Người Phật tử tại gia với tám điều cần biết
Quy y Tam bảo rồi, người Phật tử phải biết một số điều cần thiết để trợ duyên cho việc tu học của mình được phước huệ đầy đủ, sự lý viên dung.
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
1. Thờ Phật
Là người Phật tử, trong nhà cần phải có một bàn thờ Phật để hằng ngày chiêm ngưỡng, quán tưởng và lễ bái. Nhìn tượng Phật, chúng ta nghĩ tưởng như Ngài đang hiện diện, nguyện noi gương Ngài để tinh tấn tu học. Bàn thờ nên bố trí nơi trang trọng nhất trong nhà. Nếu nhà rộng nên dành riêng một phòng làm nơi thờ Phật. Trên bàn thờ nên ton trí hình tượng của đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni, không nên thờ hình tượng nhiều làm giảm sự trang nghiêm. Phật nào cũng có đầy đủ đức tính vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng công đức. Cho nên, thờ một Phật là thờ tất cả Phật. Thực tế, không ai nhìn thấy đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật A-di-đà. Khi chúng ta nghĩ Phật nào là Phật đó, vì mỗi đức Phật đều có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.
Trường hợp người tu theo pháp môn Tịnh độ vì tôn kính, ngưỡng mộ hình ảnh đức Phật A-di-đà, chúng ta có thể thờ, nhưng bố trí như thế nào để khi nhìn lên bàn thờ cân đối và đẹp. Nếu thờ hình Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật A-di-đà thấy không cân đối, chúng ta nên thờ thêm đức Phật Dược Sư cho đủ ba vị. Phật Thích-ca Mâu-ni giáo chủ cõi Ta-bà, Phật A-di-đà giáo chủ cõi Cực lạc phương Tây, Phật Dược Sư giáo chủ cõi Tịnh độ phương Đông. Hoặc thờ Phật Thích-ca Mâu-ni, A-di-đà, Di Lặc.
Hình tượng thờ kích cỡ phải bằng nhau, không nên lớn nhỏ sai khác, không đặt hình trên dưới hoặc cao thấp. Bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà phải thờ riêng. Trường hợp nhà không có chỗ, nên đặt bàn thờ Phật phía trên, bàn thờ ông bà phía dưới. Trên bàn thờ không nên để đồ vật khác ngoài bình bông, lư hương, ly nước, đèn và đĩa quả. Hằng ngày, chúng ta phải thay nước cúng, nước bình bông và lau chùi bàn thờ thật sạch, sáng tối phải thắp nhang. Mỗi lần thắp một cây hoặc nhiều lắm là ba cây. Tốt nhất nên mua nhang trầm đốt, dù một cây nhưng mùi thơm làm mình dễ chịu, tinh thần sảng khoái hơn là đốt nhiều những thứ nhang mạt cưa chỉ thêm khói bụi.
Người thờ Phật cả tháng không thắp nhang, không chăm sóc lau chùi bàn thờ, không có lợi ích trong việc tu tập. Chúng ta quan tâm đến bàn thờ Phật chính là quan tâm đến việc tu tập của mình. Mỗi khi thắp nhang, chúng ta chiêm ngưỡng Phật, nguyện noi gương Ngài để tu sửa thân tâm, không phải để cầu tài cầu lộc. Mỗi khi thắp nhang chúng ta cầu nguyện đức Phật gia hộ cho mình: “Có trí tuệ nhìn thấy rõ sự vô thường, vô ngã của nhân sinh; biết phân biệt đúng sai, phải trái, thật giả để không bị ngũ dục làm mê mờ. Có đầy đủ nghị lực để vượt qua khó khăn thử thách.
Có sức tinh tấn để thẳng tiến trên con đường tu học. Có tình thương vô ngã vị tha để san sẻ tinh thần vật chat cho mọi người. Có giới luật để thúc liễm thân tâm, trau dồi đạo đức, ba nghiệp trong sạch...”. Hằng ngày, chúng ta thắp nhang trước bàn Phật, khấn nguyện như vậy sẽ có lợi ích rất lớn trong đời sống tu tập của mình.
Người đã quy Tam bảo phải biết tôn kính tượng Phật. Khi đi chùa hoặc nơi có thờ hình tượng Phật phải cung kính xá chào, lễ bái, xem hình tượng Phật như là Ngài đang còn tại thế. Hiện nay, có rất nhiều hình Phật được in làm nhãn hiệu bao nhang, sau khi dùng xong, những người thiếu ý thức đã vất bỏ bừa bãi. Nếu gặp những bao nhang có hình Phật như vậy, chúng ta nên nhặt lấy và đem đốt. Những tượng Phật bị hư hỏng nên sửa chữa lại. Nếu không còn dùng được, chúng ta đem thả xuống sông, biển hoặc đào hầm chôn, không nên bỏ nơi bất tịnh.
2. Học giáo pháp của Phật
Người quy y Tam bảo mà không học giáo pháp của Phật thì không biết được con đường mình đi. Như người đi đến một nơi nào đó, nếu không nắm rõ địa chỉ sẽ đi lạc. Muốn hiểu rõ Phật pháp, chúng ta phải đọc tụng kinh điển hoặc nghe quý thầy giảng pháp, hoặc dự học các lớp giáo lý do chùa tổ chức. Hiện nay, những bài giảng Phật pháp được ghi âm vào băng catssette, đĩa CD, VCD, DVD chúng ta nên thỉnh về xem, nghe. Điều quan trọng chúng ta cần lưu ý, người Phật tử phải biết cuộc đời của đức Phật, cũng như con phải biết tên cha, biết cuộc đời của cha, nếu không biết là một lỗi lầm lớn.
Do vậy, bước đầu học Phật, chúng ta phải tìm hiểu cuộc đời của Ngài. Để hiểu biết Phật pháp có căn bản từ thấp lên cao, chúng ta nên đọc bộ Phật Học Phổ Thông do Hòa thượng Thiện Hoa biên soạn, hoặc cuốn Đức Phật Và Phật Pháp của Narada do Phạm Kim Khánh dịch.
Đọc kỹ một trong hai bộ sách này, chúng ta có một số kiến thức Phật học cơ bản, tạm đủ làm hành trang tu tập. Mỗi ngày, chúng ta cố gắng để thời gian đọc kinh sách hoặc nghe băng giảng như một thói quen, như là bữa ăn hằng ngày. Nếu không đọc cảm thấy thiếu vắng, như tới bữa cơm không ăn cảm thấy đói vậy. Học Phật pháp giúp chúng ta sáng suốt thấy rõ thật tướng của vũ trụ nhân sinh. Học Phật pháp giúp chúng ta nhàm chán ngũ dục, xa lìa trần cấu. Học Phật pháp giúp chúng ta thêm nghị lực để vượt khó khăn thử thách.
Học Phật pháp giúp chúng ta tinh tấn đạt đến chỗ chân thiện mỹ, rốt ráo thành Phật. Học Phật pháp giúp chúng ta mở rộng lòng thương, vô ngã vị tha. Học Phật pháp giúp chúng ta có đạo đức, nhân cách cao thượng. Mỗi lần học là mỗi lần chúng ta thêm sáng trí, thêm tinh tấn, thêm vững niềm tin trên con đường tu học của mình. Do vậy, chúng ta phải thường xuyên trau dồi Phật pháp, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ sẽ rộng lớn như biển.
3. Thực hành Phật pháp
Giáo pháp của Phật dù có tốt đẹp cao siêu đến đâu, nếu chúng ta không thực hành sẽ không được lợi ích thiết thực. Nếu quy y Tam bảo để có được pháp danh thôi thì chưa đủ. Có người đến chùa quy y một lần và khi thầy chết đến một lần nữa là coi như xong bổn phận.
Theo đúng nghĩa quy y Tam bảo là nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng để tu học, không phải quy y để lấy pháp danh, để Phật phù hộ hoặc để mọi người biết mình có quy y. Sau khi quy y Tam bảo, người nam gọi là Ưu-bà-tắc, người nữ gọi là Ưu-bà-di. Ưu-bà-tắc nghĩa là cận sự nam, người nam thân cận Tam bảo để học pháp, tu hành và phụng sự. Ưu-bà-di nghĩa là cận sự nữ, người nữ thân cận Tam bảo để học pháp, tu hành và phụng sự. Nếu vì hoàn cảnh xa chùa hoặc vì công việc làm ăn, chúng ta cũng phải cố gắng ít nhất mỗi tháng một lần về chùa sám hối, nghe giảng hoặc tu tập.
Nếu vì quá bận, một năm phải về chùa vào những ngày lễ lớn như Phật đản 15/04, Vu Lan 15/07 hoặc ngày tết cổ truyền để dự lễ, thăm viếng Bổn sư, học Phật pháp nhằm thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân báo ân của người con Phật. Nếu vì đường xá xa xôi cách trở không về chùa Bổn sư được thì có thể đến ngôi chùa gần nhà nhất để dự những ngày đại lễ.
