Đại đức Thích Thế Tường - Nhà sư bảo tồn tre trúc trên bán đảo Sơn Trà
15 năm qua, Đại đức Thích Thế Tường đi sưu tầm gần 100 loài tre, trúc đưa về trồng ở rừng Sơn Trà và mở cửa miễn phí.
Cách trung tâm thành phố khoảng 8 km, rừng tre "Sơn Trà Tịnh Viên" của Đại đức Thích Thế Tường nằm phía sau Trạm xá quân y (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) trên bán đảo Sơn Trà. Bước qua cánh cổng làm bằng tre giản đơn, là hai hàng tre bụng Phật cao quá đầu người, xanh mướt một màu.
Nơi đây đang là điểm đến của hàng trăm lượt người mỗi ngày, nhờ không gian thoáng đãng, yên tĩnh và mát mẻ. Bao quanh hồ cá là những khóm tre, trúc nhiều chủng loại. Khóm thì vươn lên cao đón nắng và toả bóng mát. Khóm thì đan vào nhau, hoặc mọc cheo leo bên vách núi. Cạnh rừng tre là căn nhà nhỏ kết hợp giữa gỗ và tre.
Không quá khó để gặp chủ nhân của khu bảo tồn tre này. Bởi chỉ duy nhất Đại đức Thích Thế Tường là người tu hành sống ở đây. Mỗi ngày, ngoài niệm Phật, đọc sách, nhà sư tuổi ngoại ngũ tuần dành thời gian để chăm sóc cho những khóm tre và tiếp chuyện những người đến chơi, có ý muốn tìm hiểu về các loài tre ở Việt Nam.
Thầy Tường gốc ở Vỹ Dạ (Huế), vào tu hành ở Chùa Quán Thế Âm (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), từ năm lên 14 tuổi. Năm 2005, một phật tử nhận giao khoán trồng 2 ha rừng ở bán đảo Sơn Trà ngỏ ý muốn nhượng lại phần diện tích này cho thầy Tường lên tu hành, trồng trọt.
"Đó như một cơ duyên đưa tôi đến với việc sưu tầm tre, trúc", vị Đại đức nói. Khi học tại trường ĐH Tổng hợp TP HCM, ông từng trăn trở "ai cũng nói tre gắn với người Việt, nhưng cả nước lại không có bất cứ khu bảo tồn riêng về tre" để mọi người cùng nhau tìm hiểu xem tre có bao nhiêu loài, hình dáng ra sao.
Nhớ lại những ngày đầu tiên rời nhà chùa đến rừng Sơn Trà, thầy Tường kể khi đó vệt rừng này hoang sơ, chủ yếu là những loài cây dại. Thầy cùng một số Phật tử thân tín ra tay phát dọn, san lấp, đào hồ dẫn nước từ suối về... Và phải mất đến gần chục năm, khu bảo tồn tre mới thành hình hài như bây giờ.
Còn việc sưu tầm, sư thầy kể giống tre đầu tiên chính là những cây tre đã mọc sẵn ở các khu dân cư quanh bán đảo. Quận Sơn Trà khi đó chưa đô thị hoá, nhiều nhà dân còn trồng tre phía trước cổng, dọc đường đi. Thầy Tường xin rồi bứng về trồng. Những gốc tre đã quen thổ nhưỡng, khí hậu nên chỉ thời gian ngắn là xanh tốt.
Với quyết tâm "phải bảo tồn được các giống tre", hàng năm thầy Tường dành ba tháng mùa xuân để đi khắp nước sưu tầm. Không có nhiều tiền, những chuyến đi xin tre của sư thầy thường kết hợp nhiều công việc khác nhau, phương tiện đi lại chủ yếu là xe khách.
Càng đi nhiều nơi, đọc và xem hình ảnh nhận diện loài, thầy Tường càng thấy việc sưu tầm tre không mấy dễ dàng. Nhà sư phải tìm đến các viện nghiên cứu, lục tìm tài liệu liên quan để xác định đúng loài, nơi đang bảo tồn hoặc địa phương có giống tre mới... để đến xin hoặc mua về.
