Quy y Tam bảo: Nên hiểu thế nào cho đúng?
Quy y Tam bảo là thuật ngữ về một nghi lễ đặc trưng của đạo Phật, thế nhưng không ít người vẫn chưa hiểu chính xác và thấu đáo về thuật ngữ này.
Quy y Tam bảo được coi như điểm khởi đầu mang tính định hướng, giác ngộ từ một “phật tử cảm tính” thành “phật tử đúng pháp” dưới ánh sáng, giáo lý đạo Phật.
Thuật ngữ này không đơn giản chỉ là nhờ bậc chân tu đặt cho một pháp danh. Để rồi, nhờ vào sự “ký danh” này, thỉnh thoảng sẽ đến chùa làm lễ xin khấn “mua may bán đắt” thuận lợi. Hoặc cũng có nhiều người quan niệm rằng “trẻ vui nhà, già vui chùa” nên cấm cản con cháu đến chùa tìm hiểu Phật pháp. Cần phải khẳng định, những cách hiểu như trên là sai lầm. Và những lệch lạc này sẽ ảnh hưởng đến ngộ tâm khi quy hướng Tam bảo, tạo ra nghiệp xấu cho bản thân.
Những cách hiểu sai lầm
Thông thường, sau mỗi khóa tu tập cho thiện nam, tín nữ, ở các chùa lớn lại tổ chức lễ quy y Tam bảo. Lễ này thường được hiểu là, những người mang tâm thức tín ngưỡng đơn thuần, sau một thời gian tu tập đưa bản thân trở về nương tựa vào ba ngôi báu là Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Sangha). Ngoài ra, cũng có thể cắt nghĩa, “quy” nghĩa là quay về, “y” nghĩa là nương tựa.
Ở khía cạnh khác, thuật ngữ này cũng có thể hiểu thông qua hình tượng đức Phật. Phật là bậc đã giác ngộ viên mãn, chấm dứt khổ đau và giải thoát luân hồi sinh tử. Bởi thế, với những người muốn chuyển mê khai ngộ, tạo dựng một đời sống an lành hạnh phúc thì quy y Tam bảo là nền tảng, là sự nương nhờ ánh sáng Phật pháp chỉ đường.
Ngày nay, khái niệm quy y Tam bảo đang bị không ít người hiểu sai, trần tục hóa nên vô tình khiến lễ này trở nên lệch lạc ngay từ tâm thức. Cần biết rằng, đệ tử phật thường được phân chia thành hai hạng, xuất gia và tại gia.
Hạng xuất gia thường sống ở chùa viện, không lập gia đình. Còn đệ tử Phật tại gia, có gia đình con cái và tạo dựng sự nghiệp như mọi người. Nhiều nơi vì chưa hiểu đạo nên xem việc quy y Tam bảo cũng giống như là xuất gia, không được lập gia đình. Quan niệm này khiến cho nhiều người e ngại khi phát tâm quy y.
Cũng có nhiều người hiểu, quy y Tam bảo nhằm mục đích dễ dàng “xin xỏ thần Phật”, cầu cúng tâm linh để vụ lợi. Lối suy nghĩ này là sai lầm. Nói cách khác, nếu quy y chỉ là sự mong cầu có một pháp danh để mỗi dịp lên chùa lại xin xỏ thì đó là biểu hiện của tâm thức u mê, lạc trong vòng xoáy sân si.
Chúng ta đến với đạo Phật không phải là van xin cầu cạnh, mà đến để học cách sống như thế nào cho có an vui và hạnh phúc. Vì vậy, khi bản thân đã biết trở về nương tựa Tam bảo thì cần phải tìm hiểu giáo pháp cho tường tận, để từ đó có cái nhìn đúng đắn và thấu suốt.
Quy y có nhất thiết phải ứng với câu “trẻ vui nhà, già vui chùa”? hoặc quy y Tam bảo là phải thường xuyên vào chùa, phải ăn chay, đọc kinh, gõ mõ, bỏ hết những việc của thế gian?.
Tầng nghĩa thâm sâu của việc quy y Tam bảo ở đây chính là nương tựa vào ba đức tính sáng suốt (Phật), chân thật (Pháp) và thanh tịnh (Tăng) vốn sẵn có trong mỗi bản thể. Và quy y đơn thuần là sự gieo duyên với đạo Phật. Phật pháp hướng con người đến gần hơn với sự an lạc, chỉ có tự tham thấu, gieo duyên tu hành thì mới gần hơn với ánh sáng “chân – thiện – mỹ” ấy.
Quy y Tam bảo là “bước chân” cảm ngộ đầu tiên của một con người trên đường đạo. Và sau khi có được sự gieo duyên này, người Phật tử không nhất thiết phải thường xuyên vào chùa, buông bỏ những việc của thế gian.
Duy có điều, phật tử sau khi phát nguyện trước Tam bảo phải luôn tự trau dồi đạo đức của bản thân bằng cách phát nguyện thọ trì năm giới cấm (không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện) bản thân vì thế mà tránh được ác nghiệp.
Liên quan đến việc tự tu tập, thọ trì giới cấm, nhiều Đại Đức chốn thiền môn đều cho rằng, chỉ có tự thân phát nguyện học tập, nghiên cứu Phật pháp (nghe giảng trực tiếp hoặc từ băng đĩa, đọc tụng kinh sách, tham dự các lớp học giáo lý), mới có thể dần bước vào con đường lãnh ngộ. Nói cách khác, bản thân phật tử, nếu không học tập giáo lý thì sẽ hiểu sai lời Phật dạy và từ đó dẫn đến thực hành không đúng với ánh sáng Phật pháp, lạc lối trầm luân.
Tam Bảo tự tâm
Cần phải khẳng định, bất kỳ ai muốn quy y Tam bảo, trước hết phải tự thân mình tìm hiểu và cảm nhận được những giá trị cao đẹp của đạo Phật rồi nguyện nương tựa và thực hành theo. Và chỉ có như vậy, tín đồ đó mới chính thức trở thành một phật tử đúng pháp.
Lý giải điều này, trong bài pháp thoại được giảng tại Tu Viện Tường Vân (TP. Hồ Chí Minh), Đại đức Thích Phước Tiến cho biết: Trọn cuộc đời một người có thể làm phước, ăn chay, niệm phật, tụng kinh, tu tập… nhưng người đó chưa bao giờ quy y, tức là chưa tham dự vào một buổi lễ quy y chính thức thì cũng không thể gọi là một phật tử chính thức. Lúc đó (chưa quy y) chỉ có thể gọi là một phật tử cảm tính, phật tử tín ngưỡng. Chỉ có quy y trước Tam bảo mới trở thành phật tử đúng pháp.
Theo tìm hiểu, hiện lễ quy y thực hiện trong chùa thường gồm những nghi thức: Niêm hương, Bạch Phật, Tán hương Cúng dường và Đảnh lễ Tam bảo… Trong buổi lễ quy y, phát nguyện “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng” là quan trọng nhất. Nếu đối diện trước Tam bảo, tín đồ đó thành tâm phát nguyện, nói lên được ba điều này thì sẽ chính thức trở thành phật tử.
Sau khi quy y Tam bảo, thầy (bổn sư) sẽ trao truyền 5 giới và tùy tâm của mỗi phật tử mà tự phát nguyện nhận lãnh (1, 2 giới hoặc hết cả 5 giới) để tuân thủ trong đời sống hàng ngày. Tiếp đến, phật tử có thể tham dự các khóa tu Bát quan trai (đây là khóa tu thực tập xuất gia một ngày một đêm cho các Phật tử tại gia, thọ trì 8 giới).
Sau một thời gian dài tu học (giữ 5 giới, 8 giới hoặc 10 giới vững chắc), nếu phật tử đó cảm nhận rằng đã thực hành trọn vẹn những điều Đức Phật dạy, bấy giờ mới có thể phát tâm cầu thọ giới Bồ tát.
Muốn thọ giới này, Phật tử cần tham khảo kỹ nội dung của giới Bồ tát để lượng sức. Phải hết sức cân nhắc và không nên vội vàng. Liên quan đến hình thức thực hiện giới này, tương đối phức tạp hơn so với những bước trước đó. Đó là, phật tử phải đến các Đại giới đàn do Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh tổ chức để đăng ký và được trao truyền giới Bồ tát.
Cần phải khẳng định, mỗi bước tu tập đều cần tùy thuộc vào nhân duyên và sự lãnh ngộ của mỗi Phật tử với đạo Phật. Phật tử không nên tự gò ép, “đốt cháy giai đoạn” khi chưa đủ duyên.
Tam Bảo bên ngoài là điều kiện cần thiết đối với người phật tử, nhưng nếu chỉ biết có Tam bảo bên ngoài mà quên tu tâm, hướng thiện thì đó đơn thuần là chấp sự bỏ lý, chỉ theo hình thức suông. Nói cách khác, để được giác ngộ, giải thoát và thành Phật thì trước tiên mỗi người phải quay lại Tam bảo tự tâm, tin chính mình là Phật để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau và sống lại với tính giác sáng suốt của mình.
Chữ Quy (歸) có nghĩa ở đây là trở về, theo về, y (依) là nương nhờ hay thuận theo, làm theo lối đã định, 三歸依 tam quy y là quy y Tam bảo. Chữ Quy cũng được viết là 皈 gồm bộ thủ Bạch 白 ("cõi sáng") và chữ Phản 反, "quay về" và như vậy, có nghĩa là "quay về cõi sáng", "dốc lòng tin theo".
Trong các bộ Phệ-đà (sa. veda), từ sáranạ có nguyên nghĩa là "bảo hộ", "cứu tế" hoặc "chỗ tị nạn", "chỗ bảo hộ", ý là chỗ chúng sinh có thể đến, thân được an toàn, tâm được vô ưu. Quy y Tam bảo của Phật giáo chỉ sự nương vào uy lực của Tam bảo để đạt được an ổn vô hạn của tâm thức, thoát mọi khổ não.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Phật giáo thường thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Phật giáo thường thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Phật giáo thường thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Phật giáo thường thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm