo những công cụ có thể hiển thị được tánh không thì người học Phật càng có tâm huyết, chẳng hạn chế tạo máy tính lượng tử, chế tạo những công cụ để thực hiện viễn tải lượng tử, chế tạo các loại máy in 3D tiên tiến có thể sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời để sản xuất lương thực thực phẩm và vật dụng, thay cho các ngành sản xuất hiện đang gây ô nhiễm cho môi trường, đáp ứng được nhu cầu vật chất, tiện nghi cho toàn thể con người trên địa cầu.
Đó thực sự là am hiểu tánh không và đại dụng được tánh không trên phạm vi toàn cầu, đẩy lùi những thói hư tật xấu của con người, bởi vì khi các nhu cầu của họ về đời sống vật chất đã được đáp ứng đầy đủ thì họ sẽ không còn lý do gì để tranh giành làm hại lẫn nhau, nhân loại sẽ tiến vào thời đại tâm linh, lo giải quyết những vấn đề về tâm lý, tinh thần, không còn quá bận tâm về nhu cầu vật chất nữa.
Kết luận
Người học Phật không phải chỉ tụng đọc kinh điển, lặp đi lặp lại các bài kệ của các thiền sư ngộ đạo, hay đàm huyền luận diệu một cách vô bổ, mà quan trọng hơn là thấu hiểu tánh không của Phật pháp để giải thoát tất cả mọi đau khổ của mình và người chung quanh, ứng dụng được tánh không trong đời sống thực tế hàng ngày, giúp cho vô số người có đầy đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở tiện nghi trong đời sống, hiểu được tánh không và ứng dụng được tánh không cả về phương diện tâm lý của chính mình, cả về thực hành tánh không trên các phương tiện hiện đại như smartphone, mạng internet, mạng 5G, tiến tới chỗ thực hiện viễn tải lượng tử trên phạm vi địa cầu và xa hơn nữa trên những khoảng cách diệu vợi của liên hành tinh. Sự ứng dụng tánh không một cách triệt để sẽ giúp con người không còn lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên đất đai, sông núi, biển đảo, tránh được việc tranh giành, chiến tranh.
Nhân loại sẽ tiến tới chỗ có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất của tất cả mọi người trên địa cầu, con người sẽ quan tâm hơn tới chất lượng của cuộc sống, làm thế nào sống khỏe mạnh, ít bệnh tật, không đau khổ, hướng tới cuộc sống tâm linh, tinh thần, không còn phải quá bận tâm về nhu cầu vật chất như hiện nay.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nguyễn Du - Tiếng lòng thiên thu
Nghiên cứu 23:14 20/12/2024Thơ và thiền là đôi cánh đại bàng tung bay trên bầu trời Đông phương và Tây phương suốt từ nghìn xưa cho đến ngày nay.
Nguyện giải thoát ngay hiện tiền
Nghiên cứu 13:41 18/12/2024Trong nhà Phật, lời nguyện có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận.
Đời tu của tôi
Nghiên cứu 09:32 18/12/2024Đời tu của tôi có những cái dễ nhưng cũng gặp những cái khó. Trong cái khó thật ra tôi không tính toán cũng không suy nghĩ phải làm sao, tôi chỉ âm thầm xin Tam Bảo gia hộ. Ai làm gì nói gì, tôi cứ lặng thinh mà chịu chờ Tam Bảo gia hộ, rồi cái tốt đẹp sẽ đến, tôi không có phản ứng để chống chọi gì hết.
Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích ở Bắc Ninh
Nghiên cứu 11:12 17/12/2024Ngôi cổ tự Phật Tích (tên gọi khác là chùa Vạn Phúc) toạ lạc trên núi Phượng Hoàng, Tiên Du, Bắc Ninh là nơi lưu lại dấu ấn truyền bá Phật giáo ở vùng Bắc bộ hơn nghìn năm. Chùa Phật Tích còn được biết đến là nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật A-Di-Đà và bộ tượng 10 linh thú đá.
Xem thêm