Trong đó, chỉ khoảng 15 loài có thể tìm được ở đồng bằng. Còn lại phải vào tận rừng sâu, nhất là những khu vực từ Thanh Hoá trở ra. Mùa xuân, miền Bắc lạnh và mưa dầm, thầy cùng nhóm người thuê đi đào tre phải vào rừng từ sáng sớm để kịp trở ra trước khi trời tối.
Có lần ra Hà Nội, thầy Tường được giới thiệu đến một khu bảo tồn mua giống 35 loài tre nhưng lãnh đạo ở đây hẹn năm lần bảy lượt mất 3 ngày ròng. Phải nhờ một lãnh đạo của viện nghiên cứu điện xuống, thầy mới đưa được giống tre về Đà Nẵng.
Tre dù là loài dễ sống, nhưng phải trồng đúng mùa, nếu không cây sẽ chết. Thầy Tường kể, vốn là người mê phim kiếm hiệp nên quyết tâm phải sưu tầm được giống vầu lớn đưa về trồng. Nhưng thầy dày công đến lần thứ tư mới trồng thành công, do ba lần trước đưa cây về trồng vào mùa hè.
Năm 2013, khi số lượng tre đưa về Sơn Trà được gần 100 loài, từ tre bụng Phật đến tầm vông, ống điếu, trúc cỏ... vị Đại đức mở cửa miễn phí cho người dân vào tham quan. Khu vườn rợp bóng mát của tre, trúc trở thành nơi đi thực tế của nhiều sinh viên đại học, học viên.
Trong hành trình đi sưu tầm tre, thầy Tường từng đổ bệnh. Cơ thể bị suy nhược suốt 3 năm ròng. Khu vực trồng tre hiện tại chỉ cao 60 m so với mặt nước biển, thầy cũng nhiều lần xin thành phố cho lập bảo tàng tre nhưng những dự án liên quan đến bán đảo này đang phải tạm dừng. Việc sưu tầm tre vì thế cũng chững lại.
"Nếu được thành phố chấp thuận, tôi sẽ sắp xếp lại toàn bộ khu vực này. Trong đó chia thành khu nghiên cứu, khu ươm trồng và khu triển lãm", Đại đức Tường nói và cho rằng bảo tồn tre cũng là giúp bảo tồn rừng. "Tôi muốn lập bảo tàng vì muốn làm văn hoá, chí công vô tư chứ không màng đến tiền".
PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, nhận xét Đại đức Thích Thế Tường là một người tâm huyết trong việc sưu tầm và bảo tồn các giống tre. "Ở Việt Nam không nhiều người biết và tìm hiểu về tre, chúng tôi là những người làm khoa học hết sức ủng hộ thầy Tường", ông nói.
Khi thầy Tường tìm đến Viện, ông Nghĩa đã tặng một cuốn sách về 250 loài tre, giới thiệu cho nhà sư hai người học trò của mình ở Đà Lạt và Phú Thọ giúp sưu tầm hoặc chỉ địa điểm có giống tre mới. Ông thường xuyên giữ liên lạc với vị tu sĩ này, trao đổi kiến thức và bàn bạc về ý tưởng.
Đến nay, khu rừng của thầy Tường là một trong ba bộ sưu tập lớn nhất về tre ở Việt Nam, cùng với một viện Lâm nghiệp ở Phú Thọ và một làng tre Phú An (Bình Dương). "Ý tưởng lập một bảo tàng tre ở Việt Nam là cần thiết, còn việc phù hợp với quy hoạch hay không thì sẽ do lãnh đạo Đà Nẵng xem xét", ông Nghĩa nói.
Ông Trần Thắng - Trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, cho biết Đại đức Thích Thế Tường trồng tre ở bán đảo Sơn Trà đã góp phần tạo thêm khoảng xanh và bảo vệ cho vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, "riêng ý tưởng thành lập bảo tàng thì cần đánh giá cũng như ý kiến từ nhiều cơ quan".
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm