Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Sám hối tội bất hiếu

Ai cũng có ít nhiều sai lầm trong cuộc đời, điều quan trọng là biết quay đầu. Quay đầu là bờ, tâm chuyển thì cảnh chuyển và bạn đã quay đầu, tâm đã chuyển thì không còn gì phải bận tâm. Hãy sống đúng đạo làm con với cha mẹ, tương lai hiện đang ở trong tay của bạn, ngay bây giờ và ở đây.

HỎI:

Tôi hiện là Phật tử, có tìm hiểu giáo lý nhưng không am tường lắm. Trước đây, tôi phạm phải một sai lầm rất lớn là đã chửi mắng cha mẹ. Vì thời ấy, theo cách nghĩ “duy lý” của tôi thì làm như thế là đúng. Bây giờ, nghiệm lại biết mình đã sai. Tôi không biết với những tội lỗi ấy, tôi sẽ chịu những quả báo gì? Cách sám hối như thế nào? Xin Tổ Tư vấn cho tôi biết để gửi trọn niềm tin.


ĐÁP:

Hiếu thảo với cha mẹ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và của tất cả những người con Phật. Ngoài việc phụng dưỡng thì kính trọng cha mẹ là một trong những biểu hiện cơ bản của sự hiếu thảo. Mặc dù không ai cố ý bất hiếu với cha mẹ cả nhưng do nhiều nhân duyên tác động như nhận thức, quan niệm, hoàn cảnh… của cuộc sống xô đẩy chúng ta đến những hành động sai lầm, gây thương tổn cho cha mẹ và cả chính bản thân mình.

Đối với những đấng sanh thành, trong chừng mực nào đó, có thể xem như trời đất vốn bất khả xâm phạm. Dẫu rằng không phải lúc nào các bậc cha mẹ cũng hoàn toàn đúng song trong hoàn cảnh đó phải xử sự như thế nào, chuyển hóa cách sao để giải quyết được vấn đề mà không ảnh hưởng đến đạo làm con là điều cần cân nhắc, suy gẫm? Với bài toán khó này, không chỉ riêng bạn mà khá nhiều các bạn khác hiện đang lúng túng, vẫn chưa tìm ra đáp án trọn vẹn.

Truyền thống người Việt vốn trọng tình, xử lý công việc bình thường cũng đòi hỏi phải có lý có tình, huống gì cha mẹ của mình mà chỉ theo lý! Dù muộn nhưng vẫn còn may mắn cho bạn là giờ đây bạn đã nhận ra những sai lầm “duy lý” của bản thân. Chính những trải nghiệm của đời sống đã cho bạn tuệ giác để nhìn lại chính mình. Nhận ra sự bất hiếu là mấu chốt quan trọng để giúp bạn tháo gỡ những mâu thuẫn với cha mẹ đồng thời tìm cách khắc phục, sám hối tội lỗi.

Bạn đặc biệt quan tâm đến quả báo của tội bất hiếu, điều ấy rất cần. Kinh Báo ân cha mẹ dạy rằng: “Công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ vô lượng vô biên thì tội lỗi bất hiếu cũng vô biên vô lượng”. Tuy nhiên, trừ tội ngũ nghịch (giết cha mẹ) phải đọa Vô gián địa ngục, còn các tội bất hiếu khác đều có thể sám hối. Vấn đề là bạn cần phải sám hối với cha mẹ ngay vì cơ hội ấy sẽ không còn nhiều.

Trước hết, bạn phải trở về bên cha mẹ, bộc bạch, tỏ bày hết tất cả những tâm sự của lòng mình bằng một niềm ăn năn chân thành. Những lời xin lỗi, cầu mong cha mẹ tha thứ cho những lỗi lầm đã qua của bạn dù muộn nhưng có tác dụng vô cùng to lớn cho việc tháo gỡ, trị liệu và chữa lành những niềm đau. Năm tháng trôi qua là khoảng lặng cần thiết cho mỗi người tự chiêm nghiệm. Cùng với sự thành khẩn, tha thiết của bạn, chúng tôi tin rằng cha mẹ của bạn sẽ gạt nước mắt và nở nụ cười vì vốn dĩ “đánh người chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại” và “mẹ già hơn trăm tuổi còn thương con tám mươi”; vì thương con là thuộc tính, bản chất của cha mẹ.

Kế đến bạn phải thực tập niệm ân, quán chiếu thật sâu sắc để thấy rõ thâm ân sanh dưỡng của cha mẹ to lớn không thể sánh với bất cứ điều gì khác ở trên đời. Nhờ niệm ân mà tình cảm của bạn đối với cha mẹ ngoài thương kính còn được thăng hoa trở thành thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Khi bạn đã xác quyết được điều ấy rồi thì chí hiếu là phẩm chất đạo đức vốn dĩ của bạn. Từ đây, bạn không còn lo lắng gì về những nông nổi có thể dẫn đến sự thất lễ đối với các đấng sanh thành nữa.

Quan trọng nhất là thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ bằng những việc làm thiết thực mà bạn có thể làm. Từ việc thăm hỏi, phụng dưỡng, kính trọng, vâng lời cha mẹ cho đến tự hoàn thiện bản thân đều là những việc làm hiếu thảo. Làm được những điều ấy với tâm thành là cách ăn năn, sám hối thiết thực nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên phát nguyện lễ sám, thọ trì các bộ sám văn như Thủy sám, Lương hoàng sám v.v… với tâm nguyện hối lỗi và phát nguyện sống hiếu thảo để phần nào giảm thiểu nghiệp lực, khiến cho phước đức tăng trưởng đồng thời làm nền tảng cho sự hiếu thảo của bạn ngày càng vững chắc và thăng hoa.

Tổ tư vấn Báo Giác Ngộ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ai quy y Tam bảo và Tam bảo là ai?

Phật giáo thường thức 10:56 17/04/2024

Tính ưu việt của đạo Phật là vô ngã. Vậy thì ai quy y Tam bảo và Tam bảo là ai?

Niệm Phật với tứ hạnh

Phật giáo thường thức 10:00 17/04/2024

Sở thích và túc căn của chúng sanh vẫn thường sai biệt cho nên tuy cùng tu hạnh Niệm Phật, sự hành trì chẳng khỏi có điểm không giống nhau. Vì thế, trên đường Tịnh Độ, cổ nhân đã tạm chia thành bốn hạnh là: Thiền Tịnh, Giáo Tịnh, Mật Tịnh và Thuần Tịnh.

Hiệu dụng chữ “tức” trong sự tu hành

Phật giáo thường thức 09:30 17/04/2024

Hiểu rõ chữ “tức” có công hiệu rất lớn trong việc tu hành. A tức là B, thì A không thật A, B tức là A thì B không thật B. Muôn vật tùy duyên thay hình đổi dạng, có cái gì cố định mà chấp. Bệnh lớn của con người là cố chấp, chấp càng nặng thì khổ càng nhiều.

“Mình” là cái gì?

Phật giáo thường thức 09:20 17/04/2024

Quí vị có khi nào nghĩ mình là cái gì không? Chắc không! Cứ hài lòng với con người như vậy, sự sống như vầy là đủ rồi.

Xem thêm