Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Nối chí Thầy, con nguyện sống thiện lành

“Những gì tôi xài thì đã mất, những gì tôi để lại thì người khác xài. Tôi chỉ được những gì tôi đã cho” (Hòa thượng Thích Giác Hạnh – Năm 2015)

Con biết đến Hòa thượng qua những bài pháp thoại được thu trong chiếc đĩa CD mẹ con vẫn thường thỉnh về ở các chùa. Ngày ấy có ít giảng sư nên dần dần con cũng nhớ được tên của người là Thích Giác Hạnh, một cái tên với con thật đẹp và đúng tâm nguyện của người. Đó là suốt đời nuôi dưỡng hạnh nguyện lớn lao, khai thị cho chúng sinh con đường giác ngộ, giải thoát khỏi cõi trần lao phàm tục bằng những lời pháp nhũ vô giá.

Con xin mạo muội được gọi Hòa thượng bằng tiếng Thầy thân thương và đạo tình để lời văn thêm gần gũi, dung dị. Hôm nay, con tình cờ đọc được tin thông báo sau 25 năm gắn bó với hoạt động phật sự của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thấu hiểu lẽ vô thường đang hằn sâu trên xác thân tứ đại, nhiệm kỳ sắp tới Thầy quyết định rút về hậu phương, giao cho hàng hậu học tiếp tục con đường Thầy đã hoạch định.

Thú thật, từ trước tới giờ con chỉ biết tới Thầy với cương vị là một giảng sư, với bước chân không mỏi mệt hoằng pháp trên mọi nẻo đường của đất nước. Đến hôm nay, con mới biết Thầy còn là người giữ một vị trí quan trọng trong Giáo hội. Con chưa có đủ nhân duyên được gặp Thầy trực tiếp, chỉ biết tới Thầy qua băng đĩa và những bài viết trên mạng. Hình ảnh Thầy hiện lên trong con luôn là một vị chân tu giản dị, khiêm nhường, mực thước.
 
Thầy có một chất giọng rất lạ, nó không trầm ấm mà hơi cao. Con vẫn nhớ nụ cười hiền hậu cùng đôi mắt từ bi, ấm áp của Thầy trong những bài pháp thoại. Lời văn của Thầy chân phương có lẽ cũng đúng với tính cách của Thầy. Thời gian thấm thoát trôi nhanh quá, nhớ những ngày cấp 2 con vẫn luôn háo hức chờ được nghe pháp của Thầy, với những chủ đề vô cùng lạ, khích thích trí tò mò của một đứa trẻ mới chập chững biết tới pháp Phật. Lúc ấy, giọng Thầy vẫn khỏe còn giờ con thấy Thầy yếu hơn xưa nhiều, vẫn đôi mắt sáng tinh anh năm nào nhưng có phần mờ hơn so với trước. 

Đúng là chẳng ai ngăn được dấu chân của thời gian, vô thường nào có bỏ qua ai. Con ngồi nhẩm tính thì mới hay Thầy đã 80 tuổi, ôi cái tuổi gần đất xa trời, cái tuổi mà con người ta đã đi gần hết cuộc đời, đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố đổi thay của thế sự. Đọc những lời tác bạch của Đại đức Thích Thiện Thuận kính dâng lên Thầy trong Lễ tri ân, con càng thấu hiểu được những khó khăn Thầy đã trải qua trong quá khứ cũng như tình thương yêu vô hạn Thầy dành cho hàng hậu học sâu đẹp đến nhường nào:

“Thầy ơi, cho chúng con gọi Thầy như ngày nào. Như những ngày tại ngôi trường Phật học Đại Tòng Lâm, những dòng pháp âm hiền hòa của Thầy tưới mát chúng con trên con đường tu học và hoằng pháp. Từ năm 1995 khi chúng con mới tốt nghiệp, Thầy đã dẫn dắt chúng con về diễn giảng. Kho tàng hoằng pháp của Thầy với hơn 10.000 chủ đề là những bài học vô giá cho chúng con… Dáng Thầy trên bục giảng năm xưa đã tan vào mây trắng, nhưng chữ của Thầy thì chúng con vẫn còn mang theo. 

Giờ này, giọng giảng của Thầy đã khàn, tai Thầy đã nghễnh ngãng chúng con cảm thấy lo sợ cho một ngày chỉ còn lại ân tình trong ngôi chùa vắng. Hôm Đại hội, Người nói với chúng con: “Nhận cái khánh vàng Phật Sự Viên Thành này là nghỉ đó con”. Thầy ơi, chúng con biết Thầy không hề nghỉ. Có chăng, Thầy chỉ ngưng mọi công việc về hành chính của Giáo hội, còn nhiệm vụ hoằng pháp độ sinh vẫn đè nặng trên vai Người. Huynh đệ chúng con nhận được từ Người tấm chân tình dũng mãnh, vô úy, nó là hành trang cho chúng con trên mọi nẻo đường làm công tác phật sự sau này…

…Hôm nay chúng con mượn phương tiện để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn. Không có Thầy và sự ân cần chỉ dạy, dìu dắt của Người làm sao chúng con có được ngày hôm nay. Rồi mai này, ai trong chúng con sẽ là người còn nhớ đến Thầy? Chúng con sẽ không là khách hững hờ qua sông rồi không quay lại bến đò xưa. Chúng con sẽ không để Thầy trở thành ông lái đò trên bến nước cô liêu, mà lặng lẽ nhìn dòng đời trôi chảy.

Bạch Thầy, cho dù là 10 năm hay 20 năm nữa thì chúng con vẫn mãi là người học trò bé nhỏ của Thầy như 25 năm trước. Huynh đệ chúng con xin được chắp tay chí thành cầu nguyện đức Phật gia hộ cho Người thân tâm thường lạc, để tiếp tục sống trọn vẹn với hạnh nguyện hoằng pháp lợi sinh của mình…”

“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”

Những lời bộc bạch đầy chân tình của Đại đức Thích Thiện Thuận, có lẽ đã nói thay cho tiếng lòng của những người con Phật như con, những người đã may mắn được nghe giọng nói của Thầy hay chỉ nhìn thấy Thầy qua những bài giảng pháp trên mạng và trên đĩa. Quả thực, những điều được viết nên bởi trái tim chân thành luôn dễ chạm tới xúc cảm của mọi người. Chỉ vài dòng viết ngắn ngủi, nhưng con cũng phần nào cảm nhận được tình thầy trò, nghĩa pháp lữ của Thầy và chúng đệ tử đã có cơ duyên được Thầy chỉ dạy sâu nặng đến nhường nào.

Nhà giáo dục học Usinxki đã từng viết: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kì cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. Người xưa vẫn luôn nói: “Thầy nào trò nấy, trò nào thầy nấy” quả thật không sai. Nhìn những vị đệ tử được Thầy dày công chỉ dạy từ những ngày còn non trẻ trên bước đường học đạo, giờ đây đã trưởng thành và nối tiếp con đường hoằng dương Chánh pháp của mình, chắc Thầy cũng phần nào an tâm phải không ạ?
 
Một đời lặng lẽ cống hiến cho hoạt động phật sự, đôi chân Thầy đã đi đến khắp mọi tỉnh thành không chỉ trong nước, mà còn gieo duyên cho hàng phật tử đang sống tại các nước trên thế giới. Thầy lúc nào cũng chỉ khoác trên mình chiếc áo nâu sờn đã cũ, phai mầu thời gian, rong ruổi khắp mọi vùng quê hẻo lánh để đem ánh sáng của đạo Phật tới những người dân chân phương, chất phác. 

Cảm tạ Thầy đã giúp con ngộ ra được mối quan hệ giữa đạo và đời. Quả thật, đạo lúc nào cũng phải gắn liền với đời, không có đời thì chẳng có đạo. Khi ý thức được việc sống ở đời mà có đạo thì thực sự hạnh phúc, an lạc. Và sống đạo để cứu đời thì mới thật là đạo.

Như cánh chim không mỏi, Thầy lúc nào cũng sống trọn với chí nguyện của mình, đúng với tên của Thầy: Hòa thượng Thích Giác Hạnh – người con Phật với hạnh nguyện cứu độ muôn loài chúng sinh thoát khỏi sông mê, giác ngộ chân lý “Tứ Diệu Đế” để trở về cõi Niết bàn an nhiên, hỷ lạc. 

Từ Hà Nội xa xôi con xin gửi tới Hòa thượng Ân sư lời cảm tạ sâu sắc nhất, cảm tạ Thầy suốt 25 năm qua vẫn luôn âm thầm cống hiến cho nền Phật giáo nước nhà. Dù sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Thầy vẫn luôn miệt mài trọn đời vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của mình. Noi gương Thầy, chúng con sẽ cố gắng tinh cần tu học, giữ gìn 5 giới thiện pháp và sống theo 10 điều lành để xứng đáng với công sức của Thầy suốt quãng thời gian qua.

Con xin trích bài thơ “Nối chí Thầy” của Ni sư Thích Nữ Huỳnh Liên như một lời gợi nhắc bản thân trên hành trình tu học:

“Ước muốn làm sao nối chí Thầy
Hoằng dương Chánh pháp khắp Đông Tây
Oai nghi giữ gìn từng năm tháng
Hạnh nguyện trau dồi mỗi phút giây
Kinh kệ thuộc lòng thông diệu lý
Văn chương điêu luyện, luyện lời hay
Tham thiền nhập đạo bừng tâm trí
Ước muốn làm sao nối chí Thầy”.

Diệu Âm Minh Tâm
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Tuỳ duyên mà đi hay ở

Phật giáo thường thức 08:30 20/04/2024

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo: Chư Tỷ kheo, Ta sẽ giảng pháp môn về khu rừng. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ. 

Giữ tâm ý trong sạch

Phật giáo thường thức 17:50 19/04/2024

Khi nhìn lại hành động mà mình thực hiện, mình thấy mình có ý niệm trước khi có hành động. Cái ý niệm hay cái tâm ý khởi lên trước, sau đó hành động hay lời nói mới theo sau. Có nhiều khi, tâm ý đã có trong mình rất lâu, cho đến lúc đủ mạnh để thúc đẩy mình hành động.

Phàm thánh cũng từ đây

Phật giáo thường thức 14:00 19/04/2024

Chánh niệm và tỉnh giác cao độ thì vẫn thấy nghe hay biết đầy đủ mà không phân biệt, chẳng dính mắc. Nhờ không dính mắc mà hỷ tham không sinh khởi. Hỷ tham không sinh khởi thì khổ đau cũng không có cơ sở phát sinh. Đó là nền tảng của tu căn.

Sám hối mỗi ngày để nhận diện lỗi lầm, phát huy đức tính tốt đẹp

Phật giáo thường thức 13:30 19/04/2024

Trên tinh thần tu tập mỗi ngày mỗi giờ, chúng ta luôn luôn dành thời gian an tĩnh để trì niệm danh hiệu của Chư Phật, đảnh lễ hồng danh của Chư Phật. Nhờ công đức thù thắng từ ba nghiệp thanh tịnh khiến cho chúng ta được bình yên trong đời sống tu tập.

Xem thêm