Người yêu ơi, em là ai?
Có khi nào bạn nhìn thẳng vào mắt người yêu và hỏi: “Em là ai? ” hoặc “Anh là ai” chưa? Hỏi để người yêu của bạn trả lời, và nhất là để bạn trả lời. Ðừng bằng lòng với những câu trả lời thông tục. (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Một hôm nào đó nếu cần đề tài thiền quán, bạn hãy chọn một đề tài thích hợp với bạn, nghĩa là một đề tài cho bạn nhiều cảm hứng và có thể thu hút được sức chú ý của bạn đến mức tối đa. Như tôi có nói ở phần trước, đề tài có thể là mặt trời, con sâu, chiếc lá, mặt mũi bạn khi bạn chưa sinh, thời gian, hoặc một hạt tuyết sa. Tất cả mọi hiện tượng, cụ thể hay trừu tượng, vật lý, sinh lý, tâm lý hay siêu hình đều có thể là đề tài thiền quán.
Một khi chọn lựa rồi, bạn sẽ theo dõi nó ôm nó vào trong tâm, dành cho nó công trình ấp ủ cần thiết cũng như chiếc trứng cần sự ấp ủ của con gà mẹ để có thể nở thành gà con. Bạn có thể lấy cái “ta” của bạn ra làm đề tài thiền quán, hoặc cái ta của người mình yêu mến nhất, hoặc cái “ta” của người mà bạn thù ghét nhất .
Ðề tài nào cũng có thể đưa đến sự giác ngộ, miển là bạn ôm nó được trong chiều sâu của bản thể bạn. Nếu đề tài chỉ được giao phó cho trí năng thì không chắc nó sẽ mang lại kết quả mà bạn mong muốn. Mặt mũi của bạn chẳng hạn. Bạn là ai? Bạn đã từng quán niệm về đề tài ấy chăng?
Trước khi cha mẹ sinh ra, bạn là ai? Bạn chưa có hình tích, nhưng bạn đã có hay là chưa có? Tại sao từ chỗ không có bạn lại có thể trở thành có?
Nếu ngày hôm ấy, cha mẹ của tôi không gặp nhau, thì bây giờ tôi là ai? Nếu ngày hôm đó, nếu không phải là con tinh trùng ấy mà là một con tinh trùng khác đi vào tiểu noãn thì bây giờ tôi là ai?
Tôi là tôi hay tôi là một người anh, một người chị, hoặc một người em của tôi? Nếu ngày xưa cha tôi không cưới mẹ tôi mà cưới một người đàn bà khác thì bây giờ tôi là ai?
Hoặc nếu ngày xưa mẹ tôi không về với cha tôi mà về với một người đàn ông khác thì bây giờ tôi là ai?
Mỗi tế bào trong cơ thể bạn có một đời sống tự trị, mỗi tế bào của bạn có phải là một cái ta không? Loại (espèce) nằm trong chủng (genre), mỗi loại có phải là một cái ta không?
Nếu bạn đem tất cả tâm tư, trí tuệ và tình cảm bạn mà hỏi bạn những câu như thế, nếu bạn đem những câu hỏi đó dìm xuống đáy tâm tư, một ngày kia bạn sẽ thấy những cái thấy bất ngờ.
Có khi nào bạn nhìn thẳng vào mắt người yêu và hỏi: “Em là ai? ” hoặc “Anh là ai” chưa? Hỏi để người yêu của bạn trả lời, và nhất là để bạn trả lời. Ðừng bằng lòng với những câu trả lời thông tục.
Em là ai mà đã đến đây, lấy cái đau của tôi làm cái đau của em, lấy cái vui của tôi làm cái vui của em, lấy cái sống chết của tôi làm cái sống chết của em? Em là ai mà cái ta dã cùng với cái ta của tôi trở nên như một? Tại sao em không là một giọt sương, một cánh bướm, một chân chim hay là một cây thông?
Ðừng bằng lòng với những hình ảnh thi ca. Hãy hỏi bằng tất cả tâm can, bằng tất cả những gì tạo nên con người bạn. Bạn chưa từng hỏi người bạn thù ghét nhất (nếu có) một câu hỏi như thế. Nhưng rốt cuộc rồi bạn cũng sẽ phải hỏi người ấy một câu hỏi tương tự.
Anh là ai mà đã từng làm cho tôi khổ đau, căm giận và thù ghét, hay anh chính là nghiệp quả, là nhân duyên hoặc là ngọn lửa thử thách đã trui luyện nên tôi; nói một cách khác, hay anh cũng là tôi?
Bạn hãy là người ấy. Bạn phải là người ấy, lo âu những nỗi lo âu của người ấy, khổ dau những nỗi khổ đau của người ấy, đau xót những cái đau xót của người ấy. Bạn không thể thực sự “là hai” với người ấy. Cái ta của bạn không phải nằm “bên ngoài” cái ta của người ấy. Bạn chính là người ấy, cũng như chính bạn là người yêu của bạn, cũng như bạn là chính bạn.
Bạn quán niệm cho tới khi nào bạn thấy được nơi người lãnh tụ chính trị tàn ác nhất, nơi người tù nhân bị tra tấn dã man nhất, nơi người trưởng giả giàu sang nhất cũng như em bé nghèo ốm trơ xương nhất. Bạn quán niệm cho tới khi bạn thấy bạn nơi hạt bụi hay nơi những tinh hà xa xôi nhất.
Trích: Trái tim Mặt trời (Chương 5)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm