Giá trị đạo đức Ni giới qua lăng kính xã hội Việt Nam hiện nay
Trước yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng đất nước và trước thực trạng nền đạo đức của nước ta đang có những bất cập, đã đặt ra sự cấp thiết cần tiếp tục phải phát huy những giá trị đạo đức của Ni giới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Tiếp nối tấm gương đi trước với những những giá trị đạo đức truyền thừa thẩm thấu sâu trong Ni giới Việt Nam, các Ni giới hiện nay là những người sống theo đạo đức tu hành, nghiêm trì giới luật, giữ gìn đạo hạnh và là tấm gương sáng cho Phật tử và mọi người noi theo. Với cuộc sống thanh bạch, vì cộng đồng, vì những người nghèo, người bệnh... của các Ni sư, là nguồn cảm hóa cho mọi người theo hướng thiện.
Đối với các Ni sư, mục đích chính là thông qua những sinh hoạt đạo tràng, thực hành nghi lễ thờ cúng, để thực hiện sự nghiệp hoằng pháp, thể hiện tâm nhân từ, đạo đức cũng chính là trau dồi kiến thức, kỹ năng sống; trang bị kiến thức, hiểu biết về xã hội, hiểu biết về pháp luật, chính sách của Nhà nước, kỹ năng thuyết trình, thuyết giảng để qua đó, đạo đức của mình có cơ hội lan tỏa tới người dân. Hiện nay, nhiều chùa trong cả nước đã thành lập các đạo tràng và thông qua vai trò của Ni giới các Phật tử đã tham gia làm công tác từ thiện tại chùa cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước như: nấu cháo cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, cưu mang, chữa bệnh cho những người nghiện hút, bệnh nhân nhiễm HIV, AIDS…
Bên cạnh đó, Ni sư còn là những “lương y, bác sĩ” chữa bệnh tâm cho những người khủng hoảng về tinh thần do cuộc sống bất trắc, kinh doanh thua lỗ, ốm đau bệnh tật lâu ngày… Trong quá trình giảng dạy kinh sách, giáo lý, giáo luật… Ni sư tại các chùa đều lồng ghép đạo đức Phật giáo để giảng giải, khuyên nhủ, giúp đỡ cho họ thức tỉnh và phần lớn trong số đó đã vượt qua những khó khăn, khủng hoảng, trở thành người có ích trong xã hội.
Ngoài ra, thông qua việc thực hành nghi lễ của các Ni sư cho người dân (cầu an đầu năm, nghi lễ hằng thuận, cầu siêu, đưa vong lên chùa (tang ma)…), đạo đức Phật giáo lại có điều kiện thẩm thấu sâu hơn vào người dân, đã chuyển tải những giá trị đạo đức tốt đẹp, lối sống lành mạnh, nếp sống chan hòa.
Sự thay đổi về nhận thức và hành vi của các thành viên trong xã hội là minh chứng cho sự hiểu biết về đạo đức Phật giáo và từ đó đạo đức của người dân được nâng cao. Trên thực tế, nhiều thành viên sau khi được các Ni sư giáo hóa về đạo đức Phật giáo đối với xã hội, đối với gia đình thì đã có những chuyển biến tích cực. Trong xã hội thì tình đồng nghiệp, tình bạn bè yêu thương chia sẻ với nhau nhiều hơn, trong gia đình thì anh em đoàn kết thuận hòa với nhau hơn thể hiện lòng báo hiếu cha mẹ.Với những tấm gương phản sáng của Ni sư, thông qua các hoạt động của chùa (học kinh sách, làm công tác từ thiện xã hội…), người dân đã nâng cao sự hiểu biết về giáo lý Phật giáo. Các giá trị đạo đức Phật giáo như: Tứ vô lượng tâm, Ngũ giới, Tứ Ân, Thập Thiện, Lục Hòa, Lục độ… không chỉ được người dân tiếp thu mà đã biến thành hành động. Qua đó, một sự thay đổi nhận thức trong nhiều người dân, đặc biệt ở tầng lớp Phật tử đó là, đến chùa không phải để cầu xin Phật, mà để tu tập, thực hành điều tốt để đóng góp cho xã hội. Trên cơ sở đó, một không gian hận thù, ích kỷ, nhỏ nhen được thay thế bằng sự chan hòa yêu thương giữa người với người trong cuộc sống thường ngày. Và do vậy, đạo đức Ni giới chính là nơi thẩm thấu lan tỏa, tới khắp các thành viên trong xã hội. Trên cơ sở đó, nó lại tiếp tục được tỏa đi muôn nơi do vai trò hoạt động xã hội của các Phật tử và cứ thế nhiều việc tốt cũng sẽ được nhân rộng ra các thành viên trong cộng đồng[1].
Ni giới Việt Nam cùng Phật giáo trong dòng chảy dân tộc
Song, đối với Phật giáo, việc xem xét số lượng tín đồ có lẽ chưa phản ánh được đầy đủ ảnh hưởng, sức lan tỏa của Phật giáo, trong đó có đạo đức Phật giáo nói chung, Ni giới nói riêng tới xã hội và người dân. Trên thực tế hiện nay, ngôi chùa không chỉ là nơi thờ Phật, các Ni sư không chỉ là những người tu hành, bó hẹp trong phạm vi ngôi chùa; mà đã tham gia vào các hoạt động tâm linh và cả những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Ngôi chùa đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục đạo đức Phật giáo cho người dân địa phương và khách thập phương.
