Nhân vật Công chúa Phương Dung từ tiếp cận khoa học lịch sử
Công chúa Phương Dung với danh xưng Sư Bà Phương Dung đã trở nên quen thuộc, được mặc định chấp nhận từ cả phía nhân dân địa phương và phía Phật giáo.
Lịch sử là tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ. Đó là thực thể khách quan, độc lập với ý thức con người, là đối tượng nghiên cứu của khoa học lịch sử (sử học). Để nhận thức được lịch sử, các nhà nghiên cứu trước hết phải tái hiện lại một cách chân xác các sự kiện rồi mới đánh giá ý nghĩa của nó và cuối cùng rút ra các quy luật của lịch sử. Mỗi sự kiện đều bao gồm ba yếu tố không thể thiếu là không gian (sự kiện diễn ra ở đâu), thời gian (sự kiện diễn ra khi nào) và diễn biến, trong đó nhân vật là linh hồn của sự kiện. Điều quan trọng mà bất cứ ai (kể cả những người yêu thích lịch sử đến các nhà sử học chuyên nghiệp) khi tham gia vào quá trình nghiên cứu lịch sử để phải ý thức được rằng những sự kiện được tái hiện không bao giờ trùng khít hoàn toàn với lịch sử. Đó chỉ là nhận thức lịch sử. Chính vì vậy mà để đi tìm chân lý khách quan của các sự kiện lịch sử luôn luôn là một quá trình không bao giờ có điểm dừng. Mọi nhận thức khoa học đạt được đều chỉ là tương đối, là tiệm cận chân lý (Asymptotic truth) mà thôi. Chính vì vậy mà sự khác biệt ý kiến về một sự kiện hay một nhân vật lịch sử nào đó là hiện tượng bình thường, hợp với quy luật nhận thức. Tuy nhiên, điều quan trọng là thái độ và phương pháp xử lý hiện tượng đó phải đảm bảo các chuẩn mực của khoa học lịch sử. Trước tiên đó là việc tái hiện lại các sự kiện lịch sử một cách khách quan, khoa học. Đối với nhân vật Công chúa Phương Dung để có được nhận thức đầy đủ hơn cũng cần được xem xét từ góc độ khoa học lịch sử.
Hội thảo khoa học Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc
Những căn cứ để tái hiện sự kiện
Căn cứ quan trọng giúp các nhà nghiên cứu phục dựng (restoration) sự kiện lịch sử là tư liệu. Thông thường sự kiện lịch sử qua đi đều để lại dấu vết dưới rất nhiều dạng thức. Phổ biến nhất và hay được người đời sau đồng nhất với sự thật lịch sử là ghi chép của người đương thời (hoặc thuật lại sau đó không lâu) trong các bộ sử biên niên [1]. Nhưng ngay cả những ghi chép trong biên niên sử cũng cần được đối chiếu, xác minh qua các nguồn tư liệu khác và lượng định mức độ tin cậy. Thao tác này nhà nghiên cứu gọi là phê phán sử liệu. Thông tin chỉ đáng tin cậy khi được kiểm chứng và không chứa đựng những mâu thuẫn hoặc những chi tiết phi lý. Đối với lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ – trung đại, loại tài liệu này không có nhiều. Trước hết là vì sau khi lập quốc chưa lâu, người Việt chưa tạo ra được một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh thì bị mất chủ quyền. Cùng với chính sách đồng hóa ráo riết, các chính quyền đô hộ phương Bắc luôn tìm cách xóa đi ký ức lịch sử của người dân về một thời dựng nước của các vua Hùng, về các cuộc nổi dậy chống ách cai trị của ngoại bang. Những sự kiện lớn của thời kỳ này chỉ được ghi chép sơ lược, tản mạn và nhiều khi sai lệch trong các thư tịch cổ Trung Hoa. Vì vậy việc tái hiện lại lịch sử thời kỳ này là vô cùng khó khăn.