Pháp của Phật vô lượng vô biên, chúng ta cần phải học hiểu và chọn cho mình một pháp môn thích hợp. Căn tính chúng sinh có cao thấp, trí, ngu, nhanh, chậm... Phật pháp cũng có nhiều môn nhằm thích hợp với căn tính của từng người tu tập. Ví như, bệnh có nhiều thì thuốc cũng có nhiều để đối trị.
Thuốc nào cũng để chữa khỏi bệnh, đem lại sức khỏe cho người. Pháp môn của Phật tuy nhiều nhưng cũng chỉ có một mục đích đem đến an lạc giải thoát cho chúng sinh. Học pháp thì nhiều nhưng tu tập chỉ nên chọn một pháp tu thích hợp với căn cơ của mình thì mới có kết quả. Như khi chúng ta học tiểu học, trung học thì học tổng hợp các môn, nhưng khi vào đại học phải học chuyên môn mới có thể ứng dụng trong đời sống. Người tu Tịnh độ tụng kinh A-di-đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ. Người tu thiền tụng kinh Kim Cang, Bát Nhã, Viên Giác, Lăng Già Tâm Ấn
Người tu Pháp Hoa tụng kinh Pháp Hoa... Tùy theo chúng ta tu pháp môn nào nên chuyên tụng kinh pháp môn đó sẽ có kết quả hơn. Mỗi ngày, sáng hoặc tối nên công phu tụng kinh, niệm Phật hoặc ngồi thiền. Cố gắng giữ thời khóa cho đều đặn. Có một câu Phật ngôn căn bản trong kinh Pháp Cú mà bất cứ người học Phật tu theo pháp môn nào cũng phải thực hành, là:
“Chớ làm các việc ác,Hãy làm các điều lành,Giữ tâm ý trong sạch,Đó là lời Phật dạy”. Trong khi tu tập, chúng ta không nên khởi tâm phân biệt khen pháp mình tu, chê pháp người khác tu, không nên vì quyền lợi cá nhân chê bai đả kích lẫn nhau. Tự mình chuốc họa, lại tiếp tay làm cho Phật pháp suy yếu.
4. Giữ gìn oai nghi
Phật tử là con Phật, con phải giống cha, chúng ta phải học tập tác phong, đạo đức của Phật. Khi chúng ta đến trường học, đầu tiên thầy cô giáo dạy chúng ta lễ phép trước rồi sau mới dạy chữ. Cho nên mới có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Người vào chùa xuất gia, năm năm đầu học oai nghi giới luật, năm năm sau mới học kinh, có thể nói là: “Tiên học luật, hậu học kinh”. Chính oai nghi giới luật giúp chúng ta thúc liễm thân tâm, hoàn thiện nhân cách. Do tầm quan trọng đó, cho nên người Phật tử phải học luật nghi. Những oai nghi cơ bản cần biết của người Phật tử là: chắp tay, xá chào, lễ lạy, đi, đứng, nằm, ngồi, nói, ăn...
- Chắp tay: Chắp hai bàn tay mười ngón bằng nhau, khít lại, không so le, không bọng giữa, không xòe mười ngón ra. Vị trí chắp cổ bàn tay để trên chỗ lõm trước ngực, mười ngón tay hướng lên, không nên để cao tới cằm hoặc thấp ngang bụng, không quay bàn tay chìa ra phía trước.
- Xá chào: Khi gặp quý thầy hoặc bạn đồng tu chúng ta chắp tay xá, đầu mình cúi xuống, kèm theo câu A-di-đà Phật.
- Lễ lạy: Khi lạy Phật hoặc lạy chư Tăng, chúng ta đứng ngay thẳng, hai bàn chân khép hình chữ V, chắp hai tay đưa lên trán rồi lạy xuống. Hai bàn tay úp lại, khi đầu chạm đất ngửa hai bàn tay ra, đầu đặt giữa hai bàn tay, quay mười ngón về phía trước, hai bàn chân duỗi ra, mông đặt xuống sát gót chân (lưu ý: không để mông quá cao, mất thẩm mỹ). Hai tay, hai chân và đầu sát đất. Khi đứng dậy úp hai bàn tay lại, chống người đứng lên.
