Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 08/05/2016, 17:57 PM

Nikaya với Khoa học và Thế giới siêu hình (P9)

Nếu người phật tử tiếp cận những phân tích ‘cao siêu’ này và tự hỏi chúng giúp họ diệt tham - sân - si như thế nào, giúp diệt những pháp gây đau khổ như năm triền cái, các kiết sử như thế nào, người này sẽ không thể tìm được câu trả lời chân thật thích đáng, trừ những kiểu hý luận hứa hẹn viển vông.

Bốn thế giới siêu hình trong kinh tạng Nikāya
4.6 Những tế đàn cứu chuộc

Đến đây, người học Phật dù tưởng tri hay tuệ tri cũng cần phải thừa nhận rằng vấn đề TGSH là một tồn tại khách quan không nên tranh cãi. Tuy vậy, có thể còn có một tồn tại khác nữa nếu chưa hiểu rõ sẽ gây ra thắc mắc, đó là việc người cư sĩ cần phải ứng xử như thế nào cho đúng pháp đối với những người thân đã khuất?

Bài kinh ‘Bốn Nghiệp Công Đức’ có liên hệ đến vấn đề này. Trong bài kinh này đức Phật đã dạy cho cư sĩ Cấp Cô Độc bốn hành động cụ thể đối với tài sản mình kiếm được. Người cư sĩ phải biết sử dụng tài sản để thụ hưởng đúng cách nhằm đem lại lợi ích cho mình và cho người.

Người cư sĩ phải dùng tài sản ấy để tự mình được an lạc, để giúp đỡ cho cha mẹ, cho vợ con, cho người làm công, cho bạn bè, biết bảo vệ tài sản thích đáng, hộ độ cho những người tu hành; và bên cạnh đó có hành động liên quan đến TGSH. Cụ thể là:

“Với tài sản ấy, vị ấy tổ chức năm loại lễ hiến cúng, (1) hiến cúng cho bà con, (2) hiến cúng cho khách, (3) hiến cúng cho các vong linh quá khứ, (4) hiến cúng cho vua (hay cho đất nước, PNGP), (5)  hiến cúng cho chư Thiên.

Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ ba vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ” (TC1, C4, số 61 = [I.4.61])

‘Lễ hiến cúng’ ở đây được hiểu là các lễ đàn chẩn tế cứu giúp cho bà con và mọi người; lễ cúng giỗ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên để nhớ ơn những người đã khuất; lễ hiến cúng đóng góp tài sản cho quốc gia dân tộc; và lễ tưởng niệm các bậc tiền nhân có công với đất nước, với nhân loại.

Riêng lễ hiến cúng cho vong linh quá khứ đối với người thân, người học Phật cần thực hành cho đúng với chánh pháp để mang lại phước lành tốt nhất cho người quá cố lẫn người hiến cúng. Đương thời Phật, Bà-la-môn Jāṇussoṇī đã hỏi đức Thế Tôn về vấn đề này:

“- Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi Bà-la- môn, cho bố thí, làm các lễ cúng cho người chết. Mong rằng, bố thí này cho bà con huyết thống đã chết được lợi ích! Mong rằng các bà con huyết thống đã chết, thọ hưởng bố thí này! Thưa Tôn giả Gotama, bố thí có lợi ích gì cho các bà con huyết thống đã chết không? Các bà con huyết thống đã chết có được thọ hưởng bố thí ấy hay không?

- Này Bà-la-môn, nếu có tương ưng xứ, thời có lợi ích, không có lợi ích nếu không có tương ưng xứ.” (TC5, C10, bài kinh Jānussoni, số 177= [I.10.177]).

Trong bài kinh này đức Phật đã giải thích rất rõ thế nào là tương ưng xứ đem lại lợi ích và không tương ưng xứ không đem lại lợi ích, người học Phật cần đọc kỹ để thực hành cho đúng.

Ở đây chỉ nêu thêm vài chi tiết, thông thường theo suy nghĩ của Bà-la-môn Jāṇussoṇī và của nhiều người khác, con cháu người quá cố chỉ cần bày mâm cao cỗ đầy, nhang đèn tươm tất rồi mời thầy cúng đến tụng kinh, thỉnh mời người đã khuất về thọ hưởng là được.

Thật ra không có đơn giản như vậy, bởi lẽ những chúng sinh vô hình trong TGSH không có các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tương ứng như thế giới hữu hình, do vậy họ không thể thụ hưởng được những vật phẩm cúng dường bằng vật chất. Vì thế với mâm cao cỗ đầy thì chỉ có người còn sống hoặc các chúng sinh hữu hình thọ hưởng được mà thôi.

Còn chuyện đốt vàng mã lại càng vô lý. Hình thức này chẳng khác nào việc hối lộ các thần linh. Không có gì xúc phạm đến các bậc thần thánh thanh tịnh cho bằng việc này. Nếu ông thần nào dám nhận hối lộ của người trần để phù hộ cho họ, thì vị thần tối cao đã trừng trị ông thần tha hoá này trước nhất. Thần linh còn không dám nhận sự cúng dường phi pháp, người âm trong TGSH lại càng không dám.

Chính vì thế những người còn sống muốn người thân đã khuất hưởng được sự hiến cúng, họ phải biết biến sự hiến cúng trở thành những giá trị công đức siêu hình đúng pháp thì người quá cố mới thọ nhận được. Chỉ có những công đức siêu hình đúng pháp mới tương ưng xứ với TGSH và đem lại lợi ích cho người cúng lẫn người thọ nhận.

Cụ thể là người còn sống phải biết tổ chức các lễ đàn đúng pháp. Tế đàn đúng pháp phải hội đủ ba yêu cầu chính: thứ nhất vật phẩm tế đàn phải được tạo ra từ sự lương thiện, thứ hai không có sát sanh và thứ ba cần bố thí cúng dường cho những người có nhu cầu chính đáng. Ví dụ bố thí thức ăn cho những người thiếu đói; áo mặc, sách vở cho trẻ em nghèo, thuốc men cho người bệnh, bốn vật dụng cho tu sĩ... (Tham khảo hai Phẩm Bố thí, Kinh Tăng Chi, Chương 2 + Chương 8, = [I.2B + I.8B], và [I.4.39/40])

Nhờ biết thực hiện các tế đàn đúng pháp như trên, nên người sống mới có thể biến những đồ hiến cúng vật chất thành các giá trị công đức siêu hình, nhờ vậy mới có thể hồi hướng các công đức này cho người đã khuất trong các cõi tương ứng và những vị này mới thọ nhận được.

Những tế đàn này được gọi là đúng pháp vì đem lại nhiều lợi ích cụ thể cho nhiều phía:

1. Người hiến cúng với những vật phẩm đúng pháp, không sát sanh và làm bố thí từ thiện giúp đỡ cho nhiều người, vì vậy người hiến cúng đã tạo được công đức thực sự cho chính bản thân mình, đồng thời những người trí phải tán thán họ.

2. Người hiến cúng đã nêu gương tốt cho mọi người và chính con cháu của người hiến cúng được dạy một bài học trực tiếp về đạo lý căn bản làm người: đạo lý nhân ái không giết hại chúng sinh, đạo lý biết nhớ ơn tiền nhân và đạo lý giúp đỡ cho mọi người.

3. Những người bệnh, người thiếu đói, trẻ em nghèo, người tu hành cũng nhận được những sự bố thí, cúng dường đúng pháp.

4. Người đã khuất ở nơi phương xứ thích ứng cũng có thể thọ hưởng được những công đức hiến cúng tương ưng xứ đúng pháp này. Và dù người hiến cúng có chia bao nhiêu phước chăng nữa, họ cũng không mất phước. Điều này giống như dù có bao nhiêu người mồi lửa nhưng ngọn đuốc chính vẫn không vì thế tắt lửa.

Thêm vào đó, còn có những tế đàn kết quả lớn hơn, lợi ích lớn hơn đã được đức Thế Tôn chỉ dạy trong bài kinh Kūtadanta (TrB1, số 5 = [So43]). Những người học Phật cần biết rõ để thực hành cho đúng nhằm đem lại kết quả tốt nhất, lợi ích lớn nhất cho mình và cho người khác. Chính vì vậy, một tế đàn hiến cúng đúng pháp càng lớn bao nhiêu, càng đầy đủ ý nghĩa bao nhiêu, càng có nhiều phước báu bấy nhiêu. Đây mới thực sự là những tế đàn cứu chuộc cho mọi người.

5. Kết luận ba, bốn, năm, sáu phải

Trên đây mới chỉ giới thiệu một số đặc điểm chính của TGSH trong kinh tạng Nikāya. Trong giới hạn một bài viết không thể nói hết được những giá trị thực tiễn cũng như những liệu pháp giúp diệt khổ của những bài học siêu hình này. Người học Phật cần tự mình tìm hiểu thêm trong kinh tạng Nikāya để từng bước đi tới giải thoát.

Bên cạnh đó, để tránh những buộc ràng không đáng có, người học Phật cũng cần ghi nhớ rằng: vấn đề TGSH là một tồn tại khách quan, vì thế không nên mất thì giờ tranh luận chuyện có hay không có sự hiện hữu của chúng.

Do vậy, nếu có một người chấp chặt vào thế giới hữu hình thuần thuý, tìm đến người học Phật và cố chứng minh rằng chắc chắn không có TGSH. Để tránh tranh cãi người học Phật có thể nói ‘Lành thay, không có TGSH!’

Nếu người ấy chịu ngồi nghe, người học Phật có thể nói tiếp: ‘Không lành sao được khi không có những TGSH không tuân theo quy luật nhân quả, không giúp diệt trừ tham-sân-si, làm ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm; gây hại cho mình, cho người, cho xã hội; và không có lợi cho mình, cho người, cho xã hội.’

Ngược lại, nếu có người thứ hai chấp chặt vào TGSH thuần tuý, tìm đến người học Phật và cố chứng minh rằng chắc chắn phải có TGSH. Để tránh tranh cãi người học Phật có thể nói ‘Lành thay, có TGSH!’

Nếu người ấy chịu ngồi nghe, người học Phật có thể nói tiếp: ‘Không lành sao được khi có những TGSH tuân theo quy luật nhân quả, giúp diệt trừ tham-sân-si, làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm, không gây hại cho mình, cho người, cho xã hội; và có lợi cho mình, cho người, cho xã hội.’

Nếu có người thứ ba thấy vậy, la lên ‘Người phật tử là ba phải!’ Người học Phật chỉ cần đính chính thêm: ‘Lành thay, chúng tôi không chỉ có ba phải, mà còn bốn phải, năm phải, sáu phải nữa. Chúng là phải chứ có trái đâu mà không theo!’

Nói xong, nhớ chắp tay nguyện cầu cho thế giới thái bình, cho mọi người an lạc.
 
PHÂN TÍCH VÀ TỔNG HỢP

Hai phương pháp tư duy quan trọng trong đạo Phật

1. Tư duy phân tích

Trong Phật pháp, phương pháp phân tích là một trong những phương pháp tư duy rất quan trọng, đã được đức Thế Tôn nêu lên rất nhiều lần trong kinh tạng Nikāya và luật tạng Pātimokkha (1). Người học Phật nếu không biết vận dụng phương pháp này, sẽ dễ rơi vào lối tư duy suy nghĩ một chiều, hời hợt và phiến diện. Ngược lại, biết tư duy theo lối phân tích sẽ giúp cho nhận thức được toàn diện hơn, bao quát hơn và đầy đủ hơn.

(1) Ghi chú: Các trích dẫn trong bài viết này từ Kinh tạng Nikāya dựa theo bản dịch của HT.Thích Minh Châu, từ tạng Luật Pātimokkha dựa theo bản dịch của Tỳ-kheo Indacanda - Nguyệt Thiên Chính vì thế tư duy phân tích cũng là chủ trương trong Pháp và Luật của đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni.

Trong bài kinh Subha, đức Phật đã nhiều lần nêu rõ Ngài chủ trương phân tích toàn diện chứ không phải nhận định một chiều như các Bà-la- môn đương thời. Một đoạn đối thoại tiêu biểu sau đây trong kinh Subha giữa đức Thế Tôn và Subha đã nói lên điều này:

“- Này thanh niên Bà-la-môn, ở đây, Ta chủ trương phân tích; ở đây, Ta không chủ trương nói một chiều... Cái gì tốt hơn cho họ, lời họ nói lên cần phải được phân tích, cân nhắc hay không cần phải phân tích, cân nhắc?

- Cần phải phân tích, cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama...

- Lời nói (của các Bà-la-môn. PN) được nói lên có phân tích, cân nhắc, hay không phân tích cân nhắc?

 - Không phân tích, cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama” (Trung Bộ 2, kinh số 99 = [So.31]) (2)

Còn trong tạng Luật, phương pháp phân tích thể hiện toàn diện từ đầu tới cuối; và được gọi là Thắng Luật, là Tăng thượng giới bổn Pātimokkha:

“[2] ... Trong trường hợp ấy điều gì gọi là Luật? Trong trường hợp ấy điều gì gọi là Thắng Luật?

 Sự quy định gọi là Luật. Sự phân tích gọi là Thắng Luật. Trong trường hợp ấy điều gì gọi là giới bổn Pātimokkha? Trong trường hợp ấy điều gì gọi là Tăng thượng giới bổn Pātimokkha?

 Sự quy định gọi là giới bổn Pātimokkha. Sự phân tích gọi là Tăng thượng giới bổn Pātimokkha” (Tạng Luật, Tập Yếu, I. Mười Sáu Phần Chính thuộc Phân Tích Giới Tỳ-kheo)” Thậm chí, trong Đại Kinh Nghiệp Phân Biệt đức Thế Tôn đã khiển trách Tỳ-kheo Samiddhi, (2) Các ký hiệu trong ngoặc […] là các trích dẫn tương đương theo hệ thống Chín tạng Thánh Kinh vì vị này đã không biết trả lời theo cách phân tích để làm rõ việc du sĩ ngoại đạo Potaliputta cũng đã biết giả danh ‘như vầy tôi nghe Phật thuyết’ để cố tình xuyên tạc chánh pháp:

“- Này Ānanda, Ta chưa từng thấy du sĩ ngoại đạo Potaliputta, thời câu chuyện này từ đây xảy ra? Này Ānanda, câu hỏi đáng lý phải trả lời phân tích rõ ràng cho du sĩ ngoại đạo Potaliputta, lại được kẻ ngu si Samiddhi này trả lời theo một chiều” (Trung Bộ 3, số 136 = [So.35]). Do vậy, người học Phật không hiểu và vận dụng phương pháp phân tích sẽ bị đức Thế Tôn khiển trách như Samiddhi, không những thế họ khó có thể thọ trì đầy đủ chánh pháp như một hệ thống hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, người biết tư duy theo chiều hướng phân tích sẽ tránh được những cách suy nghĩ phiến diện hời hợt, nên cũng tránh được những tranh cãi vô ích do tư duy không đầy đủ.

Ngay trong thời Phật, cư sĩ Vajjiyamāhita đã nhận thức được chủ trương phân tích của đức Phật, cho nên ông đã không rơi vào bẫy của các du sĩ ngoại đạo, không những thế ông còn vạch rõ sự xuyên tạc ấu trĩ của họ để bảo vệ cho Chánh Pháp bằng sự trình bày những quan niệm hợp lý và toàn diện hơn:

“- Thưa các Tôn giả, Thế Tôn không chỉ trích mọi khổ hạnh, không nhất hướng bài bác, chống đối mọi khổ hạnh, mọi nếp sống kham khổ. Thưa các Tôn giả, Thế Tôn chỉ trích cái gì đáng chỉ trích, tán thán cái gì đáng tán thán. Thưa các Tôn giả, Thế Tôn chỉ trích cái gì đáng chỉ trích, tán thán cái gì đáng tán thán, như vậy Thế Tôn là người phân tích luận, không phải là người nhất hướng luận (nói một chiều)” (TC4, C10, kinh số 94 = [I.10.94])

Sau đó ông đã được đức Phật tán thán: “- Lành thay, lành thay, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp…”; và lấy ông làm gương để nhắc nhở các Tỳ-kheo: “- Phàm Tỳ-kheo nào, đã lâu ngày với trần cấu ít trong Pháp và Luật này, vị ấy hãy như vậy bài bác các du sĩ ngoại đạo với sự khéo bài bác nhờ Chánh pháp, như Gia chủ Vajjiyamāhita đã làm.” (Sđd)

Thêm vào đó, những Tỳ-kheo nào không thọ trì Kinh - Luật và không nắm vững tất cả các phương pháp phân tích về ý nghĩa, phân tích về Pháp, phân tích về ngôn từ, phân tích về diễn giải và không quán xét tâm theo sự giải thoát, những Tỳ-kheo này sẽ không đủ tiêu chuẩn để thảo luận cùng các Tỳ-kheo khác. Điều này đã được chính đức Thế Tôn xác định trong Tạng Luật, Tập Yếu, phần thứ tám Giáo Giới Tỳ-kheo-ni, khi Tôn giả Upāli thưa hỏi:

“(1206) Bạch ngài, không nên thảo luận với vị Tỳ-kheo hội đủ bao nhiêu điều kiện?

...Này Upāli, không nên thảo luận với vị Tỳ-kheo hội đủ năm điều kiện. Với năm (điều kiện) gì? Là vị không thành đạt sự phân tích về ý nghĩa, là vị không thành đạt sự phân tích về Pháp, là vị không thành đạt sự phân tích về ngôn từ, là vị không thành đạt sự phân tích về diễn giải, là vị không quán xét tâm theo sự giải thoát. Này Upāli, không nên thảo luận với vị Tỳ-kheo hội đủ năm điều kiện này.

Này Upāli, nên thảo luận với vị Tỳ-kheo hội đủ năm điều kiện. Với năm (điều kiện) gì? Là vị thành đạt sự phân tích về ý nghĩa, là vị thành đạt sự phân tích về Pháp, là vị thành đạt sự phân tích về ngôn từ, là vị thành đạt sự phân tích về diễn giải, là vị quán xét tâm theo sự giải thoát. Này Upāli, nên thảo luận với vị Tỳ-kheo hội đủ năm điều kiện này” (Bộ Tập Yếu, XV. Nhóm Năm Của Upāli)

Trên đây là các trích dẫn trực tiếp thuộc về chánh Kinh và chánh Luật để cho thấy phương pháp phân tích quan trọng như thế nào.

Trong thực tế cuộc sống, phương pháp tư duy phân tích cũng quan trọng không kém. Một người không có tư duy phân tích sẽ dễ dàng chấp nhận những tri kiến hoặc những nhận thức một chiều phiến diện. Dưới đây là vài ví dụ điển hình.

* Nhiều người thường nói ‘cha nào, con nấy’ (like father, like son), hay ‘mẹ nào, con nấy’ (like mother, like daughter.) Đây là kiểu nói một chiều, bởi lẽ theo một chiều khác cũng có thể nói ‘cha mẹ sanh con, trời sanh tánh’ để ứng với trường hợp trong cùng một gia đình có cùng cha mẹ sanh ra nhưng các con lại có tánh tình rất khác nhau.

Những câu nói một chiều như trên trong một số trường hợp là đúng, nhưng trong trường hợp khác lại chưa đúng. Nguyên nhân là do chúng mô tả thực tế chỉ theo một khía cạnh, không bao quát được vấn đề. Chính vì vậy, để có cách nhìn toàn diện, người học Phật phải vận dụng cách tư duy phân tích theo từng trường hợp cụ thể.

Ví dụ trong quan hệ cha con, nếu đưa thêm vào hai yếu tố ‘thiện - ác’ và theo phương pháp phân tích, sẽ có bốn trường hợp như sau:

- Cha thiện lành, con cũng thiện lành.
- Cha xấu ác, con cũng xấu ác.
- Cha thiện lành nhưng con lại xấu ác, hoặc
- Cha xấu ác nhưng con lại thiện lành.