Ngoài các tài liệu thành văn, di tồn các sự kiện lịch sử còn hiện diện trong các di tích, hiện vật, những dấu vết vật chất còn lại. Chẳng hạn như các loại vũ khí, vật dụng quân sự… cho chúng ta hình dung khá chân xác về các sự kiện liên quan tới chiến tranh hay những vật dụng hàng ngày như: bát, chén, dụng cụ lao động…giúp người đời sau hiểu được sinh hoạt của cư dân một thời kỳ lịch sử trước đó. Về loại tư liệu này hiện vật khảo cổ giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Với sự phát triển của khảo cổ học và tiến bộ của khoa học kỹ thuật nói chung, ngày càng có thêm nhiều phương pháp tiên tiến cho việc giám định các hiện vật. Chẳng hạn chỉ với một mẩu gỗ ta có thể dùng phương pháp phân tích đồng vị phóng xạ carbon C14 để xác định được niên đại tuyệt đối của hiện vật, hay sử dụng kính hiển vi điện tử có thể phân tích bào tử phấn hoa (được bảo tồn trong lòng đất dưới dạng phân tử) để biết người xưa đã trồng loại cây gì…Các nhà khoa học đã phục dựng lại thời Hùng Vương chủ yếu đã dựa vào các tài liệu khảo cổ học.
Sự kiện Ni giới nhận lãnh thêm Bát Kỉnh pháp
Cùng với những tư liệu tồn tại dưới dạng vật thể như văn bản (các bộ sử cổ) hay các chứng cứ vật chất còn sót lại, lịch sử, nhất là những sự kiện lớn, thường in sâu vào ký ức của những người chứng kiến (chứng nhân lịch sử) rồi được truyền lại đời sau bằng con đường truyền khẩu, rồi được cố định dưới hình thức truyền thuyết dân gian, huyền thoại, giai thoại, truyện cổ tích… Rất nhiều sự kiện lịch sử Việt Nam, nhất là về những thời kỳ hiếm hoi hoặc không có tư liệu thành văn, các tư liệu dạng này đóng vai trò quan trọng. Khi nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng các nhà sử học đã phải dựa rất nhiều vào các truyền thuyết, thần phả, thần tích và ký ức dân gian gắn với các nơi thờ phụng.
Tuy nhiên do tính chính xác không cao, những tư liệu truyền miệng chủ yếu được sử dụng như những gợi ý và nhất thiết cần phải đối chiếu xác minh và chỉ ra những chi tiết phi lý, phi lịch sử. Truyền thuyết thường có cốt lõi lịch sử, nhưng là sáng tác dân gian nên cùng với thời gian và ở các địa phương khác nhau thường được thêm thắt, bớt xén hoặc thậm chí còn tạo ra những câu chuyện ly kỳ để làm tăng thêm sự huyền bí và linh thiêng của câu chuyện. Đó là lý do vì sao loại tư liệu này có nhiều dị bản. Đặc biệt những câu chuyện này còn được chuyển vào các loại băn bản phục vụ nhu cầu thờ cúng như sắc phong, thần phả, thần tích… liên quan đến nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng. Mặc dù nhiều thần tích ghi rõ niên đại, tên họ người soạn [2], nhưng việc xử lý các văn này như một tư liệu lịch sử cũng cần hết sức thận trọng. Đối với các nhà sử học việc sử dụng thông tin trong các tư liệu dạng này không thể đồng nhất với các các sự kiện được chép trong biên niên sử.
Nhân vật Công chúa Phương Dung cần được hiểu như thế nào?
