Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 02/05/2024, 16:03 PM

Niềm tin Phật Pháp hồi sinh tôi

Sấm sét có thể rưới mưa hạnh phúc và những giọt lệ có thể nở hoa niềm tin. Trong cuộc sống mỗi người, không sớm thì muộn, sẽ có lúc chúng ta đương đầu với một khủng hoảng ghê gớm nào đó tạo nên bước ngoặt và bẻ gãy cuộc sống bình thường của mình.

Cách đây mười năm, cá nhân tôi và gia đình đã lâm vào tình cảnh như thế. Đó là thời điểm chị gái tôi đổ vỡ trong hôn nhân. Chị ấy cũng gặp khủng hoảng về tài chính do tình hình công việc không được như ý. Đồng thời lúc đó, cha tôi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán là tim có vấn đề và cần phải mổ cấp cứu ‘tạo đường tắt’.[1] Còn bản thân tôi, cũng cùng thời điểm đó, đang có công ăn việc làm, đùng một cái, tôi bị chứng bệnh mà tâm lý học gọi là ‘khủng hoảng nhân thân’[2], vậy là mất việc và mất cả một thời gian dài, tôi mới bình phục hẳn. Thế rồi gia đình tôi vỡ ra thành từng mảnh. Chỉ còn một người duy nhất trong gia đình tôi, vào thời điểm ấy, không bị ảnh hưởng trực tiếp, đó là mẹ tôi. Ông trời đã ưu ái mẹ tôi để Người có một trái tim tràn ngập yêu thương. 

Một khi thế giới vỡ vụn, dường như mọi nơi mọi chốn đều bao phủ một màu đen ngòm. Làm sao có thể thấy được tương lai vào thời điểm mà trong một gia đình bốn người, có đến ba thành viên ở trong tình thế như vậy. Trong tình cảnh đó, liệu chúng tôi có còn đủ sức để sống cho đến ngày mai không nữa. Trong u ám của chán chường, mẹ tôi tình cờ gặp được triết lý Phật giáo, một triết lý chắn chắn có khả năng giúp cho những người đau khổ tột cùng, nhất là các gia đình gặp nạn, vượt qua. Triết lý của Hội Sáng Giá (Soka Gakkai)[3] đặt nền tảng trên một thế giới hòa bình trong đó mọi người giúp đỡ lẫn nhau để sống một đời ý nghĩa, sống năng động và nơi ấy, mọi hoạt động đều chú trọng vào giáo dục và văn hóa. Đây là một tia sáng xuyên qua cuộc sống đầy những cạnh tranh khốc liệt, nơi mà bóng tối của nghi ngờ và thiếu tin tưởng nhau lấn át đến mức lắm khi chỉ thấy toàn một bầu trời xám xịt. Tuy nhiên, khi có dịp gặp nhiều thành viên của Hội Sáng Giá rồi chúng tôi thấy, có rất nhiều người sống hạnh phúc, họ thành thật cầu mong cho nhau những điều tốt đẹp, và giúp đỡ lẫn nhau là triết lý Phật giáo cốt lõi của Hội Sáng Giá. Mặc dù chúng tôi có nhiều bà con và bè bạn xung quanh, chính triết lý sống của Hội Sáng Giá thật sự đem lại niềm an ủi cho những tâm hồn đang khổ đau.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Dần dần, khi gia nhập Hội Sáng Giá, chúng tôi bắt đầu nhận ra những thay đổi tích cực trong môi trường xung quanh. Ca mổ tim ‘tạo đường tắt’ của cha tôi thành công, chỉ có biến chứng một tí thôi. Chị tôi cũng tìm được ‘một nửa’ của mình, một người làm kinh doanh đã đem đến cho chị tôi một tài sản lớn. Còn tôi, tôi cũng đã bắt đầu lại công việc một cách tuyệt vời nhất, trong điều kiện có thể, với sự cố vấn của một người biên tập nổi tiếng. Hai năm sau, kinh tế của chúng tôi, từ chỗ khánh kiệt, đã phục hồi trở lại và lắm khi còn có nhiều tiền hơn nữa. Tôi còn nhớ, năm 2000, coi đây như là một mốc thời gian đặc biệt để nhớ, khi nền kinh tế phát lên, chúng tôi cũng khá lên trong đà phát triển chung ấy. Với số tiền đổ vào đầu tư trong kinh doanh của chị tôi, cha tôi lại bắt đầu phất lên với một khoản thu nhập lớn, tôi thì với đồng lương của một nhà báo cũng tạm đủ sống. Ba người từng bị bóng đen bao phủ, giờ đây, đã hòa nhập vào xã hội, chủ yếu là nhờ vào niềm tin Phật Pháp.

