Pho tượng Bồ Tát Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay hai lần mất trộm đều được tìm thấy
Chùa Mễ Sở tọa lạc ở thôn Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngôi chùa có niên đại hàng trăm năm có bảo vật quốc gia đó là tượng Phật Thiên thủ Thiên nhãn - pho tượng Phật có số lượng tay nhiều nhất Việt Nam hiện nay với 1.014 cánh tay.
Độc đáo pho tượng Bồ tát Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn
Chùa Mễ Sở mang kiến trúc thời Lê, nằm ngay sát đê sông Hồng mang dấu ấn thời gian của rêu phong tạo nên nét cổ kính, trầm mặc. Ngôi chùa có tôn trí pho tượng Bồ tát Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn được tạc bằng gỗ, phần tượng cao 2,80m, bệ cao 0,53m.
Bức tượng là hiện vật gốc độc bản, có hình thức thể hiện độc đáo, được các nghệ nhân xưa tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc thủ công truyền thống hết sức công phu, tiêu biểu cho nền mỹ thuật đầu thế kỷ thứ XIX. Là pho tượng Phật có số lượng tay nhiều nhất nước ta hiện nay với 1.014 cánh tay. Đi kèm mỗi cánh tay là một con mắt được tạo tác tinh xảo trong lòng bàn tay và được chia ra thành nhiều tầng lớp khác nhau. Những cánh tay lớn của tượng không chỉ được tạc từ cánh tay chính, mà còn có thêm phần gập của khuỷu tay. Đôi tay trên cùng (gọi là tay Đảnh Hóa Phật) được chụm lại trên đỉnh mũ Thiên quan nâng đỡ đài sen và tượng Phật nhỏ.
Điểm ấn tượng và độc đáo nhất của pho tượng này đó là có thêm một đôi tay Phổ Lễ ở phía sau lưng, tạo không gian mở đa chiều, hình tượng nghệ thuật vừa thân quen, vừa trang nghiêm về một vị thần thánh đầy linh nhiệm.
Nét độc đáo và khác biệt nữa là phía trên đầu tượng, nơi đầu mũi của vầng hào quang chạm nổi các cuộn mây hình khánh kết hợp với những cánh tay nhỏ đan đều nhau uốn khum ra phía trước, tựa như cánh của con chim Khổng tước đang trong tư thế sà xuống che cho đức Phật. Phía dưới là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, với Phật A Di Đà ngồi giữa tọa thiền trên đài sen, hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đứng trên đài sen hộ trì.
Theo quan niệm của Phật giáo Bắc Tông, Quan Thế Âm Bồ Tát sẽ lắng nghe những đau khổ của chúng sinh trong cuộc đời để cứu vớt. Quan Thế Âm Bồ Tát có thể hóa hiện thành muôn vạn nghìn hình khác nhau để thích ứng với mọi hoàn cảnh nhằm cứu độ mọi trường hợp khổ đau. Chính vì vậy, để thể hiện nên hình ảnh Quan Thế Âm nhìn được, cứu vớt được muôn loài thì người nghệ nhân đã tạo nên tượng Phật với đủ nghìn mắt, nghìn tay mà chúng ta thường gặp trong tín ngưỡng Phật giáo.
Cũng theo quan niệm của Phật giáo, thông điệp mà Bồ Tát Quan Thế Âm mang đến cho đời chính là chất liệu của tình thương, của lòng nhẫn nại và sự tỉnh thức tự nội để quay về với con người thật của chính mình.
Tượng Phật Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn chùa Mễ Sở là hiện vật có giá trị về lịch sử văn hóa tiêu biểu, là minh chứng rõ nét về quá trình tồn tại và phát triển, sự ảnh hưởng lâu dài của Phật giáo ở Việt Nam qua các thời kỳ. Không chỉ là một tác phẩm mang ý nghĩa tôn giáo thông thường, pho tượng còn chứa đựng nhiều triết lý sâu xa, kỳ ẩn của nhà Phật; là một vũ trụ thu nhỏ, được sáng tác theo hệ thống quy luật chặt chẽ. Đó là những quy luật âm dương ngũ hành và bát quái, luôn bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất. Những nét điêu khắc vô cùng tinh xảo và độc đáo trên bức tượng là minh chứng rõ nét phản ánh về tinh thần sáng tạo nghệ thuật, đặc trưng kỹ thuật trong tạo tác tượng của những nghệ nhân dân gian xưa, khiến cho pho tượng trở thành vốn quý trong nền nghệ thuật điêu khắc của nước ta.
Những nét điêu khắc vô cùng tinh xảo và độc đáo trên bức tượng là minh chứng rõ nét phản ánh về tinh thần sáng tạo nghệ thuật, đặc trưng kỹ thuật trong tạo tác tượng của những nghệ nhân dân gian xưa, khiến cho pho tượng trở thành vốn quý trong nền nghệ thuật điêu khắc của nước ta.
Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, tượng Quan Thế Âm nghìn tay, nghìn mắt ở chùa Mễ Sở mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. “Tượng này không phải kế thừa một cách gần gũi với những pho tượng trước đó, mà có nhiều sự biến đổi nhất định về mặt tạo hình. Các nghệ nhân xưa đã có nhiều sáng tạo nghệ thuật khi tạo tác pho tượng và không lệ thuộc vào các nguyên tắc lúc bấy giờ. Những tượng Quan Thế nghìn tay, nghìn mắt to như thế này ở nước ta giờ rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Về giá trị văn hóa, lịch sử thì pho tượng này là vô giá. Về mặt tâm linh, tượng Phật Quan Âm Bồ Tát che chở độ phúc cho toàn dân trong làng xã cũng như cả nước nói chung”.
Tượng 2 lần bị đánh cắp đều được tìm thấy
Do có giá trị rất lớn nên bức tượng là đối tượng nhòm ngó của những kẻ trộm cắp cổ vật. 2 lần bị đánh cắp, bẻ tay tàn nhẫn, bức tượng Phật Bà nghìn tay, nghìn mắt ở chùa Mễ Sở (huyện Văn Giang, Hưng Yên) đã được tìm thấy ở những nơi không thể ngờ tới.
Theo chị Ngô Huyền Trang (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên), năm 1988, chùa Mễ Sở được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tháng 10 năm đó, pho tượng lần đầu bị trộm. Kẻ trộm thuê xe ô tô tải để vận chuyển pho tượng. Như một sự kỳ lạ, người lái xe được thuê lại biết câu chuyện mất trộm cổ vật ở làng Mễ Sở và đã báo lại cho người làng Mễ Sở. Từ manh mối vận chuyển, công an đã đến nhà một nghệ nhân ở Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, Hà Nội và tìm thấy pho tượng đang trong quá trình phục chế. Nghệ nhân này khai không biết về vụ trộm cắp mà chỉ được người đến thuê phục chế. Sau đó, vị nghệ nhân đã về tận Mễ Sở phục chế lại pho tượng mà không lấy một đồng tiền công như cách bày tỏ sự ngưỡng mộ một tác phẩm chạm khắc tuyệt đẹp.
Lần thứ 2 mất trộm vào rạng sáng ngày 29/9/2016, camera an ninh có ghi lại cảnh nhóm “đạo chích” cắt khóa để đột nhập vào bên trong. Trích xuất camera cho thấy nhóm này hoạt động rất bài bản, chuyên nghiệp và đã biết rất rõ về chùa.
“Kẻ đứng cầm sào bọc chiếc áo cũ che khuất camera cho đồng bọn đưa tượng ra ngoài. Để lấy được tượng, bọn chúng đã xếp toàn bộ các đồ thờ xuống đất rồi bước chân lên hòm công đức bê pho tượng xuống. Sau khi đưa pho tượng ra ngoài, một người đàn ông bịt mặt, đeo găng tay đã quay lại khu thờ để lau chùi nhằm xóa các dấu vết”, ông Bình kể lại và cho biết nhóm này đã dùng dây thừng để thả tượng nặng hơn 1 tạ từ tầng 2 xuống đất rồi đưa ra xe ôtô chờ sẵn ở phía ngoài cổng.
Ngoài pho tượng cổ, bọn trộm còn lấy đi đôi nến thờ bằng đồng có giá trị cao. Tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay vốn là niềm tự hào của người Mễ Sở nên khi xảy ra vụ trộm này mọi người đau buồn, phẫn nộ và hi vọng điều kì diệu sẽ xảy ra. Trong khi đó, công an truy lùng ráo riết khắp vùng, sang cả những tỉnh, thành lân cận, điều tra tất cả những đối tượng tình nghi trong vùng.
Khi những ngày trông ngóng tin về pho tượng cứ trôi đi nặng nề và tắt dần hi vọng thì tới sáng ngày 8/10/2016 người dân phấn khởi khi biết tin tượng đã được tìm thấy nhưng ở… dưới ruộng ven đường 378 thuộc xã Tân Tiến, huyện Văn Giang.
Hôm đó có hai vợ chồng nông dân ra ruộng quất cảnh làm thấy đôi nến đồng liền cho vào bao dứa để bán đồng nát. Nhặt lên thì vợ chồng này lại thấy tượng với nhiều cánh tay bị bẻ gãy nằm ngổn ngang dưới ruộng, có chiếc dính đầy bùn đất. Có lẽ do thông tin trên báo cho biết, các cơ quan chức năng đang ráo riết vào cuộc nên “đạo chích” đã hoảng sợ mà bỏ lại bên vệ đường, vẫn nằm trong địa phận Hưng Yên.
Hầu hết những cổ vật sau khi bị đánh cắp đều khó có cơ hội tìm lại được. Nhưng tượng Phật Bà Quan Thế Âm ở ngôi chùa xây dựng từ thời Lê này rất hy hữu khi 2 lần bị đánh cắp đều tìm thấy.
Sau khi tiến hành điều tra xong, nhà chùa và chính quyền xã Mễ Sở đã chọn ngày để làm lễ phục vị cho Phật Bà nghìn tay, nghìn mắt trước sự vui mừng khôn xiết của bà con dân làng Mễ Sở nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung.
Bà Vũ Thu Hà (xã Mễ Sở) cho biết: “Từ hôm tìm được lại pho tượng Phật Bà nghìn tay, nghìn mắt, người dân trong làng mừng như mở hội. Có cụ cao niên còn xúc động đến phát khóc. Rất hiếm có các báu vật quốc gia bị mất mà tìm lại được. Với các cụ thì điều đó còn gắn với sự linh thiêng nên sau mỗi lần mất thì Phật Bà lại tìm về với dân làng. Hiện, chính quyền, nhà chùa, người dân Mễ Sở đã có những biện pháp an ninh để bảo vệ, gìn giữ pho tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay để không bị kẻ gian lấy trộm lần nào nữa”.
Theo Pháp luật Việt Nam
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chùa Đại Lộc - ngôi chùa Nam tông đầu tiên trên đất Phật
Chùa Việt 15:18 19/11/2024Chùa Đại Lộc tọa lạc tại số 13/46 M-5 Khajuhi, Sarnath, Varanasi – 221007, U.P. (India) - nơi có tháp Chuyển Pháp Luân, là một trong Tứ Động Tâm của Phật giáo tại đất Phật Ấn Độ, Nepal.
Ngôi chùa được phong sắc tứ duy nhất tại Gia Lai
Chùa Việt 09:00 19/11/2024Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Ngôi chùa 900 tuổi đẹp nhất của Hà Nội xưa
Chùa Việt 16:47 18/11/2024Chùa Chiêu Thiền, hay còn gọi là chùa Láng, dù đã 900 tuổi vẫn đứng uy nghiêm giữa lòng Hà Nội với một vẻ đẹp lưu giữ nhiều thăng trầm của thời gian.
Vãng cảnh chùa Hang ở An Giang
Chùa Việt 08:50 18/11/2024Chùa Phước Điền (còn gọi là chùa Hang) tọa lạc trên triền núi Sam (TP. Châu Đốc), với kiến trúc độc đáo, cùng khung cảnh xanh mát, đây là một điểm đến ấn tượng tại thành phố vùng biên.
Xem thêm