Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 11/10/2013, 10:34 AM

Quần thể lăng tẩm nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh (Phần 1)

Thời Nguyễn, những quy chế về lăng tẩm được quy định một cách chặt chẽ trong Đại Nam hội điển sử lệ với 5 nội dung: quy chế, lệnh cấm, xây dựng, quy thức viên tẩm và cây trồng, ai vi phạm một trong những điều trên đều bị xử tử.

LỜI GIỚI THIỆU

Nhà Trần trị vì đất nước 175 năm (1225 - 1400), không phải là triều đại trị vì đất nước dài nhất nhưng là triều đại có nhiều đóng góp nhất cho lịch sử dân tộc. Những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực của nhà Trần đã đưa nước Đại Việt trở thành một quốc gia hùng cường, kẻ thù phải khiếp sợ, lân bang phải kính nể.

Những di tích lịch sử phản ánh thời kỳ vẻ vang đó của nhà Trần trên cả nước do có nhiều lý do khác nhau, đến nay còn lại không nhiều. Đông Triều (Quảng Ninh) - quê hương nhà Trần, trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của nhà Trần vốn là nơi tập trung một hệ thống đền miếu, chùa tháp và lăng tẩm thì nay phần lớn cũng chỉ còn là phế tích.

Để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa của quần thể di tích nhà Trần tại Đông Triều, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh mà trực tiếp là Huyện ủy và Uỷ ban nhân dân huyện Đông Triều cùng Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh đã trực tiếp chỉ đạo, đầu tư và tạo mọi điều kiện cho ngành khảo cổ khai quật, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học làm cơ sở cho việc quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích. Với cách làm bài bản và khoa học như vậy, trong một tương lai gần diện mạo và giá trị to lớn của quần thể di tích này sẽ được phục hồi và giới thiệu đến đông đảo quần chúng nhân nhân trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

Thạc sỹ Nguyễn Văn Anh, với niềm say mê ng- hiên cứu đã dành thời gian gần chục năm nghiên cứu Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và đã đem lại những thành quả đáng trân trọng. Từ kết quả nghiên cứu của mình, anh đã xuất bản cuốn Am Ngọa Vân được nhiều người khen ngợi. Nay anh xuất bản cuốn thứ hai Quần thể lăng tẩm nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh. Tôi rất vui mừng là độc giả đầu tiên đọc và góp ý trước khi bản thảo được đưa đến nhà xuất bản.

Ngoài tài liệu khảo cổ học, tác giả đã tham khảo nhiều loại tài liệu khác nhau như thư tịch, bia ký, nghiên cứu địa danh, sự thay đổi về địa giới hành chính, vv... từ đó luận giải và phác thảo những nét cơ bản về lịch sử xây dựng, cấu trúc mặt bằng, chủ nhân của từng lăng tẩm trong quần thể lăng tẩm các vua Trần tại Đông Triều.

Bằng cách trình bày trung thực, ngắn gọn, súc tích; sự phân tích khách quan; lời văn giản dị, dễ hiểu, không sa lầy vào các thuật ngữ khảo cổ học thuần túy; các hình vẽ phục dựng, bản ảnh minh họa đẹp,... cuốn sách giúp người đọc không chỉ tiếp cận những giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mà còn tìm hiểu những giá trị văn hóa tư tưởng, tín ngưỡng và những triết lý nhân sinh ẩn sau những di tích lăng tẩm vốn chỉ còn là những di tích dưới lòng đất một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.

Qua việc cung cấp những tư liệu lăng tẩm nhà Trần một cách cụ thể ở Đông Triều, Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh đã làm sống lại các bước thịnh suy của nhà Trần trong lịch sử dân tộc. Tôi vui mừng được giới thiệu cuốn sách đến đông đảo bạn đọc gần xa.

PGS.TS.NGND Hoàng Văn Khoán
 

MỞ ĐẦU

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Việt quan niệm “sống là gửi, thác là về”, cuộc sống trên dương thế chỉ là cõi trọ, chết không phải là hết mà chết là chuyển sang một thế giới khác, người chết có thể theo dõi, ủng hộ hoặc hãm hại người sống. Tín ngưỡng dân gian cho rằng, người chết rồi thì linh hồn sẽ sống ở cõi âm, cũng sinh hoạt như ở dương thế “trần sao, âm vậy”. Vì vậy, người Việt dù ở tầng lớp, địa vị nào thì việc xây cất mồ mả cũng rất được coi trọng, đó là một việc làm có tính quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của những người sống.

Đối với các triều đại phong kiến, việc xây cất, thờ phụng mồ mả ông cha có vai trò quan trọng. Do đó, với bất kỳ triều đại phong kiến nào, sau khi lên nắm quyền hai việc quan trọng bậc nhất được cho là quyết định sự tồn vong của triều đại đó là: chọn đất xây dựng kinh đô (được coi là Dương trạch) và chọn vị trí xây dựng lăng tẩm (đó là Âm trạch). Đối với mỗi vị vua, chọn đất xây dựng lăng tẩm của mình là một trong những việc quan trọng. Với ý nghĩa đặc biệt đó, kiến trúc lăng tẩm được đánh giá là loại hình kiến trúc đặc biệt của hoàng gia. Lăng tẩm phản ánh không chỉ những giá trị về nghệ thuật kiến trúc mà ẩn trong đó là văn hóa, tư tưởng, những triết lý về nhân sinh quan và tín ngưỡng của mỗi triều đại cũng như mỗi dân tộc.

Cuốn sách Quần thể lăng tẩm nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh, mong muốn giới thiệụ một cách khái quát về vị trí, tên gọi, lịch sử hình thành, cấu trúc mặt bằng của lăng tẩm các vua Trần tại An Sinh xưa, Đông Triều ngày nay, từ đó mong muốn cung cấp cho người đọc thêm một góc nhìn về vùng đất được đánh giá là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của nhà Trần thế kỷ XIII - XIV, từ đó hiểu thêm những giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất Đông Triều - quê hương của nhà Trần.
 Đầu rồng trang trí trên mái kiến trúc phát hiện tại Tam Đường, đất nung, thời Trần thế kỷ XIII


Chương 1: LĂNG TẨM VÀ LĂNG TẨM HOÀNG GIA NHÀ TRẦN

1.1. Khái niệm về Lăng, Lăng tẩm và Sơn lăng

Trước khi đi vào tìm hiểu các khu lăng tẩm hoàng gia nhà Trần chúng ta cần làm rõ các khái niệm: Lăng, Lăng tẩm, Sơn lăng, Lăng mộ. Hiện nay, khi nói đến nơi chôn cất của vua, chúa, người Việt chúng ta thường dùng các từ: Lăng, Lăng mộ, Sơn lăng, Lăng tẩm.

Theo Từ điển tiếng Việt: Lăng là công trình xây dựng làm nơi cất giữ di hài của vua chúa (ngày xưa) hoặc của một vĩ nhân (ngày nay)1; Lăng tẩm là Lăng của vua chúa và các công trình xây dựng trong khu vực2.

Theo chiết tự và lịch sử hình thành và phát triển của danh từ Lăng, Lăng tẩm và Sơn lăng thì:

- Lăng (陵) nghĩa đen là cái gò cao, thời Hán (203TCN - 220CN) gọi mộ vua là Lăng (陵). Sách Quốc ngữ phần Tề ngữ có câu: “lăng vi chi chung” nghĩa là làm mộ để chôn cất. Sách Thủy kinh vị thủy chú nói: Đời nhà Tần gọi mộ vua là Sơn (山), đời Hán gọi là Lăng (Tần danh thiên tử trủng viết sơn, Hán viết lăng). Về sau chữ Lăng dùng để chỉ riêng mộ của vua chúa, nên nhà Minh có Thập Tam lăng ở phía bắc châu Xương Bình (nay thuộc ngoại thành Bắc Kinh), nhà Thanh có Đông lăng, Tây lăng.

- Tẩm (寢) nghĩa đen là ngủ, là nghỉ ngơi hay phòng ngủ, nó lại có nghĩa đen là cái phòng để bài vị người chết. Phòng ấy được chia làm hai phòng nhỏ: phòng bên ngoài gọi là miếu có cửa thông vào phòng bên trong đóng kín. Chữ Tẩm dùng đi đôi với chữ Lăng còn có nghĩa là cái ngôi nhà dựng gần bên mộ vua để làm nơi thờ phụng. Sách Sử ký nói: Đến đời nhà Tần mới xây dựng tẩm một bên mộ, nhà Hán theo Tần chế cũng có những viên tẩm (Chí Tần thỉ xuất tẩm khởi ư mộ trắc. Hán nhân Tần chế, thượng lăng giai hữu viên tẩm)3 . Khi việc xây dựng lăng tẩm được coi trọng, quy mô lăng tẩm được mở rộng, trong một lăng thường xây dựng nhiều tòa nhà khác nhau, tòa nhà nơi đặt bài vị thường là tòa nhà quan trọng nhất và được gọi là Chính Tẩm.

Cùng với sự phát triển của thể chế quân chủ Nho giáo tập quyền và sự coi trọng việc kỵ húy, việc sử dụng các danh từ này ngày càng được luật hóa một cách chặt chẽ. Ở Trung Hoa, từ thời Tây Chu, khi tiến hành lập quốc phong hầu, xây dựng chế độ tông pháp, tuyên truyền trung tín, giảng dạy về lễ nghĩa, tăng cường cầu cúng,... đã thiết lập chế độ Công Mộ nhằm quy định và quản lý chuyên biệt về chế độ an táng của thiên tử, chư hầu, khanh đại phu; chế độ Bang Mộ nhằm quy định, quản lý chế độ mai táng các tầng lớp nhân dân. Cùng với xu hướng tập quyền của các thể chế nhà nước thì các quy định về Công Mộ và Bang Mộ ngày càng chặt chẽ, nó được “luật hóa” trong các quy định về lễ nghi của nhà nước. Theo đó, cốt lõi của chế độ Công Mộ và Bang Mộ là lấy vị trí cao thấp để xác định quy mô to hay nhỏ của mộ, xây nhà nhiều hay ít, trồng cây ra sao, vv… Và trên mọi phương diện, phải tuyệt đối tuân thủ quy định về lượng, ví dụ như: quy mô to nhỏ của nấm mồ; số lượng của cung điện, phòng ốc, đồ vật; chất liệu và độ dày của quan tài. Đặc biệt độ to nhỏ của phần mộ đều phải được phân biệt theo đẳng cấp một cách rõ ràng, những bậc càng tôn quý thì phần mộ càng có quy mô vừa to vừa nhiều. Trong lăng tẩm, yếu tố quan trọng nhất thể hiện đẳng cấp chính là độ to nhỏ của mộ, chính vì vậy mộ phần của quân vương rất lớn, có mộ to như một quả núi vì thế nên gọi là Lăng hay là Sơn.
 Tượng sấu, trang trí thành bậc tại Thái Lăng. Đá, thời Trần thế kỷ XIV. Ảnh Nguyễn Văn Anh

Ở Việt Nam, qua ghi chép của các bộ quốc sử như Việt sử lược; Đại Việt sử ký toàn thư cho chúng ta biết, từ thời Lý (1009 - 1225) mộ vua đã được gọi là Lăng, Lăng tẩm hay Sơn lăng. Theo đó, mộ của các vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông đều gọi chung là Thọ lăng4; Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thêm: Mậu Thân, Thiên  Thuận năm thứ 1 (1128)… vua Lý Thần Tông “sai Giám nghị đại phu Mân Du Đô đến phủ Thiên Đức chọn đất tốt xây sơn lăng của Nhân Tông”5. Nhà Trần và các triều đại sau đều gọi mộ vua là Lăng, Sơn lăng, hay lăng tẩm. Tuy nhiên, việc quy định  các danh từ: Lăng, Sơn lăng, Lăng tẩm là đặc danh dành riêng để chỉ mộ của vua bắt đầu từ khi nào thì tư liệu hiện nay chưa cho phép khẳng định. Các tư liệu hiện có chỉ cho phép khẳng định, ít nhất là từ thời Lê, các danh từ Lăng, Lăng tẩm hay Sơn lăng là những đặc danh dùng để chỉ mộ của vua. Bằng chứng là, trong hệ thống các khu mộ của đại quan thời Lê sơ (thế kỷ XV - XVI) đến thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) hiện còn ở nhiều địa phương mà ngày nay thường được gọi chung là “lăng đá”. Chúng ta thấy, các “lăng đá” này đều được gọi chung là “Từ - 祠” tức là nơi thờ tự, tuyệt đối không sử dụng từ Lăng, Lăng tẩm hay Sơn lăng. Trong khi đó, mộ các vua nhà Lê đều được gọi là Lăng: Vĩnh lăng là lăng vua Lê Thái Tổ - Lê Lợi; Hựu lăng là lăng vua Lê Thái Tông; Chiêu lăng là lăng của vua Lê Thánh Tông và Dụ lăng là lăng của vua Lê Hiến Tông, vv… 

Thời Nguyễn, những quy chế về lăng tẩm được quy định một cách chặt chẽ trong Đại Nam hội điển sử lệ với 5 nội dung: quy chế, lệnh cấm, xây dựng, quy thức viên tẩm và cây trồng, ai vi phạm một trong những điều trên đều bị xử tử.

Với sự quy định chặt chẽ và được thực thi một cách nghiêm túc trên thực tế, Lăng, Lăng - Tẩm, Sơn-Lăng là những đặc danh chỉ mộ của vua, mộ của các tầng lớp khác dùng các thuật ngữ như “khâu” (丘) - gò đất nhỏ” hay “chủng” (塚) - gò đất, mô đất tức là mồ, nấm mồ, mồ mả như cách gọi của người Việt.

 
 Dấu vết kiến trúc lăng tẩm phát hiện tại Tam Đường

Như vậy, trong chế độ phong kiến phương Đông, nhất là những nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo thì Lăng, Lăng - Tẩm, Sơn - Lăng là những thuật ngữ chỉ dùng để chỉ mộ của vua, chúa. Ban đầu mộ vua được gọi là Sơn (vì nấm mồ to như quả núi), kế đến được gọi là Lăng hoặc là Sơn lăng rồi Lăng tẩm. Khi thuật ngữ sau xuất hiện thì không vì thế mà thuật ngữ trước đó bị bỏ đi mà nó vẫn được sử dụng song song hoặc thuật ngữ sau kết hợp với thuật ngữ trước để tạo thành một danh từ ghép, do vậy, về sau người ta có thể sử dụng đồng thời cả ba thuật ngữ này để chỉ mộ vua. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng mỗi một thuật ngữ đều có những nội hàm khác nhau.

Còn nữa...
Nguyễn Văn Anh

-
1. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, 2005. Nxb Đà Nẵng, tr.550
2. Viện Ngôn ngữ học. Sđd, tr.550
3. Phan Thuận An 2008. Lăng tẩm Huế một kỳ quan. Nxb Thuận Hóa. Huế, tr.112 - 113
4. Xem Đại Việt sử lược. Nxb Tp Hồ Chí Minh, Bản điện tử của Lê Bắc, tr.38, 46, 52.
5. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Văn hóa - Thông tin. Hà Nội 2004, tr.364.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm