Chủ nhật, 21/02/2021, 10:00 AM

Phật pháp nhiệm màu: Sống đời chánh nghiệp (I)

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Vĩnh Lộc, Hải Dương. Tôi còn nhớ lúc nhỏ vẫn thường cùng bà và bố đi chùa, nhưng ngày ấy chỉ biết đến chùa lễ Phật vậy thôi chứ chưa có hiểu biết gì về Phật pháp.

Nghệ sĩ Châu Thanh nhờ niệm Phật đã hết bệnh viêm gan siêu vi c

Sau này lớn lên, tôi lấy chồng và sinh cháu đầu. Lúc đó chồng tôi đi lính ở xa, mãi thời gian sau anh mới được xuất ngũ trở về quê hương. Rồi tôi lại tiếp tục sinh cháu thứ hai. Lúc đó, hoàn cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, gia đình chúng tôi nội ngoại đều nghèo nên vợ chồng tôi sống tự lập. Hai vợ chồng sống ở quê được hơn một năm thì anh ấy muốn ra đi tìm hướng làm ăn mới. Đầu tiên, anh bàn với tôi: “Em ơi, bây giờ làm nông mà cảnh quê mình bốn bề sông nước, anh sợ khó làm ăn lắm! Mình đi đâu mà không có tiền thì không qua được sông, không đi được chợ!” Anh bàn với tôi ý định muốn đi buôn bán, mà anh cũng chưa đi buôn bán bao giờ. Trước kia, anh đi làm ruộng rồi đi lính suốt nhiều năm, anh chưa có kinh nghiệm kinh doanh, lại thêm vốn liếng hai vợ chồng cũng không có. Anh trai tôi thấy vậy, nên cản anh ấy không nên đi buôn bán. Anh ấy không nghe, anh bán hết thóc gạo trong nhà để đi cho bằng được. Tôi nghe người ta bảo, mỗi lần anh ấy đi thì lấy quần áo của anh rang lên, anh thấy nóng ruột thì sẽ về. Chẳng biết có phải vì thế hay không mà lần nào đi rồi anh cũng quay về.

Lần cuối cùng quay về vẫn chỉ hai bàn tay trắng, nghèo vẫn hoàn nghèo. Lúc này tôi cầm lòng không đành, chợt nghĩ đến số tiền năm xưa khi anh phục viên về nhà được trả 310 ngàn đồng. Số tiền ấy anh vui chơi cùng bạn bè, còn lại được 200 ngàn anh đưa về cho tôi. Tôi vẫn cất giữ số tiền ấy bao lâu nay, cho dù trong nhà nhiều lúc phải lâm vào cảnh túng thiếu, tôi vẫn không dám tiêu. Lần này trở về hai bàn tay trắng mà anh vẫn quyết chí đi một lần nữa. Thương anh, không thể cản được anh, tôi không đành giữ tiền của anh thêm nữa. Tôi bảo anh: “Đây là 200 ngàn đồng em muốn cất giữ mua gì đó cho anh để kỷ niệm trong đời lính. Nhưng bây giờ em phải đưa cho anh, để anh đi làm ăn phương xa. Em là người con gái quê mùa không đi xa quê bao giờ hết. Em cũng sợ nên anh hãy đi một mình”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hôm chia tay, chỉ có hai vợ chồng và hai đứa con, cháu lớn chưa đầy bốn tuổi, cháu nhỏ hơn một tuổi. Cháu lớn đứng nép vào lòng mẹ, còn cháu nhỏ đeo bố, đòi theo bố đi. Trong cảnh trời mưa phùn gió bấc, chồng ra đi có hai bộ đồ với cái balô và hai trăm ngàn đồng. Tự hỏi bây giờ chồng đi đường sá xa xôi lấy gì mà sống, tôi ở nhà cũng thấy lo. Lúc anh ra đi, ba mẹ con ôm nhau khóc và nhìn theo bóng anh, cũng đành rằng phải chịu vậy. Nếu chồng ở nhà thì được nhờ chồng, bây giờ chồng đi thì một nách hai đứa con nhỏ, tôi vừa công việc đồng ruộng vừa lo công tác, nhưng tôi may mắn nhờ được bà ngoại trông con giúp.

Anh đi sau một năm trời mà không có tin tức gì. Lúc bấy giờ, tôi nghe nói anh điện thoại và viết thư năn nỉ gia đình hai bên xin đưa vợ con vào miền Nam để đoàn tụ. Anh nói đã xin việc cho tôi rồi, nhưng tôi sợ vào đó anh bỏ đi thì nơi đất khách quê người tôi không biết làm sao. Tôi quyết định không đi. Sau đó, anh nhờ người này người kia thuyết phục. Họ bảo, bây giờ chắc anh cũng có công việc, nên muốn đoàn tụ gia đình, không muốn xa vợ xa con nữa. Tôi mủi lòng, đưa hai con vào miền Nam sinh sống. Vào miền Nam, cuộc sống càng khó khăn hơn, nơi đất khách quê người tôi phải tập thích ứng dần. Tôi vào làm cơ quan từ năm 1985, đến năm 1987 thì sinh thêm cháu gái, cuộc sống thêm phần chật vật. Từ năm 1983 đến 1989, tôi đã phá thai ba lần. Lúc bấy giờ, tôi chưa biết đến Phật pháp, không biết điều đó tội lỗi như thế nào, tôi chỉ nghĩ mình nghèo khổ quá, sinh con mà không có tiền nuôi con thì thà bỏ chúng đi. Tôi chỉ nghĩ như thế.

Vào miền Nam, vợ chồng tôi công tác được bốn năm thì cơ quan tinh giản biên chế. Vợ chồng tôi có được một trăm ngàn đồng, tích góp mua được miếng đất nhỏ nhỏ, trồng rau nuôi heo. Nuôi heo trong 10 năm, gặp năm con heo nái đẻ con rồi bị chết nên tôi thấy tội quá không nuôi nữa. Nuôi heo thất bại, tôi chuyển sang nuôi cá và trồng thêm rau để trang trải bữa ăn hàng ngày. Sau đó, còn chuyển sang buôn bán nhưng cũng ế ẩm. Cuối cùng tôi nghĩ mình phải bán thứ mà ít người bán mới mong kiếm được chút đỉnh. Lúc đó, tôi chưa biết đến Phật pháp, cũng chưa biết điều gì là tội lỗi, tôi chuyển sang bán nghêu, sò, ốc, hến.

Thành tâm cảm ứng Phật nhiệm màu

Một hôm, có người ghé hàng nghêu, sò, ốc, hến của tôi, người đó mua rất nhiều. Tò mò tôi mới hỏi: “Mua làm gì mà nhiều thế?” Người đó chỉ đáp gọn: “Tôi mua đi phóng sinh. Có người đi nước ngoài về gởi tôi ba triệu muốn mua nghêu, sò, ốc, hến phóng sinh.” Tôi mừng lắm! Nghĩ bụng, người ta mua nhiều thế, ngày mai mình lấy thêm nữa về bán. Lúc đó, tôi ước đoàn này, đoàn kia về mua nghêu, sò, ốc, hến rồi mua cá về phóng sinh. Tôi bàn với chồng: “Anh ơi! Anh thử tìm hỏi xem chắc phóng sinh lợi nhuận như thế nào người ta mới phóng sinh. Chứ người ta cực nhọc kiếm từng đồng, từng cắc một mà tại sao có thể bỏ cả mấy triệu để phóng sinh?” Cũng chẳng đợi chồng hỏi, khi có người tới mua phóng sinh, được dịp tôi cũng lân la hỏi. Người ta trả lời: “Phóng sinh tốt lắm cô ạ!” Tôi gượng hỏi: “Thế phóng sinh là cúng như thế nào?” Anh trong đoàn phóng sinh hướng dẫn cho tôi cách phóng sinh thế nào. Chiều tối hôm ấy, còn mấy con ốc, con hến còn dư lại, tôi đem mấy con rẻ tiền ấy ra giữa dòng sông phóng sinh. Tôi chỉ niệm được câu Nam mô A Di Đà Phật, còn bốn câu được dặn hồi sáng tôi đều quên hết.

Rồi, nhân duyên với Phật pháp của tôi cũng đến. Đó là ngày tôi gặp chị L.N, lúc đó chị đến mua rất nhiều hến. Tính tôi hay tò mò, điều gì hay tôi học hỏi, điều gì xấu thì tôi bỏ. Tôi hỏi: “Chị ơi, chị mua làm gì mà nhiều thế?” Chị bảo: “Chị mua hến về phóng sinh cho người ta”. Tôi hỏi: “Phóng sinh có ý nghĩa thế nào mà thấy chị hay phóng sinh vậy?” Chị L.N từ từ giải thích ý nghĩa của phóng sinh rồi khuyên nhủ tôi nhiều điều. Đó là lần đầu tiên tôi có duyên nghe Phật pháp. Từ đó, tôi không bán nghêu, sò, ốc, hến nữa mà để mình chồng bán. Tôi hay gọi chị vào nhà nói chuyện về Phật pháp, chính chị đã khuyến hóa tôi. Chị nói: “Những con vật ấy, kiếp trước sống không có phước nên không được làm người. Mỗi con vật như con hến, con cua, con ốc, con cá ấy chính là một mạng người. Và chưa biết chừng, đó là ông bà cha mẹ mình kiếp trước không tu nên phải chịu như vậy. Vậy, kiếp này mình ngang nhiên bán, xào nấu chúng là kể như mình đang ăn cha mẹ, anh em mình”. Tôi nghe vậy, sợ quá nhưng chưa thật sự hiểu mấy. Chị ấy bảo: “Kiếp trước em có tu nên kiếp này em có phước duyên biết đến Phật pháp. Thôi em nghỉ bán nghêu, sò, ốc, hến đi chuyển qua bán đồ chay, bán bông hoa quả ấy”. Nghe vậy mà tôi vẫn không nghe theo. Tôi cũng nửa nọ, nửa kia, nhưng mà vẫn thắc mắc, chắc phải thấy lợi lộc như thế nào đó người ta mới phóng sinh chứ?

Một hôm, chị xuống chở tôi đến chùa Hoằng Pháp, hôm ấy chồng tôi không đi. Đến chùa Hoằng Pháp, tôi gặp cô D.A, cô L.N ở Ban Hộ Niệm. Tôi cùng đến ngồi ăn cơm ở trai đường, chị ấy nói với mọi người tôi làm nghề bán nghêu, sò, ốc, hến. Cô D.A nghe vậy liền khuyên tôi bỏ đi đừng bán nữa. Cô L.N gặp tôi cũng khuyên nhủ: “Trời ơi! Cô bỏ đi cô ơi, bán nghêu, sò, ốc, hến, cô làm vậy là ác đấy”. Tôi bảo: “Em đâu có làm gì ác đâu, bán thì cân đúng cân đủ, không cân thiếu sao mà ác được?” Cô L.N nói: “Bởi vì cô chưa biết Phật pháp thì cô chưa biết được như vậy là tội ác cô gây nên!” Câu nói đó làm tôi suy nghĩ mãi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tôi về tâm sự cùng chồng: “Anh ơi, nếu mà chị ấy hay người nhà chị ấy bán nghêu, sò, ốc, hến thì chị ấy nói vậy để mình nghỉ bán để người ta bán nhiều hơn. Nếu như thế thì lời nói của chị ấy mình không nên tin. Đằng này, chị ấy cùng người nhà chị ấy đều không bán nghêu sò ốc hến thì mình nên tin anh à. Người ngoài có khi họ có hiểu biết nên mới nói vậy, thôi bỏ đi anh, đừng bán nữa.” Nhưng anh vẫn chưa tin tôi, anh vẫn nhất quyết bán, anh nói: “Anh cứ bán đó, anh đâu có làm gì ác đâu!” Tôi nói hoài mà anh không nghe. Có hôm tôi bực lắm, mà anh vẫn quyết đi bán. Lúc đó, tôi ở nhà lạy Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu mong cho chồng bán ế. Nếu lúc trước, tôi sợ anh nghe thấy sẽ la, nhưng giờ thì không. Hình như có sự nhiệm màu thật, hai ngày đó anh chỉ bán được 3kg thôi. Tôi nghe vậy, mừng thầm trong lòng. Đến ngày thứ Ba, anh mới bắt đầu chịu theo lời tôi. Tôi bảo anh: “Anh thấy chưa, nếu mình bán bông hoa quả mà ế thì mình cũng có thể đem cúng chùa được. Còn nếu mình bán nghêu, sò, ốc, hến, bị ế rửa đi rửa lại nhiều lần chúng sẽ chết, lúc đó chỉ có đổ đi chịu lỗ chứ không cho ai được!” Tôi bảo với anh: “Anh chở ra sông cho em, phóng sinh đi”. Thế rồi anh đồng ý với tôi, nhưng anh chở ra sông mà lòng chưa thấy vui, anh vẫn thấy buồn, vẫn hậm hực, vẫn ấm ức. Ra về, anh tiếp tục đi lấy bông hoa quả về bán, mỗi thứ một ít. Tôi mong anh lấy nhiều, bán không hết thì tôi đem vào cúng chùa. Mỗi lần như thế anh tỏ vẻ tiếc và khó chịu ra mặt. Nhưng tôi cứ kệ!

Thiếu nữ xinh đẹp từ bỏ cuộc sống xa hoa, quy y cửa Phật

Nhà tôi nuôi ba ao cá. Lúc trước, tôi có xin anh đem ốc dưới ao đi phóng sinh, anh bảo: “Nếu bán hết ba ao cá, thì anh mới thả ốc phóng sinh”. Đến bây giờ, bán mãi mà vẫn còn ba ao cá, đến một tấn mấy cá lận. Tôi lo lắng không biết làm sao mà bán cho hết. Bởi lẽ lúc đó, ai mua bao nhiêu cá thì anh đều đập đầu hết bấy nhiêu con. Tôi bắt đầu thấy sợ. Tôi bảo anh đừng đập đầu cá nữa, nhưng anh bảo không đập đầu thì người ta không mua.

Đang không biết làm sao với ba ao cá, tôi nhớ đến chị L.N. Chị ấy nói sẽ liên lạc với quý thầy chùa Hoằng Pháp xem thầy có mua cá về phóng sinh không. Mừng quá, tôi liền nói với chị: “Bình thường em bán 30 ngàn đồng/kg, còn sang lại cho người ta là 25 ngàn đồng/kg, giờ bán cho chùa, em bán rẻ 20 ngàn đồng/kg. Em cân dư ra luôn cũng được, miễn là cứ giải phóng xong ao cá kia là em mừng rồi. Gọi là em lấy ít tiền để trả cho người ta”.

Sau đó, quý thầy gọi cho tôi, thầy hỏi: “Cô bán hết ao cá này thì cô tính thả cá gì”? Tôi đáp lời thầy: “A Di Đà Phật, bán hết cá trong ao thì con thả bông súng. Dạ, chắc thầy thử con, chứ đã phóng sinh rồi mà còn nuôi lại làm gì ạ?”

Sau khi phóng sinh cá, trong tâm tôi cảm thấy thanh thản. Điều mà tôi không thể có khi bán cá. Lúc còn bán cá, vợ chồng chưa có ngày nào được ăn cơm chung, trong gia đình lúc nào cũng xào xáo, bất an lắm! Từ khi phóng sinh cá xong, vợ chồng tôi có thể ngồi ăn cơm cùng nhau. Lúc ấy, chị L.N mới bảo vợ chồng tôi: “Sau này, anh chị không nên buôn bán những con vật này nữa. Từ bây giờ, anh chị chỉ cúng chay thôi, không được cúng rượu thịt và giấy tiền vàng mã nữa”. Chị cũng dặn tôi đọc kinh hàng ngày. Tôi nghe lời khuyên của chị. Hôm đó, tôi muốn đi chùa nhưng chồng tôi nổi giận, rầm rầm chửi, con trai tôi về cũng thế. Lúc đó tôi sợ, đi tắm xong liền đi vào buồng nằm. Tôi nghĩ thấy thương con trai, bởi nó chưa biết đến Phật pháp. Tôi nghĩ mình đến tuổi này mới biết đến Phật pháp thì làm sao trách con mình được! Con gái tôi về nhìn thấy vậy, tưởng mẹ ngồi đọc kinh thì sướng lắm, còn ba phải làm việc nên ba khổ. Nhưng biết lợi ích của việc tụng kinh, ngày nào tôi cũng chuyên tâm hành trì.

(Còn tiếp)

(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 28)

Chùa Hoằng Pháp

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Xem thêm