Người Phật tử khi đến chùa, lúc ra về phải chào thầy trụ trì, phải vào chánh điện lễ Phật. Đi đâu gặp tượng Phật hay gặp chư Tăng chúng ta phải cung kính xá chào.
Đi, đứng, ngồi, nằm chúng ta luôn ý tứ, giữ thân mình nghiêm chỉnh, khoan thai, nhẹ nhàng và đẹp. Như khi ngồi giữ lưng thẳng, không lắc chân, rung đùi; không ngồi chồm hổm, không ngồi chống chân lên ghế, những thế ngồi này không được đẹp. Khi nói chuyện nên nói nhỏ nhẹ, không nên nói cười lớn tiếng nhất là lúc lên chùa hoặc nơi giảng pháp, nơi trai đường, nơi ngủ nghỉ chúng ta phải giữ im lặng.
Khi đi dự lễ, đi chiêm bái các Thánh tích, chúng ta phải giữ gìn oai nghi của người Phật tử, không nên ồn ào chen lấn, không ăn uống thô tháo, xả rác bừa bãi, không nên đùa giỡn nói cười lớn tiếng. Khi đến chùa, giới nữ phải trang phục kín đáo, không mặc quần áo quá mỏng, màu sắc lòe loẹt, không mặc áo sát nách, hở cổ, hở bụng, váy ngắn. Nam không mặc áo thun, quần ngắn. Cần có áo tràng để khi đến chùa mặc cho trang nghiêm.
Không nên mặc áo tràng vào nhà vệ sinh. Lúc lên chánh điện lễ Phật, trên bàn thờ, lư hương có nhang rồi, chúng ta không nên thắp thêm, tâm thành Phật chứng không nhất thiết phải thắp nhang. Không được tự tay đánh chuông, mõ, trống, nếu chưa được phép của quý thầy. Khi cúng dường tiền hoặc phẩm vật đến chư Tăng, chúng ta nên đặt trên đĩa để trên bàn, không nên trao tay hoặc nhét vào túi. (Nên tìm xem đĩa VCD, DVD Oai Nghi Của Người Tu Phật Thất hướng dẫn kỹ hơn. Đĩa do chùa Hoằng Pháp sản xuất).
Đó là một số oai nghi mà người Phật tử cần phải biết. Hằng ngày, chúng ta giữ gìn oai nghi là chúng ta sống có chánh niệm, tỉnh giác. Thực hành thường xuyên thì đạo đức, nhân cách chúng ta sẽ hoàn thiện, cao thượng. Được như vậy, mới thật đúng nghĩa đệ tử Phật, noi theo gương hạnh Phật.
5. Ăn chay
Ăn chay là ăn các loại thực vật như rau, củ, quả, đậu... Người Phật tử vì lòng từ bi không nỡ ăn thịt chúng sinh. Trong vô lượng kiếp đến nay, ta và chúng sinh có mối quan hệ thân thiết với nhau. Ăn thịt chúng sinh cũng có nghĩa là ăn thịt người thân của mình. Chúng ta ăn để sống, không phải sống để ăn. Các loài thảo mộc cũng có đầy đủ chất dinh dưỡng nuôi sống thân thể chúng ta. Điển hình những vị xuất gia ở chùa (Bắc tông) suốt đời ăn chay mà vẫn khỏe mạnh hồng hào. Có người cho rằng ăn chay thiếu máu, ốm yếu xanh xao.
Chúng ta có thể đặt lại câu hỏi: “Người không ăn chay có ốm yếu xanh xao không?”. Thưa vẫn có. Vậy không thể kết luận người ăn chay là thiếu máu, là ốm yếu xanh xao. Có chăng là do chúng ta không biết ăn, cứ ăn rau luộc chấm nước tương thì làm sao không ốm yếu! Nếu chúng ta ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì vẫn mạnh khỏe hồng hào. Có người cho rằng ăn chay là mất sức, sinh bệnh. Vậy người không ăn chay có mất sức sinh bệnh không? Thưa vẫn có.
Không tin chúng ta đến bệnh viện hỏi xem, người không ăn chay hay người ăn chay nằm viện nhiều. Bệnh là do nghiệp của mỗi người, không phải là do ăn chay hay không ăn chay. Theo luật nhân quả, nếu bạn giết hại chúng sinh, làm chúng đau khổ thì quả báo bạn sẽ bị đau khổ, bệnh tật, giảm thọ và đền mạng. Nhân nào quả nấy rất rõ ràng.
Ăn chay có những lợi ích như:
- Nuôi dưỡng lòng từ bi, xem mạng sống của chúng sinh như mạng sống của mình, cũng có đầy đủ Phật tính. Ăn chay là thực hiện giới sát sinh một cách tốt nhất.
- Gián tiếp khuyên người không sát sinh. Chúng ta ăn thịt thì mới có người giết thịt để bán. Nếu chúng ta ăn chay, sẽ không có người giết thịt bán.
- Tránh nhiễm độc từ thú vật. Hiện tại, thú vật có rất nhiều thứ bệnh, chúng ta ăn vào sẽ hại đến sức khỏe. Hơn nữa, mỗi khi thú vật chết sẽ khởi tâm sân hận, chúng ta ăn vào cũng ảnh hưởng đến tâm sân hận. Thú vật có nhiều loại nặng về dâm dục, chúng ta ăn vào cũng ảnh hưởng đến dâm dục.
- Góp phần hòa bình thế giới. Nguyên nhân sâu xa của chiến tranh là do nghiệp sát của chúng sinh từ vô thỉ kiếp đến nay. Chúng ta giết thú vật, mối thù này sẽ còn mãi mãi, khi đủ duyên gặp nhau sẽ chém giết lẫn nhau. Muốn chấm dứt chiến tranh, chúng ta phải chấm dứt sát sinh. Ăn chay là cách tốt nhất giúp chúng ta không sát sinh, góp phần hữu hiệu vào nền hòa bình thế giới. Chúng ta nên tập ăn chay một tháng hai ngày rồi bốn ngày, mười ngày, lâu ngày quen dần ăn trường chay. Nên cữ các thứ hôi nồng, kích thích dục vọng như: hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu...
6. Hoằng pháp lợi sinh
Người Phật tử hiểu biết và hưởng sự lợi ích an vui của việc tu học Phật pháp, phải có lòng thương đem truyền bá cho mọi người cùng hiểu, cùng hưởng lợi ích. Mình có một ngọn đèn sáng, đem mồi cho nhiều ngọn đèn khác cùng sáng thì ngọn đèn của mình càng sáng hơn, cuộc đời này sẽ bớt đi đêm tối. Còn rất nhiều người chưa được ánh sáng Phật pháp soi rọi, họ vẫn sống trong đêm tối vô minh, chưa tin nhân quả, chưa biết tội phước, bị tham sân si sai sử tạo biết bao nhiêu đau khổ cho mình và người. Nhiều người làm ác mà ta có sống tốt cũng không yên với họ được, vì cuộc đời này có mối tương quan mật thiết với nhau. Như thân thể của chúng ta có một cái mụn nhọt hoặc khối u, không chỉ đau chỗ đó mà nó ảnh hưởng đến toàn thân. Một xã hội nhiều người xấu ta cũng không yên.
Do vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đem Phật pháp đến với mọi người. Họ sống có an vui hạnh phúc thì chúng ta cũng được an vui hạnh phúc. Có rất nhiều cách để đem Phật pháp đến cho mọi người, như:
- Bản thân mình sống có đạo đức, an vui; lời nói từ ái, đi đứng nhẹ nhàng khoan thai, tỏa sự bình an tươi mát khiến người nhìn thấy cảm mến tu học theo.
- Khuyến hóa cha mẹ, vợ chồng, con cháu tin nhân quả, tội phước, hiểu biết Phật pháp, quy y Tam bảo. Tạo điều kiện thuận lợi cho họ đến chùa hoặc tiếp cận Phật pháp qua băng giảng, sách vở, đĩa hình...
- Trong cuộc sống ai cũng có bạn, chúng ta tìm cách đem Phật pháp đến với họ. Phải có tình thương của người mẹ đối với con nhỏ. Hình ảnh người mẹ đút cơm cho con ăn, con mải mê ham chơi không chịu ăn, mẹ phải đi theo năn nỉ, dụ dỗ con ăn. Mặc dù con ăn con no chứ không phải mẹ no, nhưng con có no thì mẹ mới yên. Chúng ta phải kiên nhẫn đem Phật pháp đến với mọi người, như người mẹ đút cơm cho con. Phải có tình thương như vậy mới có thể hoằng truyền Phật pháp được.
- Góp tiền ấn tống kinh sách, băng giảng, đĩa hình đem tặng cho người chưa hiểu Phật pháp. Phát nguyện đem kinh sách đến tặng cho người ở vùng sâu, vùng xa, những nơi biên địa cuộc sống người dân còn rất nhiều khó khăn về kinh tế. Cả đời họ chỉ biết chén cơm manh áo, không biết gì đến Phật pháp, chúng ta cần phải quan tâm đến những người này nhiều hơn.
- Phát nguyện khuyến hóa, hướng dẫn mười người tin hiểu, thực hành Phật pháp. Nên phát nguyện như vậy để làm động lực giúp chúng ta tinh tấn hoằng pháp lợi sinh. Nguyện một đời mình ít nhất cũng phải khuyến hóa được mười người biết tu học Phật pháp. Nếu ai cũng phát nguyện như vậy thì Phật pháp sẽ được phổ biến đến mọi người. Ai cũng tin nhân quả tội phước, biết tu hành thì cuộc đời này sẽ tốt đẹp biết bao.
7. Làm điều thiện
Phật tử ngoài công phu tu hành, trau dồi trí tuệ cần phải tu phước. Đức Phật là bậc đã tu hành đầy đủ phước huệ nên gọi là bậc Lưỡng Túc Tôn. Chúng ta muốn thành tựu Phật quả cũng phải đi theo con đường tu tập của Ngài. Trên thế gian này, con người có sự chênh lệch nhau về trí tuệ và thân tướng, như kẻ xấu người đẹp, kẻ sang người hèn, kẻ khổ đau người hạnh phúc, kẻ nghèo người giàu, kẻ ngu người trí v.v... đều do quả báo của mỗi người. Chúng ta muốn hiện đời và đời sau được hưởng quả báo tốt đẹp thì phải làm điều thiện. Thông thường, chúng ta nghĩ cạn cợt đem của cải cho người là mất. Thật sự, cho chính là còn, ăn xài mới là hết. Làm phước sẽ có phước, hưởng phước sẽ hết phước.
“Cho là còn, có mất đâu
Gieo nhân hái quả cũng thâu về mình”.
Khi chúng ta gieo một hạt lúa xuống đất, hạt giống sẽ hủy hoại để nảy mầm lên cây, sau đó ra bông kết hạt. Một hạt lúa mất đi, lên cây sinh ra hàng trăm hạt lúa khác. Nếu chúng ta gieo nhiều hạt thì kết quả sẽ thu được nhiều lúa hơn. Việc thiện dù nhỏ chúng ta cũng phải cố gắng làm. Như giọt nước nhỏ giọt lâu ngày cũng đầy lu. Những việc có lợi cho mình và người thì nên làm, còn những việc có lợi cho mình mà hại người thì không làm. Việc ác cũng thế, dù nhỏ chúng ta cũng không nên làm. Ví như lỗ nhỏ trên thuyền, nếu không kịp thời bịt kín sẽ nhận chìm cả con thuyền.
Tất cả của cải vật chất ở thế gian này, chúng ta sẽ bỏ lại hết khi nhắm mắt tắt hơi, chỉ đem theo mình tội và phước. Chúng ta phải có cái nhìn sáng suốt để chuẩn bị tư lương cho hiện tại và tương lai của mình tốt đẹp hơn. Đem của cải bố thí, giúp đỡ những người khốn khó là cách giữ của cải khôn khéo nhất, là gởi vào ngân hàng “nhân quả” bảo đảm nhất. Vua Hacsa ở Ấn Độ có câu nói rất hay: “Ngày xưa, khi góp nhặt những của cải này, trẫm lúc nào cũng áy náy, e sợ phải tìm cách cất giấu vào một nơi nào thật vững chãi kín đáo.
Ngày nay, do bố thí, trẫm đã có thể gửi gắm tất cả những thứ đó trên cánh đồng phước lành và trẫm coi như của cải ấy được giữ gìn mãi mãi”. Hơn nữa, người học Phật vì lòng từ bi thấy người khổ cũng như mình khổ, phải tìm cách cứu giúp họ. Làm sao cho mọi người bớt khổ, mọi người được an vui hạnh phúc, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi là bản hoài của chư Phật và cũng là của người con Phật chúng ta. Mạng sống ngắn ngủi, của cải là giả tạm, chúng ta phải biết tận dụng thời gian, của cải để làm lợi ích cho người theo tinh thần vô ngã vị tha mà đức Phật đã dạy. Biết san sẻ của cải vật chất cho người khốn khó, chính là làm vơi đi tính ích kỷ, trừ diệt tâm keo kiệt bỏn sẻn, mở rộng lòng thương.
