Phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”
Sau khi thống nhất, dân tộc Việt Nam bước vào một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên xây dựng và phát triển. Ngay từ Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất (tháng 11/1981) Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” để định hướng cho mọi hoạt động của mình.
“Vì một đại sự nhân duyên, vì lòng thương tưởng, vì hạnh phúc của chúng sinh, vì sự an lạc cho chư Thiên và loài người”, đó là mục đích của Đức Phật khi xuất hiện nơi thế gian. Để mục đích ấy trở thành hiện thực, Đức Phật đã dạy “Phật pháp là bất định pháp”, nghĩa là, trong quá trình hành đạo và hoằng dương chính pháp, những người con Phật có thể “tuỳ duyên mà hoá độ”, trên cơ sở đó nêu cao tinh thần “tuỳ duyên bất biến – bất biến tuỳ duyên”.
Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam, tinh thần ấy đã được chư vị tiền bối Phật giáo Việt Nam tiếp thu và nhân rộng trong Phật sự “hoằng pháp, lợi sinh” của mình. Mùa xuân năm 1975 đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, dân tộc Việt Nam bước vào một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam độc lập – thống nhất – xây dựng và phát triển. Tiếp nối tinh thần ấy, ngay từ Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất (tháng 11/1981) Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” để định hướng cho mọi hoạt động của mình.
Đạo pháp
Có thể thấy, trong cụm từ này có hai phần: Đạo và Pháp.
* Đạo:
Có nhiều cách hiểu khác nhau về “đạo”; thậm chí, mỗi tôn giáo lại sử dụng khái niệm này để chỉ một nội dung, một lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, Đạo giáo (Lão Tử) cho rằng, “Đạo” là cái tuyệt đối, là bản thể, là qui luật, là cái không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ và khái niệm … Với Nho giáo, cái duy nhất quán thông của “Đạo” là “Trung” (忠)và “Thứ”(恕) (ngay thẳng hết mình gọi là Trung; khi xử kỉ tiếp vật coi mọi người như mình, mình như mọi người thì gọi là Thứ).
Triết thuyết của Phật giáo vô cùng quảng bác và vi diệu, ứng dụng của nó có muôn vàn pháp môn nhưng tất cả đều hướng tới nhằm đạt mục đích tối hậu là giác ngộ được chân hạnh phúc, giải thoát khỏi khổ đau. Trong kinh Tăng nhất chi bộ III, Đức Phật đã khẳng định: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và Luật của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”. “Pháp và Luật” ở đây tức là “Đạo”. Như vậy, với Phật giáo, “Đạo” chỉ có một mục tiêu duy nhất tối hậu là: “Giải thoát”.
* Pháp:
Đặt trong mối quan hệ với “Đạo”, Pháp được hiểu là lời nói, hành động, phương pháp và cách thức phù hợp để đưa Đạo (chân lý) đến với đời, với Phật tử và chúng sinh. Nếu phạm trù “Đạo” là bất biến, là không thay đổi, thì pháp là yếu tố có thể thay đổi, tức là tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên – xã hội, trình độ, nhận thức… của người tiếp nhận đạo mà sử dụng các phương pháp, cách thức truyền đạo cho phù hợp và hiệu quả.
Từ ý nghĩa này có thể thấy, dù có chức năng, nhiệm vụ cụ thể và đối tượng tiếp cận khác nhau, nhưng 10 ban ngành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đều có một mục đích chung là đưa Đạo đến với mọi người mà thôi. Nói rộng hơn, tất cả Phật sự mà chúng ta làm hàng ngày cũng đều không vượt ra khỏi chữ Pháp này. Pháp là tùy duyên, là khế cơ, khế lý, khế thời, khế xứ mà đề ra, Pháp là bất định pháp. Vì cuộc sống là muôn mặt nên Pháp cũng phải uyển chuyển và tùy duyên thì Đạo mới đến được với chúng sinh.
