Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 17/10/2020, 06:58 AM

Phật dạy tâm bi tình yêu thương chân thật

Trên con đường phát tâm Bồ-đề cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, một trong những nhân tố quan trọng chính là Đại bi. Tâm Bồ-đề Vô thượng không do Đại bi thì không thể phát khởi. Không muốn liễu thoát sinh tử cũng không thể phát tâm Bồ-đề.

Phật khuyên làm thiện, không làm ác

Tuy nhiên, hàng Nhị thừa cũng muốn liễu thoát sinh tử mà lại không khởi lòng Đại bi, nên không được gọi là phát tâm Bồ-đề Vô thượng. Cho nên nói tu tập phát tâm Bồ đề, chủ yếu là tu tập khởi lòng Đại bi.

Thế nào là bi? Lòng thương xót hết thảy chúng sinh, lòng trắc ẩn, đều là nghĩa của bi. Tâm bi phải do hướng về tất cả chúng sinh mà phát khởi. Nếu có thể biết rõ “thật tính chúng sinh bình đẳng đều là không” thì gọi là Đại bi. Không phải chỉ đối với những người thân mới khởi lòng yêu thương mà gọi là Đại bi được. Tâm bi cũng có sâu cạn: Khi chưa đến Phật quả là còn đợi nhân duyên mới khởi tâm bi. Đến được Phật quả thì khởi tâm bi mà không cần đợi nhân duyên - gọi là “đồng khởi vô duyên Đại bi”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vậy làm thế nào tu tập tâm bi tiến lên phát khởi tâm Bồ-đề Vô thượng? Trong kinh Ưu-bà-tắc giới, Đức Phật có dạy 36 nhân có thể sinh tâm bi:

1. Những bậc có trí tuệ thấy sâu xa tất cả chúng sinh chìm đắm trong biển khổ sinh tử, vì muốn giúp họ vượt khổ nên phát tâm bi.

2. Thấy chúng sinh không có mười lực, bốn vô sở úy, ba niệm Đại bi, vì muốn giúp họ được đầy đủ các pháp đó nên sinh tâm bi.

3. Lại thấy những chúng sinh tuy đầy oán thù và độc ác, nhưng vẫn xem họ như người thân nên sinh tâm bi.

4. Vì thấy chúng sinh mờ mịt chính đạo không có người chỉ lối đưa đường, muốn làm người chỉ đường nên sinh tâm bi.

5. Lại thấy chúng sinh đắm chìm trong bùn lầy ngũ dục, không thể thoát ra mà còn buông lung giải đãi nên sinh tâm bi.

6. Lại thấy chúng sinh thường bị tài sản, vợ con ràng buộc không thể xóa bỏ nên sinh tâm bi.

7. Lại thấy chúng sinh khi được hình sắc, sức lực dồi dào, tuổi thọ dài lâu mà khởi kiêu mạn nên sinh tâm bi.

8. Lại thấy chúng sinh bị ác tri thức dối gạt làm mê hoặc, tâm ý điên đảo mà vẫn nghĩ đây là thân thuộc nên sinh tâm bi.

9. Lại thấy chúng sinh đọa sinh trong tam hữu chịu nhiều khổ não nhưng vẫn ham luyến, vì muốn giúp chúng sinh biết khổ, đoạn khổ nên sinh tâm bi.

Sống theo lời Phật: Mạng sống vô thường

10. Lại thấy chúng sinh tạo mười nghiệp bất thiện nên phải thọ nhiều quả khổ nhưng vẫn vui thích làm ác nên sinh tâm bi.

11. Lại thấy chúng sinh khát cầu ngũ dục như người khát uống nước mặn nên sinh tâm bi.

12. Lại thấy chúng sinh tuy muốn cầu an lạc mà không gieo nhân an lạc, không thích khổ đau lại gieo nhân khổ đau, muốn hưởng vui cõi trời nhưng không đầy đủ giới hạnh nên phát tâm bi.

13. Lại thấy chúng sinh đối với cái không phải là ta hay của ta mà tưởng là ta, là của ta nên sinh tâm bi.

14. Lại thấy chúng sinh không có định mà chịu lưu chuyển trong sinh tử nên sinh tâm bi.

15. Lại thấy chúng sinh sợ sinh già bệnh chết mà lại tạo nghiệp sinh già bệnh chết nên sinh tâm bi.

16. Lại thấy chúng sinh chịu khổ cả thân lẫn tâm mà vẫn tạo nghiệp nên sinh tâm bi.

17. Lại thấy chúng sinh khổ khi thương yêu phải chia lìa mà vẫn không đoạn tuyệt ân ái nên sinh tâm bi.

18. Lại thấy chúng sinh ở nơi tăm tối của vô minh mà không biết thắp sáng ngọn đèn trí tuệ nên sinh tâm bi.

19. Lại thấy chúng sinh bị lửa phiền não thiêu đốt mà không mong cầu nước thiền định tam muội nên sinh tâm bi.

20. Lại thấy chúng sinh vì ham vui ngũ dục mà tạo vô lượng ác nghiệp nên sinh tâm bi.

21. Lại thấy chúng sinh biết ngũ dục là khổ mà vẫn mong cầu không chịu từ bỏ cũng như người đói ăn cơm có độc nên sinh tâm bi.

22. Lại thấy chúng sinh ở trong đời ác gặp vua hung bạo chịu nhiều khổ não mà vẫn buông lung nên sinh tâm bi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

23. Lại thấy chúng sinh luân chuyển trong tám khổ mà không biết đoạn trừ nhân khổ nên sinh tâm bi.

24. Lại thấy chúng sinh không được tự tại khi chịu đói khát nóng lạnh nên sinh tâm bi.

25. Lại thấy chúng sinh hủy phạm các giới cấm phải thọ khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh nên sinh tâm bi.

26. Lại thấy chúng sinh đối với hình sắc, sức lực, thọ mạng, an ổn và biện tài đều không tự tại nên sinh tâm bi.

27. Lại thấy chúng sinh các căn không toàn vẹn nên sinh tâm bi.

28. Lại thấy chúng sinh sinh ra ở chốn biên địa, không tu pháp lành nên sinh tâm bi.

29. Lại thấy chúng sinh sinh vào đời đói khát, thân thể ốm gầy cướp đoạt lẫn nhau nên sinh tâm bi.

30. Lại thấy chúng sinh sinh vào kiếp đao binh, giết hại lẫn nhau, tâm ác lẫy lừng phải chịu vô lượng quả báo khổ não nên sinh tâm bi.

31. Lại thấy chúng sinh gặp Phật ra đời, nghe thuyết giáo pháp thanh tịnh như vị cam lồ mà không thọ trì nên sinh tâm bi.

32. Lại thấy chúng sinh tin thầy tà bạn ác, không nghe theo lời dạy của Thiện tri thức nên sinh tâm bi.

33. Lại thấy chúng sinh có nhiều tài sản và bảo vật mà không bố thí nên sinh tâm bi.

34. Lại thấy chúng sinh cày sâu cuốc bẫm, buôn tảo bán tần, tất cả đều khổ sở nên sinh tâm bi.

35. Lại thấy chúng sinh cùng là cha mẹ anh em, vợ con, tôi tớ, quyến thuộc họ hàng mà không thương mến nhau nên sinh tâm bi.

36. Người trí nên xem sự vui thiền định trên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng cũng giống như khổ não nơi địa ngục tất cả chúng sinh phải cùng cam chịu mà sinh tâm bi.

Một số lời dạy của Đức Phật về hiếu hạnh

Trong 36 nhân này thì 35 điều trước là do phân biệt mà nói. Điều cuối cùng là nói tổng quát. Người trí vì thấy chúng sinh phải chịu khổ não như vậy mà sinh tâm bi.

Tâm bi đó khi chưa đắc đạo gọi là bi, đã đắc đạo (chứng quả Tu-đà-hoàn của Thanh văn, Bích-chi Phật hay Sơ địa Bồ-tát) thì gọi là Đại bi. Vì sao? Vì lúc chưa đắc đạo, tuy có quán sát như vậy nhưng sự quán sát vẫn còn giới hạn, chúng sinh cũng vậy, đã được đạo rồi, sự quán sát và chúng sinh đều vô hạn nên được gọi là Đại bi. Lúc chưa được đạo, tâm bi còn có thể lay chuyển nên gọi là bi. Khi được đạo rồi, không còn lay chuyển nên gọi là Đại bi. Đã được đạo rồi, có thể cứu độ rộng lớn nên gọi là Đại bi. Lúc chưa thành đạo không cùng tuệ cộng hành nên gọi là bi. Đã được đạo rồi, cùng tuệ cộng hành nên gọi là Đại bi.

Tâm bi đó chính là cội gốc của tất cả pháp lành. Vậy nên không phải riêng đối với hàng xuất gia, Đức Phật cũng rộng khuyên hàng tại gia tu tập tâm bi. Hàng tại gia nếu có thể phát tâm tu tập tâm bi mới thật là thù thắng. Vì người tại gia một thân một nhà ràng buộc nên mang nhiều nghịch duyên, không dễ tu tập tâm bi. Nhưng nếu là người chân thật phát tâm, thì có thể vui vẻ bố thí tài sản tốt đẹp. Người xuất gia một thân thong dong tự tại, đa phần hành pháp thí mà khó hành tài thí, người tại gia lại có thể trọn vẹn cả hai. Tuy nhiên muốn hành bố thí trước phải tu tập tâm bi. Nếu đã tu tập tâm bi rồi, nên biết người đó đầy đủ được trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nếu tu tập tâm bi, đối với vật khó bố thí có thể bố thí, đối với việc khó nhẫn nhịn có thể nhẫn nhịn, đối với việc khó làm có thể làm. Do nghĩa này mà biết trong tất cả thiện pháp bi là cội gốc.

Tâm bi cũng là thềm bậc của lòng từ bi, là cửa phương tiện của trí tuệ Đại thừa, phàm tình không có tâm bi, không có trí tuệ thì tham, sân, si dễ khởi, dễ tạo ác nghiệp. Trí tuệ Đại thừa không có tâm bi thì không thể phát sinh. Trí tuệ không có bi thì chẳng qua là trí tuệ trên đầu lưỡi, trên sách vở mà thôi. Lìa ngôn ngữ, văn tự thì không còn từ bi, trí tuệ nữa.

Tóm lại, tâm bi là cội gốc của tất cả thiện pháp, là nhân tố quan trọng trên con đường Đại thừa. Người tu tập tâm bi với lòng yêu thương chân thật có thể phá tan ác nghiệp như núi Tu-di, dù chỉ làm một việc lành nhỏ cũng được quả báo thù thắng. Tâm bi ví như lửa, ác nghiệp như cỏ khô. Cỏ khô gặp lửa sẽ bị thiêu đốt. Người tinh tiến tu tập tâm bi, không bao lâu sẽ thành tựu đạo Bồ-đề. Vậy mọi người hãy cùng nhau tu tập tâm bi - tình thương yêu chân thật.

Trên đây tóm lược mấy lời của Đại sư Thái Hư trong quyển Ưu-bà-tắc giới kinh giảng lục, phẩm Bi thứ ba, do Đại sư trước giảng tại Nam Kinh năm 1930.

Nghe theo lời Phật để hạnh phúc hơn mỗi ngày

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ai làm ta đau khổ?

Lời Phật dạy 10:48 12/11/2024

Đi tìm một lý do là tài năng của bản ngã.

Oán gia không muốn kẻ thù được khen ngợi

Lời Phật dạy 17:40 11/11/2024

Người có tâm oán thù thì không mong kẻ thù có danh tiếng, được khen ngợi. Ngược lại, họ còn cầu cho kẻ thù luôn bị tiếng xấu, thậm chí thân bại danh liệt. Âu đó cũng là chuyện thường của thế gian.

Những phương pháp sống khỏe theo lời Phật dạy

Lời Phật dạy 07:56 11/11/2024

Đức Phật luôn khuyến khích con người sống một lối sống lành mạnh, bằng cách thay đổi tư duy về ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc để có một thân thể quân bình cả thân lẫn tâm.

Khởi lên ý niệm cai trị, quản lý liền rơi vào lưới ma

Lời Phật dạy 19:00 07/11/2024

Pháp thoại này cho thấy Thế Tôn đã từng nghĩ đến việc thiết lập một xã hội đức trị lý tưởng trong đó có cai trị mà “không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn”. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, tâm nguyện vì chúng sanh cao cả.

Xem thêm