Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Nói chuyện với tâm mình

Sớm mai tiết trời mát mẻ, âm thanh còn trong trẻo của một góc đường ngoại thành, thi thoảng có tiếng chim sâu trên mái tôn trước cửa sổ phòng trọ ríu ran có vẻ như đang chào một ngày mới tươi vui. Tôi trang nghiêm Tịnh độ một góc phòng trọ, một cõi lòng mở ra cùng trang kinh nhật tụng. 

Lúc này, với tôi, ngày Chủ nhật thật ý nghĩa sau những ngày làm việc trong tuần phải gấp gáp vì công việc, vì thời gian hạn hẹp chưa dành hết cho kinh sách, vì những giây phút hí luận cùng chúng bạn, vì sự buông lung biếng nhác và căn bệnh họ đổ tên thừa khi nghĩ tới việc giữ gìn trai giới của phật tử tại gia…

Biết lịch hôm nay ở chùa có tổ chức thọ Bát quan trai, khóa tu một ngày một đêm dành cho cư sĩ giữ gìn tám giới cấm. Tôi vừa toan đi ra khỏi cửa, bạn tâm đã nhắn nhỏ một câu rằng: “Sao không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe sau một tuần làm việc đời, giờ còn đi chi cho mỏi mệt vậy?!”. Tôi thẳng thừng với bạn rằng: “Những ngày cuối tuần mà gặp được đạo tràng thọ Bát quan trai là duyên lành, phước báu biết bao, sao bạn lại ngăn?”. 

Bạn tâm lại thỏ thẻ bên tai tôi: “Bạn đã tinh tấn lắm rồi, sáng này bạn đã tụng kinh, niệm Phật, hồi hướng rồi. Tu ở nhà cũng như tu ở chùa thôi. Phật ở khắp mọi nơi mà!”. “Bạn sai rồi! Vì ở nhà gieo duyên chướng ngại, tôi dễ bị bạn níu kéo làm ngủ quên trong thời khóa, đôi lúc chỉ thắp nén nhang kính Phật mà quên gột rửa thân tâm này. Như vậy chỉ là tu trong hình thức. Còn đến chùa có Tam bảo, có đạo tràng; trong lúc tụng kinh, trì danh Phật thì thân tâm dõng mãnh, tinh thần sáng suốt, không thể ngủ gục, không thể không trang nghiêm, không thể dễ dãi với chính mình trong đi - đứng - nằm - ngồi - nói năng và cả sự suy nghĩ. Lúc đó, làm gì, nghĩ gì cũng là Chánh pháp, bạn khó mà ngăn trở được. Đó là cánh cửa giải thoát bất khả tư nghì!”. “Tại sao bạn phải tu một ngày tại chùa?”. “Tôi làm vậy để tăng trưởng niềm tin, phá những nghi lầm còn vướng mắc, thấy được hạnh tu của Tăng bảo, của đạo tràng để xây dựng cho bản thân một lòng tin chắc thật rằng nhân quả luôn theo mình như hình với bóng. Bạn hãy tin tôi đi, bạn tâm à! Nào chúng ta cùng tu!”. Lúc bấy giờ bạn tâm trong tôi im lặng và lẽo đẽo cùng tôi đến đạo tràng.

Tiếng niệm Phật trong tôi không dứt từ nhà trọ tới chùa và bạn tâm hoan hỷ xướng theo.

Ngài Di Lặc Tôn Phật đón tôi bằng nụ cười trước sảnh vào chánh điện. Bạn tu bất kể quen hay lạ đều gửi đôi mắt từ ái, lời chỉ dẫn tận tường, tôi đã nhận được những tấm lòng như hương, như hoa từ những người lạ ấy mà tôi gọi là đạo tràng. Tôi chậm bước theo dòng người lên chánh điện lễ Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Khi đối diện trước tôn tượng người thầy chỉ đường vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, tôi thêm quy kính và nghĩ về công hạnh của Ngài từ những hiểu biết nông cạn, sơ cơ của bản thân.
 
Khi tôi cùng đạo tràng lạy Ngài theo sự hướng dẫn của quý thầy, ông Phật trong tôi bừng dậy, viên ngọc trí tuệ và từ bi bắt đầu trỗi lên.

Không riêng gì người đã lên tuổi hàng ông, hàng bà mà cả thanh niên, trẻ em cũng có mặt trong Pháp hội này! Sự tu học vô bờ, mỗi người đến với đạo tràng tuy có khác nhau về độ tuổi, giới tính, trình độ, nghề nghiệp, tài vật… Nhưng có một điểm chung là ai cũng có lòng hướng Phật và mong trở thành Phật, ai cũng gieo hạnh Bồ Tát và đều nói về chuyện Đạo!

Khi niệm Phật kinh hành tôi nghĩ về mái chùa quê, nơi có những cư sĩ tuổi đáng ông, đáng bà mình vẫn kiên trì tu hành, dù tu muộn nhưng họ vẫn cầm chắc tràng chuỗi và không ngừng tưởng nhớ ơn Tam Bảo. Họ từng kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện vãng sanh nếu tu đúng, tu thật. Lâu lắm từ ngày tôi rời quê, rời khỏi mái chùa quê năm nào, hình ảnh của những cụ già niệm Phật kinh hành vẫn dai dẳng trong tôi. Lúc này có thể có người trong số họ không còn nữa hoặc cũng có người đã viên mãn hạnh nguyện. Tôi thầm nguyện những người trong đạo tràng năm xưa ấy mãi mãi đang vui pháp lành và đang niệm Phật kinh hành ở cõi cực lạc quốc “cách đây mười muôn ức độ”.

Lúc này cõi Tịnh độ là đây, trong giây phút hiện tại này. Tôi với tâm chỉ toàn khởi lên những điều thiện lành, nghĩ về tình thương khắp chúng sanh; điều quấy không còn dịp, không thể nảy mầm được khi mỗi niệm đều quy hướng về Tam Bảo, nghĩ tưởng về nhân quả nên hầu như mỗi người trong đạo tràng đang ngồi trên những cánh sen đầy hương pháp. 

Buổi nghỉ trưa, người bạn trẻ ngồi cạnh tôi chia sẻ: “Những ngày cuối tuần gặp dịp thọ bát thì đi, ở nhà lại đắm say trong những thú vui thường tình dễ hư hỏng mình, uổng phí một đời này”. Tôi nghe mà giật mình, thẹn với người, trước đây, những ngày nghỉ tôi chỉ cùng chúng bạn đắm chìm trong men rượu hay như chở vợ con du hí. Ngẫm lại thấy tuổi ngày thêm trôi qua mà phước mỏng, tội dày, hết thân này rồi theo nghiệp mà trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Cảm ơn người bạn trẻ đã thổ lộ tâm sự mà như đang nói về tôi.

Chợt nhớ trong buổi pháp đàm, có đoạn thầy chia sẻ vì sao thầy ăn chay và đến với Đạo. Thuở nhỏ thầy thường được bà dẫn đi chùa nghe pháp, lễ Phật rồi trong nhà chứng kiến cảnh nhân quả hiện tiền về nghiệp sát sinh (giết gà vì cuộc sống mưu sinh) của người cô phải bị bướu cổ, bị đau đớn trong thể xác và một câu nói của cô lúc đó đã làm thầy từ bỏ việc ăn mặn và từ đó hướng tâm đến với Đạo, người cô nói: “Con ăn con gì thì sau này nó sẽ ăn lại con như vậy. Nếu ăn cua thì sau này cua sẽ kẹp, ăn cá rồi sau này cá nó sẽ rỉa lại mình, thảm lắm!”. 

Bao cảnh oán hận, sân cuồng cũng từ nghiệp sát sinh mà gây nên quả báo luân hồi như một vòng tròn khép kín mà kẻ gây tạo không thể nào ra khỏi vòng tròn đó được. Nghĩ về sự trả oán và chịu đau đớn đó nên thầy bỏ ăn mặn theo chay trường từ bấy cho đến nay. Thầy đã thoát khỏi ngôi nhà lửa của thế gian mà vào ngôi nhà Chánh pháp đầy hỷ lạc bằng một niệm ngộ lành! Thế mà chúng ta đã nghe thầy giảng, nghe và học bao nhiêu quyển sách và băng đĩa cùng nhiều giảng sư giảng về Đạo - Đời nhưng mặc nhiên lòng vẫn cứ rong chơi cõi Ta-bà trong sự mê muội đầy cám dỗ của bạn tâm quyến rũ bỏ lành làm ác, bỏ thiện theo tà, chán đúng theo sai. Tôi rùng mình hoảng sợ trong khoảnh khắc ấy về sự sát sinh.