Nhưng để sử dụng Pháp một cách linh hoạt và hữu hiệu, mỗi Phật tử cần thông thạo Ngũ minh và ứng dụng Tứ nhiếp pháp một cách nhuần nhuyễn vào công việc. Đặc biệt, không được lạm dụng hai chữ “tùy duyên” để phóng túng bản thân hoặc dùng những thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc hay ép buộc quần chúng theo đạo.
Điều này được Phật giáo tuân thủ một cách triệt để trong quá trình truyền đạo của mình. Có lẽ không tôn giáo nào trên thế giới có đặc tính hoà bình, mềm dẻo như Phật giáo. Và vì thế, ở tất cả những nơi Phật giáo đặt chân đến đều không có hiện tượng xung đột hay chiến tranh tôn giáo; người dân địa phương đều chấp nhận một cách tự nguyện bởi họ đã chịu ảnh hưởng của Đạo Phật từ lúc nào không hay. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Khi Phật giáo vào Việt Nam, ở đây đã và đang tồn tại khá nhiều tín ngưỡng dân gian, như tín ngưỡng thờ đá, thờ cây, thờ các hiện tượng tự nhiên… Nhưng bằng con đường đi hết sức hoà bình tự nguyện (được dân gian hoá bằng sự kết hợp giữa một cao tăng Ấn Độ với một cô gái Việt – truyện Man Nương), Phật giáo đã từng bước tạo được chỗ đứng rồi dần truyền bá tư tưởng, giáo lý của mình trên đất Việt và người Việt đã thu nhận những tư tưởng, giáo lý ấy một cách hoàn toàn tự nguyện, như “nước mưa thấm vào đất”. Những thời kỳ tiếp sau, khi các ngôi chùa được xây dựng, nó không chỉ thuần tuý thực hiện chức năng tôn giáo mà còn đảm trách những chức năng xã hội khác như văn hoá, giáo dục, y tế của cộng đồng. Các Thiền sư khi nhận lời tham gia việc quốc gia đại sự của các triều đại trong lịch sử cũng đều xác định, đó là một cách thức phù hợp, một phương pháp hiệu quả để truyền bá tư tưởng và thực hiện mục đích của mình.
Tóm lại, Đạo là chân lý duy nhất và không thay đổi. Tuy nhiên, nếu chỉ có Đạo mà không có Pháp thì Đạo không thể đi vào cuộc sống, không thể vì chúng sinh và mục đích cao cả mà Đức Phật đã đề ra là không thể thực hiện. Vì vậy, Đạo cần có Pháp để được lưu chuyển, được hoằng hóa trong cuộc đời. Nhưng nếu không có Đạo thì Pháp không có mục đích, cũng chẳng thể phát huy tác dụng, không thể thể hiện được sự mềm dẻo, dễ thích nghi cuả mình. Bởi thế, giữa Đạo và Pháp có mối quan hệ biện chứng với nhau, quan hệ chặt chẽ với nhau và cùng tôn đẩy nhau, tạo thành hai mặt của một chỉnh thể thống nhất và không thể tách rời.
Dân tộc:
Xét theo nghĩa hẹp, dân tộc là danh từ dùng để chỉ một tộc người/một nhóm người có chung một ngôn ngữ, một hình thái kinh tế, có ý thức tự giác tộc người và phần nhièu là sinh sống trên một địa bàn nhất định. Ví dụ: dân tộc Kinh (Việt), dân tộc Mường, dân tộc Thái, dân tộc Ê đê…. Nhưng từ dân tộc trong trường hợp này có ý nghĩa rộng hơn, đó là dân tộc quốc gia (Nation-State), chẳng hạn, dân tộc Việt Nam là bao gồm 54 dân tộc/tộc người cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam là một dân tộc nhỏ bé, nhưng đã kiên cường chống giặc ngoại xâm suốt trên dặm dài lịch sử. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại phải dành nhiều thời gian đến thế cho công cuộc giữ nước, và chính trong điều kiện đó đã đào luyện, chưng cất nên những giá trị truyền thống tốt đẹp như: yêu nước, hòa hiếu, đoàn kết, nhân nghĩa, chung thủy v.v…Dường như khác với quy luật thường thấy là càng trải qua chiến tranh, chém giết, chết chóc, con người càng trở nên chai sạn, thậm chí “xem mạng người như cỏ rác”, thì người Việt Nam, càng qua chiến tranh lại càng yêu quý, trân trọng hoà bình và nhân nghĩa hơn, Chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc Việt Nam dường như toả sáng hơn. Trên nền tảng tốt đẹp ấy, dân tộc Việt Nam đã tiếp nhận giáo lý Phật giáo và xây dụng nên một Phật giáo Việt Nam.
Chọn Dân tộc (thậm chí làm vế trung tâm) trong phương châm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn muốn khẳng định: Phật giáo luôn luôn gắn bó, đồng hành với đất nước Việt Nam và con người Việt Nam. Và lịch sử dân tộc đã chứng minh điều này: Hiếm có một tôn giáo nào lại gắn bó mật thiết với người Việt, đất Việt như Phật giáo. Trong mọi lúc thịnh suy của quốc gia ta luôn thấy sự cùng chung vai gánh vác của Phật giáo, và vì thế, so sánh lịch sử của dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam, ta thấy có một sự đồng điệu đến lạ kì: khi nước nhà độc lập thì Phật giáo cũng hưng thịnh, khi Tổ quốc lâm nguy thì Phật giáo cùng chịu chung số phận suy tàn. Thậm chí, Dân tộc và Phật giáo đã hoà quyện với nhau thành một khối thống nhất, không thể tách rời: thời chiến, vua là bậc dũng tướng nhưng đến khi đất nước thanh bình lại có thể từ bỏ ngai vàng một cách nhẹ nhàng, “tựa như bỏ một chiếc giầy rách”, để đến với chốn thiền môn và sáng lập một tông phái Phật giáo của riêng người Việt – Trúc Lâm Yên Tử – một dòng thiền hoà quyện của đời sống thế nhân với đời sống tâm linh sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần “nhập thế” của Phật giáo. Như vậy là dù đất nước ở trong thời bình hay thời chiến, Phật giáo vẫn sát cánh cùng người dân Việt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh các nhà sư “cởi cà sa, khoác chiến bào” là hình ảnh thường gặp trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, hay những ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng, nuôi dấu cán bộ, chiến sĩ Cộng sản cũng khá phổ biến trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Khi đất nước hòa bình, các tăng ni Phật giáo lại cùng chung sức với đồng bào phát triển kinh tế, góp phần ổn định xã hội. Từ sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập (7/11/1981), Tăng ni các tỉnh, thành trong cả nước không ngừng phấn đấu theo tôn chỉ mới mà Giáo hội đã đề ra cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong một giai đoạn mới. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa sự phát triển của Phật giáo với lợi ích dân tộc, chung tay góp sức cùng nhân dân cả nước xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Với ý thức trách nhiệm đó, các hoạt động Phật sự ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả hơn.
Để tiếp tục những thành quả mà các bậc tiền nhân đã đạt được và phấn đấu vươn lên một tầm cao mới, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tư tưởng và quan điểm chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tăng cường tiếp xúc, mở rộng quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, tích cực tham gia, đóng góp vào việc phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, vận động quần chúng cùng tham gia hoạt động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động từ thiện khác…. Liệu có còn minh chứng nào thuyết phục hơn, xác đáng hơn về sự kết hợp, gắn bó giữa Đạo với Đời, giữa Đạo pháp với Dân tộc của Phật giáo Việt Nam?
Chủ nghĩa xã hội:
Xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa là mục tiêu hướng tới, là lý tưởng của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Mục tiêu của sự nghiệp xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa Việt Nam rất rõ ràng, đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Rõ ràng không ai nghi ngờ tính đúng đắn và trong sáng của mục tiêu trên, nhưng cũng rõ ràng rằng để thực hiện được mục tiêu đó cả là một sự nghiệp vô cùng khó khăn và phức tạp. Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, toàn diện, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đặt mệnh đề này trong phương châm hoạt động của Giáo hội, Phật giáo Việt Nam một lần nữa muốn khẳng định, tinh thần ‘nhập thế”, “khế lí khế cơ” luôn luôn được theo đuổi và thực hiện một cách triệt để của mình. Đó là, không chỉ luôn đồng hành, gắn bó, mà Phật giáo luôn luôn kề vai sát cánh với dân tộc, với nhân dân trong bất kể thời kỳ nào, giai đoạn phát triển nào của đất nước, miễn là làm cho nhân dân được sống trong hòa bình và an lạc, quốc thái dân an (dân giầu nước mạnh). Hơn nữa, những mục tiêu của xã hội Xã hội chủ nghĩa với không hề xa lạ hay đối lập với mục tiêu xây dựng cõi Cực lạc ở nhân gian của Đạo Phật. Vấn đề ở đây phải trên tinh thần “vô uý vô ngại”, tìm ra và vận dụng những pháp môn thiện xảo thích hợp, trong muôn vàn pháp môn, để thực hiện cho được mục tiêu. Thiết nghĩ, bên cạnh việc tinh tiến hoàn thành Phật sự trên cương vị của mình của mỗi người con Phật, những việc làm thiết thực của Tăng Ni Phật tử Việt Nam trong thời gian qua như: tích cực tham gia và vận động quần chúng cùng tham gia hoạt động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động từ thiện để quyên góp ủng hộ người nghèo, “nhường cơm sẻ áo” với đồng bào trong nước gặp thiên tai, lũ lụt, xây dựng nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, vận động phong trào “xây dựng chùa tinh tiến”; thành lập các trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS… cũng là những Phật sự và Thế sự đầy ý nghĩa của Phật giáo, nhằm tiến tới mục tiêu chung.
Như vậy, phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra có 3 thành tố, những thành tố ấy đã hòa quyện, gắn bó với nhau để tạo thành một khối thống nhất không thể tách rời. Đó là sự kết hợp hài hòa lợi ích giữa tôn giáo (Phật giáo) với lợi ích của dân tộc, của nhân dân Việt Nam. Trên tinh thần đó, mỗi người con Phật cần phải ý thức về suy nghĩ và việc làm của mình, sao cho luôn luôn: vì Đạo pháp, vì Dân tộc và vì sự Tiến bộ xã hội.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Niệm chú Vãng sanh, chú Đại bi có thể siêu độ vong linh thai nhi?
Phật giáo thường thức 15:53 21/12/2024Hỏi: Niệm chú Vãng sanh, chú Đại Bi liệu có thể siêu độ cho thai nhi bị phá thai không?
Ý nghĩa danh hiệu của Địa Tạng Bồ tát
Phật giáo thường thức 15:19 21/12/2024Chúng ta phải học theo Ðịa Tạng Bồ Tát, dùng tâm chân thành giúp đỡ cho họ phá mê khai ngộ, giúp họ lìa khổ được vui. Tâm như đại địa, hết thảy pháp và chúng sanh nương nhờ vào đó để trụ trì, sanh trưởng, đảm đương.
Hạnh hiếu ngang bằng trời
Phật giáo thường thức 11:31 21/12/2024Cha mẹ là thánh thần nơi chốn cao xanh, kính quý tột cùng nên không lạ gì khi tôn xưng cha mẹ là Phật, “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”.
Tình và nghĩa
Phật giáo thường thức 10:11 21/12/2024Cái tình nó đưa tới cái nghĩa. Nếu cái tình đàng hoàng, nếu mình biết yêu cho đàng hoàng, thì tự nhiên nó đưa tới cái nghĩa.
Xem thêm