Pháp thân Phật hằng hữu
Cuộc đời hoằng hóa độ sanh của Đức Phật trong tám mươi năm trụ thế thể hiện trí tuệ và đạo đức siêu phàm, được ghi lại trong các kinh điển.
Vâng, chỉ duy nhất có một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trên cuộc đời này, dìu dắt mọi người trở về bến giác, nhưng khi Đức Phật mang thân hữu hạn, tất nhiên Ngài phải nhập diệt. Từ đó, chúng ta mất Phật vĩnh viễn chăng.
Không, Đức Phật vẫn hiện hữu bên cạnh chúng ta, nhưng có người thấy Phật, có người không thấy. Đức Phật xác định trong kinh Pháp hoa, phẩm Như Lai thọ lượng rằng những người tâm ý ngay thật, dịu hòa, một lòng muốn thấy Phật không tiếc thân mạng, mới có thể thấy Ngài hiện hữu thường hằng. Trái lại, người sống với dục vọng, bị vô minh ngăn che, kinh gọi là chúng sanh điên đảo thì không thể nào thấy Phật.
Từ Ân đại sư ví họ như người mù không thấy ánh sáng, dù mặt trời luôn chiếu sáng. Cho đến người nghiệp nặng hơn nữa lại thấy thế giới cháy rụi, trong khi Tịnh độ của Phật ở ngay tại Ta-bà hoàn toàn an ổn, tốt đẹp, có bông trái, kỹ nhạc, hoa Mạn-đà-la.
Ngoài ra, Đức Phật còn cho biết: “... Nhưng thiệt từ Ta thành Phật đến nay trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, thường ở Ta-bà thị hiện sanh thân trong nhiều quốc độ thuyết pháp giáo hóa vô số chúng sanh thọ mạng sai khác, tùy theo loại hình mà khai phương tiện chỉ bày chân thật thậm thâm vi diệu...”.
Như vậy, chẳng những Đức Phật thường trụ ở Ta-bà giáo hóa chúng sanh, mà Ngài còn hiện hữu trong khắp mười phương, làm lợi ích cho chúng sanh chưa từng ngừng nghỉ.
Ở chỗ khác, Ngài thành Phật có tên khác. Ở Ta-bà, Ngài mang tên Thích Ca Mâu Ni. Tùy theo nghiệp cảm của chúng sanh, Đức Phật hiện thân ở mỗi nơi không giống nhau, hoặc niên kỷ lớn nhỏ dài ngắn khác nhau.
Qua lời dạy của Đức Phật, mở ra cho chúng ta thấy Ngài giáo hóa lâu dài và rộng lớn vô cùng tận, chưa từng gián đoạn. Đó chính là hình ảnh đặc biệt của Đức Phật theo kinh Pháp hoa. Và điểm đó cũng minh chứng cho nhân cách siêu tuyệt, tối tôn của Đức Phật trên cuộc đời này, cùng với sự hiện hữu trường tồn của đạo Phật hơn hai mươi lăm thế kỷ.
Nếu chỉ thấy Phật Thích Ca là một con người bình thường như bao nhiêu người khác, nghĩa là Ngài ra đời, lớn lên, thuyết pháp rồi già chết, rơi vào lãng quên theo tháng năm, chúng ta chẳng theo Phật tu cho phí công.
Theo kiến giải của kinh Pháp hoa, vì chưa có ai thấy biết Đức Phật thật vĩnh hằng, tức Pháp thân Tỳ Lô Giá Na, nên Phật phải hiện thân người giống như họ, với danh xưng là Thích Ca Mâu Ni.
Pháp thân Phật hiện hữu bất tử trong Pháp giới ở dạng thể tánh, tất yếu cần có Đức Phật Thích Ca trên mặt hiện tượng mang thân sanh diệt nói pháp cho người sanh diệt ở Ta-bà.
Ý này được kinh Pháp hoa diễn tả bằng hình ảnh ông trưởng giả cởi chuỗi anh lạc, mặc áo thô rách, tay cầm đồ hốt phân, gần gũi chỉ dạy gã cùng tử, để nhằm chỉ cho Phật Pháp thân Tỳ Lô Giá Na hằng hữu miên viễn có khả năng điều động muôn pháp trong vũ trụ.
Từ Pháp thân Phật, Ngài khởi tâm đại bi, xuất hiện ở thế gian mang thân tứ đại ngũ uẩn, làm Thái tử Sĩ Đạt Ta và tu hành thành Phật Thích Ca Mâu Ni.
Như vậy, sanh thân Phật Thích Ca xuất hiện trên cuộc đời này chỉ là phương tiện để độ sanh của Phật Pháp thân hằng hữu bất tử. Nói cách khác, Đức Thích Ca đã thành Phật từ vô số kiếp quá khứ thật lâu xa, không phải mới rời bỏ cung vua, xuất gia, thành Vô thượng giác trong đời này như chúng ta lầm tưởng.
Thật vậy, điều này đã được Đức Phật khẳng định trong kinh Pháp hoa, phẩm 16, Như Lai thọ lượng: “... Nhưng thiệt từ Ta thành Phật đến nay trải qua vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nhờ kinh Pháp hoa cảm thành thọ mạng, thâm nhập Pháp thân vĩnh hằng bất tử, nhưng dùng phương tiện nói sẽ diệt độ...”.
Đức Phật thành Phật từ lâu xa. Thành Phật không có nghĩa là thành một cái gì mơ hồ, ở đâu đâu mà chúng ta không nắm bắt được. Ngài thành Phật nghĩa là thành tựu Báo thân viên mãn. Và chúng ta cũng đừng lầm tưởng Báo thân viên mãn Lô Xá Na là cái gì trừu tượng ở trong hư không.
Báo thân Phật chính là phước đức, trí tuệ mà Đức Phật đã tu tạo được. Trải qua vô số kiếp xả thân hành Bồ-tát đạo, Ngài đã tu bồi giới đức, trí tuệ, làm lợi ích cho người, dẫn dắt người rời bỏ sự mê lầm chấp trước, đưa họ đến tri kiến đúng đắn như thật và đời sống an vui, giải thoát.
Trên lộ trình thể nghiệm Bồ-tát hạnh, Ngài đã tích lũy phước đức, trí tuệ đầy đủ qua vô lượng kiếp tự hành hóa tha mới tạo thành Báo thân viên mãn. Và Đức Phật dùng Báo thân viên mãn để thâm nhập Pháp thân vĩnh hằng bất tử.
Nói cách khác, Ngài sử dụng phước đức, trí tuệ vẹn toàn của bậc Toàn giác để khai phương tiện dìu dắt chúng sanh. Phước đức, trí tuệ của Phật tác động đến người nào, họ liền phát tâm và có suy nghĩ, lời nói hay việc làm giống Phật.
Thí dụ như ngày nay, chúng ta tiến tu theo lời Phật dạy, tự nguyện thể hiện cuộc sống theo Phật, tức chúng ta đã tiếp nhận trí tuệ, phước đức của Phật gieo vào tâm ta, vào đời sống của ta. Từ đó, chúng ta mang pháp Phật đã thành tựu để xây dựng cho người phát triển tri thức và đạo đức.
Như vậy, chúng ta và quyến thuộc đã tiêu biểu cho một phần thân Phật. Và những quyến thuộc của ta được hưởng sự lợi lạc của pháp mầu, họ lại mang truyền cho người khác.
Cứ như vậy, mà tri thức và đạo đức theo Phật dạy được nhân rộng khắp năm châu trong suốt thời gian hơn hai mươi lăm thế kỷ và chắc chắn còn lưu truyền rộng hơn nữa.
Đức Phật đã khẳng định điều này rằng Báo thân viên mãn hay phước đức, trí tuệ của Ngài tác động sâu xa cho muôn loài theo cấp số nhân, không có điểm kết thúc. Nghĩa là Đức Phật hành đạo Bồ-tát, tu tạo phước đức trí tuệ đến mức trọn vẹn, tạo thành Báo thân có thọ mạng dài lâu chẳng những không chấm dứt, mà mỗi ngày cứ phát triển thêm, nên gọi là hữu thỉ vô chung. Hữu thỉ vì có khởi điểm tu hành thành Phật, nhưng vô chung vì thân phước đức, trí tuệ của Phật luôn mở rộng theo sự tiến tu của muôn loài.
Vì vậy, từ vô số kiếp quá khứ, trải qua quá trình tu Bồ-tát hạnh, tích lũy phước đức, trí tuệ viên mãn, nên Ngài đã thành Phật, có Pháp thân vĩnh hằng bất tử.
Và từ cốt lõi là Phật có thọ mạng miên viễn, Ngài thị hiện lại Ta-bà, mang sanh thân, thì cũng bị ngũ uẩn chi phối. Tất yếu Phật cũng phải hạ thủ công phu để vượt qua sự ngăn che của ngũ ấm thân. Tuy nhiên, vì có sẵn cốt lõi bên trong là Phật đã thành, tức có sẵn phước đức và trí tuệ, nên quá trình tu hành đắc đạo ngay trong hiện đời của Phật Thích Ca dễ dàng hơn người thường chỉ có sẵn bên trong một khối nghiệp ác.
Tóm lại, dưới lăng kính Pháp hoa, quá trình tiến tu thành Phật của Đức Thích Ca khởi điểm từ Quả môn hay Bổn môn là Phật Pháp thân thọ mạng bất tử, đi ngược xuống Nhân môn hay Tích môn, để thị hiện làm Phật Thích Ca.
Trong khi chúng ta khởi tu từ Nhân môn tiến lần lên Quả môn, nghĩa là từ một người bình thường phải nỗ lực phát triển trí tuệ, đức hạnh của mình và giáo hóa người cho đến ngày đầy đủ công hạnh của Bồ-tát, mới đạt quả vị Toàn giác, có được Pháp thân vĩnh hằng bất tử giống như Phật.
Ý thức sâu sắc lộ trình tu như vậy, mong rằng Tăng Ni, Phật tử tinh tấn tiến tu Bồ-tát đạo, để nuôi lớn Báo thân, thăng hoa tri thức và đạo đức, mang an lạc, giải thoát cho người. Thiết nghĩ đó là mô hình thể hiện cuộc sống chân thiện mỹ, một con đường tất yếu cho loài người thăng hoa.
HT.Thích Trí Quảng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Đức Phật 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Những đức tánh của Phật
Đức Phật 17:40 02/10/2024Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.
Bốn loại biện tài của Phật
Đức Phật 11:20 24/09/2024Biện tài của Phật vô ngại, đó là đạt đến cứu cánh viên mãn. Trên Kinh, Phật vì chúng ta giải thích biện tài có 4 loại: Nghĩa, Pháp, Từ vô ngại, Lạc thuyết.
Xem thêm