Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa
Đại đức Thích Chúc Thành nói: “Chùa không chỉ là nơi thờ Phật, còn là ngọn đèn sáng giữa biển khơi, là điểm tựa tinh thần cho những người lính và ngư dân trên đảo tiền tiêu. Chúng tôi gìn giữ không chỉ niềm tin mà còn là tình yêu với biển cả, với quê hương, đất nước...."
Theo sử sách chép lại, trên các đảo giữa Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) từ xa xưa đã tồn tại các am thờ mang đặc trưng tín ngưỡng của người Việt. Điều này cũng được những người đầu tiên ra tiếp quản các đảo sau ngày giải phóng 29/4/1975 ghi nhận.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh (SN 1930), nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu kể: “Khi chúng tôi ra tiếp quản, đi được một số đảo như Song Tử Tây, Nam Yết... rồi sau này là Trường Sa, một cảm xúc lớn nhất là thấy trên đảo nào cũng có mốc chủ quyền, rồi là những am, sau này là chùa. Lòng dâng lên niềm tự hào, cảm phục bởi dù ở giữa biển khơi vời vợi này mà cha ông ta đã đến ở từ lâu lắm rồi”.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn chú trọng chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân Trường Sa. Việc xây dựng, trùng tu những ngôi chùa nơi đây đã đáp ứng nguyện vọng của quân dân trên đảo. Nhờ sự đóng góp của phật tử, Nhân dân, các tổ chức đoàn thể cả nước, quần đảo Trường Sa đã có 9 ngôi chùa to đẹp, uy nghi và tất cả các chùa đều hướng mặt về hướng Thủ đô Hà Nội.
Ở các đảo Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa, thấp thoáng những ngôi chùa với màu ngói đỏ nổi lên giữa đại dương xanh ngắt. Tất cả 9 ngôi chùa đều được tôn tạo, phục dựng với cảnh quan kiến trúc thuần Việt, công trình hài hòa với cây xanh. Dù quỹ đất hạn hẹp nhưng chùa nào cũng đủ tam quan, sân chùa, gác chuông, nhà chính điện nối thẳng góc với nhà tiền đường, mái nghiêng, lợp ngói và vút cong ở đầu đao. Tên chùa, hoành phi, các bức đại tự, câu đối đều sử dụng chữ tiếng Việt. Bát hương và đồ thờ tại các chùa trên quần đảo Trường Sa đều được in Quốc huy Việt Nam. Hai chữ “Từ bi” - “Hùng lực” tại tam quan thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Giữa màu xanh của biển cả, bầu trời và những tán cây bàng vuông, chùa Sinh Tồn bình yên bên khu dân cư, trường học rộn rã tiếng trẻ thơ. Chùa Sinh Tồn có lẽ là không gian quy tụ nhiều nét đặc biệt nhất. Chùa thờ bài vị của 64 liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma trong trận chiến bi tráng ngày 14/3/1988. Sân chùa cũng dựng nhà bia về những người con đất Việt kiên trung, bất khuất đã kết thành vòng tròn bất tử. Pho tượng Phật A di đà tọa trên hòn giả sơn ngoài sân chùa.
Trong Chánh điện chùa Trường Sa, treo bức thư pháp viết bằng tiếng Việt, theo lối thảo thư với bài thơ mang tên “Đi”: “Hãy ra đi vì biên cương biển đảo/Đi ra đi cưỡi sóng vượt trùng dương/Đi cho yên bình hiện hữu/Đi bước đi để củng cố sơn hà”.
Đại đức Thích Chúc Thành, Trụ trì chùa Sinh Tồn Đông, dù tuổi đời mới ngoài 30 nhưng đã nhiều năm làm công việc Phật sự trên đảo, tự xác định mình đã có tâm thế một chiến sĩ trên biển đảo quê hương và giữ tâm nguyện được tiếp tục gắn bó với nơi này.
Đại đức Thích Chúc Thành nói: “Chùa không chỉ là nơi thờ Phật, còn là ngọn đèn sáng giữa biển khơi, là điểm tựa tinh thần cho những người lính và ngư dân trên đảo tiền tiêu. Chúng tôi gìn giữ không chỉ niềm tin mà còn là tình yêu với biển cả, với quê hương, đất nước. Dưới mái chùa này, dù cách xa đất liền nhưng lòng người vẫn luôn ấm áp, bình yên và nguyện tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo”.
Cổng tam quan chùa Sinh Tồn Đông hiên ngang với cặp câu đối ý tứ hào sảng tinh thần chủ quyền Việt: “Đức sánh càn khôn sáng tỏ trời Nam riêng một cõi/Uy trùm vũ trụ rạng ngời đất Việt khắp muôn dân” và “Biển đảo cùng nhau thề dốc lòng giữ vẹn nền đất Tổ/Giang sơn như có hẹn nắm tay quyết trọn tấm lòng son”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa
Tin tức
Đại đức Thích Chúc Thành nói: “Chùa không chỉ là nơi thờ Phật, còn là ngọn đèn sáng giữa biển khơi, là điểm tựa tinh thần cho những người lính và ngư dân trên đảo tiền tiêu. Chúng tôi gìn giữ không chỉ niềm tin mà còn là tình yêu với biển cả, với quê hương, đất nước...."

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: "Xác định lý tưởng, thực hành hạnh nguyện của người xuất gia"
Tin tức
Nằm trong chương trình Đại giới đàn TP.Hà Nội, sáng 24-3, tại chùa Bằng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN Thủ đô, Trưởng ban Kiến đàn đã có thời pháp thoại giáo giới cho giới tử với chủ đề "Xác định lý tưởng, thực hành hạnh nguyện của người xuất gia".

Hội nghị lần thứ hai giữa Tổ công tác liên ngành tổ chức Đại lễ Vesak 2025 với Trung ương GHPGVN
Tin tức
Chiều nay 24/03/2025, tại trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh, Tổ công tác liên ngành Đại lễ Vesak 2025 của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Trung ương GHPGVN về hướng dẫn, hỗ trợ GHPGVN tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại TP.HCM.

Vẻ đẹp tâm linh độc đáo của chùa Todai-ji, có lịch sử 1.200 năm ở Nhật Bản
Tin tức
Với sự lâu đời về lịch sử cũng như kiến trúc còn mãi theo thời gian Todai-ji, ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất thế giới có lịch sử khoảng 1.200 năm ở Nara -Nhật Bản đã trở thành biểu tượng vĩ đại của đất nước này.
Xem thêm