8. Không quy y ngoại đạo, tà giáo
Để trở thành người Phật tử, chúng ta phát nguyện trước Tam bảo: “Chúng con tên là: “.......................” xin suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”. Khi quy y Tam bảo rồi, chúng ta không được quy y thiên thần, vì những vị này chưa ra khỏi Tam giới. Đức Phật đã đoạn tận lậu hoặc, ra khỏi Tam giới, phước trí viên mãn, đầy đủ pháp để chúng ta học tập, nương tựa tu hành. Ví như, chúng ta học tập dưới sự hướng dẫn của giáo sư tiến sĩ thì vững chắc hơn là thầy giáo cấp một mới ra trường. Đức Phật nói: “Những điều ta dạy chỉ là nắm lá trong tay, những điều ta biết như lá trong rừng”. Tam tạng kinh điển của Phật đã chứng minh trí tuệ của Ngài là siêu việt, là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Tam tạng kinh điển chỉ là nắm lá trong tay Phật, mà chúng ta học cả đời chưa hết. Chúng ta muốn học làm người, có pháp dạy làm người gọi là Nhân thừa. Chúng ta muốn học làm trời có pháp dạy làm trời gọi là Thiên thừa.
Chúng ta muốn học làm Thanh văn có pháp dạy làm Thanh văn gọi là Thanh văn thừa. Chúng ta muốn học làm Duyên giác có pháp dạy làm Duyên giác gọi là Duyên giác thừa. Chúng ta muốn học làm Bồ-tát có pháp dạy làm Bồ-tát gọi là Bồ-tát thừa. Chúng ta muốn học làm Phật có pháp dạy làm Phật gọi là Phật thừa. Phật pháp có đầy đủ như vậy, chúng ta học cả đời chưa hết, không cần phải nương tựa thiên thần để học. Người Phật tử phải có niềm tin chân chính nơi pháp của đức Phật, không nên tin mê. Đức Phật khuyên chúng ta hiểu thấu đáo vấn đề rồi hãy tin, ngay như những lời Ngài dạy, Ngài cũng khuyên chúng ta nên suy nghĩ kĩ, nếu khi thực hành có lợi ích an lạc cho mình thì nên tin. Khi chúng ta đã tin hiểu một cách vững chắc Phật pháp rồi thì không nên để những tà thuyết làm lung lay. Như nghe nói ông nọ bà kia linh thiêng cầu gì cũng được, chúng ta đến van xin thọ giáo để cầu tài cầu lộc.
Trên thế giới, từ xưa đến nay có một vài Tôn giáo dùng vũ lực cưỡng ép hoặc tình cảm, tiền bạc dụ dỗ người theo đạo. Người Phật tử phải nên cảnh giác với những Tôn giáo này để không bị dụ dỗ lừa gạt. Bởi lẽ, Tôn giáo mà dùng thủ đoạn để mua chuộc lôi kéo người của Tôn giáo khác theo mình đều có ý đồ không tốt. Ví như, người câu cá móc con tép ở lưỡi câu để nhử bắt những con cá lớn. Họ bỏ miếng mồi tiền bạc ra dụ dỗ chúng ta theo Tôn giáo họ, khi cá dính câu rồi thì sinh mạng chúng ta nằm trong tay họ, trở thành nô lệ, thành con cừu non để họ chăn dắt, sai sử.
Có những người vì mê tiền, mê tình đã phản bội lại lời phát nguyện quy y Tam bảo, phản bội lại lý tưởng mình tôn thờ, đánh mất lương tâm con người, dẹp bỏ bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà Tổ tiên để thờ một vị “thần” nào đó. Vì hưởng thụ tiền bạc của họ nên phải nghe lời, biến mình thành kẻ mất nhân tính. Nhân danh đấng giáo chủ, họ xúi dục chúng ta đi phá hoại, chém giết để truyền đạo, để mở mang nước “trời”. Một vài tôn giáo cuồng tín trên thế giới đã từng làm việc này. Chúng ta phải hết sức tỉnh thức để không bị tiền làm mê mờ lý trí.
Hiện nay, người trí thức theo Phật giáo ngày một nhiều, vì đạo Phật là đạo trí tuệ, khoa học không phải đạo mê tín. Người có lý trí, lương tâm không thể bỏ Phật pháp. Chỉ có người mê tiền, mê tình mới bỏ Phật pháp mà thôi.
