Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 25/06/2017, 18:21 PM

Những điều chính và điều phụ trong tu tập thiền định

Chiều ngày 23/05/Đinh Dậu, (17/06/2017), TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã có buổi thuyết giảng về chủ đề “Những điều chính và điều phụ trong việc tu tập thiền định”, tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (287A ấp Vĩnh Hòa, Tân Ngãi, Tp. Vĩnh Long), với các thiền sinh tại khóa tu diễn ra từ ngày 16 - 18/06/2017. Ngoài ra còn có đông đảo phật tử tại các vùng lân cận đồng tham dự.

Bài pháp thoại đã giúp cho mọi người xác định rõ đâu là những điều quan trọng cũng như điều phụ trợ trong thiền để tu cho đúng. Từ đó, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo Phật đến muôn đời.

Mở đầu bài pháp, Thượng tọa khẳng định “tu thiền rất khó nên ít người tu”. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi của đạo Phật lại nằm ở nơi số ít này, chứ không phải nơi niệm Phật. Siêng năng tinh tấn tu thiền là ta đang giữ gìn giá trị đạo Phật không bị phai tàn, yếu kém hay suy hao. Nhờ vậy, ta được công đức rất lớn.

Cũng vậy, nhận thấy được giá trị to lớn này, dù tu theo Tịnh độ nhưng qua quá trình tu tập, Người hiểu rằng người tu phải có thiền định. Vậy nên, TT.Thích  Phước Hạnh,  Phó ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long mới tâm huyết mở khóa tu thiền, với mong muốn phát huy thiền cho Phật giáo miền Tây.

Dịp này, Thượng tọa nhắc nhở mọi người hãy truyền thông điệp điều tốt đẹp này đến khắp miền Tây, để ai có lòng muốn xây dựng giá trị bền vững, sâu sắc cho đạo Phật thì hãy về nương náu dưới bóng Tăng đoàn tham gia tu tập tinh tấn. 

Lại nữa, hiện nay có rất nhiều thế lực thù địch, âm mưu chống phá đạo Phật bằng cách dựng chuyện rồi tuyên truyền, rỉ tai bí mật. Những điều này không chỉ cản trở sự phát triển mà còn tiềm ẩn nguy cơ đẩy đạo Phật vào sự suy vong. Để bảo vệ đạo Phật và các vị tôn túc tránh được điều đó, ta phải giữ lòng mình cho chặt, quyết tâm đừng để lung lay trước những điều rỉ tai nói bậy làm cho huynh đệ ghét nhau, thầy trò phản nhau, và cay độc nhất là chúng rỉ tai tuyên truyền ngầm để mọi người mất hết niềm tin với đạo. 

Vì vậy, khi phát hiện những âm mưu chống phá đạo Phật, ta phải thông báo với những người có trách nhiệm trong Giáo hội và bổn tự hay thiền viện để mọi người cảnh giác, có giải pháp đối phó. Ta bảo vệ đạo pháp cũng là bảo vệ dân tộc, bởi đạo pháp và dân tộc là một. Nếu đất nước mất, đạo pháp cũng không còn. Chỉ khi việc bảo vệ đạo pháp được gắn với bảo vệ dân tộc thì ta mới trọn vẹn được trách nhiệm của mình, không phụ công ơn của cha ông đã ngã xuống, dựng lên nền hòa bình hôm nay. 
 
Đi vào phần nội dung bài pháp, Thượng tọa yêu cầu các phật tử phải ghi chép thật kỹ về 9 điều chính, điều phụ trong tu thiền. 

Thứ nhất, thiền là chính, đời sống đạo đức là phụ, là nền tảng. Thiền là tương quan giữa mình với mọi người nên phải làm sao để mối quan hệ với mọi người được tốt đẹp. Tức thiền là cõi riêng trong nội tâm thanh tịnh của mình, trở thành tình yêu thương với tất cả chúng sinh.

Tu thiền đòi hỏi rất cao trong việc hành xử với mọi người xung quanh. Làm cho mọi người phiền lòng thì ta sống không có đạo đức, tâm sẽ loạn động khiến ta không thể nhiếp tâm khi thiền, đó là nhân quả. Ngược lại, khi ta đối xử tốt với mọi người thì cái phước rớt vào tâm, giúp tâm ta thanh tịnh, bản ngã giảm bớt làm tâm ta dễ nhiếp trong thiền định.

Thứ hai, thiền là chính, tập khí công là phụ nhằm mục đích hỗ trợ. Ta nhớ Tổ Bồ Đề Đạt Ma là một thiền sư nổi tiếng giỏi võ thuật và khí công. Đức Phật của chúng ta lúc còn là hoàng tử cũng là một võ sư siêu đẳng. Ngoài ra, nhiều vị thuộc dòng dõi Sát Đế Lợi cũng là võ sư nổi tiếng (như Ngài A Nan, Ngài Nan Đà,...)

Khí công hỗ trợ rất lớn cho thiền định nên người ngồi thiền phải tập khí công. Đó là con đường vào thiền, giúp ích cho việc khai sáng tâm linh. Cho nên, tập khí công phải tập cho giỏi chứ đừng hời hợt như việc tập thể dục. Chúng ta phải thường xuyên tập âm dương khí công, vì đó là số một, giúp khai mở tâm linh sát với bờ mé thiền. Nếu tập đúng rồi (tức hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, dài gấp 5 lần), thân ta thanh tịnh lúc đang tập, tâm sẽ rỗng rang, tĩnh lặng liền, đó là thiền. 

Hoặc là khí công nguyên pháp, thụt dầu, cái đó bảo vệ bộ não chúng ta lúc già không bị hư, luôn tỉnh táo. Thụt dầu mà đúng thì khi đang tập thân thanh tịnh luôn. Cho nên ngồi thiền là chính nhưng tập khí công là hỗ trợ rất lớn, không được bỏ qua. Vì vậy, người nào biết âm dương khí công tập cho đúng rồi, mình nên hướng dẫn cho người khác cùng tập. 

Tập càng lâu càng tốt không sao hết, rồi sẽ thấy tinh thần mình sảng khoái, và cơ thể có sức mạnh tiềm tàng. Cái hay của âm dương khí công là diệt trừ tận gốc cái stress ở sâu trong cuống não, cái mà không có gì gỡ ra được kể cả ngồi thiền. Cho nên, khi tập âm dương khí công kết quả đầu tiên là ta dễ ngủ, ngủ rất là ngon vì nó giải tỏa được những căng thẳng nằm sâu trong não, kế đó là ăn ngon và những bệnh tật từ từ tiêu trừ.

Thứ ba, thiền là định tâm không vọng tưởng là chính, cái như lý tác ý là sự hỗ trợ rất lớn. Như lý tác ý là suy nghĩ cho đúng với chính pháp, điều này hỗ trợ để cho ta được định tâm. Còn nghĩ thiền là dứt bỏ vọng tưởng, định tâm, không suy nghĩ là sai, bởi chưa ai ngồi thiền mà tâm hết vọng tưởng ngay. Từ lúc bắt đầu ngồi thiền cho đến khi định tâm hết vọng tưởng, ta phải mất khoảng 30 kiếp.

Trong 30 kiếp này, ta cũng phải tu theo từng lộ trình, và sự thật đã nhiều cái thăng tiến, phước mình đã tăng cao, thậm chí đủ phước để lên cõi trời, nhưng mà tâm cũng chưa nhiếp được. Do đó, ta đừng ảo tưởng rằng cứ ngồi thiền là định tâm được ngay, nên Phật mới dạy ta như lý tác ý. Như lý có nghĩa là đúng đạo lý, còn tác ý là khởi suy nghĩ. Khi ta khởi cái suy nghĩ đúng với đạo lý thì ta có một chút phước để vào định, diệt được vọng tưởng, chứ không phải thiền là không suy nghĩ, không tác ý. Cái chính của thiền vẫn là định tâm, diệt vọng tưởng, nhưng cái phụ của thiền là những cái tác ý đúng với đạo lý. Mà những cái tác ý đúng với đạo lý là vô số điều trong cuộc sống này. 

Thứ tư, cái chính của thiền là buông bỏ mọi ham muốn. Ta tu rồi không tham, không sân hận nữa, đó là những đạo đức căn bản trước mắt. Cho nên, cái chính của thiền là không còn tham, nhưng cái phụ rất quan trọng của thiền là tích lũy phước cho đến vô tận. Nhiều người hiểu sai điều này nên đời tu không tiến bộ.

Ta chưa xét đến việc tích nhiều phước có tham hay không, nhưng thiếu phước, ta không tu cũng không nhiếp tâm được. Không phước ngồi thiền không yên. Lúc nào, ta cũng chỉ nghĩ đến việc kiếm ăn, không còn tâm để ngồi thiền nữa. Khi phước đủ, ta ngồi thiền mà không phải lo miếng ăn, tới giờ tự nhiên sẽ có cơm.

Đến lúc tích lũy phước quá nhiều, quả báo đến làm ta trở nên giàu sang, có địa vị cao trong xã hội. Tuy vậy, ta phải cẩn thận với quả báo này. Sống trong cảnh giàu sang đừng ham hưởng thụ mà quên tu. Mà cái giàu cái sang đó càng làm cho mình bận rộn hơn, vì mình sống có trách nhiệm, thì cái giàu sang mới bền vững. Còn người hưởng thụ những thú vui từ sự giàu có của mình sẽ nhanh hết phước, sau đó rớt xuống làm người nghèo khổ.

Thứ năm, cái chính của thiền là tâm (nhiếp tâm), nhưng cái nền của thiền lại là thân. Ta phải nhớ kỹ điều này, nếu không sẽ phải trả giá đắt. Sau này, vì cách xa Phật, ta quên điều này. Để có thể nhiếp tâm thì phải kiểm soát được thân, phải điều thân, tức là phải tu được thân thì mới nhiếp được tâm. Cho nên cái chính của thiền là tâm, nhưng cái hỗ trợ của thiền là thân. Vì vậy, khi thiền ta nhớ quán thân này là vô thường, thậm chí là nhớ mọi lúc trong cuộc sống một cách thuần thục như bài kệ xả thiền:

Lúc thức cũng như lúc ngủ
Ban ngày cũng như ban đêm
Luôn nhớ thân này vô thường.
Khi đi hoặc là khi đứng
Khi ngồi hoặc là khi nằm
Lúc làm việc hay nghỉ ngơi
Luôn nhớ thân này vô thường.
Khi nghe cũng như khi nói
Đông người hay ở một mình
Xem phim hay là đọc sách
Luôn nhớ thân này vô thường.
Lúc ăn cơm hay uống nước
Khi tắm rửa hay vệ sinh
Đắp y hay mang giày dép
Luôn nhớ thân này vô thường.
Những khi tâm con tỉnh giác
Càng nhớ thân này vô thường, v.v… 

Và lúc ngồi thiền, mình theo dõi hơi thở thì phải biết toàn thân, cảm giác khắp toàn thân. Trong kinh Phật ghi rất rõ là: cảm giác toàn thân hơi thở vào, cảm giác toàn thân hơi thở ra. Tu vậy mới là tu đúng con đường Phật dạy, không sợ sai. Còn người tu thiền mà quên thân, không cảm giác toàn thân, thì nội lực chạy lên trên đầu, nó phá vỡ bộ não ta, cái cảm giác đó gọi là tẩu hỏa nhập ma. Ngược lại, nếu biết toàn thân, lực lắng xuống dưới, bộ não mới rỗng rang. 

Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở về nguyên tắc là “đầu phải rỗng, lực dưới bụng phải đầy”. Nên người nào trên đầu rỗng, bụng đầy thì người đó khỏe mạnh, ít có bệnh tật. Tu đúng công thức này ta đi mới bền vững.
 
Thứ sáu, trong tu thiền, thái độ an nhiên tự tại là chính, cái phụ trợ là thái độ vui vẻ, khiêm nhường, siêng năng, tích cực. Không có chuyện tu thiền mà gặp ai cũng cáu giận hay bất cần, không để ý đến ai là sai. Tu thiền mà không hiện ra vẻ mặt vui tươi cũng sai. Thiền cũng không phải bất động mà phải siêng năng, tích cực giúp đỡ mọi người với thái độ hòa nhã, vui vẻ.

Thứ bảy, cái chính của thiền là kiểm soát được chính mình, tức là kiểm soát được thân và tâm, cái phụ của nó là luôn hiểu rõ mọi người để yêu thương, giúp đỡ, tử tế. Tức thiền là kiểm soát chính mình nhưng luôn có trí tuệ tỏa ra bên ngoài. Mình cảm nhận được tâm tình mọi người chung quanh mà kịp thời giúp đỡ yêu thương. Điều này rất tự nhiên dù không cố ý, nhưng tu đúng, tự nó biết nhìn ra ngoài. Đây cũng là dấu hiệu để biết ta tu thiền có tiến hay không.

Thứ tám, cái chính của thiền là yên lặng, cái phụ là phải tụng kinh. Ta phải tụng những lời Phật dạy để tái tạo, định hình lại tâm hồn mình, làm nó đẹp lên từng ngày. Khi tụng kinh, lễ Phật và dâng lời phát nguyện là ta đang định hình nghiệp của mình trong vô lượng kiếp sau.

Thứ chín, thiền là yếu tố tâm linh nhưng không được coi thường những điều căn bản của cuộc sống như ăn, mặc, ngủ... Cho nên, người tổ chức khóa thiền phải lo vấn đề ăn mặc, đi lại chu đáo cho thiền sinh là vậy. Còn với người tu thiền, khi đến với khóa thiền phải giữ gìn sức khỏe, mặc đủ ấm, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc. Vậy ta mới đủ tỉnh táo, khỏe mạnh để tu thiền. Còn để bụng đói, thân lạnh, đầu buồn ngủ, thì ta không thể ngồi yên để thiền được.

Tóm lại, bằng phương pháp liệt kê, kết hợp với việc so sánh, phân tích và nêu nhiều ví dụ cụ thể, Thượng tọa đã làm rõ cho các phật tử thấy đặc điểm và những yếu tố quan trọng, cần lưu ý khi tu thiền. Đây là kim chỉ nam, giúp mọi người tu tập đúng đắn theo con đường mà Phật đã dạy. Nhờ đó, những giá trị cốt lõi của đạo Phật được gìn giữ, những đạo lí tốt đẹp Phật dạy được lan tỏa rộng rãi ra cộng đồng.

Ngoài ra, bài pháp đưa ra lời cảnh báo, giúp mọi người tỉnh táo, sáng suốt trước những âm mưu chống phá đạo Phật của các thế lực ngoại đạo. Đạo Phật là nhân văn nhất; bảo vệ và phát triển đạo Phật là chúng ta đang gìn giữ những giá trị tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Vậy nên, chúng ta cần giữ chặt lòng mình, đặt niềm tin tuyệt đối nơi đức Phật để dẫn lối cuộc đời mình mãi đi trong chính đạo và khi bước vào cuộc sống xã hội chúng ta là những con người sống có ích.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm