Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 01/12/2018, 16:48 PM

Những câu chuyện Phật dạy về sự tha thứ đáng suy ngẫm

Đức Phật đã dạy rằng:“Tài sản quý giá nhất của đời người chính là lòng khoan dung”. Sự tha thứ và lòng khoan dung không chỉ đem đến sự bình an, an lạc cho người khác mà còn cho chính bản thân mình.

Câu chuyện Phật dạy về sự tha thứ đáng suy ngẫm

Ngài Đại Trưởng lão Ghosananda, một Tỷ-kheo Nguyên thủy, được biết đến với danh hiệu là “Gandhi của Campuchia”. Ngài thường hướng dẫn những cuộc thiền hành Dhammayietra (Cuộc hành hương của chân lý) vào đầu những năm 1990, sau khi các hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến giữa Khờ-me Đỏ và chính quyền Campuchia mới đã được ký kết. 

Khi ngài Ghosananda mất năm 2007, ở tuổi 78, một bài điếu văn đăng trên báo The Economist đã tả chi tiết về những trải nghiệm của ngài khi đi xuyên suốt Campuchia sau chiến tranh. Ngài thường thấy chiến tranh vẫn còn dữ dội. Rốc-két vẫn bay trên đầu người đi hành hương, các cuộc đọ súng vẫn xảy ra quanh họ. Một số người hành hương đã bị giết. Nhiều người vì sợ hãi đã quay trở về, nhưng ngài Ghosananda dứt khoát chọn đi qua những ngả đường còn có xung đột. Đôi khi những người thiền hành bị mắc kẹt vào giữa các dòng người tị nạn dài dằng dặc, chân sưng tấy giống như họ, lê lết theo những chiếc xe bò và xe đạp chở đầy gối nệm, nồi niêu và mấy chú gà. “Chúng ta phải có can đảm rời bỏ ngôi chùa bình an của mình”, ngài Ghosananda cương quyết nói, “để đi vào các ngôi chùa đầy dẫy khổ đau của chúng sanh”.

su tha thu

Dầu Khờ-me Đỏ đã không cho thờ cúng, đã cào bằng các tự viện, quăng các tượng Phật đã bị hủy hoại xuống sông, các tập quán cũ vẫn còn. Khi những người lính nghe ngài Ghosananda khuyên bảo, “Sân hận không thể xóa bằng sân hận; sân hận chỉ có thể xóa bằng tình thương yêu”, họ đã buông bỏ vũ khí, quỳ xuống ven đường. Dân làng mang nước ra để ngài tịnh hóa, và họ ghim những cây nhang đang cháy vào đó như là dấu hiệu chiến tranh đã chấm dứt… Ngài không thể rời bỏ thế gian. Thay vì chỉ dốc tâm lo cho tự viện của mình, ngài đã dựng lên những căn lều tạm làm chùa trong các trại tị nạn.

Trưởng lão Ghosananda đã xây dựng các ngôi chùa này dù các thế lực tàn dư của Khờ-me Đỏ đã đe dọa giết ngài nếu không vâng lời chúng. Khi hàng ngàn người tị nạn kéo đến các chùa này, ngài phát cho họ bản kinh Tâm từ của Đức Phật in trên những tờ giấy sờn rách:

   Với tâm rộng mở

   Ta ôm ấp tất cả mọi chúng sanh:

   Lòng từ chói sáng khắp muôn phương,

   Lên thấu trời xanh,

   Xuống tận đất cùng.

Câu chuyện này là một sự nhắc nhở sâu sắc về những gì việc tha thứ có thể làm được. Gia đình của Trưởng lão Ghosananda đã bị Khờ-me Đỏ tiêu diệt, và suốt thời gian họ cai trị, các vị sư Phật giáo bị coi là những ký sinh trùng của xã hội. Họ bị lột áo tu, buộc làm lao công hay bị giết hại: trong số 60.000 vị sư, sau chiến tranh ở Campuchia chỉ còn lại 3.000 vị. Nhưng không kể những gì ngài đã phải hứng chịu dưới thời Khờ-me Đỏ, Trưởng lão Ghosananda vẫn dành sự tha thứ trong tâm cho họ.

Câu chuyện Phật dạy về sự tha thứ đáng suy ngẫm 

Xưa kia, có một vị hòa thượng đi đến một gia đình giàu có hóa duyên vào lúc trời đang mưa tầm tã. Vị hòa thượng cũng xin được ngủ lại nhà vị phú hộ này một đêm. Nhưng chủ nhà lại một mực không cho hòa thượng vào ngủ nhờ, vì vậy, hòa thượng đành nằm ngủ ngoài hiên cổng, nhẫn chịu đói và chịu lạnh.

Sáng sớm ngày hôm sau, người quản gia của gia đình đó ra mở cổng, nhìn thấy hòa thượng đã toàn thân ướt hết, đang run lên vì lạnh. Vị hòa thượng hỏi tên họ của người chủ nhà rồi vội vã rời đi.

su tha thu 1

Nhiều năm sau, vị hòa thượng ấy trở thành sư trụ trì trong ngôi chùa lớn. Người vợ của vị phú hộ kia muốn đến chùa bái lễ. Vừa tiến đến cổng chùa, bà nhìn thấy rõ tên chồng mình được khắc trên tấm bảng treo trên một cây cột đặt nơi ra vào. Người vợ của phú hộ kia thấy vô cùng kỳ lạ, bèn tiến đến hỏi một vị hòa thượng nguyên do.

