Nhất tâm niệm Phật chắc chắn sẽ được vãng sinh
Chúng ta niệm Phật vẫn còn phân biệt, vẫn còn chấp trước, đây là giả niệm, không phải thật niệm, cái cách niệm này thì có niệm một trăm năm, hai trăm năm, ba trăm năm, cũng không ích gì, vẫn là luân hồi sáu cõi.
>>Phật tử có thể đọc loạt bài về Niệm Phật
Trong cuộc đời này, tôi đã gặp mấy người niệm Phật vãng sanh (sinh), biểu diễn, thị hiện cho chúng ta thấy: Chẳng ngã bệnh, biết trước lúc mất, đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh.
Khoảng bốn mươi năm trước đây, Phật Quang Sơn thành lập học viện Đông Phương Phật Giáo, pháp sư Tinh Vân mời tôi làm chủ nhiệm giáo vụ, tôi ở trên núi ấy mười tháng. Trong thời gian ấy, nghe một công nhân dài hạn [kể chuyện]. Phật Quang Sơn công trình rất nhiều, suốt năm chẳng nghỉ ngơi, không ngừng xây cất, cho nên công nhân ở đó cũng làm việc cho Phật Quang Sơn nhiều năm. Buổi tối, tôi hướng dẫn một vài người học trò thảo luận Phật pháp, người công nhân ấy cũng tham dự, nói với chúng tôi:
Năm ngoái, một bà cụ hàng xóm của ông ta niệm Phật, đứng vãng sanh. Ông ta bảo: “Thật đấy, chẳng giả tí nào!” Hôm ấy, chúng tôi nghe ông ta kể chuyện, hết sức hứng thú.
Bà cụ ấy tâm địa hết sức tốt, hết sức từ bi, cũng chẳng hiểu Phật pháp, đâm ra coi lạy thần như lạy Bồ Tát, ông Địa cũng là Bồ Tát, Thành Hoàng cũng là Bồ Tát, những loại Vương Gia Công mà dân gian thờ cúng, cụ đều nghĩ là Bồ Tát. Ba năm trước, cụ cưới dâu, con dâu học Phật, hiểu Phật pháp, liền khuyên mẹ chồng chuyên niệm A Di Đà Phật, chuyên lạy Tây Phương Tam Thánh, những vị thần khác đều thỉnh đi, Bồ Tát đều thỉnh đi. Bà mẹ chồng này hiếm có, nghe lời con dâu khuyên bảo, thật sự làm, chỗ nào cũng không tới; bình thường hễ miếu nào có lễ hội đều tham gia, cụ không đi nữa, ở nhà niệm Phật, trong nhà lập Phật đường, [tụng niệm] ba năm.
Đến một tối nọ, đến bữa cơm tối, cụ dặn dò con trai, con dâu; con trai, con dâu vô cùng hiếu thuận, cụ bảo: “Các con dùng cơm trước, mẹ đi tắm”. Thật ra, cả nhà đợi cụ, đợi thật lâu chẳng thấy cụ ra. Tới phòng tắm, coi cụ đã tắm xong chưa, gọi chẳng thấy ai trả lời. Tới Phật đường, thấy cụ mặc áo tràng chỉnh tề, tay cầm chuỗi, đứng trước tượng Phật, gọi chẳng thấy cụ trả lời, tới nhìn kỹ, cụ đã vãng sanh rồi. Hàng xóm đều đến xem, cụ đứng mất! Chúng tôi nghĩ: Có lẽ cụ chẳng báo cho người nhà biết; cho người nhà biết, sợ họ sẽ ngăn trở, cụ chẳng thể tự tại dường ấy. Đúng là tự tại, tiêu sái ra đi, chính mắt ông ta trông thấy, chẳng giả. Vị công nhân dài hạn ấy đã giảng cho chúng tôi nghe một bài học do chính mắt ông ta thấy.
Khi tôi đến Hương Cảng giảng kinh, chúng tôi nghe băng thâu âm lời khai thị trong Phật Thất của pháp sư Đàm Hư, tôi nghe thấy lão nhân gia giảng rất nhiều. Sau đó, qua tác phẩm Ảnh Trần Hồi Ức Lục [biết thêm nhiều chuyện vãng sanh], đấy là truyện ký về lão nhân gia do Ngài kể, học trò Ngài là pháp sư Đại Quang ghi chép. Chúng tôi cũng hết sức thân thiết với ngài Đại Quang, Sư vãng sanh chắc cũng đã mười năm rồi. Ba mươi năm trước, ở Hương Cảng, chúng tôi thường ở chung một chỗ. Văn tài của Sư hết sức hay, Ảnh Trần Hồi Ức Lục do Sư viết, toàn là chuyện thật. Gần đây nhất, chừng ba năm trước đây, ở Thâm Quyến có cư sĩ Hoàng Trung Xương ba mươi mấy tuổi, nghe tôi giảng kinh, nghe nói từ xưa tới nay người thật sự niệm Phật khoảng chừng ba năm công phu thành tựu bèn vãng sanh.
Trong quá khứ, đã từng có mấy vị pháp sư hỏi tôi, bọn họ thấy những trường hợp ấy, bèn nói: Có phải là những người vãng sanh ấy thọ mạng vừa đúng ba năm là hết [nên vãng sanh sau ba năm niệm Phật] đó chăng? Tôi nghĩ nói kiểu này chẳng hợp lý, thỉnh thoảng có một hai người thì được, chứ nhiều người như vậy sẽ chẳng hợp với lý luận, không hợp la-tập (logic). Vì sao vãng sanh? Người ấy công phu đã thành phiến. Chỉ cần công phu thành phiến, quý vị muốn ra đi lúc nào cũng được! Muốn đi thì đi; muốn ở lại cũng được! Ở lại thế gian này là do có nhiệm vụ, có sứ mạng, làm cho người khác thấy. Nếu chẳng có duyên phận với thế gian này, người ấy đã ra đi. Lúc ấy, cư sĩ Hoàng Trung Xương bế quan tại Thâm Quyến ba năm, ông ta nghĩ: “Hãy thử xem, cổ nhân ba năm có thể thành tựu. Xem ta có đúng ba năm thật sự thành tựu hay không?” [Bế quan niệm Phật] hai năm mười tháng, còn thiếu hai tháng, ông ta biết trước lúc mất, thật sự ra đi, chẳng ngã bệnh. Khi hỏa táng, lưu lại xá-lợi, nay xá-lợi vẫn còn thờ ở nơi ấy, làm một cái tháp nhỏ đặt ở đó. Nêu gương cho chúng ta, thật đấy, chẳng giả đâu!
Chúng ta niệm Phật vẫn còn phân biệt, vẫn còn chấp trước, đây là giả niệm, không phải thật niệm, cái cách niệm này thì có niệm một trăm năm, hai trăm năm, ba trăm năm, cũng không ích gì, vẫn là luân hồi sáu cõi. Niệm Phật không thể xen tạp, lời nói này nhiều năm qua chúng ta đã nói rất nhiều lần, niệm Phật có ba cương yếu:
Cái thứ nhất “không thể xen tạp”.
Cái thứ hai “không thể gián đoạn”, tốt nhất là ngày đêm đều không gián đoạn.
Cái sau cùng “không thể hoài nghi”, nó là thật, một chút cũng không giả.
Chân thật giữ lấy “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn” thì không có ai không thành tựu, hơn nữa thành công rất nhanh.
Tin thật, nguyện thiết tha, không ai chẳng thành tựu, đừng bỏ lỡ cơ hội! Từ vô lượng kiếp đến nay sanh tử luân hồi trong lục đạo, khổ chẳng thể nói được! Suốt đời này quý vị gặp cảnh khổ vẫn chưa phải là Đại Khổ. Trong quá khứ, quý vị từng nếm mùi địa ngục, nếm mùi ngạ quỷ, nếm mùi súc sanh, cũng đã từng làm thân trời; nếu nghĩ đến nỗi khổ trong tam đồ, quý vị còn muốn ở đây để làm gì nữa? Nếu chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi, nói cách khác, đối với bất cứ ai, cũng dám chắc là thời gian trong tam đồ lâu dài, thời gian trong nhân thiên ngắn ngủi. Vì sao? Chúng ta học Pháp Tướng Duy Thức bèn biết: Trong A Lại Da thức, đối với Tương Ứng Tâm Sở, Thiện Tâm Sở chỉ có mười một món, Ác Tâm Sở có hai mươi sáu món, chứng tỏ trong tập khí của quý vị, thiện ít, ác nhiều.
Giáo dục của cổ thánh tiên hiền chẳng có dụ dỗ, mê hoặc. Sự dụ dỗ, mê hoặc bên ngoài hiện thời toàn là giết, trộm, dâm, dối, toàn là bạo lực, tình dục, còn gì nữa đâu? Thế giới ngày nay vì sao loạn? Tai nạn vì sao nhiều? Nguyên nhân là như vậy. Quý vị còn có thể không vãng sanh ư? Thật sự giác ngộ, phát tâm đại từ bi, trụ nơi đây thêm vài năm nữa, chịu tội thêm một chút, mong mang thêm một ít người cùng đi, đấy là sứ mạng. Có người tiếp nhận, có người nghe lọt tai, có người tin tưởng thì chúng ta vẫn phải làm, một người cũng chẳng bỏ, tới lúc công đức viên mãn, tự nhiên ra đi. Ra đi cũng thị hiện rất tốt đẹp cho mọi người thấy, giống như ông Hoàng Trung Xương, giống như bà cụ niệm Phật ở Đài Nam. Dù bà cụ suốt đời cũng không biết giảng kinh, cũng chẳng biết hoằng pháp, sự biểu hiện của cụ đã độ bao nhiêu người, khiến cho bao nhiêu người dấy lên lòng tin, khiến cho bao nhiêu người hóa giải nỗi hoài nghi đối với Tịnh Độ. Đây là Tác Chứng Chuyển trong Tam Chuyển Pháp Luân; nay mọi người đòi hỏi chứng cứ, bèn tạo chứng cứ cho quý vị xem.
Trong quá khứ, chúng tôi nghe lão pháp sư Đàm Hư báo cáo. Tôi không có duyên phận này, thiếu phước phận, chẳng được gặp lão pháp sư. Tôi đến Hương Cảng, Ngài đã vãng sanh hai, ba năm rồi! Nhưng tôi nghe từ băng thâu âm, Sư giảng khai thị trong Phật Thất, có đồng tu đem cuốn băng thâu âm đến [cho tôi nghe]. Sư nói bằng giọng địa phương miền Bắc, tôi nghe chẳng hiểu lắm, tôi nghe liên tục không ngừng ba mươi lượt, đại khái có thể nghe hiểu chín phần. Cuối cùng, tôi rốt cuộc tìm được một đồng tu ở phương Bắc, nhờ chép toàn bộ băng thâu âm thành văn tự, in ra một cuốn sách nhỏ. A! Sư giảng thật hay! Quý vị thấy Sư kể chuyện người thợ vá nồi là đồng tham đạo hữu của Sư, là người quen, tại gia niệm Phật, một câu A Di Đà Phật thôi! Ông thợ vá nồi không biết chữ, chưa từng đi học, ngoài bốn mươi tuổi mới xuất gia, điều gì cũng chẳng biết, là bạn chơi đùa hồi nhỏ của lão hòa thượng Đế Nhàn, cùng ở trong một thôn trang. Ông ta đến tìm pháp sư Đế Nhàn, cuộc sống của ông ta thật sự khổ sở quá, thấy pháp sư Đế Nhàn làm pháp sư xuất gia cũng thoải mái lắm, rất hâm mộ, bèn muốn theo Ngài xuất gia. Lão pháp sư Đế Nhàn cũng hết sức từ bi, gặp người bạn chơi đùa thuở ấy, bảo ông ta: “Xuất gia phải học kinh giáo. Ông lớn tuổi như thế, mà cũng chẳng biết chữ, xem ra học kinh giáo chẳng thành công!”
