Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 16/06/2016, 11:21 AM

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.12)

Nếu tài sản của ai được tiêu dùng không đúng với bốn hành động này, tài sản ấy được gọi là tài sản không đi đến lợi ích, không đi đến thành đạt, không đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ. Nếu tài sản của ai được tiêu dùng đúng với bốn hành động này, tài sản ấy được gọi là tài sản đi đến lợi ích, đi đến thành đạt, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

4. CHÁNH MẠNG
(1) Tránh tà mạng

Có năm nghề buôn bán này, này các Tỳ kheo, một đệ tử cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc. (AN 5:177)

(2) Sử dụng tài sản đúng

[Thế Tôn nói với gia chủ Anāthapiṇḍika:]
– Này gia chủ, với tài sản thu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra, đúng pháp, thu hoạch đúng pháp, vị thánh đệ tử là người làm được bốn hành động cao quý. Thế nào là bốn?

Ở đây, vị thánh đệ tử, với tài sản thu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thu hoạch đúng pháp, tự làm mình an lạc hoan hỷ và chân chánh duy trì sự an lạc ấy; giúp cha mẹ được an lạc hoan hỷ và chân chánh duy trì sự an lạc ấy; giúp vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc hoan hỷ và chân chánh duy trì sự an lạc ấy; giúp bạn bè thân hữu được an lạc hoan hỷ và chân chánh duy trì sự an lạc ấy. Đây là trường hợp thứ nhất, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

Lại nữa, này gia chủ, vị thánh đệ tử, với tài sản thu hoạch được như thế, vị ấy tự làm cho mình được an toàn, chống lại những tai họa từ lửa đến, từ nước đến, từ vua đến, từ ăn trộm đến, từ các thừa tự thù nghịch đến. Đây là trường hợp thứ hai, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

Lại nữa, này gia chủ, vị thánh đệ tử với tài sản thu hoạch được như thế, vị ấy tổ chức năm loại lễ hiến cúng: Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh tổ tiên, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư thiên. Đây là trường hợp thứ ba, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

Lại nữa, này gia chủ, thánh đệ tử với tài sản thu hoạch được như thế, vị ấy cúng dường đến các vị sa-môn, bà-la-môn sống từ bỏ kiêu mạn, phóng dật, an trú trên nhẫn nhục, nhu hòa, an tịnh tự mình, nhiếp phục tự mình, làm lắng dịu tự mình, tiến đến Niết bàn – sự cúng dường tối thượng, đem đến quả lạc dị thục, đưa đến thiên giới. Đây là trường hợp thứ tư, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

Này gia chủ, đó là bốn hành động cao quý mà vị thánh đệ tử làm được với tài sản thu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thu hoạch đúng pháp.

Nếu tài sản của ai được tiêu dùng không đúng với bốn hành động này, tài sản ấy được gọi là tài sản không đi đến lợi ích, không đi đến thành đạt, không đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ. Nếu tài sản của ai được tiêu dùng đúng với bốn hành động này, tài sản ấy được gọi là tài sản đi đến lợi ích, đi đến thành đạt, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ. (AN 4:61)

(3) Hạnh phúc của gia chủ

Thế Tôn nói với gia chủ Anāthapiṇḍika:

– Có bốn loại an lạc này, này gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc vì được sở hữu, lạc vì được tạo phước, lạc vì không mắc nợ, lạc vì không phạm tội.

Và này gia chủ, thế nào là lạc sở hữu? Ở đây, tài sản của người thiện nam tử, thu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thu hoạch đúng pháp. Vị ấy suy nghĩ: “Ta có tài sản, thu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được... thu hoạch đúng pháp”. Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Đây gọi là lạc vì được sở hữu.

Và này gia chủ, thế nào là lạc tài sản? Ở đây, thiện nam tử thọ hưởng những tài sản thu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được... thu hoạch đúng pháp. Vị ấy hoan hỷ làm các việc phước đức. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta thọ hưởng những tài sản thu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... thu hoạch đúng pháp và ta làm các việc phước đức”. Nghĩ vậy vị ấy được lạc, được hỷ. Đây gọi là lạc vì được tạo phước.

Và này gia chủ, thế nào là lạc không mắc nợ? Ở đây, này gia chủ, vị thiện gia nam tử không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều”. Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Đây gọi là lạc vì không mắc nợ.

Và này gia chủ, thế nào là lạc không phạm tội? Ở đây, vị thánh đệ tử thành tựu thân hành không phạm tội, thành tựu khẩu hành không phạm tội, thành tựu ý hành không phạm tội. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta thành tựu thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội”. Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Đây gọi là lạc vì không phạm tội.

Có bốn loại lạc này, này gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ, khởi lên cho vị ấy. (AN 4:62)
 
5. NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG GIA ĐÌNH

Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvavatthī, tại Ðông viên, lâu đài mẹ của Migāra. Rồi Visākhā, mẹ của Migāra đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visākhā:

– Này Visākhā, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này và thành công trong đời này.

Thế nào là bốn?

Ở đây, này Visākhā, nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc, biết thu nhiếp các người phục vụ, sở hành vừa ý chồng, biết giữ gìn tài sản cất chứa.

Thế nào là nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc? Ở đây, nữ nhân phàm có những công việc trong nhà, thuộc về len hay vải bông, nữ nhân ấy thông thạo, không biếng nhác, tự tìm phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm. Như vậy là nữ nhân có khả năng khéo làm những công việc.

Và thế nào là nữ nhân biết thu nhiếp các người phục vụ? Ở đây, trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người giúp việc, hay người công thợ, nữ nhân giám sát và biết họ đã làm đầy đủ công việc hay còn thiếu, biết họ khỏe mạnh hay đau bệnh, biết phân chia thức ăn thích ứng đến cho họ. Như vậy là nữ nhân biết thu nhiếp những người phục vụ.

Và thế nào là nữ nhân sở hành vừa ý chồng? Ở đây, những gì người chồng không vừa ý, nàng cũng không làm, dù cho sinh mạng bị mất. Như vậy là nữ nhân sở hành vừa ý chồng.

Và thế nào là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thu hoạch được? Ở đây, phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng mà người chồng đem về, nữ nhân ấy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi bọn ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại. Như vậy là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thu hoạch được.

Thành tựu bốn pháp này, này Visākhā, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này và thành công trong đời này.

Này Visākhā, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau và thành công trong đời sau. Thế nào là bốn?

Ở đây, này Visākhā, nữ nhân đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.

Và thế nào là nữ nhân đầy đủ lòng tin? Ở đây, nữ nhân có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Như vậy là nữ nhân đầy đủ lòng tin.

Và thế nào là nữ nhân đầy đủ giới đức? Ở đây, nữ nhân từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy là nữ nhân đầy đủ giới đức.

Và thế nào là nữ nhân đầy đủ bố thí? Ở đây, nữ nhân sống ở gia đình với tâm tư từ bỏ cấu uế của xan tham, bố thí rộng rãi với bàn tay cởi mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích chia sẻ các vật dụng bố thí. Như vậy là nữ nhân đầy đủ bố thí.

Và thế nào là nữ nhân đầy đủ trí tuệ? Ở đây, nữ nhân có trí tuệ để thấy được sự sinh diệt của mọi hiện tượng, có trí tuệ cao quý và thâm sâu đưa đến tận diệt khổ đau. Như vậy là nữ nhân đầy đủ trí tuệ.

Thành tựu bốn pháp này, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau và thành công trong đời sau. (AN 8:49)

6. CỘNG ĐỒNG
(1) Sáu nguyên nhân gây tranh chấp

6. Này Ānanda, có sáu căn bản tranh chấp này. Thế nào là sáu? Ở đây, Tỳ kheo phẫn nộ, sân hận. Tỳ kheo nào phẫn nộ, sân hận, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập. Vị ấy khởi lên tranh chấp giữa Tăng chúng, đưa đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài trời, loài người.

Này Ānanda, nếu ông thấy có gốc rễ tranh chấp như vậy, bên trong hay bên ngoài, ông phải tinh tấn đoạn trừ gốc rễ ác ấy. Nếu ông không thấy có gốc rễ tranh chấp như vậy, bên trong hay bên ngoài, ông phải tinh tấn ngăn ngừa để không có gốc rễ ác xảy ra trong tương lai. Như thế, có sự đoạn diệt các gốc rễ ác của tranh chấp, có sự ngăn ngừa để không có gốc rễ ác của tranh chấp xảy ra trong tương lai.

7-11. Lại nữa, vị Tỳ kheo hiềm hận não hại... tật đố, xan tham... gian manh, xảo trá... ác dục tà kiến... chấp thủ thế trí, cố chấp, khó thuyết phục. Tỳ kheo nào chấp thủ thế trí, cố chấp khó thuyết phục, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Ðạo sư; sống không cung kính, không tôn trọng Pháp; sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng; và sống không viên mãn sự học tập.

Vị ấy khởi lên tranh chấp giữa Tăng chúng, đưa đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài trời, loài người. Này Ānanda, nếu ông thấy có gốc rễ tranh chấp như vậy, bên trong hay bên ngoài, ông phải tinh tấn đoạn trừ gốc rễ ác ấy. Nếu ông không thấy có gốc rễ tranh chấp như vậy, bên trong hay bên ngoài, ông phải tinh tấn ngăn ngừa để không có gốc rễ ác xảy ra trong tương lai.

Như thế, có sự đoạn diệt các gốc rễ ác của tranh chấp, có sự ngăn ngừa để không có gốc rễ ác của tranh chấp xảy ra trong tương lai. Đó là sáu căn bản tranh chấp. (MN 104, Kinh Làng Sāma)

(2) Sáu nguyên tắc sống hòa hợp

21. Này Ānanda, có sáu khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. Thế nào là sáu?

Ở đây, Tỳ kheo an trú thân nghiệp trong tâm Từ đối với các vị đồng phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, Tỳ kheo an trú khẩu nghiệp trong tâm Từ đối với các vị đồng phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, Tỳ kheo an trú ý nghiệp trong tâm Từ đối với các vị đồng phạm hạnh, chỗ đông người và chỗ vắng người. Khả niệm pháp này tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, với mọi sở đắc như pháp, mọi lợi dưỡng đúng pháp cho đến những thọ lãnh trong bình bát, Tỳ kheo là vị san sẻ các lợi dưỡng như vậy, là vị thọ hưởng chúng cùng với các vị đồng phạm hạnh có giới đức. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, đối với mọi giới luật nào, không sứt mẻ, không tỳ, không vết, không ô uế, giải thoát, được người trí tán thán, không chấp thủ, đưa đến thiền định, Tỳ kheo sống thành tựu những giới luật như vậy cùng với các vị đồng phạm hạnh giữa chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Và lại nữa, đối với mọi tri kiến thánh thiện, đưa đến xuất ly, dẫn đến sự chân chánh, đoạn diệt khổ đau cho những ai thực hành theo, Tỳ kheo sống thành tựu những tri kiến như vậy cùng với các vị đồng phạm hạnh trước chỗ đông người và tại chỗ vắng người. Khả niệm pháp này cũng tác thành khả ái, tác thành tôn kính đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất.

Sáu pháp khả niệm này tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất. (MN 104, Kinh Làng Sāma)

(3) Tất cả bốn giai cấp đều có thể thanh tịnh

1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthī (Xá- vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), khu vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

2. Lúc bấy giờ khoảng năm trăm bà-la-môn từ nhiều quốc độ khác nhau trú tại Sāvatthī vì một vài công việc. Những vị bà- la-môn ấy suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này chủ trương cả bốn giai cấp đều có thể thanh tịnh. Ai có thể cùng với sa-môn Gotama thảo luận vấn đề này?”

3. Lúc bấy giờ thanh niên Assalāyana trú ở Sāvatthī, trẻ tuổi, đầu cạo trọc, chỉ có mười sáu tuổi, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu thuận thế luận và đại nhân tướng. Rồi các bà-la-môn nghĩ rằng thanh niên ấy có thể thảo luận với sa-môn Gotama về vấn đề này.

4. Rồi các bà-la-môn ấy đi đến thanh niên Assalāyana và nói:

– Tôn giả Assalāyana, sa-môn Gotama chủ trương cả bốn giai cấp đều có thể thanh tịnh. Tôn giả Assalāyana hãy đến thảo luận với sa-môn Gotama về vấn đề này.

Khi nghe nói vậy, thanh niên Assalāyana nói với các bà-la- môn ấy:

– Sa-môn Gotama là vị nói đúng pháp. Và những ai nói đúng pháp thật rất khó thảo luận. Tôi không có thể thảo luận với sa-môn Gotama về vấn đề này.

Các bà-la-môn yêu cầu lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Đến lần thứ ba, thanh niên Assalāyana ưng thuận.

5. Rồi thanh niên Assalāyana cùng với đại chúng bà-la-môn đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Rồi thanh niên Assalāyana bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, các vị bà-la-môn nói như sau: “Chỉ có bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có bà-la-môn có màu da trắng, giai cấp khác có màu da đen; chỉ có bà-la-môn là được thanh tịnh, các giai cấp phi bà-la- môn không được như vậy; chỉ có bà-la-môn mới là con chính thống của Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sinh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên”. Ở đây, Tôn giả Gotama nói thế nào?

– Nhưng này Assalāyana, các nữ bà-la-môn, vợ các bà-la- môn được thấy là có kinh nguyệt, có mang thai, có sinh con, có cho con bú. Dù vậy, các vị bà-la-môn ấy sinh ra từ nữ căn lại nói: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có bà-la-môn có màu da trắng, giai cấp khác có màu da đen; chỉ có bà-la-môn là được thanh tịnh, các giai cấp phi bà-la-môn không được như vậy; chỉ có bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sinh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sinh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự của Phạm thiên”.

6. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng các vị bà-la- môn vẫn tự nghĩ rằng: “Chỉ có bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên”.

– Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ông có nghe rằng tại Yona, Kamboja và các biên địa quốc độ khác, chỉ có hai giai cấp: Chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ; sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân?

– Thưa vâng, con có nghe như thế.

– Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các vị ấy lại nói: “Chỉ có giai cấp bà- la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?”

7. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây vị bà- la-môn vẫn nghĩ như sau: “Chỉ có giai cấp bà-la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên”.

– Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Chỉ có người khattiya (sát-đế-lỵ) sát sinh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung mới bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục; còn các bà-la-môn không phải như vậy?

Và chỉ có người vessa (phệ-đà) và người sudda (thủ-đà-la) sát sinh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mang chung, mới bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục; còn các bà-la-môn không phải như vậy?

– Không phải như vậy, Tôn giả Gotama. Dù là người khatti- ya, vessa, sudda, hay bà-la-môn – tất cả bốn giai cấp, nếu sát sinh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung đều sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

– Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các vị ấy lại nói: “Chỉ có giai cấp bà- la-môn là tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?”

8. – Dù Tôn giả sa-môn có nói như vậy, nhưng ở đây, các bà- la-môn vẫn nghĩ như sau: “Chỉ có bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên”.

– Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Chỉ có bà-la-môn từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến; sau khi thân hoại mạng chung được sinh vào cõi thiện thú vào thiên giới; còn người khattiya, vessa, sudda không phải như vậy?

– Không phải vậy, Tôn giả Gotama. Dù là người khattiya, vessa, sudda, hay bà-la-môn – tất cả bốn giai cấp, nếu từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham tâm, không có sân tâm, có chánh kiến, thì sau khi thân hoại mạng chung, đều được sinh vào cõi thiện thú vào thiên giới.

– Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các vị ấy lại nói: “Chỉ có bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?”

9. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây, các bà- la-môn vẫn nghĩ rằng: “Chỉ có bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên”.

– Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Trong quốc độ này, chỉ có bà-la-môn mới có thể tu tập tâm Từ, không hận, không sân; còn người khattiya, vessa, sudda không thể tu tập được?