Cũng vậy, trong mối quan hệ mẹ con, nếu thêm vào hai “tham số” hiền và dữ, sẽ phân tích thành bốn trường hợp đầy đủ hơn như sau: mẹ hiền - con hiền, mẹ dữ - con dữ, mẹ hiền - con dữ, mẹ dữ - con hiền.

Như vậy khi vận dụng phương pháp phân tích sẽ thấy những nhận thức theo kiểu ‘cha nào, con nấy,’ hay ‘mẹ nào, con nấy,’ hoặc ‘cha mẹ sanh con, trời sanh tánh’ đều là những câu nói một chiều chưa đầy đủ.

* Trong quan hệ vợ chồng, câu ‘nồi nào úp vung nấy’ thường được dùng để ám chỉ vợ chồng giống tính nết nhau hoặc ‘xứng đôi vừa lứa,’ nhưng đây cũng chỉ là nhận định một chiều, vì có những cặp vợ chồng dù bao năm chung sống nhưng vẫn không chuyển hoá được nhau mà trước sau vẫn cứ như ‘đôi đũa lệch.’ Chính vì thế, nói cho đầy đủ phải phân tích thành bốn trường hợp:

- Thiên nam sống chung ác ma nữ
- Ác ma nam sống chung Thiên nữ
- Ác ma nam sống chung ác ma nữ
- Thiên nam sống chung Thiên nữ
(Xem Tăng Chi 1, chương 4, kinh số 53 = TC1, C4, 53 = [I.4.53])

Ở đây chư Thiên được hiểu là người tốt, biết giữ giới; và ác ma là kẻ ác nhân, phá giới.

* Người ta thường nói ‘gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’ để chỉ sự ảnh hưởng từ bên ngoài. Câu nói này chỉ đúng một chiều, vì còn một chiều khác chưa nhắc đến, đó là yếu tố từ bên trong bản thân mỗi con người. Cho nên theo chiều này lại có câu nói trái ngược ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.’

Cả hai câu đều chỉ đúng trong một trường hợp nhất định, vì thế tách ra nói một chiều có khi trở thành phiến diện, chưa đầy đủ. Do vậy, phải nói theo kiểu phân tích mới toàn diện hơn, khái quát hơn. Ví dụ có thể phân tích theo những trường hợp sau:

- Có người sanh ra trong bóng tối, hướng đến bóng tối.
- Có người sanh ra trong bóng tối, hướng đến ánh sáng.
- Có người sanh ra trong ánh sáng, hướng đến bóng tối.
- Có người sanh ra trong ánh sáng, hướng đến ánh sáng.
(Xem kinh Tối Tăm, TC1, C4, số 85 = [I.4.85])

Ở đây bóng tối được hiểu là môi trường và cuộc sống phi phạm hạnh, ác giới và khổ đau; còn ánh sáng là môi trường và cuộc sống thiện lành, giới hạnh, an vui an lạc. Nhờ phân tích đầy đủ ảnh hưởng của môi trường bên ngoài và năng lực của bản thân mỗi người, từ đó mới có được cái nhìn toàn diện hơn, hiểu được đầy đủ hơn nhiều trường hợp khác nhau.

Ví dụ vì sao có người này lúc nhỏ hư, nhưng lớn lại ngoan. Có người khác lúc nhỏ ngoan, nhưng lớn thành hư. Có người lúc nhỏ hư, lớn cũng hư. Có người nhỏ ngoan, lớn cũng ngoan. Cho nên dân gian mới có câu ‘sông có khúc, người có lúc’ cũng có thể hiểu theo ý nghĩa này.