Người quy y Tam bảo rồi, không quy y đồ chúng ngoại đạo. Chúng ta phải giữ vững lời nguyện này dù chết cũng không thay đổi. Không vì tiền, vì tình mà bỏ Phật pháp, bán rẻ lương tâm. Có những gia đình cha mẹ quy y Tam bảo, tin sâu Phật pháp, nhưng con lại bị tình cảm lôi cuốn theo ngoại đạo. Để tránh tình trạng đau lòng này xảy ra, bậc làm cha mẹ phải có bổn phận hướng dẫn con am hiểu Phật pháp, cảnh giác những sách vở của ngoại đạo tà giáo, uốn nắn kịp thời mối quan hệ tình cảm của con với người ngoại đạo, để khỏi hối hận về sau.
Vì một vài tôn giáo đưa ra luật lệ khắt khe: Ai lấy vợ, lấy chồng phải theo tôn giáo họ. Cho nên, để tránh tình trạng cha mẹ, con cái phải chia cắt tình cảm tín ngưỡng tôn giáo, cha mẹ phải quan tâm giáo dục con theo đúng chánh đạo, đừng để con mình bị tình, tiền làm lầm đường lạc lối, theo đồ chúng ngoại đạo.
Tóm lại:
- Người quy y Tam bảo phải thờ Phat để hằng ngày chiêm ngưỡng, quán tưởng, lễ bái, nguyện noi theo gương hạnh của Ngài để tinh tấn tu hành.
- Học Phật pháp để biết đường lối tu tập, có kiến giải chân chính, khai mở trí tuệ.
- Thực hành lời dạy của Phật để được an vui, giải thoát.
- Giữ gìn oai nghi để thúc liễm thân tâm, tịnh hóa ba nghiệp, nhân cách, đạo đức cao thượng.
- Ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi, tránh quả báo luân hồi đền mạng.
- Nguyện đem ánh sáng Phật pháp đến với mọi người, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa.
- Nỗ lực làm việc thiện, tô bồi phước đức cho mình, diệt trừ tâm ích kỷ, bỏn xẻn, mở rộng lòng thương.
- Kiên trì giữ vững lời nguyện quy y Tam bảo, không để bị tiền bạc, tình cảm làm mê mờ lý trí, theo đồ chúng ngoại đạo.
Người quy y Tam bảo phải làm cho thân tâm của mình ngày một thêm tốt, thêm đẹp, thêm mới, thêm an vui, giải thoát.
- Khi quy y Tam bảo, chúng ta từ bỏ các thói hư tật xấu như uống rượu, cờ bạc, nói dối... để trở thành người tốt.
- Giữ gìn oai nghi giới luật. Thân không sát sinh, trộm cắp, tà dâm; miệng không nói dối, nói thêu dệt, nói hai chiều, nói lời ác; ý không tham, sân, si. Ba nghiệp trong sạch là làm cho mình thêm đẹp.
- Luôn trau dồi trí tuệ bằng cách thường xuyên đọc tụng kinh sách, nghe quý thầy giảng Phật pháp, để mỗi ngày mình hiểu biết thêm nhiều điều hay điều mới.
- Hiểu rõ được sự vô thường của thế gian, sự giả tạm của thân người, không chấp trước, ít muốn biết đủ, vì mọi người phục vụ, sống một đời có ý nghĩa, tâm ta ngày một an vui, giải thoát.
Được vậy, mới thật sự là người quy y Tam bảo.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Học cách Phật dạy con
Kiến thức 13:52 01/11/2024Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm Vua cha thì La-Hầu-La đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La Hầu La cũng xin theo Phật, xuất gia.
Hạnh phúc của sự buông bỏ
Kiến thức 11:00 01/11/2024Thời Phật tại thế có Tỳ kheo Bạt Đề, khi chưa xuất gia ông làm quan, sau khi quy y Phật chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và chuyên cần thực hành thiền quán.
Nói về mười điều thiện
Kiến thức 10:15 01/11/2024Người nào tụng đọc hiểu, thực hành mười đều lành này thì sau khi mạng chung sẽ được quả báo sanh vào các cõi trời tốt lành hoặc tái sanh làm người thì sanh vào các gia đình hiền đức phú quý.
Ngũ căn - ngũ lực: Năm cội rễ, sức mạnh đưa đến an vui giải thoát
Kiến thức 08:30 01/11/2024Ngũ căn, ngũ lực là nền tảng sức mạnh thúc đẩy tu tập các thiện pháp đưa đến an lạc, hạnh phúc giác ngộ giải thoát sinh tử luân hồi khổ đau bất tận.
Xem thêm