Khi nghĩ về 8 giới phải thọ lãnh: “Không được sát sanh; không được trộm cướp; không được dâm dục; không được nói dối; không được uống rượu; không được trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và xem múa hát; không được nằm ngồi giường cao rộng đẹp đẽ; không được ăn quá giờ ngọ” (không ăn phi thời) tôi hổ thẹn và quyết giữ giới để không luống công một đời đã sống, đã gặp Tam bảo.

Trong buổi nói chuyện đạo và đời với một người anh em là cư sĩ nhiều năm, có một câu đại ý anh nói: “Sống và làm việc như tánh nước, hạnh như đất”. Câu ngắn mà nghĩa sâu mầu, nhiều ngày tôi phải suy ngẫm và nguyện nên hành trì và sống được như vậy thì cõi Tịnh độ đang ở ngay trước mắt chứ  ở đâu xa.

Một ngày thọ Bát quan trai tức là một ngày buông xả những thói quen huân tập có xấu, có tốt trong đời sống hàng ngày. Cửa Phật rộng mở, ngọc ma-ni trong túi áo người đã bày mà tôi còn ngại chi, tôi còn mải mê làm gã cùng tử nghĩ chấp về phận thấp hèn, nghèo khó mà không dám gặp kho tàng, không dám mở cửa Phật tánh trong bản thân mình thì làm sao mà đến được cõi tịnh?!

Thật vậy, chuyện tu không khó, khó hay không là do chính mình nghĩ về nó. Bởi thường, ta cứ nghĩ phải thế này, phải thế kia thì mới tu được. Cảm ơn đạo tràng, cảm ơn khóa tu mùa hè, cảm ơn tôi đã nhấn chìm tâm ma của mình, dù chỉ là trong khoảnh khắc ngày thọ Bát quan trai. Đức Phật không phân biệt, tại sao mình lại chia ra nhiều hình thức và cách làm phân biệt để tìm niềm vui mà khởi toàn buồn phiền hệ lụy. 

Một lần nữa, Tam bảo đã hiển bày chân chánh, con đường đã rõ, tôi với người có cùng nhịp chân tiến bước, có cùng lên thuyền Bát-nhã qua sông mê trong phút giây này hay không, đừng chần chừ nữa kẻo ngọn sóng vô thường ập đến tôi vỡ sẽ không kịp giữ thân tâm này lấy đâu ra chuyện muốn tu, cầu Đạo!

Thiện Ngộ
Nguồn: http://giacngo.vn/vanhoa/2015/08/21/1E760B/
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật dạy thần chú phá trừ những việc xấu ác

Phật giáo thường thức 17:33 26/04/2024

Nếu người trì tụng muốn làm pháp này được thành tựu, trước cần phải sạch sẽ trai giới, phát tâm chí thành tụng đà-ra-ni 10 vạn biến cho được thuộc làu rồi, nhiên hậu mới tùy chỗ làm phép được thành tựu.

Làm sao con chuyển hóa được niềm đau trong con thành sự an lạc và tĩnh lặng?

Phật giáo thường thức 15:00 26/04/2024

Hỏi: Thưa Thầy, khi con nhìn thấy Thầy, con cảm nhận được sự định tĩnh và niềm an lạc nơi Thầy, nhưng đồng thời con lại thấy một niềm đau trong con…Con muốn được như Thầy. Làm sao con có thể chuyển hóa niềm đau trong con thành niềm vui, sự an lạc và tĩnh lặng như Thầy?

Thực hiện ước mơ

Phật giáo thường thức 13:50 26/04/2024

Người có phước đức, định lực, trí tuệ là điều kiện cần để thực hiện được ước mơ của mình. Không có phước đức trí tuệ thì sẽ rất khó thực hiện được ước mơ của mình. Sống thế nào có thể tăng trưởng phước đức định lực trí tuệ?

Chủ động tìm kiếm bạn đường hay để tùy duyên phận?

Phật giáo thường thức 12:35 26/04/2024

Hỏi: Khi đến lúc phải lập gia đình, tìm một người đi cùng mình để trải nghiệm bài toán cuộc đời thì lúc đó mình nên đi tìm kiếm, hay chỉ đơn giản là cầu nguyện và để pháp tự vận hành. Con rất mong nhận được câu trả lời của Thầy.

Xem thêm