Đã tám năm trôi qua kể từ ngày tôi biết đến Phật Pháp, tôi đã viết được một cuốn sách về các phương pháp làm thay đổi một con người và những lợi ích do sự thay đổi kia đem đến. Qua triết lý sống nhấn mạnh tinh thần không bạo động, thuần thiện trong cuộc sống, cảnh giác không để cho những cảm xúc tiêu cực như sân giận khởi lên, tôi đã trở thành một con người bình an hơn nhiều, một con người hoàn toàn khác với chính con người tôi trước đó. Lợi ích lớn nhất trong sự thay đổi này được phản ánh qua mối quan hệ giữa tôi với gia đình. Trước đây, tôi cũng yêu thương cha mẹ nhưng không thể nào gắn kết với hai đấng sanh thành được, bởi vì bản thân tôi khi vừa lớn lên gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống và những rối loạn làm cho tôi có cảm giác gần như bị đẩy ra khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ. Bây giờ, tôi đã cảm nhận được về tình cảm cha mẹ dành cho mình rồi. Chúng tôi yêu thương nhau nhiều hơn và để tâm chăm sóc nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình hơn bao giờ hết. Tất cả đều nhờ vào niềm tin Phật pháp!

Đạo Phật dạy rằng, nguyên nhân của những rắc rối cũng như lợi ích của mình không nằm ở bên ngoài mà ở bên trong chính con người mình. Do đó, thay vì chống đối và căm ghét môi trường sống, chúng ta thay đổi mình ngày càng tốt hơn, môi trường quanh ta sẽ bắt đầu phản ánh sự thay đổi ấy và trở thành nguồn sống có giá trị và lợi ích. Vấn đề này không dễ dàng chấp nhận trên lý thuyết mà cần phải thực hành thì mới nhận ra được. Với việc cầu nguyện và tự quán sát nội tâm, tôi đã bắt đầu nhận ra những lỗi lầm của mình, ít ra cũng thấy được một số lỗi, và đấu tranh kịch liệt với chính mình để thay đổi thành một con người cho ra ‘người’. Lợi ích đạt được, rõ ràng là kết quả của một quá trình phấn đấu lâu dài, đôi khi cũng chịu đựng đớn đau. Đây là cái mà Hội Sáng Giá gọi là ‘cách mạng con người’ và tôi đang trên đà cách mạng con người của chính bản thân tôi.

Tôi có được nhiều lợi ích trên các phương diện khác nữa như là một kết quả tất yếu trong quá trình thay đổi này. Khi tôi nỗ lực để tự hoàn thiện mình và trưởng thành hơn theo hướng niềm tin tôi vừa tìm được, sau nhiều năm tháng, tôi nhận ra rằng có sự thay đổi dần dần môi trường xung quanh. Mối quan hệ giữa tôi với sếp được cải thiện. Trong chín năm qua, tôi có ba người sếp, người sau tốt hơn người trước! Thật ra, tôi có thể nói được như vậy khi gia đình tôi và những người sếp của tôi đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống của mình. Điều này cũng cho bạn một ý niệm rằng những người này đã có vai trò tích cực thế nào đối với tôi rồi. Tất cả những điều này đều diễn ra trong một con người, trước đây hiếm khi hòa đồng được với các sếp của mình, một gã lười nhác, bê trễ cho đến khi cuộc đời anh ta gặp phải một khúc quanh vào năm 1997!

Vẫn biết không phải mọi thứ đều dễ dàng. Một điều tôi thường xuyên cầu nguyện trong cuộc sống là hãy cho tôi tìm được một ‘ý trung nhân’ là người bạn đồng hành tốt nhất mà một người đàn ông như tôi có thể có. Và người ấy đến với tôi là để sống đời chứ không phải để có mối quan hệ chóng vánh ‘vào tháng năm ra tháng chín’ bởi vì hôn nhân ngày nay thấy sao mà bấp bênh quá. Hẳn có người nói, nghĩ đến điều đó thì đã quá muộn màng rồi, nhưng tôi lại cho rằng, thà trễ còn hơn không. Và tôi tin chắc rằng, nhờ vào sự chuyển hóa đáng kể từ nội tâm, một người bạn đời như ý cũng sẽ gặp trong thời gian không xa.

Hôm nay, khi nhìn lại những khủng hoảng kinh hoàng của kiếp sống con người từng đe dọa gia đình tôi, tôi cảm thấy biết ơn khi mình đã được đưa ra khỏi bờ vực thẳm nhờ gặp được Phật Pháp. Thật ra, tôi nhận thấy rằng chính những khó khăn trong cuộc sống đã đánh thức tôi trong Pháp Phật và từ đó, tôi cảm nhận được niềm an lạc vô biên. Trong Phật pháp, quá trình này được gọi là chuyển chất độc thành thuốc hay.

*Ashok Gollerkeri là một nhà báo, và là thành viên của Hội Sáng Giá, một tổ chức Phật giáo dưới sự lãnh đạo tinh thần của Ngài Daisaku Ikeda.

Tựa đề nguyên tác là “Chuyển chất độc thành thuốc hay” (Changing poison into medicine). Người dịch xin mạn phép đổi lại tựa đề. Các cước chú là của dịch giả. 

[1] ‘Bypass surgery’: khi có đoạn động mạch vành nuôi tim bị tắc nghẽn nhiều, người ta có thể mổ để tạo một đường cho máu đi tắt tới nuôi tim mà không phải qua cái khúc bị nghẹt đó. Phẫu thuật này gọi là mổ tạo đường tắt.

[2] ‘Identity crisis’ còn được dịch là ‘khủng hoảng bản sắc’. Nhà phân tâm học Erik Erikson là người đầu tiên đặt tên gọi cho bệnh này. Đây là một loại khủng hoảng tâm thần, triệu chứng là người bệnh không biết mình là ai. Bệnh này thường xuất hiện trong quá trình chuyển tiếp qua các giai đoạn phát triển (theo ông thì đời người có 8 giai đoạn phát triển).

[3] Hội Sáng Giá là một phái của Phật giáo Nhật Liên tông, do ngài Tsunesaburo Makiguchi (1871 - 1944) sáng lập, với mục tiêu là vận động thực hiện một cuộc ‘cách mạng con người’ (Human Revolution), thay vì chỉ nghĩ đến mình thì nên nghĩ đến người khác, thay vì chỉ tạo hạnh phúc cho mình thì hãy làm cho những người xung quanh cảm thấy hạnh phúc. Bắt đầu từ những người xung quanh, rồi truyền cảm hứng lan rộng hơn, dần dần tạo thành làn sóng lớn tác động lên toàn nhân loại.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Tình thương của đức Phật

Góc nhìn Phật tử 10:10 17/05/2024

Tình thương của đức Phật dành cho chúng sinh lúc nào cũng đong đầy như hư không vô tận luôn ôm ấp dưỡng nuôi muôn loài. Nhưng còn đâu đó những chúng sinh vẫn vô tình không biết, hoặc cố tình lãng quên.

Nếu không có Phật Đản sinh?

Góc nhìn Phật tử 13:46 16/05/2024

Nếu không có Phật đản sanh, thế gian ngụp lặn trong đau khổ nhưng không biết là khổ. Bao phen khóc cười đều do tham đắm chi phối, để được phần mình mà bất chấp hậu quả, không từ tàn ác giành giật về.

Phật đản sinh trong tâm mỗi người

Góc nhìn Phật tử 09:36 16/05/2024

Ngày 14 và 15 âm lịch tháng 4 hằng năm, thành truyền thống thiêng liêng: là ngày lễ kỷ niệm Phật đản sanh - ngày quan trọng nhất đối với hàng Tăng Ni, Phật tử nói riêng và chúng sanh nói chung.

Một câu nhịn, chín câu lành...

Góc nhìn Phật tử 09:17 16/05/2024

Theo cách hiểu thông thường của đa số chúng ta, nhẫn nhục có nghĩa là nhịn nhục, chịu đựng. Tiêu biểu nhất là tinh thần nhẫn nhục này khi đi vào dân gian đã được người xưa thể hiện qua câu tục ngữ: “Một câu nhịn, chín câu lành.”

Xem thêm