Cho đến nay nhân vật Công chúa Phương Dung đã nhận được sự quan tâm khá đặc biệt của các học giả trong và ngoài Giáo hội Phật giáo. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010) Viện Ngiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hà lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với chùa Yên Phú (thuộc xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã tổ chức một cuộc hội thảo về lịch sử và hiện tại của chùa, trong đó bước đầu đã đề cập đến sự tích và hành trạng của Bà [3]. Tư liệu chủ yếu để nghiên cứu là các tài liệu dân gian được cố định lại dưới dạng thần phả, thần tích và các sắc phong của triều đình mà nội dung phần nhiều cũng là do địa phương báo cáo lên. Những tài liệu dạng này cần được hiểu là những ký ức được truyền khẩu qua nhiều đời nên không thể sử dụng như những tư liệu lịch sử có tính chính xác cao, nhất là về niên đại. Gốc tích và hành trạng của nhân vật Phương Dung được chép cụ thể nhất trong bản Thần phả được cho là do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám Bách thần Nguyễn Hiền sao năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) [4]. Nếu đúng là văn bản này được làm từ năm 1572 thì cũng đã cách xa sự kiện xảy ra tới hơn 1530 năm rồi. Một thời gian đủ để cốt truyện ban đầu đã được thay đổi rất nhiều.
Trong lịch sử Việt Nam có rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Mỗi sự kiện đều để lại đời sau những chứng tích, trong đó có những câu truyện lưu lại trong chứng nhân rồi được truyền từ đời này sang đời khác. Trong các chuyện kể đó, nhiều chi tiết có thể bị đổi thay nhưng nhân vật với sự kiện là quan hệ lõi nên tính bền vững rất cao. Công chúa Phương Dung được gắn cố định với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nên rất nhiều khả năng bà là nhân vật đã tham gia vào sự kiện này. Nơi thờ phụng Bà gắn với vùng đất và cư dân thuộc thôn Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội (mà không thấy ở nơi nào khác) cũng là một yếu tố tính xác thực của nhân vật. Tuy nhiên chùa Yên Phú nay có phải được xây dựng từ thời Hai Bà Trưng hoặc trước đó hay không thì với những tư liệu hiện có chưa thể khẳng định được. Tuy nhiên, sự hiện diện của ngôi chùa và danh xưng Sư Bà, trong tâm thức dân gian, đã hiện diện trên vùng đất này đã khá lâu rồi. Không loại trừ một ngôi chùa Phật đã được tạo dựng trên một di tích từng thờ Phương Dung và dần dà Bà được các Tăng Ni, Phật tử tôn xưng là người khai sáng ngôi chùa. Đó có thể là lớp văn hóa sau khi Phật giáo đã phát triển bồi lên lớn tín ngưỡng đã có từ trước.
Một số kết luận và đề xuất
Từ những phân tích trên, kết hợp với kinh nghiệm nghiên cứu nhiều sự kiện, di tích lịch sử có tình chất tương tự, xin được nêu lên một số kết luận và đề xuất sau đây:
– Phật giáo có vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử và văn hóa Việt Nam, trong đó vấn đề thời điểm khởi đầu của Phật giáo Việt Nam vẫn cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Cho đến nay ý kiến cho rằng Phật giáo đã hiện diện và có vai trò ở Việt Nam từ thời Hùng vương mới chỉ là giả thuyết. Khó có thể chỉ dựa vào những tài liệu truyền lại từ ký ức dân gian[5] hay những thông tin tản mạn chưa được kiểm chứng để đi tới nhận định từ trước Tây lịch Phật giáo đã du nhập vào Việt nam [6]. Không loại trừ khả năng này, nhưng cần phải tìm thêm các tài liệu có đủ căn cứ khoa học để xác quyết.
– Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc. Cuộc khởi đã có sự lan tỏa rộng rãi, giành lại và duy trì nền độc lập trong thời gian ba năm, giáng một đòn trí mạng vào ách cai trị của nhà Hán. Đây là một giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng vì những lý do đã nêu trên, tư liệu xác thực để nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa lớn này rất hạn chế. Một trong những nguồn tư liệu quan trọng giúp các sử gia tái hiện lại cuộc khởi nghĩa này chính là các truyền thuyết, di tích thờ cúng cùng các sắc phong thần phả. Chính vì vậy mỗi thông tin, dù còn chứa đựng mâu thuẫn, cũng đều vô cùng quý giá cho công việc nghiên cứu.
– Những tư liệu chứa đựng thông tin về Công chúa Phương Dung đã có đóng góp to lớn với sự nghiệp vĩ đại của Hai Bà Trưng không hề kém giá trị hơn những tư liệu đã từng biết đến về các tướng lĩnh của Hai Bà được thu thập trước đây. Đặc biệt hình ảnh của Bà được ghi sâu trong tâm khảm của nhiều thế hệ nhân dân địa phương. Công chúa Phương Dung hoàn toàn xứng đáng được vinh danh vì những cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập thời đầu Công nguyên.
Giá trị đạo đức Ni giới qua lăng kính xã hội Việt Nam hiện nay
– Về danh xưng Sư Bà có thể giải thích theo một trong hai khả năng sau: thứ nhất, thừa nhận những điều nói trong thần phả là chuẩn xác, theo đó đã từng có ngôi chùa Phật, cụ thể là chùa Yên Phú, trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng và bà Phương Dung đã tu ở đó. Nếu theo hướng này thì phải gia cố cho những luận cứ về việc đạo Phật du nhập sớm (trước Công nguyên). Đây là điều, như đã nói, mới chỉ là giả thuyết. Thứ hai, danh xưng Sư Bà xuất hiện sau thời điểm Phật giáo xuất hiện ở Giao Châu đã được giới học giả trong và ngoài nước khẳng định (khoảng thế kỷ II Sau Công Nguyên), tức là sau sự kiện khởi nghĩa Hai Bà Trưng hơn một thế kỷ. Đây là hiện tượng đem những quan niệm (nhất là danh xưng, tước vị) của thời sau ghép với nhân vật của thời trước. Cách lý giải này dễ chấp nhận hơn. Vả lại, đây là cách thức thấy rất phổ biến trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam.
– Điều quan trọng là danh xưng Sư Bà của Công chúa Phương Dung đã trở nên quen thuộc, được mặc định chấp nhận từ cả phía nhân dân địa phương và phía Phật giáo. Văn hóa thuộc về nhân dân nên sự thừa nhận mặc nhiên này khiến cho việc tôn vinh nhân vật có đóng góp cho khởi nghĩa Hai Bà với danh xưng Sư Bà và có chính sách bảo tồn, tôn tạo ngôi chùa gắn với sự tích và hành trạng của Bà để nêu cao truyền thống không phụ thuộc nhiều vào kết quả nghiên cứu thời điểm Đạo Phật du nhập và nước ta trước hay sau Tây lịch nữa.
– Trong nghiên cứu, mọi giả thuyết đều có thể đặt ra. Công việc nghiên cứu không bao giờ dừng lại, nhưng một nguyên tắc tối quan trọng là văn hóa, lịch sử là do nhân dân làm ra nên mọi kết quả nghiên cứu đều hướng tới mục tiêu phục vụ quần chúng nhân dân, vì sự phát triển của dân tộc và đất nước. Vì vậy sự thừa nhận rộng rãi của nhân dân địa phương, sự kính ngưỡng của Phật giáo với Sư Bà là nhân tố hết sức quan trọng để các cấp có thẩm quyền đưa ra các quyết định vinh danh và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của nhân vật công chúa Phương Dung cũng như ngôi chùa bấy lâu nay thờ phụng Bà.
Chú thích:
[1] Biên niên (Chronicles hoặc Annals) là thể loại chép sử chỉ ghi lại sự kiện, không xen vào đó thái độ chủ quan. Nếu tác giả có ý kiến nhận xét, đánh giá gì thì phải gi rõ ra (dưới dạng lời bàn) để phân biệt.
[2] Từ thời Lê Sơ thế kỷ XV, triều đình chủ trương “quy chuẩn hóa” việc thờ cúng nên Bộ Lễ đượng giao công việc biên soạn các thần phả, thần tích. Bản thần tích Hùng vương sớm nhất do Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Cố soạn ghi niên đại Hồng Đức nguyên niên (1470). Thần tích phát triển nở rộ vào thời Lê Trung Hưng và đa số đều ghi Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám Bách Thần Nguyễn Hiền phụng sao năm Vĩnh Hựu 3 (1736).
[3] Chùa Yên Phú: Lịch sử và hiện tại (Kỷ yếu Hội thảo), Nxb Hồng Đức, 2011.
[4] Dưới thời Lê Trung Hưng niên hiệu Hồng Phúc được dùng duy nhất trong 1 năm (1572). Trong năm đó ông được giao chỉnh lý biên soạn các thần phả, ngọc phả của các làng xã trong cả nước để triều đình sắc phong. Rất khó hình dung làm thế nào ông có thể biên soạn hàng ngàn thần phả, thần tích trong vòng chỉ có 1 năm. Rất nhiều khả năng những bản thần phả được soạn vào các giai đoạn sau nhưng để tăng thêm giá trị nên đều ghi là sao từ bản của Đại học sĩ Nguyễn Bính. Hiện ở nước ta có rất ít chuyên gia về văn bản học và ngành văn bản học cũng còn nhiều hạn chế.
[5] Thần tích, thần phả hay thậm chí sách như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam Chích quái của Trần Thế Pháp đều là những văn bản do các tác giả đời sau ghi lại những câu chuyện lưu truyền trong dân gian đã nhuốm mầu huyền tích.
[6] Lê Mạnh Thát: Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, 2012 và một số tác giả khác, chủ yếu cũng dựa theo luận luận này.
Hội thảo khoa học “Sư bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc” do UBND huyện Thanh Trì phối hợp với Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo TP. Hà Nội và Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được tổ chức vào ngày 7/4/2021 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội. Hội thảo đã làm rõ về cuộc đời và sự nghiệp của Sư bà Phương Dung đối với đạo pháp và dân tộc, góp phần làm sáng tỏ hơn nhận thức về thời đại Hùng Vương, về lịch sử của dân tộc và đặc biệt hiểu hơn về lịch sử Phật giáo Việt Nam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
HT.Thích Chơn Kim - đời khí phách, tu nghiêm mật
Tăng sĩ 09:47 19/12/2024HT.Thích Chơn Kim thế danh Nguyễn Phúc Liên Phú, Pháp danh Tâm Phú, đời thứ 43 dòng Lâm Tế, xuất thân từ dòng họ Nguyễn ở Gia miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa. Tiên tổ là ngài Nguyễn Kim bậc đại thần đã tận trung phục hưng lại nhà Hậu Lê là Lê Trung Hưng; tiếp theo là chúa Nguyễn Hoàng cùng 8 đời chúa kế sau đã trấn giữ và mở mang bờ cõi đến tận phương Nam.
Lễ giỗ Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo tại tổ đình Chúc Thánh
Tăng sĩ 13:45 07/12/2024Chư tôn đức Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh sáng 6/12 đã cử hành khóa lễ cung tiến Giác linh Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo và lịch đại Tổ sư, tại tổ đình Chúc Thánh (P.Tân An, TP.Hội An, Quảng Nam).
Thà chết chứ nhất định không phá giới
Tăng sĩ 19:30 27/11/2024“Nếu chết thì xin được chết, chứ không thể phá bỏ giới luật”.
Vài nét về tiểu sử Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Tăng sĩ 11:21 27/11/2024Hòa thượng Giới Đức có thế danh Nguyễn Duy Kha, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1944 tại Dạ Lê thượng, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế. Thân sinh Hòa thượng Giới Đức là cụ ông Nguyễn Duy Hoan và mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Sừng.
Xem thêm