* Trong cuộc sống có nhiều người sẵn sàng huỷ hoại thân mình vì người khác, hoặc trong quan hệ đôi lứa một cô gái sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho người yêu... Những trường hợp hại mình, lợi người như trên có khi được ca ngợi, nhưng cũng có lúc bị lên án tuỳ theo quan điểm của mỗi cá nhân. Để biết ca ngợi hay phê phán cho đúng, trước hết cần phân tích để thấy đầy đủ hơn có bốn hạng người như sau:

- Có kẻ chuyên tâm hại mình, hại người.
- Có kẻ chuyên tâm lợi mình, hại người.
- Có kẻ chuyên tâm hại mình, lợi người.
- Có kẻ chuyên tâm không làm hại mình, không làm hại người; lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thế giới.
(Tham khảo các kinh Tăng Chi 4 pháp, số 95- 99 = [I.4.95-99]; kinh Kandaraka, TB2, số 51 = [Su2])

Nhờ biết tư duy phân tích như vậy mới thấy rõ được hạng người nào thực sự là hiền trí nhất, đáng ca ngợi nhất.

Qua vài ví dụ nêu trên, người học Phật phần nào hiểu được thế nào là tư duy phân tích. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các ví dụ trên để vội vàng kết luận ‘tư duy phân tích là quan trọng nhất, cần thiết nhất,’ cũng sẽ rơi vào cách nói một chiều.

Bởi lẽ, bên cạnh lối phân tích có ý nghĩa, liên hệ đến mục đích, còn có những lối phân tích không có ý nghĩa, không liên hệ mục đích. Đây là lối phân tích mà đức Phật gọi là kiểu ‘biện bác như chia chẻ sợi tóc’ và người trí gọi là lối ‘phân tích chẻ sợi tóc làm tư.’ (Kinh Pháp Trang Nghiêm, Trung Bộ 2, số 89 = [Ab.4.18])

Trong Luật Tạng, lối phân tích phi pháp, phi mục đích này còn được đức Phật gọi là kiểu ‘phân tích không thanh tịnh;’ ngược lại lối phân tích có ý nghĩa, có mục đích chân chánh là kiểu ‘phân tích thanh tịnh’:

“(355) Này Moggallāna, còn có điều khác nữa, ở đây có hạng đạo sư trong khi có lối phân tích không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: “Ta có lối phân tích thanh tịnh” và “Lối phân tích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.”

Các đệ tử biết về chính vị ấy như vầy: “Ngài đạo sư này trong khi có lối phân tích không thanh tịnh lại tỏ ra rằng: ‘Ta có lối phân tích thanh tịnh’ và ‘Lối phân tích của ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.’ Nếu chúng ta nói cho các cư sĩ, ông ta sẽ không hoan hỷ. Điều mà ông ta không hoan hỷ, tại sao chúng ta lại gây nên điều ấy cho ông ta? Vả lại, ông ta được hài lòng với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh; điều gì ông ta sẽ làm, chính ông ta sẽ biết điều ấy.”

Này Moggallāna, như vậy là các đệ tử bảo vệ vị đạo sư về lối giải thích, và như vậy là vị đạo sư mong đợi sự bảo vệ về lối giải thích từ các đệ tử.
...
(357) Và này Moggallāna, Ta có giới thanh tịnh và biết rằng: “Ta có giới thanh tịnh” và “Giới của Ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.”

Các đệ tử không cần bảo vệ Ta về giới, và Ta cũng không mong đợi sự bảo vệ về giới từ các đệ tử. Ta nuôi mạng thanh tịnh, …(như trên)… thuyết Pháp thanh tịnh, …(như trên)… có lối phân tích thanh tịnh, …(như trên)… có tri kiến thanh tịnh và biết rằng: “Ta có tri kiến thanh tịnh” và “Tri kiến của Ta thanh tịnh, trong sạch, không bị hoen ố.” Các đệ tử không cần bảo vệ Ta về tri kiến, và Ta cũng không mong đợi sự bảo vệ về tri kiến từ các đệ tử” (Lược trích: Tạng Luật, Tiểu Phẩm, VII. Chương Chia Rẽ Hội Chúng)

Đáng tiếc thay, sau này, ngay trong Phật giáo cũng có rất nhiều lối phân tích ‘không thanh tịnh,’ vô ích và lai căng. Sở dĩ có tình trạng này là do nó được du nhập từ bên ngoài, nhưng người phật tử đã không biết phân định rõ để loại trừ nên đã dễ dàng chấp nhận. Thậm chí có nơi còn xem lối phân tích biện luận ‘chẻ sợi tóc làm tư’ là căn bản của Phật pháp, là ‘duy trí thức,’ là ‘siêu vi diệu’ (!?)

Tất nhiên hai kiểu ‘phân tích không thanh tịnh’ và ‘phân tích thanh tịnh’ hoàn toàn khác nhau. Nhưng căn cứ vào đâu để biết phân biệt phương pháp phân tích nào thực sự của đạo Phật và lối phân tích nào không phải của đạo Phật, đã bị ngộ nhận? Để trả lời câu hỏi này phải dựa vào mục đích và ý nghĩa của phương pháp phân tích mới xác định được.

Thật vậy, phương pháp phân tích đích thực của đạo Phật là những phân tích có một mục đích rõ ràng và nhất quán, theo hướng làm thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm, giúp tăng cường nhận thức nhằm thấy rõ khổ và diệt khổ, bằng từng bước đoạn trừ các kiết sử - tức những sợi dây trói cột con người vào với đau khổ, và xả ly năm triền cái - tức những pháp ngăn che trí tuệ; đồng thời nhắm đến diệt trừ tham - sân - si một cách thiết thực hiện tại. Tất cả các phân tích trong chánh Kinh Nikāya và luật Pātimokkha đều thể hiện theo nguyên lý này.

Vì thế người học Phật thọ trì chánh Kinh - chánh Luật sẽ có dịp tu tập các cách nhìn toàn diện một vấn đề, từ đó từng bước giúp tri kiến của mình đầy đủ hơn, giúp thoát khổ một cách cụ thể hơn.

Ngược lại, các lối phân tích ‘chẻ sợi tóc làm tư’ bị ngộ nhận trong Phật giáo không làm được điều này, không nhằm mục đích này. Chúng chỉ khiến cho người thọ trì phải khổ sở thêm với hàng trăm hàng ngàn những khái niệm vô giá trị, mơ hồ, không được chứng minh cụ thể.

Nếu người phật tử tiếp cận những phân tích ‘cao siêu’ này và tự hỏi chúng giúp họ diệt tham - sân - si như thế nào, giúp diệt những pháp gây đau khổ như năm triền cái, các kiết sử như thế nào, người này sẽ không thể tìm được câu trả lời chân thật thích đáng, trừ những kiểu hý luận hứa hẹn viển vông.

Không những thế, những người thọ trì theo lối phân tích này ngày càng có ngã mạn tăng trưởng vì họ cho rằng mình nhớ nhiều, kẻ khác nhớ ít; mình biết chính xác, kẻ khác biết sai; từ đây mỗi khi họ gặp nhau là những tranh luận xảy ra ngay tức thời.

Tóm lại, phân tích là một phương pháp tư duy rất quan trọng trong đạo Phật, và trước sau như một, phương pháp này cũng chỉ nhằm giúp người học Phật thấy vấn đề được toàn diện hơn, từ đó giúp mình có chánh kiến, tránh khỏi những tà kiến do tư duy hời hợt gây ra, và trước sau như một, phương pháp phân tích có một mục đích cụ thể là giúp cho người học Phật thấy khổ và diệt khổ.

Chính vì thế phương pháp phân tích được vận dụng rất phổ biến trong Kinh và Luật Pāli. Trong số đó, người học Phật cần lưu ý và thực hành theo lời dạy sau đây của đức Thế Tôn: “22-23. Có một pháp, này các Tỳ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự phân tích của trí tuệ, đưa đến Niết-bàn không có chấp thủ. Một pháp ấy là gì?

Chính là thân hành niệm. Khi một pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự phân tích của trí tuệ, đưa đến Niết-bàn không có chấp thủ.” (TC1, C1, XXI. Phẩm Thiền Ðịnh (2) = [I.1.28.22-23])
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Bộ sách tỉnh thức của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung

Sách Phật giáo 17:31 21/03/2024

Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1980) đang công tác tại một bệnh viện ở TP.HCM, là tác giả của các tựa sách được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt, khởi đầu là tác phẩm Vô Thường (2016), với những câu chuyện đời thường nhưng phảng phất tinh thần Phật giáo sâu sắc.

Xem thêm