Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 21/09/2018, 13:21 PM

Nhân sinh quan Phật giáo (P.1)

Đức Phật dạy những nguyên nhân và quả báo cùng sự tu hành, để khỏi bị những thân xấu xa, khổ sở và được cảm hiện những thân cường tráng, vui vẻ tốt tươi của người và Trời; chính là "Nhân thừa Phật giáo" cùng "Thiên thừa Phật giáo" đối với thân thể. Mặc dù vui vẻ ở thân người, song thân người còn phải bị tám điều khổ lụy.

A. Mở đề: 

Đã là người không ai không băn khoăn tự hỏi mình do đâu mà có? Sự hiện diện của mình trên cõi đời này như thế nào? Hoàn cảnh của mình sống như thế nào? v.v... Thật là bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu câu hỏi làm người ta băn khoăn, thắc mắc, ăn không yên, ngủ không yên. Để giải quyết các vấn đề trên, các triết học và tôn giáo đều có đưa ra những lời giải đáp hay biện minh về "vấn đề sống" ấy, gọi là nhân sinh quan. Là một tôn giáo, có một triết học rất cao, đạo Phật tất nhiên cũng có dành một phần lớn để nói về nhân sinh quan. 

Nhân sinh quan ấy như thế nào? Đó là một vấn đề mà mỗi phật tử chúng ta không thể không biết đến được. Sự hiểu biết này có thể giúp chúng ta nhận chân được những ưu điểm và khuyết điểm của con người và giúp chúng ta sắp đặt cuộc đời và sống một cuộc sống có ý nghĩa và lợi lạc cho mình và cho xã hội.
 
B. Chánh đề: 
I. Nhân sinh quan do đâu mà có? 

Trước tiên, vấn đề làm chúng ta thắc mắc nhiều nhất là: Con người do đâu mà có? Để giải đáp vấn đề này, đạo Phật có thuyết "mười hai nhân duyên". Trong mười hai nhân duyên ấy, vô minh là căn bản. Vô minh là gì? Tức là đối với sự lý, không rõ biết được đúng như thật. Do đó mà sinh ra mê lầm, thật cho là giả, giả cho là thật, điên đảo hư vọng chấp ngã, chấp pháp, phân biệt mình, người; rồi theo cảnh thuận nghịch mà theo cảnh phiền não, nên cũng gọi là "hoặc". 
 
Từ mê hoặc mà tạo tác ra các nghiệp, hoặc thiện hoặc ác. Sự tạo tác ấy gọi là "Hành", chi thứ hai trong mười hai nhân duyên. Do nghiệp lành dữ huân tập chia nhóm thành ra "nghiệp thức". Nghiệp thức này theo chỗ huân tập thuần thục rồi thác sinh vào thai mẹ, đó là món "Thức", chi thứ ba trong mười hai nhân duyên. 

Trong thai mẹ, gom tinh huyết làm nhục thể, tâm thức cùng nhục thể hào hiệp gọi là "Danh sắc" đó là chi thứ tư trong mười hai nhân duyên, (Danh: Tâm thức; Sắc: Nhục thể). Từ Danh sắc lần lần tượng đủ sáu căn, gọi là "Lục nhập". Đó là chi thứ năm trong mười hai nhân duyên. Sau khi ra khỏi thai, sáu căn xúc đối với sáu trần, biết nóng, lạnh, đau, êm... nên gọi là "Xúc", chi thứ sáu trong mười hai nhân duyên. 
 
Do sự cảm xúc ấy mà tâm dần dần sinh niệm phân biệt, rồi có những giác thọ vui, khổ... Đó là "Thọ", chi thứ bảy trong mười hai nhân duyên. Do sự cảm thọ vui khổ, khởi niệm ưa ghét, chấp đắm ấy mà sinh ra có "Ái", chi thứ tám trong mười hai nhân duyên . Vì tham ái nên tìm cầu nắm lấy cái hay cái tốt, cái ưa thích. Đó là "Thủ" chi thứ chín trong mười hai nhân duyên. 

