Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 13/09/2024, 08:37 AM

Sống lâu hay sống sâu?

“Sống được bao nhiêu năm không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo”. 

Có lẽ một trong những ước vọng lớn nhất trong đời của nhiều người là được sống lâu, sống thọ. Bởi thế, câu chúc cửa miệng của thế gian dành cho các cô dâu, chú rể trong ngày lễ vu quy là “bách niên giai lão”, nghĩa là sống với nhau đến trăm tuổi, đến lúc đầu bạc răng long. Sống thọ được xem như một phước báu lớn, được coi như một giá trị lớn của đời người. Tôi cũng từng coi như vậy.

Cho đến một ngày, tôi tận mắt chứng kiến những năm tháng cuối đời đầy cô đơn, bất hạnh của bạn thân cha tôi, một nghệ sĩ nhiếp ảnh khá nổi tiếng. Ông đã từng đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Ông có một người vợ xinh đẹp, đoan trang, nết na, hết lòng yêu thương chồng. Ông có 5 đứa con đều thành đạt, giỏi giang. Người làm giáo sư, bác sĩ, người làm lãnh đạo, quản lý, người làm doanh nhân… Ông được người đời xem như hiện thân của sự sung sướng và hạnh phúc đủ đầy, viên mãn. Tôi được ông yêu thương như con. Có lần, hai bác cháu ngồi thưởng trà, tôi bảo: “Con đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Trong mắt con, bác là người sung sướng nhất, hạnh phúc nhất trần gian”. Bác nhìn tôi hiền từ, cười bảo: “Con ơi! Khi nào nhắm mắt xuôi tay mới biết mình sướng hay khổ con ạ”. 

Năm 75 tuổi, bác bị tai biến mạch máu não. Gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nên qua khỏi nhưng bác bị di chứng liệt nửa người, nói ngọng. Con cái thành đạt, bận rộn nên việc chăm sóc trông cậy cả vào bác gái. Tuổi cao, mắt kém, tối nọ, vợ bác bị vấp ngã cầu thang, gẫy xương hông. Thế là hai bác cùng nằm liệt một chỗ. Con cái phải thuê người giúp việc. Nhưng chăm sóc hai người già bị liệt, vất vả, cực nhọc nên chẳng ai làm được lâu. Cứ tuyển người mới được một thời gian, họ lại nghỉ. Bí quá, con cái đành phải gửi hai bác vào một trung tâm dưỡng lão tư nhân. 

“Sống được bao nhiêu năm không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo”.

“Sống được bao nhiêu năm không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo”.

Thương bác như con đại bàng đang xải cánh tung bay khắp bốn phương, nay phải nằm liệt một chỗ, tuần nào tôi cũng vào thăm. Bác cháu chuyện trò rất vui. Tuần nào bận quá, không vào thăm được là bác điện thoại kêu nhớ. Tôi hiểu nỗi niềm của bác. Bác thấy cô đơn. Bởi con cái bác tuy đông nhưng thành đạt nên họ rất bận. Thời gian đầu, các anh chị còn luân phiên nhau hàng tuần vào thăm bố mẹ. Nhưng rồi những cuộc thăm viếng thưa dần. Sau này, hàng tháng, đến ngày nộp tiền phí cho trung tâm, họ mới vào. Hỏi thăm bố mẹ vài câu là họ lại vội vã đi. 

Năm tháng trôi qua. Tôi vẫn dành thời gian vào thăm bác. Vẫn gắng kể những câu chuyện vui cho bác nghe. Nhưng bác thì ít nói dần, ít cười dần. Khuôn mặt, đôi mắt ngày càng buồn rầu, u uẩn. Nhiều lần bác nhìn tôi, ánh mắt dờ dại, vô hồn. Tôi biết, bác bị trầm cảm nặng. Mà ở trung tâm dưỡng lão này, chẳng riêng bác bị. Nhiều người vào đây, thời gian đầu thì hoạt bát, vui vẻ, nói cười rổn rảng. Sau, tiếng nói, tiếng cười tắt dần rồi im bặt. Nhìn mắt ai cũng dờ dại, thất thần khiến tôi có cảm giác họ là những bệnh nhân tâm thần. Họ bị u uất, trầm cảm là bởi cô đơn quá mà. Người già rất cần tình thương, nhất là tình thương của con cháu. Nhưng con cháu còn mải mê trong vòng quay cơm áo, gạo tiền, danh, lợi, đâu có nhiều thời gian dành cho cha mẹ già. 

Hơn 4 năm sau kể từ ngày vào trung tâm dưỡng lão, bác mất vào một đêm giông gió. Bác mất vào giờ nào, chẳng ai biết chính xác. 7h sáng hôm ấy, như thường lệ, cô nhân viên vào phòng thay bỉm và vệ sinh cá nhân cho bác thì đã thấy bác đã chết cứng. Mắt bác vẫn mở trừng trừng. 

Con cháu đưa thi hài bác về quê tổ chức lễ mai táng. Khách từ khắp các tỉnh thành về viếng đông nườm nượp, đủ các thành phần, tầng lớp. Con đường vào làng tắc nghẽn ô tô. Vòng hoa rợp ngõ. Cả làng, cả xã trầm trồ trước đám tang hoành tráng, bề thế nhất trong lịch sử. Ai cũng khen bác sướng nhất làng, nhất huyện, nhất tỉnh. Sống sướng, chết cũng sướng. Bõ một kiếp người. Riêng tôi, lúc đứng trước linh cữu thắp nén nhang, nhìn di ảnh bác cười hiền hậu, tai tôi chợt vẳng lên tiếng nói hiền hậu của bác: “Con ơi! Khi nào nhắm mắt xuôi tay mới biết mình sướng hay khổ con ạ”.

Câu nói ấy, sau này, còn vọng trong tâm khảm tôi nhiều lần nữa khi tôi đi tìm hiểu thực tế, lấy tư liệu viết bài về nghi thức hộ niệm cho người hấp hối. Có một thực tế xảy ra ở nhiều nơi là nhiều người hoặc mắc bệnh trọng, hoặc già yếu, nằm liệt giường liệt chiếu nhiều năm đến thối da thối thịt nhưng cứ ngắc ngoải, thoi thóp, không chết được. Nhiều người kêu rên suốt ngày đêm vì đau đớn khiến người thân rất dằn vặt, khổ đau. Tìm hiểu, được biết, phần lớn họ, trong quá khứ đã từng tạo nhiều nghiệp bất thiện. Người có chức sắc, địa vị, khi đương chức thì tham ô, tham nhũng, vơ vét tài sản bất chính. Kẻ buôn bán làm ăn thì dối trá, lọc lừa. Có người làm nghề đồ tể, sát sinh quá nhiều trâu bò, gà, lợn… Cũng có những người bất hiếu với mẹ cha. Và nay họ đang chịu quả báo. Chứng kiến người thân nằm trên giường bệnh thoi thóp, ngắc ngoải mãi, một số gia đình đã mời các sư thầy, các nhóm Phật tử đến nhà tụng kinh, niệm Phật những mong giải trừ nghiệp ác, giúp họ ra đi nhẹ nhàng. Điều kỳ lạ là nhiều người bệnh, chỉ sau một vài lần tụng kinh, họ nhắm mắt xuôi tay với vẻ mặt thanh thản lạ thường. Tận mắt chứng kiến hàng trăm trường hợp kỳ lạ ấy, tôi càng tin vào Nhân quả - nghiệp báo, tin vào Phật pháp nhiệm màu. Song trong tôi cứ dội lên một câu hỏi: sống thọ giống như những người mà tôi vừa kể trên có thực sự là một phước báu? Có thực sự là một giá trị lớn của đời người?

Cho đến một ngày kia, chứng kiến cái chết của một người em thân thiết – một Phật tử thuần thành, tôi đã tìm được câu trả lời. Em tên là Vinh, là kỹ sư tin học, làm quản lý cho một tập đoàn viễn thông quốc tế tại Việt Nam. Năm học lớp 7, em bị bệnh thấp khớp chạy vào tim. Vì thế, sức khỏe em không tốt. Sau này, tìm hiểu kỹ về bệnh, em biết, sự sống của mình không kéo dài được bao lâu. Có thể chết bất kỳ lúc nào. Mặc dầu vậy, em không hề sợ hãi. Gặp em, lúc nào cũng thấy tràn đầy năng lượng tích cực, lạc quan, yêu đời. Có cảm giác, sự sống của em chỉ còn mỗi ngày hôm nay thôi nên bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu yêu thương, em dành tặng hết cho mọi người, cho cuộc sống lúc này. Hàng tuần, từ thứ 2 đến thứ 6, em làm việc cho tập đoàn. Thứ bảy, chủ Nhật, em dành toàn bộ thời gian cho những hoạt động thiện nguyện. Khi thì phóng xe máy về quê hướng dẫn người nông dân cách trồng trọt, chăm sóc rau củ sạch, lúc phóng lên miền núi dạy cho trẻ em dân tộc con chữ rồi vận động bạn bè, người thân quyên góp tiền xây dựng trường học cho các em. Em bảo: “Em rất tâm đắc với câu nói của ngài thượng nghị viện Mỹ Peter Marshall – “Thước đo của đời người không phải thời gian mà là sự cống hiến”. Cống hiến là đóng góp công sức của mình cho xã hội, là góp phần xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Thế giới luôn không đủ, vì vậy, cống hiến của mỗi con người là để lấp đầy những khoảng trống đó để tạo nên những điều giá trị. Nếu ta có trí tuệ hãy dâng tặng trí tuệ, dùng trí tuệ để đưa ra những sáng kiến, phát minh, phát triển khoa học. Nếu ta chỉ có cơ bắp, hãy cống hiến cho lao động để tạo ra những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Việc của chiếc lá là phải xanh vì màu diệp lục kia sẽ tỏa bóng mát cho đời. Xã hội sẽ đẹp hơn nếu ai cũng biết cống hiến”. 

Trong một lần trò chuyện về cái chết, tôi hỏi em: “Vinh có sợ chết không?”. Em cười bảo: “Không”. “Vì sao?”. Vinh bảo: “Em là Phật tử, thực hành thiền định mỗi ngày. Lúc hành thiền, em thường quán chiếu về phép cửu tưởng, tức là chín giai đoạn tan rã của thể xác sau khi chết cho nên em thấy cái chết không hề đáng sợ. Em tin, sống chết đều do nghiệp lực. Nếu nghiệp mình phải chết thì làm cách gì mình cũng chết, xin thêm một phút cũng không được đâu, vì thế, buồn lo làm gì cho sầu khổ. Đời cho em thêm bao nhiêu ngày thì em sống vui bấy nhiêu. Sống vui tươi và yêu thương hết thảy. Có thể em sẽ chết một ngày gần đây nhưng đó chỉ là phần thể xác thôi. Thân thể sẽ về với cát bụi. Còn tâm linh em sẽ sống mãi với bạn bè, mọi người, gia đình, thiên nhiên và vũ trụ bao la”.

Vinh mất trong một chuyến đi làm thiện nguyện xây trường học cho trẻ em ở vùng cao Sơn La. Em mất vì bệnh tim. Đám tang của em rất đông. Hơn 2.000 người đã đến viếng. Ai cũng tiếc thương, cảm phục em. Sau này, đọc những dòng chữ mọi người viết trong sổ tang tiễn biệt em, người ta lại càng cảm phục em hơn bởi em đã âm thầm giúp đỡ biết bao phận người nghèo khó mà nếu họ không viết ra, sẽ chẳng ai biết, ngay cả cha mẹ và những người thân nhất của em. 

Vinh đã rời xa cõi tạm ở tuổi 32 nhưng tôi vẫn nhìn thấy Vinh ở khắp mọi nơi. Tôi thấy Vinh trong những thanh niên xung kích tình nguyện đến với những bản làng xa xôi, hẻo lánh để thực hiện những chương trình từ thiện với mong muốn giảm bớt sự thiếu thốn, nghèo khổ của bà con dân tộc, miền núi. Tôi nhìn thấy Vinh trong hình dáng các y bác sĩ – những thiên thần áo trắng đang ngày đêm căng mình hoạt động trên tuyến đầu chống dịch để đem lại sự sống, bình an cho biết bao người… Chính những người trẻ tuổi sống tận hiến cho đời như Vinh đã giúp tôi thấm thía đến tận cùng lời nói của cố Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: “Sống được bao nhiêu năm không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho đời, cho đạo”.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Lý do nên ăn đậu bắp

Sống an vui 17:02 14/09/2024

Nhiều người không thích đậu bắp vì chất nhớt của loại quả này, nhưng đậu bắp rất tốt cho sức khoẻ đặc biệt là với người bị xương khớp.

Tu tập giúp ta tìm thấy sự bình an trong tâm hồn giữa những cơn bão

Sống an vui 12:30 14/09/2024

Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả như dòng suối nhỏ chảy qua thôn quê, mà đôi khi giống như những cơn bão dữ dội cuốn phăng tất cả những gì trên đường đi của nó.

Vì mẹ thương con

Sống an vui 10:43 14/09/2024

Trong vòng tay yêu thương của mẹ, chúng ta luôn cảm nhận được sự chở che, dịu dàng và bao dung. Tình mẹ, trong ánh nhìn của Phật giáo, không chỉ đơn thuần là sự yêu thương và chăm sóc, mà còn là sự hi sinh vô điều kiện.

Mùi vị của món mỳ nước chay

Sống an vui 09:14 14/09/2024

Mấy năm trước, người bạn A từng theo dõi phim Hàn Quốc một thời gian. Sau khi xem xong Chuyện tình Paris và Tôi là Kim Sam Số, cô hơi rầu rĩ, mất anh chàng Tổng giám đốc bá đạo trong phim Hàn lúc nào cũng phải lòng nàng Lọ Lem.

Xem thêm