Pháp thoại nhân dịp kỷ niệm ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia
Sáng nay, ngày 21.3.2021, nhằm ngày 9 tháng 2 năm Kỷ Sửu, tại hội trường chùa Quán Sứ, Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN đã có bài pháp thoại chia sẻ với đại chúng nhân dịp kỷ niệm ngày xuất gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trước khi chia sẻ pháp thoại, Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN cùng đại chúng thực hiện nghi thức niệm Phật cầu gia bị, hướng tâm cầu nguyện Quốc thái, dân an, dịch bệnh Covid-19 được tiêu trừ.
Tại buổi chia sẻ pháp thoại, Hoà thượng Thích Gia Quang đã chia sẻ đến đại chúng nhân duyên Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia và ý nghĩa của sự hy sinh vĩ đại để xuất gia tu hành cứu độ muôn vàn chúng sinh thoát khỏi bể khổ trầm luân của Đức Phật.
Vào ngày Rằm tháng 4, năm 623 trước công nguyên tại vườn Lâm Tỳ Ni gần thành Ca Tỳ La Vệ, nay là vùng biên giới giữa Nepan và Ấn Độ. Đức Phật Thích Ca Đản sinh có tên là Tất Đạt Đa, làm Thái tử con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da. Vua Tịnh Phạn trị vì một vương quốc nhỏ của bộ tộc Thích Ca.
Sau khi thái tử hạ sinh được nhà tiên tri A Tư Đà đến tiên đoán rằng sau này nếu làm vua sẽ là một bậc chuyển luân thánh vương cai trị khắp thiên hạ, còn nếu xuất gia tu hành thì sẽ đạt quả vị giác ngộ và làm vị giáo chủ.
Với niềm mong mỏi có được một người con nối nghiệp vương quyền nên vua Tịnh Phạn đã làm tất cả để hướng cuộc sống và tâm tư của thái tử theo hướng hưởng thụ dục lạc thế gian như xây cung vàng điện ngọc, được học hành với những vị thầy tài danh nhất, được hầu hạ bởi những cung nữ xinh đẹp nhất, được ăn những món cao lương mỹ vị nhất và sau này khi trưởng thành được cưới nàng công chúa Da Du Đà La xinh đẹp nhất. Bên cạnh đó vua Tịnh Phạn đã tìm cách không cho ngài tiếp xúc với bất kỳ cảnh khổ nào của thế gian đang xảy ra chung quanh, để ngài chỉ thấy chung quanh mình là một cuộc sống xa hoa sung sướng mà không hề có ý niệm nào về cảnh khổ cuộc đời.
Câu chuyện xuất gia của Đức Phật Thích Ca
Thế nhưng, với thời gian, do suy tư sâu sắc và lòng từ bi, Thái tử không thể nào cam tâm một mình sống mãi trong nhung lụa, giữa một xã hội bất công, một thế giới đau khổ. Thái tử sớm giác ngộ về tính tạm thời, tầm thường của hạnh phúc vật chất thế gian và có ý chí xuất gia cầu đạo giải thoát, tìm ra con đường cứu vớt chúng sinh ra khỏi già, đau, chết và mọi nỗi bất hạnh khác của đời người.
Ngài thấy cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật mà là giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Đặc biệt, qua trải nghiệm thực tế ở bên ngoài, Ngài đã nhận thấy mình dù là Thái tử con vua, cũng không thể thoát khỏi cảnh sinh, già, bệnh và chết.
Mặt khác, qua câu nói của vị Sa môn khai thị đã giúp Thái tử sớm thấy được con đường dẫn đến giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất hạnh của đời người, con đường dẫn tới cõi Niết bàn bất tử.
Thế nhưng, với tâm thức của một vị Bồ tát thị hiện, chỉ cần một vài cảnh khổ của trần gian lọt vào mắt ngài, và với tư duy tuệ giác của một vị Bồ tát đang hiện thân để thực hành hạnh nguyện, ngài đã thấy được tất cả sự huyển hóa của chốn trần gian và khổ đau của nhân loại và vì thế chí nguyện xuất gia tìm đạo cứu độ chúng sanh cứ nung nấu tâm can ngài không lúc nào rời khỏi. Bao nhiêu dục lạc trong chốn cung cấm mà ngài đang có đã không làm cho ngài vơi đi nỗi niềm này.