– Không phải vậy, Tôn giả Gotama. Trong quốc độ này, người khattiya, vessa, sudda, hay bà-la-môn – tất cả bốn giai cấp, đều có thể tu tập tâm Từ, không hận, không sân.

– Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các bà-la-môn lại nói: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?”

10. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các bà-la-môn vẫn nghĩ rằng: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên”.

– Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Chỉ có bà-la-môn mới có thể cầm bàn chải và bột tắm đi đến sông tắm sạch bụi bặm, còn người khattiya, vessa, sudda không thể làm được như thế?

– Không phải vậy, thưa Tôn giả Gotama. Dù là người khat- tiya, vessa, sudda, hay bà-la-môn – tất cả bốn giai cấp, tất cả bốn giai cấp đều có thể cầm bàn chải và bột tắm đi đến sông tắm sạch bụi bặm.

– Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các vị ấy lại nói: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?”

11. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên”.

– Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có vua khattiya đã làm lễ quán đảnh, cho hội họp một trăm người thuộc nhiều chủng tánh khác nhau và nói: “Quý vị hãy đến đây, quý vị nào thuộc gia đình khattiya, thuộc gia đình bà-la- môn, hay thuộc hoàng tộc, hãy đem đến phần trên của đồ quay lửa làm bằng loại cây tốt, quay cho lửa và sức nóng hiện ra.

Rồi những người thuộc gia đình sudda, thuộc gia đình săn bắn, thuộc gia đình làm đồ tre, thuộc gia đình làm xe cộ, thuộc gia đình đổ phân, hãy đem đến phần trên của đồ quay lửa làm bằng gỗ máng cho chó ăn, hay máng cho heo ăn, hay máng giặt đồ, hay củi khô từ cây thầu dầu và quay cho bậc lửa và sức nóng hiện ra.

Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Có phải chỉ có ngọn lửa được đốt lên và sức nóng được tạo ra từ nhóm người thứ nhất là có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng và chỉ có ngọn lửa ấy mới dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Còn ngọn lửa được đốt lên và sức nóng được tạo ra từ nhóm người thứ hai lại không có ngọn, không có màu sắc, không có ánh sáng và ngọn lửa ấy không có thể dùng được vào các công việc do lửa đem lại?

– Không phải vậy, thưa Tôn giả Gotama. Ngọn lửa được đốt lên và sức nóng được tạo ra từ nhóm người thứ nhất là có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng và ngọn lửa ấy dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Nhưng ngọn lửa được đốt lên và sức nóng được tạo ra từ nhóm người thứ hai cũng có ngọn, có màu sắc, có ánh sáng và ngọn lửa ấy cũng có thể dùng được vào các công việc do lửa đem lại. Bởi vì tất cả loại lửa đều có ngọn, đều có màu sắc, đều có ánh sáng, tất cả loại lửa đều có thể được dùng vào các công việc do lửa đem lại.

– Ở đây, này Assalāyana, do luận cứ gì hay do thẩm quyền gì của các bà-la-môn mà các vị ấy lại nói: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên?”

12. – Dù Tôn giả Gotama có nói như vậy, nhưng ở đây các bà-la-môn vẫn nghĩ như sau: “Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt... là con cháu thừa tự của Phạm thiên”.

– Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, một nam tử khattiya cưới một nữ nhân bà-la-môn làm vợ. Do hôn phối này, họ sinh được đứa con trai. Ðứa con trai ấy sinh ra từ nam tử khattiya và nữ nhân bà-la-môn. Nó được gọi là khattiya theo cha nó, hay được gọi là bà-la-môn theo mẹ nó?

– Thưa Tôn giả Gotama, đứa con trai ấy có thể được gọi cả hai.

13. – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, một nam tử bà-la-môn cưới một nữ nhân khattiya và do hôn phối này, họ sinh được đứa con trai. Ðứa con trai ấy sinh ra từ nam tử khattiya và nữ nhân bà-la-môn. Nó được gọi là bà-la-môn theo cha nó, hay được gọi là khattiya theo mẹ nó?

– Thưa Tôn giả Gotama, đứa con trai ấy có thể được gọi cả hai.

14. – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có con ngựa cái giao phối với con lừa. Do sự giao phối này, chúng sinh được con thú nhỏ. Con thú ấy được gọi là ngựa, hay nó được gọi là lừa?

– Tôn giả Gotama, do sự giao phối khác giống như vậy, nó là con la. Ðó là sự sai biệt tôi thấy trong trường hợp này. Nhưng tôi không thấy sự sai biệt gì trong hai trường hợp trên.

15. – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có hai anh em thanh niên cùng một mẹ; một người đọc tụng, thông hiểu thánh điển; một người không đọc tụng, không hiểu thánh điển. Ở đây, giữa hai vị này, các bà-la-môn sẽ cúng dường ai trước trong các tang lễ, trong các lễ tế đàn, trong các lễ hy sinh, hay trong các bữa tiệc đãi khách?

– Thưa Tôn giả Gotama, vị thanh niên nào đọc tụng, thông hiểu thánh điển, các bà-la-môn sẽ cúng dường cho người ấy trước. Bởi vì, cúng dường cho người không đọc tụng, không thông hiểu thánh điển thì làm sao có quả báo lớn được!

16. – Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có hai anh em thanh niên bà-la-môn cùng một mẹ; một người đọc tụng thông hiểu thánh điển, theo ác giới, hành ác pháp; một người không đọc tụng, không thông hiểu thánh điển, nhưng trì giới, hành thiện pháp. Ở đây, giữa hai vị này, các bà-la-môn sẽ cúng dường ai trước trong các tang lễ, trong các lễ tế đàn, trong các lễ hy sinh, hay trong các bữa tiệc đãi khách?

– Thưa Tôn giả Gotama, vị thanh niên nào không đọc tụng, không thông hiểu thánh điển, nhưng trì giới, hành thiện pháp; các bà-la-môn sẽ cúng dường cho người ấy trước. Bởi vì cúng dường cho người theo ác giới, hành ác pháp thì làm sao có quả báo lớn được!

17. – Này Assalāyana, trước hết ông dựa vào sinh chủng, sau đó, ông dựa vào sự học thánh điển. Rồi sau đó, ông đi đến sự thanh tịnh của bốn giai cấp mà Ta đã chủ trương.

Nghe nói vậy, thanh niên Assalāyana ngồi im lặng, ủ rũ, co vai, cúi đầu, sững sờ, mở miệng không ra lời. (MN 93, Kinh Assalāyana)

Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli 
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

"Đường xưa mây trắng" giúp diễn viên Trương Ngọc Ánh tìm được bình yên

Sách Phật giáo 10:56 13/11/2024

Trương Ngọc Ánh kể khi ly hôn, chị chơi vơi. Thông điệp cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Nhất Hạnh giúp chị tìm được bình yên trong lòng.

Sách là một công cụ giúp con người thiền định

Sách Phật giáo 15:27 12/11/2024

Theo Niel Seligman (Diễn giả quốc tế về thiền định và kỹ năng sống), thiền và đọc sách có điểm chung là giúp con người tiến vào sự tập trung cao độ.

Cuốn sách giá trị về cuộc đời Đại sư Huyền Trang

Sách Phật giáo 17:03 07/11/2024

“Cuộc đời và sự nghiệp của Đại sư Huyền Trang” của Thích Tuệ Lập và Thích Ngạn Tông, do Nguyễn Phố dịch, NXB Dân Trí ấn hành là tác phẩm không thể thiếu cho những ai quan tâm đến Phật giáo, lịch sử và văn hóa nhà thiền.

TS Trần Hữu Đức chia sẻ cách ngừng khổ và tạo phúc

Sách Phật giáo 11:32 05/11/2024

“Hạnh phúc không mọc trên cây” là một tác phẩm đặc biệt được chấp bút bởi TS Trần Hữu Đức dành cho những ai đang gặp bế tắc, đau khổ, loay hoay trên con đường đi tìm hạnh phúc.

Xem thêm