Hòa thượng nói: “Bởi vì chủ nhà này từng không chịu bố thí tăng nhân, nên sư trụ trì chùa chúng tôi mới ghi lại tên của ông ấy.”

Người vợ phú hộ kia giận dữ nói: “Sao sư trụ trì của chùa các ông lại có lòng dạ nhỏ mọn, hẹp hòi như vậy?”

Vị hòa thượng nói: “Cũng không phải như thí chủ nghĩ! Sư trụ trì chùa chúng tôi cho rằng, gia chủ không bố thí tăng nhân, nhất định là còn có ác duyên chưa dứt bỏ từ tiền kiếp, vì vậy, sư trụ trì mới ghi lại tên của gia chủ vào tấm bảng kia. Mỗi ngày, khi tụng kinh niệm Phật, ngài đều cầu nguyện cho gia đình họ bình an, may mắn, nhằm hóa giải ác duyên kia.”

Sau khi nghe xong những lời này, người vợ phú hộ cảm động mãi không thôi, lập tức trở về nhà kể lại cho chồng bà nghe hết thảy mọi chuyện.

Vị phú hộ sau khi nghe xong, trong lòng vô cùng hối hận, liền tự mình đến chùa dâng hương, đáp tạ sư trụ trì. Cũng từ đó, gia đình phú hộ tình nguyện cung cấp lương thực, nuôi dưỡng toàn bộ tăng nhân và tu sửa chùa.

Câu chuyện cho chúng ta thấy rằng, thiện có thể hóa giải oán duyên. Oan oan tương báo đến khi nào mới thôi? Chi bằng hãy dùng tâm từ bi, lòng khoan dung mà thiện giải!

Câu chuyện Phật dạy về sự tha thứ đáng suy ngẫm

Trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký” có ghi chép lại, vị ngự sử Hồ Mục Đình, triều đại nhà Thanh từng kể rằng:

Quê hương ông có một gia đình nhà nọ nuôi một con lợn. Điều đặc biệt là con lợn này mỗi lần nhìn thấy người hàng xóm tên là Vương thì đều nhảy lên, điên cuồng hò hét, chỉ muốn xông ra đuổi cắn ông ta. Nhưng gặp bất kể người nào khác trong làng thì nó đều rất bình thường.

Ông Vương lúc đầu thấy vậy liền vô cùng phẫn nộ, vì thế ông liền muốn mua con lợn đó về giết thịt cho hả giận. Không lâu sau, ông Vương lại nghĩ: “Liệu đây có phải là do kết duyên oán thù từ kiếp trước giống như bên nhà Phật thường hay giảng không? Trên thế gian này, không có thù oán nào là không thể giải được!”

Nghĩ vậy, ông Vương liền mua con lợn ấy về nhà và nuôi dưỡng đến lúc con lợn mất đi theo tự nhiên. Nhưng điều đặc biệt là, từ ngày ông Vương nuôi dưỡng con lợn ấy, nó không hề thể hiện thái độ hung hãn như trước đây nữa.

Lòng khoan dung thực sự có sức mạnh cảm hóa vô cùng mãnh liệt. Nó giúp người xấu trở nên tốt, giúp người ác trở nên lương thiện, giúp người với người gắn kết với nhau hơn, xích lại gần nhau hơn và xã hội trở nên bình yên, tốt đẹp hơn!

Tâm Như

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đánh mất sơ tâm

Lời Phật dạy 17:15 21/11/2024

Với người hảo tâm xuất gia, tâm ban đầu khi đến với đạo thật đẹp đẽ, trong veo. Họ nhàm chán sinh tử cùng với những não phiền, nhiễu nhương của đời sống thế tục mà quyết chí ra đi.

Phật dạy 5 điều thân kính với bà con

Lời Phật dạy 08:05 21/11/2024

Mối quan hệ bà con cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.

Có một “tâm oán thù xem như hết thuốc chữa”

Lời Phật dạy 19:35 20/11/2024

Nếu không tha thứ được cho nhau lúc cả hai còn sống thì khi kẻ thù mất đi phải buông bỏ niềm đau, khép lại hận thù. Kiếp này không hỷ xả, bao dung được với nhau thì kiếp sau xin đừng oán kết.

Giữ giới và định tâm pháp tu căn bản của Phật tử

Lời Phật dạy 16:00 19/11/2024

Giữ năm giới là khó, giữ gìn một cách hoàn hảo càng khó hơn. Muốn giữ giới hoàn hảo, trước phải học và thông hiểu về mỗi giới cùng các điều kiện liên quan, nhất là biết rõ lợi ích to lớn nhờ giữ giới, hoan hỷ và an lạc trong sự bảo hộ của Thánh giới.

Xem thêm