Từ đó, Thái tử nuôi dưỡng quyết tâm từ bỏ gia đình, xuất gia cầu đạo. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Lúc này, với Thái tử, lâu đài, cung điện không còn là nơi ở thích hợp nữa. Lòng Ngài nặng trĩu tình thương chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ. Ngài càng thêm quyết tâm xuất gia cầu đạo, đi tìm con đường cứu khổ cho muôn loài.
Chí nguyện đã chín muồi, vào ngày trăng tròn tháng hai sau một buổi yến tiệc linh đình trong hoàng cung ngài đã cùng với người hầu thân cận Xa Nặc, với con ngựa Kiền Trắc âm thầm từ biệt cha già, vợ con, người thân rời khỏi kinh thành, khoác trên mình bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ, bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo vào ngày mồng 8 tháng 2 Âm lịch. Khi đó Ngài mới 19 tuổi.
Thái Tử xuất gia buông bỏ hết. Vì những gì con người ham muốn không bao giờ tới, những gì chúng ta sợ sẽ tới; sợ khổ thì khổ tới, muốn an lạc thì an lạc tránh xa. Thái Tử Đạt Ta bỏ cung điện đi tìm chân lý, cảm thấy cuộc sống từ đây sung sướng hơn, vì bỏ chuỗi anh lạc, quần áo sang trọng đổi áo rách của Sa-môn thì ở đâu cũng được an ổn.
Thái tử đã từ bỏ vương triều hoàng cung của mình bên vợ đẹp con yêu, để sống đời khổ hạnh nơi rừng sâu, để rồi một buổi bình minh ngài đã chứng ngộ trên căn bản của đời sống đạm bạc, giản dị, cái gọi là giác ngộ chính là khám phá ra bản tánh Phật, chính là sự chấm dứt mọi phiền não, nghiệp chướng tự tại trong các cõi, không tồn tại sự sinh ra và mất đi, ý nghĩa giải thoát này được hàm ẩn trong ý nghĩa xuất gia cao quý.
Sau 49 năm thuyết pháp độ đời, bằng cuộc đời của Ngài và bằng những lời dạy của Ngài được kết tập lại trong 3 tạng kinh điển (Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng), Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng: “Bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên tới đỉnh cao nhất của giác ngộ và giải thoát, như chính Đức Phật vậy”.
Xuất gia là sự khai sinh trong đạo
Đối với người tại gia, cử hành lễ kỷ niệm ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia là nhắc lại, tán thán công đức cũng như hạnh nguyện tu hành của ngài. Điều này giúp người tại gia tăng trưởng niềm tin, gia tăng sự tinh tấn cũng như trưởng dưỡng những yếu tố nuôi dưỡng tâm linh của mỗi một người con Phật, nhằm đem lại sự an lạc cho gia đình và người xung quanh. Tiến hơn một bước nữa, người tại gia nuôi dưỡng ý chí xuất trần để khi đủ điều kiện họ cũng từ bỏ con đường thế tục và đứng trong hàng ngũ của Tăng đoàn, có thể ngay trong kiếp sống này cũng có thể trong kiếp sống vị lai.
Nhìn lại gương của một vị Hoàng Thái Tử dám từ bỏ cung vàng điện ngọc đi vào rừng sâu núi thẩm, người cư sĩ tại gia sẽ học được bài học rằng những dục lạc, những hạnh phúc của thế gian chỉ là tạm bợ, không phải là chân hạnh phúc. Tuy người tại gia chưa hoàn toàn từ bỏ được chúng, nhưng không nên tham đắm hay dính mắc vào ngũ dục quá nhiều, chỉ nên xem những thứ ấy như là phương tiện để sinh sống mà thôi.
Nhìn lại gương của vị Thái tử khi nhìn thấy cảnh sinh lão bệnh tử ở các cửa thành thì hiểu ngay rằng thân ngũ uẩn này là giả tạo và khởi tâm từ bi đến muôn loài, người tại gia tuy chưa thấu triệt hết “ngũ uẩn giai không” nhưng phải giác ngộ rằng chúng mong manh như sương buổi sáng, đừng vì thân ngũ uẩn này mà làm tổn hại đến các sinh vật khác như sát sanh, trộm cắp, nói dối… để nuôi dưỡng hay làm lợi cho thân mạng chính mình mà quên đi những đau khổ của chúng sanh khác. Nói chung là nhắc nhở người tại gia phải giữ giới và tạo nhiều điều thiện.
Nhìn lại gương của vị Thái tử trong lịch sử khi phát tâm tu hành thì chứng quả Phật, người Phật tử tại gia cũng nên tự haò rằng mình có hạt giống Phật, nếu quyết chí tu hành rồi cũng thành Phật và nên tôn trọng, cung kính lẫn nhau bởi lẽ ai cũng là Phật tương lai.
Các cư sĩ Phật tử tại gia, nếu chí thành học Phật cũng có nhiều thành tựu lớn lao. Họ là những người mà “thân không xuất gia, nhưng tâm xuất gia”. Lễ Phật xuất gia mang ý nghĩa là giúp người tại gia tin sâu vào Tam Bảo, từng bước tu tập theo gương của Phật, tu tập đến đâu thì an lạc đến đó chẳng những lợi lạc ngay trong đời này và cả trong các kiếp sống vị lai.
Đối với người xuất gia thì ý nghĩa của ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia không thể nghĩ bàn, bởi lẽ xuất gia là sự quyết định cho một lối rẽ của cuộc đời, tiến bước đi lên trên con đường giải thoát.
Tựu chung lại khi nói về một ngày kỷ niệm xuất gia của Đức Phật dù cho dưới muôn vạn hình thức, cũng không ngoài sự tán thán công đức cao vời của Đấng Từ Phụ. Thông qua những phương diện tán thán nhằm khuyến khích những người con Phật dù là xuất gia hay tại gia đều phải tinh tấn tu tập đễ có được niềm chân an lạc, cuối cùng là đạt được sự giải thoát có thể ngay trong đời này cũng có thể trong kiếp sống vị lai. Một niềm tin vĩ đại mà Đức Phật đã cho tất cả chúng sanh là: “Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật”. Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng: “Bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên tới đỉnh cao nhất của giác ngộ và giải thoát, như chính Đức Phật vậy”.
Cành hoa gãy - Vô thường và xuất gia
“Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gột sạch nội tâm để trở thành bậc Thánh, một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ. Mỗi người chúng ta đều có khả năng và bổn phận thực hiện lời dạy đó” – Đó là bức thông điệp mà Đức Phật đã trao cho loài người chúng ta.
Mặc dù Đức Phật đã Niết bàn nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt một đời, trong 80 năm trời không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sinh đang trầm luân trong biển khổ.
Pháp thoại kết thúc trong niềm hân hoan của đại chúng Phật tử cùng nhau hướng về ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia và hướng tâm gieo những hạt giống xuất gia vào trong tâm mình, hồi hướng tăng trưởng phước lành, tiêu trừ các ác nghiệp của tham dục để có được lợi ích, an vui trong cuộc sống.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông năm 2024 tại TP.HCM
Tin Phật sự 22:17 21/11/2024Sáng 21/11/, Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 do Ban Thông tin - Truyền thông thuộc Phật giáo TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự.
Đại đức Thích Mật Tịnh làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo H.Trà Ôn (Vĩnh Long)
Tin Phật sự 07:00 21/11/2024Quyết định chuẩn y nhân sự bổ sung giữa nhiệm kỳ được công bố sáng nay, 20-11, tại buổi họp sơ kết công tác Phật sự năm 2024 và đề ra phương hướng hoạt động của Phật giáo H.Trà Ôn năm 2025, tại Văn phòng Ban Trị sự - chùa Thiên Phước.
Ban Trị sự tỉnh Bình Dương sẽ đăng cai tổ chức Đại giới đàn Trí Tấn 2025
Tin Phật sự 10:50 20/11/2024Sáng ngày 19/11/2024, tại Tổ đình chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đã tổ chức phiên họp triển khai dự thảo kế hoạch tổ chức Đại Giới đàn Trí Tấn PL.2569 – DL. 2025 và triển khai một số Phật sự quan trọng khác.
Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Khóa huân tu chánh niệm lần III
Tin Phật sự 15:10 19/11/2024Chiều ngày 17/11/2024 (nhằm ngày 17/11 năm Giáp Thìn), tại chùa Phước Thới - Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử (HDPT) tỉnh (thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), Ban HDPT GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức phiên họp rà soát công tác tổ chức khoá “Huân Tu Chánh Niệm” lần III.
Xem thêm