Thuở ấy trong nhà chùa, chẳng học kinh giáo thì phải học kinh sám Phật sự. Kinh sám Phật sự là ngũ đường công khóa, thấy ông ta đầu óc chậm lụt, ông học cũng chẳng thành công. Có nghĩa là “ông xuất gia làm sao được?” Nhưng người bạn ấy cứ nhất định muốn nương cậy Ngài, cuối cùng không có cách nào, Ngài bèn nói: “Tôi có điều kiện, ông có thể chấp nhận hay không?” Ông ta nói: “Sư cứ nói đi, hết thảy tôi đều nghe theo lời Sư”. Với điều kiện như thế, ông ta nói: “Được”, Sư bèn cho ông ta xuống tóc. Sau khi xuống tóc, Sư nói: “Ông không cần thọ giới. Nghi thức thọ giới ông cũng chẳng hiểu, ông cũng chẳng thọ được”. Tại vùng quê ở Ninh Ba có một ngôi miếu nát, không ai ở, cho một mình ông ta ở nơi đó, dạy ông ta một câu “Nam-mô A Di Đà Phật” sáu chữ. Sư dặn dò: “Ông ở nơi đó, niệm một câu này, niệm mệt bèn nghỉ. Nghỉ ngơi khỏe khoắn rồi lại niệm tiếp, sau này chắc có lợi lạc”.
Bí quyết thành công của người này chẳng có gì khác: Thật thà, vâng lời, thật sự làm, ông ta bèn thành công! Quý vị thấy người ta niệm Phật ba năm bèn đứng vãng sanh. Tại vùng quê thuở ấy, giao thông chẳng thuận tiện, một bà cụ già trong thôn phát hiện: “Sư phụ đã đứng vãng sanh”. Quá sức lạ lùng, hiếm có, trước nay chưa hề thấy ai đứng mất! Còn có những vị lão cư sĩ niệm Phật báo cho mọi người đến xem; xem xong, sai người sang chùa Quán Tông báo tin, báo với lão hòa thượng Đế Nhàn. Lão hòa thượng nghe tin này, vội vã đến xem, đi về mất ba ngày. Thấy tình hình này, lão hòa thượng Đế Nhàn rất hoan hỷ, tán thán: “Ông xuất gia chẳng uổng, khá lắm, ông mất như thế đó”. Sư tán thán: “Đại pháp sư giảng kinh thuyết pháp chẳng bằng ông, phương trượng, chủ tịch tùng lâm cũng không bằng ông! Ông đúng là giỏi lắm!” Niệm một câu sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật” ba năm, thù thắng lắm! Đó là chuyện trước mắt, không xa mấy! Trong phần trước, tôi đã kể với mọi người chuyện một bà cụ tại làng Tướng Quân ở Đài Nam, cũng là niệm Phật ba năm rồi đứng mất. Lời tán thán này chẳng hư giả mảy may nào, vấn đề là chúng ta phải thật sự làm thì mới được.
Nguồn: duongvecoitinh.com
Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nguyễn Du - Tiếng lòng thiên thu
Nghiên cứu 23:14 20/12/2024Thơ và thiền là đôi cánh đại bàng tung bay trên bầu trời Đông phương và Tây phương suốt từ nghìn xưa cho đến ngày nay.
Nguyện giải thoát ngay hiện tiền
Nghiên cứu 13:41 18/12/2024Trong nhà Phật, lời nguyện có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận.
Đời tu của tôi
Nghiên cứu 09:32 18/12/2024Đời tu của tôi có những cái dễ nhưng cũng gặp những cái khó. Trong cái khó thật ra tôi không tính toán cũng không suy nghĩ phải làm sao, tôi chỉ âm thầm xin Tam Bảo gia hộ. Ai làm gì nói gì, tôi cứ lặng thinh mà chịu chờ Tam Bảo gia hộ, rồi cái tốt đẹp sẽ đến, tôi không có phản ứng để chống chọi gì hết.
Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích ở Bắc Ninh
Nghiên cứu 11:12 17/12/2024Ngôi cổ tự Phật Tích (tên gọi khác là chùa Vạn Phúc) toạ lạc trên núi Phượng Hoàng, Tiên Du, Bắc Ninh là nơi lưu lại dấu ấn truyền bá Phật giáo ở vùng Bắc bộ hơn nghìn năm. Chùa Phật Tích còn được biết đến là nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật A-Di-Đà và bộ tượng 10 linh thú đá.
Xem thêm