Các ngôi chùa có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vì hầu hết các công việc của các gia đình là Phật tử hay không Phật tử thì từ nghi lễ vòng đời cho đến công ăn việc làm, đời sống thường nhật như: động thổ, cúng giải hạn, cầu may đầu năm, mở cửa hàng kinh doanh, làm nhà, cưới xin, tang ma... đều do nhà chùa, đứng đầu là các Ni sư thực hiện các nghi lễ. Đồng thời, nhà chùa cũng là nơi tổ chức các nghi lễ Phật giáo, thu hút đông đảo người dân tới tham dự. Trên cơ sở đó, những phong tục, nghi lễ cốt yếu của Phật giáo như: cầu Quốc thái dân an vào Rằm tháng Giêng, cầu siêu vào Rằm tháng Bảy, tắm Phật và rước Phật vào dịp Phật đản, Hoa đăng vào dịp Phật thành đạo...được khôi phục trở lại. Đây là cơ hội để các chùa thu hút người dân đến với cửa Phật, đưa người dân đến với giáo lý, giáo luật của Phật giáo, mà đạo đức Ni giới là một nhân tố chủ đạo. Thông qua Ni giới, các buổi giảng pháp, pháp thoại, các khóa tu tập, các hoạt động giáo dục khác như tọa đàm, chia sẻ, giao lưu... người dân tu học Phật pháp, học tập các giá trị đạo đức Phật giáo, rèn luyện nhân cách, văn hóa ứng xử. Những buổi thuyết giảng, thực hành nghi lễ, số lượng các tín đồ, Phật tử, người dân có thể lên tới hàng nghìn người. Như vậy, sự lan tỏa của đạo đức Ni giới qua đó vô cùng rộng lớn.
Ngoài ra, nhà chùa còn là “Bệnh viện”, các sư trong chùa còn là những “Lương y” chữa “bệnh tâm” cho một bộ phận quần chúng nhân dân (như trên vừa nêu). Tuy nhiên, ở đây chúng tôi đề cập đến khía cạnh sức lan tỏa của đạo đức Ni giới. Trong cuộc đời con người, có lúc không thể tránh khỏi bệnh về Thân và về Tâm. Với bệnh về thân, người ta có thể tìm đến các cơ sở y tế Đông, Tây y. Tuy nhiên, nếu mắc “bệnh tâm”, nhiều trường hợp, đều tìm đến chùa, đặc biệt là các Ni sư để tâm sự, tư vấn, khuyên giải, giúp hóa giải nỗi khổ đau; trở nên lạc quan và sống có ích cho xã hội. Đây là việc làm rất ý nghĩa, thể hiện vai trò Từ Bi, cứu khổ cứu nạn của đạo Phật. Thông qua những hoạt động của Ni giới như vậy, đạo đức Phật giáo có cơ duyên lan tỏa rộng rãi, mạnh mẽ tới cộng đồng.
Vai trò của ni giới đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay
Cũng chính từ những ảnh hưởng của giá trị đạo đức trong Ni giới như đã nêu đã góp phần thúc đẩy văn hóa “đi chùa” từ lâu đời của người dân, nay đã được phục hồi trở lại. Những giây phút lên chùa lễ Phật, đem lại cho con người những giây phút thanh thản, hướng tới cái Chân - Thiện - Mỹ của cuộc sống. Cũng xuất phát từ đây, đạo đức Ni giới với lòng Đại Từ, Đại Bi, yêu thương đồng loại vô bờ bến đã thẩm thấu sâu vào các Phật tử và người dân, sau đó lại lan tỏa ra các thành viên khác trong cộng đồng. Con người, khi tâm hồn được tiếp xúc với những điều thiện, sẽ có khát khao hướng thiện, tránh xa những cám dỗ đời thường mà nhiều khi, luật pháp cũng không chế ngự được. Chỉ có sự hài hòa giữa trí tuệ, tâm hồn, đạo đức, tình cảm, tâm linh, con người mới hoàn thiện mình một cách đầy đủ nhất, và từ đó, tất cả những điều ác sẽ bị đẩy lùi, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Thành quả tốt đẹp của sự nghiệp phụng đạo yêu nước của Ni giới trong Phật giáo đã và sẽ góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, khẳng định niềm tin của Phật giáo Việt Nam vào chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở hiện tại và trong tương lai. Sự kết hợp giữa “Đạo” và “Đời” nói trên cũng là cơ sở để những mặt tích cực của giá trị đạo đức Ni giới lan tỏa trong làng, xã, khu phố và người dân cả nước. Do vậy, cần phải phát huy hơn nữa những giá trị đạo đức Ni giới trong thời đại hiện nay, theo tinh thần của Ban Tôn giáo Chính phủ “Mong rằng trên bước đường phát triển tiếp theo của Phật giáo sẽ có những cái nhìn đúng hơn để phát huy nhận thức trong sáng và năng lực làm lợi ích cho đời, làm đẹp cho đạo, không luận là hàng nữ lưu hay nam giới bất kể là người xuất gia hay tại gia. Có như vậy, chúng ta mới tận dụng được chất xám của tất cả mọi người thuộc mọi thành phần xã hội, vừa thể hiện được chân lý bình đẳng của Đức Phật dạy, vừa xây dựng thế giới Ta bà được an vui và phát triển bền vững. Hơn nữa, những tấm gương sáng của Ni giới Phật giáo trong các hoạt động xã hội, gắn đạo pháp với dân tộc cần được xã hội ghi nhân và tôn vinh”[2].
Chú thích:
[1]Nhiều ngôi chùa do Ni sư trụ trì đã phát động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” (5 không gồm: không đói nghèo, không tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không có trẻ bỏ học, không sinh con thứ 3; 3 sạch gồm: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ).
[2]Xem “Phát huy vai trò của ni giới”. Nguồn Wikipedia.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Xem thêm