Sám hối là trong thân sinh ra năng lực hướng thượng thăng hoa, là phản tỉnh của tự thân đối với nơi ở, thế giới thời đại và căn cơ. Theo đó mà tín ngưỡng Di Đà Tịnh độ ở Trung Quốc lưu hành tư tưởng Sám hối và sự tín ngưỡng Tịnh độ kết hợp lại mà thành Sám Pháp Di Đà Tịnh độ.
Vào thời Tùy Đường, Nghi Sám Pháp của Phật giáo được sáng tác hoàn thiện và thành thục, ảnh hưởng tín ngưỡng Di Đà rất lớn, theo đó mà xuất hiện nghi lễ tán làm chủ. Đến thời Thiện Đạo Đại Sư, đề xướng 5 loại chánh hạnh:
1. Đọc tụng chánh hạnh: Y cứ vào Quán kinh, A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh chuyên đọc tụng làm chánh Tông.
2. Quán sát chánh hạnh: Chuyên tư duy, quán sát, nhớ niệm A Di Đà Tịnh độ, y báo chánh báo trang nghiêm.
3. Lễ tán bái chánh hạnh: Chuyên lễ bái Phật A Di Đà.
4. Xưng danh chánh hạnh: Chuyên xưng tán danh hiệu A Di Đà Phật.
5. Tán thán cúng dường chánh hạnh: Chuyên môn tán thán, cúng dường Phật A Di Đà. Đồng thời Thiện Đạo Đại sư chế định ra nghi tắc thực tiễn về tín ngưỡng Tịnh độ, chủ yếu có 4 bộ 5 quyển. Trong ấy chủ yếu là “Chuyển Kinh Hành Đạo Nguyện Vãng Sinh Tịnh Độ Pháp Sự Tán và Vãng Sinh Lễ Tán Kệ”.
Chuyển Kinh Hành Đạo Nguyện Vãng Sinh Tịnh độ Pháp Sự Tán, lược xưng là Pháp Sự Tán. Chuyển kinh tức là đọc tụng kinh điển, giống như phúng kinh vậy. Hành đạo chỉ cho xếp thành hàng để đi nhiễu Phật Lễ Tán, thông thường là chỉ cho đi nhiễu Phật, đi về phía bên phải, 1 vòng, 3 vòng, 7 vòng cho đến trăm ngàn vòng. Ngoài việc đi nhiễu Phật ở nội điện ra lại còn tán hoa, tụng kinh hoặc xướng phạm bái, đây là nghi thức cử hành pháp môn Tịnh độ ứng dụng đương thời, nội dung chủ yếu là nguyện vãng sinh Tịnh độ, lời tán xen vào trong kinh văn. Cho nên gọi là Chuyển Kinh Hành Đạo Nguyện Vãng Sinh Tịnh độ Pháp Sự Tán.
Pháp Sự Tán, quyển thượng, chủ yếu bao quát những bài kệ phụng thỉnh, khải bạch, triệu thỉnh, tam lễ, biểu bạch, tán văn… Kế đến là nêu bày rõ về hành đạo kệ tán phạm hạnh, tán văn, kinh hành 7 vòng, phát lộ sám hối cho đến phát nguyện, thứ tự hành lễ… Quyển hạ là chuyển kinh, và ghi thuật lại sám hối về 10 ác nghiệp, hậu tán, kinh hành 7 vòng, khen Phật chú nguyện, kính lễ cho đến tùy ý… các nghi thức như thế. Nội dung của việc chuyển kinh quyển hạ, là đem toàn văn của kinh A Di Đà phân làm 17 đoạn, sau mỗi đoạn đều có văn khen ngợi, nhiều ít bất đồng, có đoạn chỉ có một bài tán, có đoạn thì năm hoặc nhiều hơn. Những tán văn này không chỉ là lễ tán mà còn bổ sung kinh văn. Như những y báo trang nghiêm của thế giới Cực lạc, kinh văn nói rất gọn, Đại sư Thiện Đạo thì căn cứ vào kinh Vô Lượng Thọ mà thêm vào. Lại thông qua việc chuyển đọc tán dương kinh A Di Đà, để khởi phát đạo tâm của hành giả tu pháp môn Tịnh độ.
Đại sư Thiện Đạo chủ trương ngày đêm sáu thời phải lạy Phật sám hối, nhân vì Ngài chế định ra các bài sám văn, xướng tụng cho đến nghi thức Lễ Sám, xưng là Vãng Sinh Lễ Tán Kệ lại xưng là Vãng Sinh Lễ Tán, Lục Thời Lễ Tán, Lục Thời Sám, đó chính là thời khóa hằng ngày của pháp môn Tịnh độ đương thời.
Mở đầu Vãng Sinh Tán, Thiện Đạo Đại sư đã nêu ra mục đích viết ra sách, định xuất công khóa của sáu thời, phát nguyện vãng sinh về Tây Phương không nên gián đoạn, giúp đỡ hành giả được lợi ích vãng sinh, khuyến hóa người chưa nghe được thế giới Tịnh độ, sau khi nghe xong phát tâm tín ngưỡng Phật A Di Đà. Kế đến là nói rõ mục đích làm ra những bài kệ và nội dung cơ bản toàn bộ những bài kệ, khuyên an tâm phát nguyện vãng sinh Tây Phương. Sáu thời khóa Lễ Sám gồm: Tối, đầu hôm, giữa hôm, cuối hôm, sáng sớm, trưa. Sau khi lễ xong phải quy mạng sám hối.
Đồng thời Đại sư Thiện Đạo nêu ra Sám hối có 3 loại: Phần cốt yếu, giản lược, mở rộng.
- Cốt yếu sám hối: Tức là mặt trời lặn lễ 1 thời, cử 10 câu kệ.
- Giản lược sám hối: Tức tu hành giữa đêm lễ 1 thời, trong đó nội dung gồm: Khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng, phát nguyện.
- Mở rộng sám hối: Tức là sám hối lỗi lầm với Phật Pháp Tăng và những người bạn đồng tu.
Ngoài ra Đại sư Thiện Đạo còn đem Pháp sám hối phân làm 3 phẩm: Thượng phẩm, trung phẩm, hạ phẩm. Đồng thời lại có “Niệm thời nhật tam Sám hối”:
Sám hối khi tâm khởi lên, lập tức không cho tạo nghiệp, đó là thượng phẩm.
Cách 1 giờ không nhiếp niệm đó là trung phẩm.
Cách ngày không nhiếp niệm đó là hạ phẩm.
Thiện Đạo Đại sư đem pháp sám hối phân làm 3 phẩm, dụng ý ở chỗ là khuyên mọi người nên nỗ lực hành pháp Thượng phẩm sám hối. Nhưng đòi hỏi phải thành thật, dốc lòng sám hối. Nghi thức Tịnh độ Sám Hối của Đại sư Thiện Đạo có ảnh hưởng rất lớn đối với thời đại sau này, dần dần phát triển và ảnh hưởng đến Tịnh độ tông của Nhật Bổn. Đến đời Tống ngài Tuân Thức (964 – 1032) là một Tăng nhơn Tông Thiên Thai soạn ra bộ Vãng Sinh Tịnh Độ Sám Nguyện Nghi, gọi tắt là Tịnh độ Sám. Vãng Sinh Tịnh Độ Sám Nguyện Nghi, đó là do Đại sư Tuân Thức trích lục từ kinh Vô Lượng Thọ, Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh (tức kinh A Di Đà)… và các bộ kinh Đại thừa khác mà soạn ra một loại sám hối riêng. Căn cứ vào cuối sách của ngài Tuân Thức đề cập đến là sách Vãng Sinh Tịnh Độ Sám Nguyện Nghi sau khi soạn tập thành thì đã trải qua 2 lần chỉnh sửa, mãi đến năm thứ 8 niên hiệu Tường Phù (1015) đời nhà Tống mới chỉnh sửa lần sau cùng.
Nội dung sách Vãng Sinh Tịnh Độ Sám Nguyện Nghi tổng cộng có 6 hạng mục:
1. Nghiêm tịnh đạo tràng, chọn một nơi nhàn tĩnh, quét rưới nước thơm, treo tràng phan bảo cái, tôn trí Phật A Di Đà ở giữa, Bồ tát Quan Âm ở bên trái, Bồ tát Đại Thế Chí ở bên phải, trước Thánh tượng dọn các món cúng dường và hoa sen, người hành trì phải tắm gội sạch sẽ, mặc y phục gọn gàng.
2. Nói rõ pháp phương tiện, nói rõ những công đức lý sự khi tụng ngũ sám hối văn.
3. Nói rõ ý chánh tu, thuyết minh tông chỉ và phương pháp tu hành cho đến 7 ngày đêm.
4. Đốt hương tán hoa, trước hết kính lễ mười phương pháp giới thường trụ Phật, thường trụ thập phương Pháp, thường trụ thập phương Tăng, tay cầm lư hương và hương hoa, xướng kệ quán tưởng, dâng hoa hương này cúng dường lên mười phương Tam Bảo.
5. Pháp lễ thỉnh, phụng thỉnh đức Thích Ca Mâu Ni Phật và đức A Di Đà Phật, mười phương chư Phật, kinh Vô Lượng Thọ, Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, mười phương tất cả Tôn Kinh, mười hai Chơn Tịnh Pháp Bảo, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí… Chư vị Đại Bồ tát và Thiên Long, Hộ Pháp, Long Thần giáng lâm đạo tràng, an ủi kiên trì, đồng thành tịnh hạnh.
6. Pháp tán thán, ở trước Phật xướng kệ tán thán:
Sắc như vàng Diêm Phù
Mặt đẹp hơn vầng trăng
Thân quang trí huệ sáng
Soi khắp vô biên cõi
Hàng phục các ma oán
Khéo hóa độ trời người
Nương vào thuyền bát chánh
Độ được người khó độ
Nghe tên được bất thoái
Thế nên về lễ kính.
7. Pháp lễ Phật, kính lễ Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà… mười phương Tam Bảo.
8. Pháp sám nguyện: Gồm có Pháp sám hối, Pháp khuyến thỉnh, Pháp tùy hỷ, Pháp hồi hướng, Pháp phát nguyện, tức là thực hành 5 pháp sám hối.
9. Pháp đi nhiễu tụng kinh: Xướng 3 lần danh hiệu:
Nam mô Phật.
Nam mô Pháp.
Nam mô Tăng.
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Thế Tự Tại Phật.
Nam mô A Di Đà Phật.
Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát.
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát.
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát.
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.
Sau đó tụng kinh A Di Đà hoặc kinh Quán Vô Lượng Thọ (1 biến), cuối cùng cũng xưng danh hiệu Phật như trên.
10. Pháp tọa thiền: Ngồi kết già, quán tưởng Phật A Di Đà y chánh trang nghiêm hoặc xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà.
Vào đời nhà Nguyên, Vương Tử Thành vựng tập các loại, trong đó có nhân duyên liên quan đến pháp môn Tịnh độ nên biên thành “Lễ Niệm A Di Đà Đạo Tràng Sám Pháp” 10 quyển, lược gọi là Di Đà Sám Pháp và được khắc in lại vào năm thứ 3 (1332) niên hiệu Chí Thuận đời Nguyên. Lễ Niệm A Di Đà Đạo Tràng Sám Pháp trong đó có phần chú thích nhỏ, cho nên khi lễ niệm thì chỉ cần đọc tụng phần chữ to là được, nếu như muốn biết rõ nguồn gốc nhân duyên thì đọc phần chú thích nhỏ.
Lễ Niệm A Di Đà Đạo Tràng Sám Pháp có tổng cộng chia làm 13 môn:
1. Quy y Tây Phương Tam Bảo.
2. Quyết nghi sinh lòng tin.
3. Dẫn kinh dạy đối chứng.
4. Vãng sinh truyện lục.
5. Cực lạc trang nghiêm.
6. Sám hối tội chướng.
7. Phát tâm Bồ đề.
8. Phát nguyện vãng sinh.
9. Cầu sinh hạnh môn.
10. Chung quy lễ Phật.
11. Tự khánh.
12. Hồi hướng.
13. Chúc lụy lưu thông.
Trong Lễ Niệm A Di Đà Đạo Tràng Sám Pháp cư sĩ Vương Tử Thành dựa vào giáo nghĩa của Tịnh độ, lịch sử… mà biên tập lại rất đầy đủ.
Vãng Sinh Tịnh độ Sám Nguyện Nghi căn cứ vào trình tự nghi thức của Thiên Thai Sám Pháp mà trước tác thành, trong đó rất nhiều đặc sắc của Thiên Thai Tông. Lễ Niệm A Di Đà.
Đạo Tràng Sám Pháp có rất nhiều quyển, vì liên quan đến giáo nghĩa lịch sử rất nhiều, nên không thích hợp để làm nghi thức Bái sám.
Về sau vào đời nhà Thanh có người lại biên soạn Tịnh độ Sám Pháp Nghi Quỹ, bao quát gồm: Tịnh đàn, Tán hương, Cúng dường, Lễ bái, Phát nguyện, Tụng kinh (A Di Đà), Trì chú (Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bổn Đắc Sinh Tịnh độ Đà La Ni) hồi hướng, Sám hối phát nguyện, Quy mạng, Lễ Phật… Đây là nghi thức Sám Pháp Di Đà trong tự viện Bắc truyền Phật giáo thời cận đại.
Thích Thiện Phước