Muốn cho thỏa mãn những chỗ nhiễm trước, ưa thích của "Ái" và "Thủ”, nên phải tạo nghiệp. Nghiệp này có thể chiêu cảm quả báo vị lai, nên gọi là "Hữu", chi thứ mười trong mười hai nhân duyên. Đã có "Hữu" là cái mầm giống, thì thế nào cũng có "Sinh" là chi thứ mười một trong mười hai nhân duyên. Đã có "Sinh" thì phải có "Lão và Tử" là chi thứ mười hai trong mười hai nhân duyên. Trong mười hai nhân duyên. "Vô minh" thuộc về "hoặc" và "Hành" thuộc "nghiệp". Đó là nhân quá khứ mà có năm quả "Khổ" hiện tại là: Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc và Thọ. 

Do quả "Khổ" hiện tại nói trên mà khởi ra "Hoặc" là ái thủ và tạo "Nghiệp" là hữu, để làm nhân cho quả "Khổ" sau là sinh và lão tử ở vị lai. Như thế, từ nhân quá khứ sang quả hiện tại, làm lại nhân cho quả tương lai, ba đời cứ nối tiếp xoay vần mãi mãi không dứt, như một bánh xe lăn tròn, lên xuống, xuống lên không nghỉ. 

Cứ đó mà suy ra thì biết rằng, người chẳng những sống một đời trong hiện tại này mà trước kia về quá khứ đã trải qua không biết bao nhiêu đời sống rồi. Và sau này, trong vị lai, cũng sẽ còn vô lượng đời sống nữa. Người hiện sống đây để rồi chết, mà cái chết lại là cái nhân làm thành đời sống vị lai. Như thế, sống, chết nối tiếp theo nhau không bao giờ dứt, như những làn sóng, cái này tan đi để hiệp lại cái khác, không bao giờ hết, nếu còn gió. Con người, nếu gió vô minh còn thổi thì dòng sinh mạng còn lưu chuyển, lăn trôi, chìm nổi mãi.  

II. Thân người như thế nào? 

Sau khi chúng ta đã biết nguyên nhân gây tạo ra sự hiện diện của người trên cõi thế này rồi, một câu hỏi khác hiện đến trong đầu chúng ta là: Thân con người như thế nào? Đẹp đẽ hay xấu xa, có thật hay giả, đáng quý hay đáng khinh? 
 
Để giải đáp vấn đề này, đạo Phật có nhiều thuyết, tuy theo Tiểu thừa hay Đại thừa, tôn phái này hay tôn phái khác. Những thuyết ấy, mặc dù nhưng không trái chống nhau, mà chính là bổ khuyết cho nhau, làm cho vấn đề này được trình bày trong nhiều khía cạnh, từ hẹp đến rộng, từ cạn đến sâu, từ ngoài đến trong, từ tướng đến thể, từ biệt tướng đến tổng tướng... 
 
Dưới đây chúng tôi xin tuần tự trình bày các quan niệm ấy từ Nhân thừa đến Thiên thừa, qua Nhị thừa rồi cuối cùng đến Đại thừa, để quý độc giả có một quan niệm đầy đủ đến vấn đề này: 

1. Quan niệm Nhân thừa:

Thân người hòa hợp, do tinh huyết cha mẹ cùng thần thức, góp bốn chất: Cứng, ướt, nóng, động mà thành. Chủ động trong ấy là thức (nghiệp thức). Bởi nghiệp thức người nhóm các duyên hội họp làm thân người. Nghiệp thức ấy có ra do bởi sự gây tạo vì đời trước huân tập nơi tự tâm kết thành công năng có tính cách người, có thể cảm đặng thân người. Như vậy là từ nơi tự tâm tạo tác hạnh nghiệp, các hạnh nghiệp ấy trở lại huân tập thành công nang nghiệp người nơi tự tâm, cho đến khi công năng nghiệp thức ấy thuần thục, gặp đủ các trợ duyên, chiêu cảm hiện ra có thân người. 
 
Vậy thân thể không phải tự nhiên không nhân mà có, cũng không phải ai khác làm ra, mà chính do tự tâm tạo, tự tâm biến hiện, nên có câu: "Tâm tạo nhứt thế" và câu "Tam giới hữu tình, giai tuần nghiệp hữu". Thân thể theo nghiệp nhân mà có, nghiệp nhân hữu hạn, nên thân thể có lúc rã rời. Trong khi thân thể còn, từ nơi tự tâm tạo tác các hạnh nghiệp để gây thành công năng chiêu cảm thân sau và thân sau này sẽ thành hiện tại; khi thân trước đã theo nghiệp báo mà tiêu diệt. Cho nên Phật giáo đối với sự chết, chỉ là sự xoay biến của nghiệp nơi tự tâm, để thay thân cũ, lấy thân mới. Trong khi mọi người, vì sự hiểu biết cạn hẹp đã lầm tưởng thân thể thoạt nhiên sinh và sau khi chết hoàn toàn tiêu diệt. 

Chết để thay đổi thân mới, sinh để thế thân cũ, xoay vần nơi vòng chết và sinh, sinh và chết, thay thân cũ lấy thân mới, lấy thân mới để thế thân cũ, như người thay y phục. Vậy thân thể của người hiện nay, chỉ là một thân trong vô lượng thân. Người đã thay bỏ không biết bao nhiêu thân về trước, sau này người cũng sẽ phải đổi thay không biết bao nhiêu thân nữa, nếu không một niệm "hồi quang phản chiếu". 

Sự sinh hiện tại, chỉ là một lần sinh trong vô lượng lần sinh; và sự chết ngày nay cũng chỉ là một phen chết trong vô lượng lần chết. Phật giáo đối với sự sinh, không tham câu, vì nó là vô thường không lâu không bền; đối với sự chết, không sợ hãi, vì nó không phải mất hẳn đi, mà chỉ là sự thay cũ đổi mới. Không tham cầu, không hãi sợ, nên Phật giáo đối với thân thể khác hẳn với thường tình trong đời. 

Người ta thấy nơi người đã thật hiểu Phật giáo, khi chết như khi sống, lúc đau như lúc mạnh vẫn an hòa, bình tĩnh. Thân hiện có đây, là cái quả của nghiệp thân đã tạo ra từ trước và thân sẽ có sau này là do sự tạo nghiệp bây giờ, nên người trong Phật giáo đương thọ lãnh báo thân hiện tại, dù khổ hay vui đều nhận chịu một cách vui vẻ và nhẫn nại, vì có kêu cầu chán nản thế nào không thể làm gì được một khi đã kết quả, mà nhất là chỉ lo lắng trau dồi cá nhân, là đều có thể đổi xấu ra tốt, để hưởng lấy quả báo tốt đẹp ở tương lai, tức là tu tập các pháp lành, cùng dẹp trừ tâm niệm hành vi bạo ác. Cõi người thuộc về đường lành, mặc dù chưa khỏi khổ, nhưng có thể tu tạo nghiệp nhân để hưởng lấy nhiều hạnh phúc ở thân người. 
 
Người ta sẽ bảo, hoặc sẽ cảm thấy sự vui thú, sự hạnh phúc ở nơi người xinh đẹp khỏe mạnh, đầy đủ tất cả nhu dụng và sự khổ não, sự tai hại ở người xấu xí, đau yếu, thiếu thốn các vận dụng.  Trong hội nói pháp ở Ta Kiệt La Long Cung, đức Phật đã chỉ cho đại chúng biết sự sai khác nơi thân thể của mọi loại, như thiên thân thể tốt đẹp uy nghiêm, hàng Bát bộ sức hùng mạnh mẽ, loài rồng cả thân hình thô bỏ xấu xa, bọn cua trạch tanh hôi hèn yếu. Đều là thân thể, tại sao có tốt xấu khác nhau? Đó là lúc bình sinh nơi thân, khẩu, ý thi thố lành hay gây tạo dữ. Nghiệp lành cảm thân tốt đẹp; nhân dữ chiêu cảm quả xấu xa, do tự tâm tạo rồi tự thọ. 
 
Muốn chúng sinh được thân thể tốt đẹp khỏe mạnh, để hưởng hạnh phúc trong cõi người, trong kinh Thiện sanh đức Phật cặn kẽ chỉ dạy cách ăn ở hợp pháp trong gia đình về nhân đạo, lấy năm giới cấm làm căn bản. Bất sát sinh để gây tạo thiện nhân, cảm thành quả thể xinh đẹp khỏe mạnh sống lâu ở tương lai. Không trộm cắp gian tham để làm thành nghiệp lành, hưởng quả no ấm đầy đủ cho thân thể tốt đẹp. Trừ tà dâm để chiêu cảm thân hình đoan trang, cùng hưởng phúc gia đình. Tránh vọng ngữ để được giọng nói điều hòa, trong trẻo. Và kiêng rượu để khỏi phạm mấy điều trên, cùng gây dựng ở hiện tại và vị lai, bộ trí óc sáng suốt.

2. Quan niệm Thiên thừa:

Trọn vẹn 5 giới cấm, nhân đạo đã hoàn thành, đào tạo chắc chắn nghiệp chủng người tốt lành nơi tự tâm và sau này khi thuần thục sẽ cảm lấy thân thể làm người tốt đẹp mạnh khỏe, trường thọ, giọng hay, óc sáng để hưởng hạnh phúc nơi cõi người. Trên cõi người còn có các cõi Trời, về thân thể, mọi phương diện đều hơn người; không như thân người phải thai sinh nhớp nhúa, khổ sở vì các vị Trời được hóa sinh. Thân thể cực kỳ xinh đẹp, cao lớn giống nhau, các căn đầy đủ, thấy suốt, nghe xa, được thần thông tự tại theo ý muốn, đồ nhu dụng tự nhiên có, cho đến khỏi tất cả bệnh tật. 

Thân thể thường khỏe mạnh luôn, vẫn mãi trẻ trung không già; không như thân người đều không tránh khỏi nỗi đau khổ vì bệnh hoạn, bức bách vì già yếu. Thân thể các loài trong thế gian, chỉ có thân Trời là hơn hết, từ những điều tốt đẹp của thân, nhẫn đến sự thọ dụng. Từ đâu chiêu cảm được sự thù thắng ấy? Cũng như đã nói ở trước, tạo nghiệp nhân gì thì tự tâm sẽ gìn giữ nghiệp nhân ấy và sẽ chuyển hiện ra quả đúng như vậy.  

Như vậy ngay ở dưới ánh sáng mặt trời thì bóng của vật ấy thẳng; trái lại, vật ấy bóng ác cong, muốn được bóng thẳng thì phải sửa sang cho vật ấy thật ngay. Cũng như muốn được hưởng thân Trời, phải vun trồng nghiệp nhân Trời. Phật dạy 10 điều lành gọi là "thập thiện nghiệp" tức là các đức tính tốt, phát sinh từ thân, khẩu, ý tưởng, thật hành hoàn toàn 10 nghiệp lành. Tự tâm trong sạch, thì nghiệp chủng có công năng tốt đẹp, sẽ cảm thọ thân thù thắng, không bệnh tật, khỏi già nua, trường thọ ở cõi Trời. 

Đức Phật dạy những nguyên nhân và quả báo cùng sự tu hành, để khỏi bị những thân xấu xa, khổ sở và được cảm hiện những thân cường tráng, vui vẻ tốt tươi của người và Trời; chính là "Nhân thừa Phật giáo" cùng "Thiên thừa Phật giáo" đối với thân thể. Mặc dù vui vẻ ở thân người, song thân người còn phải bị tám điều khổ lụy. Dù thù thắng ở thânTrời, song thân Trời chưa khỏi nạn vô thường, khi nghiệp nhân đã mãn (ngũ suy tướng hiện). Vì Trời và người đều còn là phàm phu trong tam giới, vậy thân người và thân Trời chưa phải là chỗ đáng ham, nên trong Phật giáo còn có ba Thừa siêu thoát ngoài vòng khổ lụy của ba cõi, tức là: Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ Tát thừa. 

Hòa thượng Thích Thiện Hoa (còn tiếp)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm