Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 19/03/2017, 16:35 PM

Phật học vấn đáp (P.4)

Hỏi: Kẹt trong những món nào mới gọi là chấp pháp?- Kẹt trong muôn sự muôn vật, gọi là chấp pháp. Chẳng phải kẹt trong các môn tu hành gọi là chấp pháp mà thôi. Nói tóm lại, cái gì nói được, cái gì kêu gọi được, tưởng tượng được... đều là pháp cả.

Chương IV: Công phu niệm Phật (tiếp theo...)

178. Thế nào gọi là niệm Phật Tam muội?

- Niệm Phật tâm được chính định, gọi là niệm Phật Tam muội. Tam muội nguyên là tiếng Phạn, Tàu dịch là chính định (định chân chính), chính trí (sự hiểu biết chân chính) và chính thọ (thọ lãnh chân chính).

179. Thế nào gọi là định chân chính?

- Nghĩa là cảnh giới cứu cánh của một người niệm Phật đến chỗ chân chính: chẳng những lòng đã được trong sạch mà cũng không thiên chấp, tức là chẳng chấp có, chẳng chấp không, chẳng chấp thường, chẳng chấp đoạn, chẳng chấp tà, chẳng chấp chính...

180. Chẳng chấp có, chẳng chấp không, chẳng chấp thường, chẳng chấp đoạn, là gì?

- Người niệm Phật Tam muội chẳng thấy hay chẳng chấp rằng muôn sự muôn vật đều là "không không, chẳng có gì hết.” Nếu nhận như vậy thì lạc vào chỗ đoạn diệt, bằng không nhận như vậy thì gọi là chẳng chấp không.

Người niệm Phật Tam muội chẳng thấy hay chẳng chấp rằng muôn sự muôn vật đều là "thường tồn” (còn mãi mãi). Nếu nhận như vậy thì lạc vào chỗ thường kiến, bằng không nhận như vậy thì gọi là chẳng chấp có.

181. Tại sao pháp niệm Phật Tam muội chẳng cho chúng ta chấp có, chấp không?

- Bởi vì chấp có thì lạc vào thường kiến, còn chấp không thì đoạ vào đoạn kiến. Sự thấy biết như vậy thuộc về "biên kiến” nghĩa là thấy một bên, chẳng thấy được toàn thể toàn dụng của muôn sự muôn vật.

182. Đành rằng sự thấy biết như vậy thuộc về biên kiến, nhưng tại lý do nào pháp niệm Phật Tam muội chẳng cho chúng ta biên kiến (thấy một bên)?

- Bởi vì biên kiến là cái bịnh mê chấp của phàm phu, tức là cái bịnh mê chấp của chúng sinh và Nhị thừa (Thinh Văn và Duyên Giác).

TAM MUỘI VÀ LỢI ÍCH CỦA TAM MUỘI

Pháp niệm Phật Tam muội thuộc về Đại thừa, tính thể rổng rang vắng lặng, vượt lên trên mọi hành tướng đối đãi của vũ trụ vạn hữu, siêu thoát ngoài vòng Tam giới, chứng được cõi Tịnh độ Thường tịch quang của chư Phật.

Vả chăng thấy có thấy không, thấy tà thấy chính, thấy cao thấy thấp, là còn mắc kẹt trong vòng đối đãi của thế pháp, nghĩa là còn mắc kẹt trong luật tương đối của vũ trụ, nếu có chứng quả thì chứng quả Nhị thừa (Thinh văn và Duyên giác).

183. Lý này mắc quá, xin thí dụ cho dễ hiểu?

- Cũng như tà với chính, đêm với ngày, âm với dương, phải với quấy, có với không, v.v... nếu còn mắc kẹt một bên thì kẹt luôn bên kia. Hễ chấp chính thì còn kẹt vào tà, bởi vì chính với tà nương nhau mà có, đối đãi nhau mà thành, có cái này phải có cái kia, không có cái kia thì chẳng có cái này.

184. Khi mới niệm Phật, tôi cần phải dùng chính để trị tà, nhất là phải cố nắm giữ điều chính để đánh đổ điều tà, nhờ vậy mà tôi bước tới con đường tu hành một cách nhanh chóng. Điều này không thể không công nhận. Nhưng theo lời của công nói, thì té ra cái tà cũng còn lẩn quẩn một bên tôi. Vậy thì dùng chính để trị tà chẳng phải là một chuyện thật mà các kinh luận thường dạy bảo?

- Nếu ông ở Nhị thừa thì nói như vậy là được. Nhưng trái lại, nếu ông tu học theo Đại thừa thì không thể nói như vậy. Bậc Đại thừa chứng quả trên bậc La Hán và trên bậc Bích Chi Phật (hoặc Độc Giác Phật), trong sự tu chứng chẳng những dẹp tà mà chính cũng chẳng chấp chứa vào lòng làm chi, bởi kẹt chính thì không khác nào kẹt tà mà tôi đã nói khi nãy.

Lần lần bước tới cái lý viên dung bình đẳng, thì biết rằng tà chính chẳng khác, phải quấy không hai, có không như một, phiền não tức bồ đề, sinh tử tức Niết bàn...

185. Thế nào gọi là thọ lãnh chân chính (chính thọ) và hiểu biết chân chính (chính trí) của pháp niệm Phật Tam muội?

- Chính thọ nghĩa là thọ lãnh tri kiến Như Lai thể theo pháp môn bất nhị. Người niệm Phật Tam muội khi đã được chính thọ, thì có một cái tri kiến chân chính, rõ lý Trung đạo, lìa được hai bên biên kiến, tỏ thấu toàn thể pháp giới đều do tâm chân như tuỳ duyên mà hiện ra, vẫn là chân thường, là chân không diệu hữu. Đối với vạn hữu mà mình có cái tri kiến chân chính như thế, gọi là "chính tri.”

186. Thế nào gọi là thọ lãnh chân chính (chính thọ) của pháp niệm Phật Tam muội?

- Người niệm Phật Tam muội sau khi đã được chính định, chính trí, bèn tỏ ngộ lý tính chân như, và thọ lãnh lý tính ấy, làm cho lý hiệp với trí, trí hiệp với lý, trong ngoài như một, gọi là chính thọ.

187. Chính thọ có thể giải ra bậc trung chăng?

- Bậc này học hỏi giáo lý nhà Phật, khắng chặt vào lòng, cố gắng thọ lãnh những cái tri kiến của Phật để lại trong kinh, dùng tri kiến của Phật làm tri kiến của mình.

188. Pháp niệm Phật Tam muội và pháp niệm Chân như hai thứ cao thấp thế nào? Khác hay chẳng khác?

- Pháp niệm Phật Tam muội với pháp niệm Chân như đồng nhau, một cảnh giới, một lý nghĩa duy nhất. Bời vì Chân như là thường tịch quang, còn Tam muội (chính định) cũng thường tịch quang vậy. Hơn nữa, tính thể A Di Đà cũng thường tịch quang.

Tam muội là Chân như, Chân như là A Di Đà, ba danh từ tuy khác nhau, nhưng cũng đồng một thể tính minh diệu, thường trụ, bất sinh bất diệt.

Trong Đại thừa Khởi Tín Luận, đức Mã Minh Bồ tát có nói: "Chân như là gốc của Tam muội. Nếu ai tu tập Chân như thì lần lần sinh ra vô số Tam muội khác nữa.”

189. Thế nào gọi là một hạnh Tam muội? (Nhứt hạnh Tam muội) 

- Nghĩa là một hạnh bình đẳng viên dung của trí huệ thật tướng (bát nhã thật tướng) khắp xem pháp giới trùng trùng vô tận, đều là một tướng chẳng khác: mê ngộ bình đẳng, phiền não tức bồ đề, chúng sinh tức Phật. Người tu về Tam muội cũng như người tu về Chân như, không có gì sai biệt.

Trong Đại thừa Khởi Tín Luận có nói: "Nương theo Tam muội mà tu hành, thì rõ biết được pháp giới duy nhất, tức là Pháp thân chư Phật cùng với chúng sinh bình đẳng không hai gọi là nhất hạnh Tam muội.”

190. Pháp niệm Phật Tam muội có nói: Một niệm muôn năm, muôn năm một niệm là ý nghĩa gì?

- Đó là nói cái lý viên dung bình đẳng của tính thể A Di Đà mà người niệm Phật được tỏ ngộ. Viên dung là không sai khác, bình đẳng là bằng nhau, chẳng hơn chẳng kém, chẳng cao chẳng thấp. Vì cái lý bình đẳng của thể tính A Di Đà, nên nói một niệm bằng muôn năm, muôn năm bằng một niệm.

Một niệm chỉ về sát na ngắn nhất, muôn năm chỉ về thời gian lâu dài. Tính thể A Di Đà bản lai tịch tịnh, không có thời gian, không gian, lâu mau bình đẳng, lớn nhỏ chẳng khác. Vì lẽ ấy, nói một sát na (một niệm) bằng muôn năm, muôn năm bằng một sát na, hoặc giả nói một niệm bằng muôn niệm, muôn niệm bằng một niệm, đều thuộc về cái lý viên dung bình đẳng của Chân như, của Tam muội, của A Di Đà...

191. Tu tập pháp niệm Phật Tam muội có những lợi ích gì?

- Trong Đại thừa Khởi Tín Luận có nói: "Nếu người nào chuyên cần tu tập pháp Tam muội thì hiện thời (nơi thế gian) có đủ mười sự lợi ích như dưới đây:

1- Thường được các đức Phật và chư Bồ tát trong mười phương hộ niệm;

2- Không bị ác ma khủng bố;

3- Không bị 95 thứ ngoại đạo mê hoặc;

4- Tiêu diệt tất cả tội lỗi về sự huỷ báng chính pháp cao sâu, vì lẽ ấy các nghiệp chướng dầu nặng nề bao nhiêu đi nữa cũng lần lần dứt;

5- Tiêu diệt tất cả sự nghi ngờ và các giác quan hung ác;

6- Ở trong cảnh giới Như Lai (tức là cảnh giới Niết bàn) đức tin được thêm lớn;

7- Dứt bỏ mọi sự lo sợ ăn năn, tuy thân còn ở trong sinh tử, nhưng lòng được dõng mãnh, không khiếp sợ;

8- Tính hạnh nho nhã dung hoà, không kiêu căng, không ai có thể làm cho mình rối loạn;

9- Trong khi tu tập Tam muội, dầu chưa chứng nhưng trong tất cả thời giờ, trong các hoàn cảnh, không thể nào làm cho mình hao tổn phiền não;

10- Bằng như chứng được pháp Tam muội, thì không bị các duyên bề ngoài và tất cả những âm thanh làm kinh động.”

192. Phải đặt mình trong một đường lối nào để tiến tới pháp niệm Phật Tam muội?

- Đại ý trong Khởi Tín Luận có nói: "Chân như Tam muội không ở tướng thấy, không ở tướng được cho đến lúc xuất định cũng không nhác, không lờn, tất cả phiền não lần lần tiêu diệt. Các hạng phàm phu (gồm Nhị thừa) mà không tu tập pháp Tam muội, thì không bao giờ nhập vào giòng giống Như Lai (hay là giòng giống Di Đà).”

193. Tướng thấy, tướng được là thế nào?

- Tướng thấy là: Nếu muốn tu tập pháp Tam muội, thì phải dứt cái lòng sở kiến (chấp chỗ thấy biết của mình) như thấy có thấy không, thấy chẳng có chẳng không, thấy chẳng phải chẳng có, thấy chẳng phải chẳng không...

Tướng được là: Nếu muốn tu tập pháp Tam muội, thì phải dứt cái lòng sở đắc, chấp có tu, chấp có chứng, chấp có đắc. Phải biết rằng chính cái tâm sở đắc làm cho mình kẹt vào ngã chấp và pháp chấp. Ngã chấp thì có phiền não chướng, pháp chấp thì có sở tri chướng. Hai cái chướng này ngăn lấp không cho hành giả nhập vào giòng giống Như Lai.

194. Trong Quán kinh có nói: Niệm Nam Mô A Di Đà Phật một tiếng, thì tiêu đặng tội nặng sinh tử trong tám mươi ức kiếp, quả thật vậy chăng?

- Quả thật như vậy, nhưng cái niệm ấy, tâm và Phật phải hiệp nhất mới được.

195. Niệm Phật thế nào cho tâm và Phật hiệp nhất? Xin thí dụ cho dễ hiểu.

- Tâm và Phật ví như nước với sóng, sóng hướng về nước chỉ có một bản thể duy nhất. Tâm hướng về Phật cũng chỉ có một. Phật là bản thể Chân như, còn tâm là hiện tướng của Chân như. Chân như tuỳ duyên mà có tâm tướng, cũng như sóng tuỳ gió mới có cái hiện tượng ba đào. Sóng hướng về nước làm sao, thì Tâm hướng về Phật cũng vậy.

Theo cái thí dụ trên đây, thì biết rằng cái tâm năng niệm và ông Phật sở niệm, mặc dầu chỉ có một bản thể đồng nhất, nhưng, nếu hành vi của mình trái ngược với tính Phật thì không bao giờ Tâm và Phật hiệp nhất được, nghĩa là không bao giờ Tâm hướng về Phật được.

Niệm Phật mà Tâm hiệp nhất được với Phật, đó là niệm Phật Tam muội. Một phút niệm Phật Tam muội là một phút làm Phật, một giờ niệm Phật Tam muội là một giờ làm Phật, một ngày niệm Phật Tam muội là một ngày làm Phật, v.v... Lúc ta niệm Phật là lúc ta thấy biết Phật, lúc ta thấy biết Phật, là lúc ta làm Phật, nhưng không được chấp có thấy có biết.

196. Hành vi của tâm trái ngược với tính Phật là sao?

- Nghĩa là niệm Phật mà không ăn ở làm y theo tính Phật của mình.

197. Làm y theo tính Phật là sao?

- Tính Phật là tính chân không bát nhã, tức là cái trí sáng suốt, chẳng mê nhiễm theo các duyên. Dầu có thi thố chuyện gì cũng là tuỳ duyên chứ chẳng phải ô nhiễm, hễ duyên qua rồi thì thôi, không chấp nê, không dính mắc. Hằng ngày y theo lý trí mà ăn ở, như vậy gọi là làm y theo tính Phật.

198. Theo lời ông nói, một tiếng niệm Phật tiêu tám mươi ức kiếp sinh tử trọng tội, là khi nào hành vi của tâm khế hiệp với tính Phật, điều này tôi đã tỏ ngộ. Nhưng tôi còn thắc mắc như thế này: Trong một tiếng niệm Phật, cái tâm của mình đâu có thể khởi ra vọng niệm tà kiến, bởi vì mắc lo niệm. Như thế thì mỗi tiếng niệm Phật đều khế hiệp với chân tâm thường trụ diệu minh, nghĩa là cái tâm năng niệm hướng về ông Phật sở niệm. Thế thì tiếng niệm Phật nào cũng khế hiệp, tức là tiếng niệm Phật nào cũng diệt tội, nhưng tại sao nhiều người tu hành nghiệp quả vẫn còn nguyên, cái khổ về thân, khẩu, ý không thấy bớt?

- Sở dĩ có sự trái ngược như thế là có nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất là tâm không hiệp với Phật như đã giải nghĩa ở trên;

Nguyên nhân thứ nhì là không biết cách niệm tiếp tục làm cho tâm hướng về Phật một cách chắc chắn;

Nguyên nhân thứ ba là vọng tâm tương tục có ba đời hiện tại, vị lai, quá khứ vẫn triền miên không dứt;

Nguyên nhân thứ tư là cách thức niệm Phật;

Nguyên nhân thứ năm là không tỏ ngộ rốt ráo cái lý "duy tâm Tịnh độ, tự tính Di Đà.”

199. Nguyên nhân thứ nhì: làm thế nào niệm Phật được tiếp tục để cho tâm hướng về Phật?

- Nếu ông biết rằng mình có vọng tâm tương tục thì phải dùng sự niệm Phật không gián đoạn để trừ nó.

200. Xin thí dụ cho dễ hiểu: niệm Phật thế nào không gián đoạn để phá vọng tâm tương tục?

- Sắc thân của ta ví như cái nhà, cái nhà ấy phải có chủ, nếu chủ nhà thường đi vắng, kẻ gian ở ngoài nhảy vào chiếm đoạt, thì thân này hoàn toàn ở dưới mạng lịnh của kẻ gian ấy, mặc sức cho kẻ gian sai khiến sắc thân làm nhiều điều tội lỗi, tăng thêm nghiệp duyên cho thân, khẩu, ý.

Vì lẽ ấy, chúng ta phải luôn niệm Phật, đừng cho gián đoạn, không khác nào cái nhà luôn luôn có chủ, dầu cho ngoại duyên muốn kéo níu hay kẻ gian muốn chiếm đoạt nhà cũng không được.

201. Nguyên nhân thứ ba nói vọng tâm tương tục có ba đời: hiện tại, vị lai và quá khứ vẫn triền miên không dứt. Nếu nó không dứt thì phải làm sao cho tâm hướng về Phật, cũng như sóng hướng về nước thì nó phải dứt?

- Đây là phần tế nhị, khó phân biệt được trong lúc trình độ tu học của mình còn non nớt. Ông cũng nên hiểu: Vọng tâm từ trong sâu của tạng thức phát ra ngoài, tức là từ tế tướng ra đến thô tướng, cũng như củ cỏ từ dưới lớp đất rồi mới mọc trồi lên khỏi mặt đất. Vì lẽ ấy, chỉ thấy có cỏ mà không thấy có củ. Vọng tâm cũng như thế, ta chỉ thấy phần thô (to lớn) mà không thấy phần tế (nhỏ nhít). Bởi vậy trong lúc chúng ta dùng công phu niệm Phật không cho gián đoạn, nó mới thông đạt tới tạng thức (nguồn gốc vô minh), thì cái vọng tâm tương tục không còn vận động trong phần tế được, lẽ tức nhiên nó phải tan.

Muốn đào cỏ phải bứng gốc, nếu phát trên mặt, một ít lâu cỏ mọc trở lại. Xem cái thí dụ trên đây thì biết rằng những người niệm Phật ngoài môi, cũng như người phát cỏ trên mặt đất. Vì lẽ ấy, phải biết cách niệm Phật theo nguyên nhân thứ tư mới được.

202. Nguyên nhân thứ tư, cách thức niệm Phật ra làm sao?

- Nên biết rằng niệm lớn tiếng không bằng niệm nhỏ tiếng, niệm nhỏ tiếng không bằng niệm lầm thầm, niệm lầm thầm không bằng niệm trong tâm. Niệm trong tâm phải biết thâu nhiếp phóng tâm, không phóng tâm thì tự nó biến ra tâm thường trụ. [Cũng như vọng tâm tự nó trở về chân tâm; sóng tự nó hướng lại nước]. Hễ thường trụ đó là vọng tâm hướng về chân tâm (chân tâm tức chân như), khi đó toàn thể pháp giới đều là diệu minh thể, đó là cảnh giới thường tịch quang, thọ dụng không lường sự mầu nhiệm.

203. Nguyên nhân thứ năm là phải tỏ ngộ rốt ráo cái lý niệm Phật, cũng như bên Thiền Tông tỏ ngộ được Phật tính của mình, là ý nghĩa làm sao?

- Về lý này tôi đã nói rồi, đây xin nói thêm để tổng kết năm nguyên nhân làm cho người tu hành tâm hướng về Phật, hay là Tâm Phật đồng nhất. Sách Phật có nói: "Tâm, Phật và chúng sinh, ba món không sai khác.” Bên Thiền Tông dạy tìm hiểu Phật tính làm sao, thì bên Tịnh Độ Tông cũng y như vậy; nhưng danh từ có khác, cho tới các kinh luận, mỗi thứ cũng có một danh từ riêng để chỉ Phật tính.

Như Pháp Bửu Đàn Kinh thì dạy kiến Phật tính, Kim Cang Kinh dạy tỏ ngộ Như Lai tự tính, Di Đà Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Duy Ma Kinh, thì dạy tỏ ngộ Di Đà tự tính, Luận Khởi Tín thì dạy tỏ ngộ Chân như tự tính, v.v...

Muốn tỏ ngộ rốt ráo cái lý niệm Phật, thì phải tỏ ngộ Di Đà tự tính. Sau khi tỏ ngộ thì chứng được Phật tức tâm, tâm tức Phật, không còn sợ ngoại duyên hay tâm chúng sinh chiếm đoạt nhà cửa (sắc thân).

204. Niệm Phật cách nào để thâu nhiếp phóng tâm, và dùng phóng tâm để biến ra tâm thường trụ. Tâm thường trụ là tâm gì? Tâm không thường trụ là sao? Kinh nào nói hai thứ tâm này?

- Lời hỏi này phân ra làm hai câu: Câu thứ nhất "niệm Phật cách nào để thâu nhiếp phóng tâm?” Câu này trả lời nữa cũng là thừa, vì tôi đã đưa ra năm nguyên nhân niệm Phật để hiệp nhất Tâm và Phật, tức là để thâu nhiếp phóng tâm.

Trả lời câu thứ hai (dùng phóng tâm biến ra tâm thường trụ), tôi xin nói tiếp: Tu tập (theo năm nguyên nhân) một ít lâu cho thuần thục, thì tâm được thường trụ. Nếu tâm được thường trụ thì lần lần tuỳ thuận nhập sâu vào Chân như Tam muội, dẹp được tất cả phiền não sâu dày, đức tin được mở rộng, mau tiến tới bậc không thối chuyển (bậc Bồ tát bất thối).

205. Pháp niệm Phật Tam muội giải ở đây sao không giống với phần nhiều kinh sách đã nói?

- Nếu nhái theo kinh sách hoài thì lý luận không được hoạt bát, ý nghĩa không được mở rộng, lời văn lúng túng. Hễ chứng lý được thì nói rộng khắp muôn bề, đem về gồm một lý, cái lý viên dung bình đẳng của toàn thể pháp giới tính.

Trước hết, ông phải hiểu thế nào là tâm thường trụ (dụ như chủ), thế nào là tâm vô thường hay tâm không thường trụ (dụ như khách trần). Chủ thì vô khứ vô lai, khách thì hữu khứ hữu lai. Ở đây chúng tôi dùng thuật ngữ thường trụ và không thường trụ để thay cho kinh Lăng Nghiêm dùng hai từ chủ và khách.

(Trích dẫn)

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo A Nan và đại chúng rằng:

- Thuở Ta mới thành đạo, nơi vườn Lộc Uyển (Ta) có bảo năm tỳ kheo rằng, tất cả chúng sinh chẳng thành đạo Bồ đề và thành A la hán, là vì bị những phiền não như khách, như trần mê hoặc. Thuở đó các ông vì sao mà tỏ ngộ, hiện nay đã được thành thánh quả?

Khi ấy ông Kiều Trần Như đứng dậy bạch rằng:

- Tôi nay già cả, ở trong đại chúng đặng pháp danh là "Giải,” là vì ngộ đặng hai chữ khách trần mà chứng quả. Bạch Thế Tôn! Ví như người khách đi đường nghỉ tạm trong quán, hoặc ngủ, hoặc ăn, ăn ngủ xong rồi xếp đồ lên đường; không rỗi rảnh mà an trú nơi quán. Còn như nếu thật là ông chủ quán, thì không còn đi đâu nữa. Tôi suy nghĩ như vậy thì biết rằng: không thường trú là khách, còn thường trú gọi là chủ.
………
Câu chuyện trên đây cho chúng ta biết rằng, tâm không thường trụ là tâm sinh diệt, là tâm vô thường, thì không bao giờ ở an nơi sắc thân. Còn tâm thường trụ thì luôn ở an tại nhà, đúng với cái nghĩa chân tâm vô khứ bất lai.

206. Tức tâm tức Phật là sao?

- Niệm trước chẳng sinh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật (Tiền niệm bất sinh tức tâm, hậu niệm bất diệt tức Phật – Lục tổ Huệ Năng).

207. Xin ông giải thích thêm cho dễ hiểu, thế nào là tức tâm tức Phật?

- Đó là ý nói cái tâm chẳng sinh chẳng diệt, là chân tâm thường trụ, là Phật vậy. Cái tâm như thế mới nói là cái tâm Phật, là tức Phật tức tâm, còn vọng tâm thì không thể nói tức Phật tức tâm được. Tuy nhiên, hành giả phải biết rằng, trong một trường hợp khác, vọng tâm cũng tức chân tâm, chúng sinh tức Phật, vọng tưởng tức chân như. Trường hợp khác nữa, tâm tức pháp, pháp tức tâm, ...

208. Dùng văn tự làm bằng cớ để cầu chứng là kẻ mê, lìa tâm ra mà cầu Phật là ngoại đạo, nhưng cố chấp cái tâm là Phật cũng là ma. Thế thì nói tức Phật tức tâm, chẳng là mâu thuẫn, chẳng là ma ư?

- Nhờ văn tự mà ngộ giải được nguyên lý của tâm pháp đạo, cũng như nhờ nghe pháp mà chứng lý, chớ không ai dùng văn tự mà cầu chứng đạo tâm bao giờ. Phải biết rằng văn tự bát nhã là hình tướng của trí huệ thật tướng, nếu cứ mê theo hình tướng của văn tự mà tụng tán, thì không bao giờ hiển hiện được trí huệ thật tướng. Mượn văn tự làm phương tiện để triển khai đạo tâm, cũng như mượn ngón tay để chỉ mặt trăng, nếu chấp ngón tay thì chẳng thấy được mặt trăng. Theo lý luận trên đây mà nói, cũng như mượn tâm để chỉ Phật, nếu lìa tâm ra mà cầu Phật thì thuộc về ngoại đạo, trái lại, chấp tâm là Phật cũng là ma.

209. Dùng văn tự mà cầu chứng và lìa tâm mà cầu Phật, ông nói tôi đã hiểu rồi, xin giải thích thêm câu: Chấp tâm là Phật cũng là ma?

- Nếu ông muốn rõ Phật tính, nghĩa là ông muốn thấy được bản tính A Di Đà (cũng là bản tính chân như) thì ông không nên chấp có tâm. Bởi tâm là pháp, chấp tâm cũng như chấp pháp. Và, ông cũng không nên chấp Phật, bởi chấp Phật thì còn kẹt vào chúng sinh. Phật và chúng sinh là hai danh từ đối đãi, là giả danh, hễ chấp cái này thì dính mắc cái kia. Vì vậy cho nên không nên chấp tâm, mà cũng không nên chấp Phật.

Làm chứng cho lý luận trên đây, trong Tâm Phật Tụng có nói:

Phật tức tâm, hề tâm tức Phật,
Tâm Phật tùng lai giai vọng vật,
Nhược trì vô Phật phục vô tâm,*
Thỉ thị chân như pháp thân Phật.

* Nếu biết không Phật cũng không tâm: Không ở đây là chân không bất không, chẳng phải như lông rùa sừng thỏ. Tuy không mà diệu hữu, đừng hiểu cái không đối đãi với cái hữu của Nhị thừa. Nói cách khác, không mà chẳng chấp không, chẳng chấp có.

Nghĩa là: Phật là lòng, lòng là Phật, lòng Phật xưa nay đều là huyễn vật. Nếu biết không Phật cũng không lòng, ấy mới là chân như pháp thân Phật.

Ông nên biết rằng, sở dĩ có những lời nói trên đây là để dạy bảo những người tu học Đại thừa đừng chấp tâm, chấp Phật. Chớ đã nói tức Phật tức tâm, thì cái gì chẳng phải là Phật, cái gì chẳng phải là tâm. 

Xưa có người hỏi Mã Tổ Đại sư như vầy: "Nếu bảo tâm là Phật, thì trong tâm ấy cái gì cũng là Phật phải chăng?”

Mã Tổ Đại sư trả lời rằng: "Thế ông ngờ tâm ông cái gì chẳng phải là Phật, xin chỉ vào đấy cho tôi xem!” Người ấy trả lời không được, Đại sư liền nói tiếp: "Đạt được thì khắp mọi nơi chỗ nào cũng là Phật, còn không đạt được thì cứ sai lầm mãi mãi.”

210. Theo lời ông nói nãy giờ, tôi cũng muốn bỏ cái tâm chấp pháp, nhưng tại sao lòng tôi cứ đeo mang mãi mãi, vậy phải làm thế nào?

- Muốn đừng chấp pháp, chẳng phải bỗng dưng mà được, ít nữa ông phải tỏ ngộ những giáo lý mà Phật đã dạy về sự phá pháp chấp. Nhứt là ông phải tỏ ngộ cái lý nhơn vô ngã, pháp vô ngã, hoặc giả tỏ ngộ các pháp đều là duy tâm biến hiện, ngoài tâm không có các pháp... Còn nhiều cái lý nữa, làm cho mình phá được pháp chấp, không thể kể cho xiết.

211. Xin nói cái lý nào gần hơn hết để phá pháp chấp?

- Đức Tổ sư Nam Nhạc, trước khi nhập diệt, có truyền pháp cho Vô Ngôn Thông như vầy:

Nhứt thiết chư pháp,
Giai tùng tâm sinh.
Tâm vô sở sinh,
Pháp vô sở trú.

Nhược đạt tâm địa,
Sở trú vô ngại.
Phi ngộ thượng căn,
Thân vật khinh hứa.

Nghĩa là: Cả thảy các pháp đều do tâm sinh ra. Nếu tâm không sinh thì pháp không có chỗ nương dựa. Bằng đạt được cái tâm địa này, thì làm việc gì cũng không trở ngại. Tâm pháp này, nếu chẳng gặp người thượng căn, thì chẳng nên truyền pháp.

(Ở đây nói tâm sinh cả thảy pháp, ở chỗ khác nói chân như sinh vạn pháp, ở chỗ khác nữa nói thực tính duy thức sinh ra các pháp. Lăng Nghiêm nói Như Lai tạng sinh các pháp...)

212. Kẹt trong những món nào mới gọi là chấp pháp?

- Kẹt trong muôn sự muôn vật, gọi là chấp pháp. Chẳng phải kẹt trong các môn tu hành gọi là chấp pháp mà thôi. Nói tóm lại, cái gì nói được, cái gì kêu gọi được, tưởng tượng được... đều là pháp cả.

213. Tịnh Độ Tông, ngoài sự niệm Phật, còn niệm cái gì khác nữa chăng?

- Ngoài sự niệm Phật còn niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm định, niệm huệ...

214. Niệm pháp là sao?

- Là nhớ tưởng đến Chính Pháp của Phật. Chính Pháp ấy ở nơi tính thì là tâm chân như, còn ở nơi tướng thì hiện đủ muôn pháp, thâu nhiếp trong ba tàng giáo hải của nhà Phật, bày ra vô lượng pháp môn, mục đích chỉ thẳng đến chỗ nguồn gốc của muôn sự muôn vật là tâm. Hễ tâm sinh thì các pháp đều sinh, còn tâm diệt thì các pháp đều diệt; ly cái tâm sinh diệt ấy, chứng được các pháp đồng nhất thể, gọi là niệm Pháp.

Đức Mã Minh Bồ tát có nói: "Hễ nói đến pháp là nói đến tâm rồi. Bởi vậy cho nên, niệm pháp tức là niệm tâm, vì tâm là nguồn gốc sinh ra các pháp.”

215. Cái lý này mắc quá, xin nói bậc thấp cho tôi hiểu?

- Niệm Pháp là nhớ tưởng đến giáo pháp, thực hành y theo giáo pháp, chẳng phải tụng tán suông.

216. Niệm Tăng là sao?

- Là tưởng nhớ đến người có công dạy dỗ mình tu học. Bằng theo lý Thượng thừa mà nói: là tưởng nhớ đến lòng trong sạch (tâm thanh tịnh) của mình, đặng xa lìa các pháp ô nhiễm. Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây tưởng nhớ đến lòng trong sạch ấy, làm cho nó hiện ra ba nghiệp thân, khẩu, ý, tỏ ra hành vi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình đã được giải thoát khỏi tất cả những sự mê nhiễm của thế gian, gọi là niệm Tăng.

217. Còn nghi thức niệm Phật phải làm cách nào?

- Đời càng tiến, thì nghi thức phiền phức càng dẹp lần, nhất là không nên thay đổi nghi thức khác, bởi đó là hình thức bề ngoài, dầu có bày ra cái khác cũng không thể tồn tại được với thời gian. Nghi thức bày biện ra nhiều quá, làm cho người tu hành mắc kẹt nơi sự tướng, giam hãm vào đó mà ngưng trệ sự tỏ ngộ tâm pháp đạo.

218. Trước khi lễ Phật, phải đọc chú súc miệng, chú rửa tay và chú rửa mặt chăng?

- Có câu chú nào bằng câu chú "A Di Đà Phật.” Nếu ông giữ đúng vệ sinh, thì chú súc miệng, rửa mặt, rửa tay để làm gì? Bằng ông không giữ vệ sinh, niệm chú ấy có lợi về phương nào? Ví dụ như các câu chú "tịnh khẩu nghiệp chân ngôn,” "tịnh thân nghiệp chân ngôn,” "tịnh tâm nghiệp chân ngôn,” dầu có đọc luôn luôn đi nữa, nếu không giữ đúng mười giới cấm thì cũng không làm sao cho ba nghiệp thanh tịnh được. Thế thì đọc chú mà trong sạch được ba nghiệp, hay là giữ mười giới? Lẽ tất nhiên phải giữ mười giới.

Mỗi lần ông niệm Phật, là mỗi lần ông mở cơ quan thâu rút những lằn điện của đức Phật A Di Đà phóng quang nhiếp thọ. Một câu chú như câu niệm Phật, trùm tất cả các câu chân ngôn, thì cứ nắm lấy cái gốc ấy mà đi tới, dầu có niệm các câu chú khác, chung quy cũng về đó. Thí dụ như trăm sông ngàn rạch không bằng một biển cả, là như thế.

219. Nếu mấy câu chú ấy không dùng, thì cũng nên dùng câu chú phá địa ngục, như vậy mới thoát khổ chớ?

- Cái đó mới là mâu thuẫn nữa, nếu thật như vậy thì mấy người mắc kẹt trong địa ngục, nhờ câu chú ấy mà được giải thoát hay sao?

Địa ngục nguyên tiếng Phạn là Na-ra-ka (naraka), nghĩa là đồ khổ, tức là chỉ những cảnh khổ do chúng sinh tạo ra và chịu ảnh hưởng lấy, cũng như gieo gió thì gặt bão vậy. 

Lòng u ám là địa ngục, vì mình tạo ra cảnh tối tăm rồi mắc kẹt trong ấy, khổ vô cùng khổ; ai phiền não nhiều là rơi vào địa ngục.
Lòng khổ não là địa ngục, chính mình tạo ra nghiệp duyên tam độc: tham, sân, si.

Lửa vô minh là địa ngục, chính vì mình tối tăm mê muội nên tạo ra các ác nghiệp: sát, đạo, dâm, vọng, là bốn trọng tội, nên bị lửa ấy thiêu đốt, thân thể bất an, tâm thần rối loạn, điên đầu nát óc.

Nếu ông muốn phá địa ngục, thì giữ cấm giới cho tinh nghiêm, đừng phạm đến các điều răn. Lòng tinh chuyên niệm Phật, đó là ông phá địa ngục có đủ bằng cớ và tự ông chứng biết, chớ không phải mơ hồ huyền bí gì cả. Bằng ông không làm như thế, mà ở đó lo niệm chú phá địa ngục, nhưng địa ngục vẫn còn nguyên, bởi lòng ông còn vô số phiền não, tức còn vô số địa ngục.

220. Nói như ông vậy thì không có địa ngục?

- Những lời tôi nói trên đây, là duy tâm địa ngục, nghĩa là cái lòng tối tăm mê lầm của mình, tạo ra các hoàn cảnh khổ, rồi mình đày lấy mình trong hoàn cảnh khổ ấy. Nếu muốn phá địa ngục, thì phải phá cái tâm mê lầm khổ sở ấy trước.

Còn địa ngục mà ông nói đó, là địa ngục của cõi âm, gọi là âm phủ, chỗ giam cầm những linh hồn hung ác, tội lỗi dẫy đầy. Cõi ấy cũng ở trên thế gian này, chớ không phải ở dưới đất như nhiều người lầm hiểu.

Có nhiều người nói rằng không có địa ngục, chỉ có Thiên đàng mà thôi. Nói như thế là không hiểu cái luật tương đối của vũ trụ vạn hữu. Nên biết rằng hễ có đêm thì có ngày, có tối phải có sáng, có chúng sinh thì có Phật, có cõi vui phải có cõi khổ, cũng như có Thiên đàng thì phải có địa ngục. Nghĩa là có cái này phải có cái kia, nếu không có cái kia thì cái này cũng không nốt. Nói có Thiên đàng mà không có địa ngục, thì chẳng khác nào nhận có cảnh vui mà không nhận có cảnh khổ, dầu người thiếu lý luận đến đâu đi nữa, cũng biết mình nói trật.

Luật tương đối chi phối ba cõi: cõi dục giới, cõi sắc giới, cõi vô sắc giới. Ngoài tam giới trên đây, mới nói đến cõi tuyệt đối được.

Mười cõi Pháp giới, Phật chia ra như dưới đây:

1- Cõi Phật
2- Cõi Bồ tát
3- Cõi Bích chi Phật hay Độc giác Phật
4- Cõi La hán
5- Cõi Thiên
6- Cõi Nhân
7- Cõi Quỷ, Thần
8- Cõi Địa ngục
9- Cõi Ngạ quỷ
10- Cõi Súc sinh.

221. Còn bài nguyện chuông (không phải câu chú) trước khi đánh có đọc chăng?

- Nếu không tụng kinh, không gõ mõ, thì cần gì phải đọc bài nguyên chuông. Xét cho kỹ, bài nguyện chuông đại ý nói rằng: Nguyện cho chúng sinh cả thảy được thành Phật, nghe tiếng chuông bớt phiền não, thêm trí huệ, sinh bồ đề, xa địa ngục, khỏi hầm lửa, nguyện thành Phật độ chúng sinh.

Theo câu này mà nói, thì dầu ông nguyện cho ông đi nữa, cũng chưa chắc ông bớt phiền não, thêm trí huệ, sinh bồ đề, xa địa ngục, khỏi hầm lửa. Bởi vì nguyện mà không làm theo lời nguyện, thì cái nguyện ấy trở thành cầu đảo khấn vái, có khác nào như mấy người đi đến chùa cầu tự (cầu con) hoặc cầu cho ruộng nương được trúng mùa, buôn bán được thịnh vượng...

Đạo Phật không phải như thế, Phật dạy người tu hành phải làm theo lời nói (hay làm theo lời nguyện) chớ không phải khấn vái mà được việc. Nếu ông ước nguyện làm giàu, thì ông phải cực khổ theo lời ước nguyện ấy, nghĩa là ông phải đem thân ra lăn lóc làm ăn, chớ chẳng phải ngồi một chỗ, chờ cho lời ước nguyện ấy được kết quả. Trong sự tu hành cũng vậy, có phải ở đó khấn vái mà thành công đâu.

Nếu ông muốn bớt phiền não, thì phải giác ngộ (tỉnh thức), muốn thêm trí huệ thì phải học hỏi tu hành, phải tham thiền... muốn sinh bồ đề thì phải biết bồ đề là gì, làm thế nào để chứng tâm bồ đề, chớ có phải nguyện suông mà được đâu. Muốn xa lánh địa ngục, muốn tránh hầm lửa, thì dứt lòng u ám mê muội, diệt lửa vô minh, v.v...

222. Còn bài kệ nguyện hương, dầu không chuông mõ cũng phải dùng, chắc ông không bác thì phải?

- Không bao giờ tôi có ý bắt bẻ, tôi có ý nói rằng nguyện thế nào, thì phải làm theo thế ấy mà thôi. Bài nguyện hương ý nghĩa thuộc về Đại thừa, chúng ta cần phải tìm hiểu.

Bài kệ ấy như vầy:

Giới hương, định hương, dữ huệ hương,
Giải thoát, giải thoát tri kiến hương.
Quang minh vân đài biến pháp giới,
Cúng dường thập phương Tam bảo tiền.

Nghĩa là: Hương giới, hương định, cùng hương huệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kiến. Năm thứ hương này xông lên làm đài mây sáng suốt khắp cả tam giới, mà cúng dường trước ngôi Tam bảo trong mười phương.

Bài nguyện hương này trong đó có nói tới Giới, Định, Huệ, sự giải thoát và cái tri kiến minh chứng mình đã được giải thoát. Ý nghĩa của bài kệ cao siêu như vậy, mà mình chỉ đốt nhang nguyện suông, thì biết đời kiếp nào mới được kết quả: Giới, Định, Huệ, giải thoát và tri kiến giải thoát.

223. Pháp niệm Phật có đủ sáu độ bờ kia (Lục độ ba la mật) chăng?

- Vâng! Pháp niệm Phật có đủ sáu độ ba la mật.

* Người niệm Phật lòng không tham lam, hay làm việc bố thí (tài thí, pháp thí, vô uý thí). Trong chỗ bố thí ấy, chẳng thấy có ta làm, chẳng thấy có ai thọ thí, chẳng thấy món gì đem ra thí, gọi là bố thí bờ kia (Bố thí ba la mật).

* Người niệm Phật ba nghiệp (thân, khẩu, ý) được trong sạch, không bao giờ phạm các điều cấm giới của Phật. Không có lòng chấp rằng có ta giữ giới, không có lòng chấp rằng có giới để trì, gọi là trì giới bờ kia (Trì giới ba la mật).

* Người niệm Phật được tịnh định, không thấy ta có lòng sân hận, cũng không thấy là có tu pháp nhẫn hay không tu pháp nhẫn, không thấy có pháp nhẫn nhục để tu, gọi là nhẫn nhục bờ kia (Nhẫn nhục ba la mật).

* Người niệm Phật được nhất tâm không dời đổi, không thấy ta có lòng lui sụt, không thấy có ta, không thấy có pháp tinh tấn để tu, gọi là tinh tấn bờ kia (Tinh tấn ba la mật).

* Người niệm Phật tâm không tán loạn, không thấy ta còn có cái lòng sinh diệt, không thấy có ta tu thiền định, không thấy có pháp thiền định để tu, gọi là thiền định bờ kia (Thiền định ba la mật).

* Người niệm Phật tâm được sáng suốt, không thấy có lòng mê lầm, không thấy có ta tu huệ, không thấy có pháp trí huệ để tu, gọi là trí huệ bờ kia (Trí huệ ba la mật).

Ba la mật có nghĩa là rốt ráo, là viên chứng, là đã được giải thoát tức đã đến bờ giác, không còn ở bến mê nữa, mới nói rằng không thấy có ta tu sáu độ ba la mật, không thấy có pháp lục độ để tu, không thấy có pháp lục độ để chứng.

Còn nữa.....
-
Trích trong: Phật học vấn đáp
Soạn giả: Cư sĩ Như Pháp
Giấy phép số: 753/X.B

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm sao để giữ giới không sát sanh?

Hỏi - Đáp 17:30 24/04/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử tại gia, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp và hiện công tác tại trạm bảo vệ thực vật huyện (chuyên phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng). Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn và bất an bởi công việc mình đang làm phạm vào giới sát (vì hàng ngày hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bọ).

Cầu nguyện Phật, Bồ tát đúng Chánh pháp

Hỏi - Đáp 16:45 24/04/2024

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy không ít người sau khi cầu nguyện còn dùng tay xoa tượng Phật sau đó xoa lên cơ thể. Là người Phật tử chân chính, tôi rất ưu tư về điều này. Khi tôi hỏi họ làm như thế với mục đích gì thì họ bảo là để chữa bệnh.

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Hỏi - Đáp 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Kính Tăng đúng pháp được phước vô lượng

Hỏi - Đáp 14:40 16/04/2024

Hỏi: Người Phật tử khi nhìn thấy nhà sư thì luôn khởi tâm kính trọng. Vậy đối với những vị sư không nghiêm trì giới luật, phá giới hay khiếm khuyết oai nghi thì nên khởi tâm như thế nào để không bị tổn phước?

Xem thêm